Chậm giải ngân vốn nước ngoài

THÀNH CÔNG 02/09/2020 04:51

Tốc độ giải ngân tháng 7, 8 cao hơn so với tháng 6, song tính chung 8 tháng đầu năm vẫn ở mức khá thấp đang đặt ra nhiều áp lực cho việc thực hiện và giải ngân vốn nước ngoài của các dự án sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi. Cùng với nhiều địa phương trong cả nước, Quảng Nam cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Điểm cầu trực tuyến tại Quảng Nam sáng 31.8. Ảnh: T.CÔNG
Điểm cầu trực tuyến tại Quảng Nam sáng 31.8. Ảnh: T.CÔNG

Tỷ lệ giải ngân đạt thấp

Sáng 31.8, Bộ Tài chính chủ trì buổi họp trực tuyến liên quan đến tình hình thực hiện và giải ngân vốn nước ngoài năm 2020 của các dự án sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi. Phát biểu tại buổi họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà thông tin, đến cuối tháng 8, việc thực hiện vốn giải ngân về cấp phát vốn ODA và vay ưu đãi ước đạt 22% so với dự toán được Chính phủ giao, vốn cho vay lại ước đạt 27% so với kế hoạch được giao.

Theo dõi tình hình giải ngân của 8 tháng cho thấy tốc độ giải ngân tháng 7, tháng 8 so với tháng 6 đầu năm đã đạt được kết quả tốt hơn, tốc độ bình quân tăng hơn 16%. Tuy nhiên, so với cùng kỳ của một số năm trước và yêu cầu của công tác quản lý thì tỷ lệ giải ngân ở mức khá thấp, nếu không có biện pháp thúc đẩy, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, khả năng từ nay đến cuối năm tỷ lệ giải ngân sẽ không thể tăng. 

Thứ trưởng Trần Xuân Hà nhấn mạnh, việc thực hiện giải ngân vốn nước ngoài có ý nghĩa quan trọng vì đây là nhân tố thúc đẩy tăng trưởng năm 2020, tạo đà một số năm tiếp theo trong bối cảnh cả nước đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ ngành địa phương, chủ dự án nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình trong giải ngân vốn, đồng thời chỉ đạo nếu các tỉnh, thành phố, địa phương không giải ngân kịp phải có báo cáo để trình Chính phủ có kế hoạch điều chỉnh dự toán, bố trí cho các đơn vị khác có nhu cầu giải ngân cao hơn.

Do tính chất của nguồn vốn, khoản vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài đều căn cứ vào hiệp định vay. Các hiệp định này có thời hạn thực hiện dự án và thời hạn giải ngân, nếu không đảm bảo theo hiệp định và không được gia hạn phải hủy vốn. Việc hủy vốn phải chịu phí cam kết nên ảnh hưởng đến chất lượng hiệu quả đầu tư công, hiệu quả sử dụng vốn vay. Năm 2020 là năm cuối cùng của giai đoạn 5 năm, rất quan trọng vì sẽ là căn cứ để xây dựng kế hoạch tài chính ngân sách 5 năm tiếp theo và dự toán 2021. Tỷ lệ giải ngân đạt thấp ảnh hưởng ngay đến cân đối chi của các tỉnh, thành phố cũng như cân đối ngân sách chung của cả nước.

Nhiều vướng mắc

Báo cáo của Sở Kế hoạch và đầu tư cho biết, tổng vốn nước ngoài năm 2020 của các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi trên địa bàn tỉnh là hơn 1.800 tỷ đồng, trong đó vốn nước ngoài ngân sách Trung ương cấp phát hơn 1.166 tỷ đồng, vốn tỉnh vay lại hơn 641 tỷ đồng. Tính đến ngày 30.8, tổng vốn nước ngoài giải ngân được chỉ mới đạt 25,4% với gần 460 tỷ đồng, trong đó kế hoạch vốn năm 2019 kéo dài hơn 200 tỷ đồng (67,1%), vốn tỉnh vay lại 118 tỷ đồng (đạt 18,4%).

Nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực hiện và giải ngân các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài trên địa bàn tỉnh cũng được mổ xẻ tại cuộc họp. Theo ông Đặng Phong - Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư, việc thực hiện một số dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài hiện còn bất cập.

Cụ thể, công tác phê duyệt nhiệm vụ, dự toán chuẩn bị đầu tư kéo dài đối với dự án chống xói lở và bảo vệ bờ biển Hội An; điều chỉnh dự án so với thiết kế ban đầu đối với dự án cải thiện môi trường đô thị Chu Lai - Núi Thành; chương trình phát triển giáo dục trung học giai đoạn 2 với Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông.

Ngoài ra, việc bồi thường, giải phóng mặt bằng gặp vướng mắc tại dự án hồ chứa nước Lộc Đại, sửa chữa và nâng cao an toàn đập - WB8; ký kết hiệp định với nhà tài trợ tại dự án liên kết vùng miền Trung và thời gian cấp ý kiến không phản đối của nhà tài trợ tại dự án nâng cao năng lực y tế tỉnh trễ; lựa chọn nhà thầu nước ngoài và gia hạn thời gian giải ngân chậm tại dự án hệ thống thoát nước và vệ sinh môi trường khu đô thị Núi Thành… dẫn đến thời gian hoàn thành các dự án thường kéo dài hơn so với hiệp định được ký kết.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các dự án có yếu tố gắn với nước ngoài như nhập khẩu máy móc, thiết bị, huy động chuyên gia, nhà thầu, tư vấn nước ngoài, công tác thi công thực hiện dự án… bị ảnh hưởng lớn làm chậm tiến độ giải ngân nguồn vốn nước ngoài.

Ông Nguyễn Hoàng Thanh - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư cho hay, các vấn đề liên quan đến việc chậm giải ngân tại các dự án đã đề cập hiện nay đã cơ bản được xử lý.

“Qua rà soát với các chủ đầu tư, Sở Kế hoạch và đầu tư đã tham mưu UBND tỉnh hoàn trả Trung ương hơn 789 tỷ đồng kế hoạch vốn nước ngoài năm 2020 do một số dự án không thể giải ngân hết trong năm 2020. Dự kiến tỷ lệ giải ngân vốn nước ngoài năm 2020 đến hết ngày 30.9 ước đạt khoảng 60,4%, trong đó vốn nước ngoài ngân sách Trung ương cấp phát đạt 57% và vốn tỉnh vay lại đạt 73,9%. Quảng Nam đề nghị Bộ Tài chính làm việc với các nhà tài trợ sớm có văn bản không phản đối các thủ tục điều chỉnh dự án, lựa chọn nhà thầu cho dự án đối với các dự án ODA có tỷ lệ giải ngân thấp do liên quan đến các thủ tục với nhà tài trợ nước ngoài” - ông Thanh nói.

THÀNH CÔNG