EVFTA và cơ hội cho doanh nghiệp

TRUNG LỘ 11/06/2020 09:43

Ngày 8.6, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã chính thức phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) với 457/457 đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, mở ra trang mới - trang lịch sử có ý nghĩa quan trọng trong quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam - EU. Đây được xem là tuyến “cao tốc”  EVFTA,  không chỉ tạo ra cơ hội cho hàng hóa của Việt Nam tiến vào thị trường EU mà còn mở ra cánh cửa lớn cho việc định vị thương hiệu Việt trên thị trường quốc tế.

DN dệt may muốn tham gia sâu vào chuỗi giá trị hàng hóa hưởng lợi từ EVFTA phải chuẩn hóa quy trình sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất, lao động, xuất xứ, nguyên phụ liệu. Ảnh: Đ.H
DN dệt may muốn tham gia sâu vào chuỗi giá trị hàng hóa hưởng lợi từ EVFTA phải chuẩn hóa quy trình sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất, lao động, xuất xứ, nguyên phụ liệu. Ảnh: Đ.H

Cơ hội phát triển

EU là thị trường rộng và hấp dẫn gồm 27 nước thành viên, dân số khoảng 500 triệu người, GDP chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và sức mua theo đầu người khoảng 32.700 USD/năm. Theo bà Nguyễn Thị Hồng Ngọc - Phó Giám đốc VCCI tại Đà Nẵng, trong bối cảnh dịch Covid-19 làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu, việc thông qua EVFTA sẽ có những tác động tích cực đến Việt Nam trong thiết lập các chuỗi cung ứng mới với EU, giúp nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng tốt, bù đắp được những thiệt hại do dịch bệnh gây ra. EVFTA sẽ tạo “cú hích” lớn cho xuất khẩu của Việt Nam sang EU, đặc biệt là với các mặt hàng Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh như dệt may, da giày, đồ gỗ… Khi muốn tham gia vào chuỗi giá trị hàng hóa hưởng lợi từ EVFTA, các doanh nghiệp (DN) phải chuẩn hóa quy trình sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất, lao động, xuất xứ, nguyên phụ liệu… EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế (70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU). Sau 7 năm, 99,2% số dòng thuế (99,7% kim ngạch xuất khẩu) sẽ được xóa bỏ thuế. Với 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu 0%.

Riêng đối với ngành dệt may, muốn hưởng lợi từ EVFTA, các DN dệt may phải đáp ứng yêu cầu từ công đoạn vải trở đi. Ông Nguyễn Đức Trị - Giám đốc Công ty Dệt may Hòa Thọ nói, khi EVFTA có hiệu lực sẽ mở ra cơ hội cho các DN dệt may Việt Nam tiếp cận thị trường, tăng tính cạnh tranh, tăng sự thu hút đầu tư cho ngành công nghiệp phụ trợ, đặc biệt là các công nghiệp dệt, nhuộm, từng bước giải quyết nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho ngành dệt may. Đây là cơ hội để thúc đẩy hình thành chuỗi sản xuất khép kín của ngành để được hưởng ưu đãi về thuế quan và hình thành chuỗi cung ứng mới thay thế chuỗi cung ứng truyền thống trước đây và các DN dệt may trong nước thật sự có điều kiện được tiếp cận với công nghệ, kỹ thuật chất lượng cao từ các nước EU, qua đó để nâng cao năng suất và cải thiện chất lượng sản phẩm.

Ông Phan Đức Tú - Giám đốc Công ty TNHH May mặc Mỹ Hưng - Phú Thịnh (Phú Ninh) cho biết, ước tính hiện nay cả nước chỉ có khoảng 30% số DN đáp ứng được các yêu cầu về xuất xứ để hưởng ưu đãi. Đây là những DN sử dụng nguồn nguyên phụ liệu được sản xuất tại Việt Nam hoặc nhập khẩu từ những nước thuộc khu vực ASEAN, có ký kết các hiệp định thương mại với EU; còn đến 70% DN có nguồn nguyên phụ liệu nhập từ Trung Quốc là chưa đáp ứng được. Bên cạnh đó, EU cũng là thị trường rất khó tính, có yêu cầu cao về chất lượng, với các quy định nghiêm ngặt về lao động, môi trường,… mà không phải DN Việt Nam nào cũng có thể đáp ứng được.

Nhiều thách thức

EVFTA chính thức có hiệu lực, đồng nghĩa với các DN xuất nhập khẩu sẽ được hưởng lợi về thuế quan khi xuất, nhập khẩu hàng hóa từ các nước EU và đây là cơ hội để hàng hóa của DN ở Quảng Nam hội nhập sâu vào thị trường cao cấp, đầy tiềm năng, đặc biệt là đối với các mặt hàng có thế mạnh của tỉnh như các ngành dệt may, nông sản, thủy hải sản… Hàng hóa xuất khẩu của Quảng Nam thời gian qua đã vươn tới hầu hết thị trường trên thế giới, nhiều sản phẩm dần có chỗ đứng và khả năng cạnh tranh trên nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng, trong đó có EU. Tuy nhiên, để tận dụng được các lợi thế về thuế suất ưu đãi cũng như nhiều lợi thế khác, các DN trên địa bàn của tỉnh phải đáp ứng được những tiêu chuẩn, rào cản kỹ thuật khắt khe của thị trường châu Âu.

Bên cạnh những cơ hội, EVFTA cũng đặt ra cho các DN dệt may trước hàng loạt thách thức, trở ngại lớn khi muốn tham gia sâu vào chuỗi giá trị hàng hóa, trong đó có vấn đề chuẩn hóa quy trình sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất, lao động, xuất xứ, nguyên phụ liệu… Trong khi đó, DN dệt may trên địa bàn Quảng Nam chủ yếu là DN có quy mô vốn nhỏ, sản xuất gia công là chủ yếu cho nên khó có điều kiện huy động nguồn vốn quá lớn trong cùng một lúc để đầu tư nâng cấp, đổi mới thiết bị máy móc với công nghệ hiện đại. Và chỉ khi nào DN chủ động tham gia vào các công đoạn tạo ra giá trị gia tăng cao, phải tự sản xuất từ công đoạn vải trở đi mới được hưởng lợi thực sự từ EVFTA mang lại. Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công Thương nói, thời gian tới đơn vị sẽ chủ động tuyên truyền các ý nghĩa của hiệp định EVFTA giúp DN hiểu rõ hơn về vấn đề. Sở cũng sẽ tổ chức các buổi làm việc, đưa ra các vấn đề về cơ hội và thách thức cho DN trong việc tham gia EVFTA để thảo luận; chủ động trong việc giúp DN nhỏ và vừa tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, đưa sản phẩm thế mạnh địa phương đến rộng hơn với thị trường quốc tế.

TRUNG LỘ