Cửa khẩu Nam Giang - Đắc Tà Ọoc: Hai mươi năm nhìn lại
Qua 20 năm đưa vào hoạt động, đến nay cửa khẩu Nam Giang - Đắc Tà Ọoc không như kỳ vọng và cần những giải pháp kịp thời, cụ thể để tạo bước đột phá trong thời gian tới.
Tỉnh Quảng Nam và Sê Kông (Lào) có đường biên giới dài hơn 140km. Đặc biệt, khu vực biên giới nằm trên tuyến quốc lộ 14D của Việt Nam, quốc lộ 16B của Lào và hành lang kinh tế Đông - Tây, có vai trò chiến lược về quốc phòng, an ninh, kinh tế - xã hội giữa 2 nước Việt - Lào. Vì vậy, từ tháng 5.1999, Chính phủ Việt Nam và Lào đã cho mở cửa khẩu phụ và đến tháng 2.2006, mở cửa khẩu chính Nam Giang - Đắc Tà Ọoc.
Theo tính toán, cửa khẩu này tạo ra con đường ngắn nhất từ khu vực Nam Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan đến cảng Đà Nẵng, các khu kinh tế của Việt Nam như Khu kinh tế mở Chu Lai, Khu kinh tế Dung Quất, Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, đến tam giác du lịch của miền Trung Việt Nam là Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế… Tuy nhiên, qua 20 năm đưa vào hoạt động, đến nay cửa khẩu Nam Giang - Đắc Tà Ọoc không như kỳ vọng và cần những giải pháp kịp thời, cụ thể để tạo bước đột phá trong thời gian tới.
Không như kỳ vọng
Hơn 10 năm trước, Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK) Nam Giang, tỉnh Quảng Nam đến năm 2025. Khu này bao gồm 2 xã Chàl Val và La Dêê thuộc huyện Nam Giang với tổng diện tích tự nhiên 31.060ha.
Không gian xây dựng được chia làm 3 tiểu khu. Tiểu khu I: Khu vực cửa khẩu Nam Giang, diện tích khoảng 30ha. Chức năng chủ yếu là khu kiểm soát và khu thương mại dịch vụ. Tiểu khu II: Khu vực xã Chàl Vàl, quy mô khoảng 630ha. Chức năng chính là khu đô thị, các khu phi thuế quan, khu công nghiệp, các trung tâm thương mại, hành chính công cộng, các cụm dân cư nông thôn… Tiểu khu III: Khu vực xã La Dêê, diện tích khoảng 56ha. Chức năng chính là trung tâm hành chính, các khu nhà ở, thương mại dịch vụ, các cụm dân cư nông thôn.
UBND tỉnh đã phê duyệt và triển khai xây dựng các công trình tại khu vực cửa khẩu để phục vụ quản lý, kiểm soát và tạo mặt bằng để thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn đầu tư hơn 935 tỷ đồng...
Tại khu vực cửa khẩu Nam Giang - Đắc Tà Ọoc, đã xây dựng hoàn thành các công trình: Cổng cửa khẩu, trạm kiểm soát liên hợp cửa khẩu, hệ thống cấp nước, nhà công vụ, trụ sở Chi cục Hải quan, trạm biên phòng, viễn thông, giao thông, điện chiếu sáng tại Tiểu khu I. Khu vực dự kiến xây dựng các công trình thương mại khu vực cửa khẩu, tuy đã tạo mặt bằng nhưng chưa có dự án đầu tư lớn. Hiện mới có 2 công ty và 2 hộ kinh doanh hoạt động kinh doanh nhà nghỉ, buôn bán tạp hóa phục vụ nhân dân qua lại hai bên cửa khẩu mua sắm đồ tiêu dùng thiết yếu phục vụ sinh hoạt hằng ngày.
Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, trong những năm trước đây, nhất là từ sau khi mở cửa khẩu Nam Giang - Đắc Tà Ọoc, các cơ quan chức năng đã cho thực hiện công tác nhập khẩu hàng hóa, chủ yếu là gỗ từ Lào về Việt Nam, đồng thời xuất khẩu hàng hóa của một số đơn vị phục vụ cho công trình nhà máy thủy điện Sê Ka Mán 3 (Lào); kiểm soát xuất nhập cảnh của cán bộ và nhân dân qua cửa khẩu.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Chính phủ Lào đã cho ngừng xuất khẩu gỗ rừng tự nhiên, việc xây dựng thủy điện Sê Ka Mán 3 cũng đã kết thúc; hiện nay, số lượng xe hàng ngày sang cửa khẩu khoảng 4 - 5 chiếc, khách đi du lịch cũng ít. Vì thế, từ năm 2015 trở lại đây, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu sụt giảm, nên thu nộp ngân sách cũng giảm theo (năm 2015, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua cử khẩu này đạt 43.756.488USD, năm 2016: 40.195.064USD, năm 2017: 9.157.596USD và năm 2018 chỉ còn 6.779.710USD). Như vậy, việc xây dựng và phát triển KKTCK Nam Giang - Đắc Tà Ọoc đã không đạt được những ước vọng của tỉnh, cũng như mục tiêu quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ.
Cần giải pháp hiệu quả
Để tạo động lực phát triển cho cửa khẩu Nam Giang - Đắc Tà Ọoc, về chiến lược phát triển, cần tiếp tục quán triệt quan điểm phát triển kinh tế cửa khẩu và KKTCK bền vững gắn liền với việc xây dựng và phát triển mối quan hệ chính trị hữu nghị, ổn định, bền vững giữa nước ta với các nước láng giềng, tăng cường hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư trong và ngoài nước qua các KKTCK. Đối với tỉnh Quảng Nam, cần tranh thủ các nguồn lực để tiếp tục xây dựng và phát triển KKTCK Nam Giang - Đắc Tà Ọoc nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội miền tây của tỉnh nói chung, vùng đồng bào dân tộc Cơ Tu nói riêng.
Tháng 3.2019, lãnh đạo 2 tỉnh Quảng Nam và Sê Kông đã thống nhất đề xuất với Chính phủ 2 nước nâng cửa khẩu Nam Giang - Đắc Tà Ọoc lên cửa khẩu quốc tế, nhưng cho đến nay, chưa có quyết định chính thức. Việc nâng cấp lên cửa khẩu quốc tế là cần thiết, mang tính chiến lược. Tuy nhiên, để làm được việc đó, cần tiếp tục đề nghị Chính phủ 2 nước về việc xây dựng và phát triển KKTCK Nam Giang - Đắc Tà Ọoc phải nằm trong chiến lược phát triển miền Trung Việt Nam cũng như vùng Nam Lào.
Đồng thời, phải gắn với hợp tác phát triển có hiệu quả trong quy hoạch phát triển hành lang kinh tế Đông - Tây, hợp tác phát triển trong Tiểu khu vực Mê Kông mở rộng cũng như hợp tác song phương Việt Nam - Lào, Quảng Nam - Sê Kông. Hai Chính phủ phải có cơ chế, chính sách nhằm đầu tư đồng bộ, nhất là hạ tầng kinh tế - xã hội tại vùng này, mới có thể hình thành và phát triển KKTCK Nam Giang - Đắc Tà Ọoc trong thời gian đến.
Tiếp tục xây dựng, phát triển hạ tầng và xúc tiến đầu tư, mà trước mắt là đề nghị 2 Chính phủ ưu tiên đầu tư nâng cấp quốc lộ 14D phía Việt Nam và thúc đẩy phía Sê Kông xây dựng hoàn chỉnh quốc lộ 16B kết nối tỉnh lỵ Sê Kông đến cửa khẩu và thông suốt với vùng Đông Bắc Thái Lan, đồng thời hoàn chỉnh hạ tầng khác như điện, nước, thông tin, kho bãi… Điều kiện tiên quyết là phát phát triển kinh tế khu vực miền núi của tỉnh Quảng Nam nói chung, các huyện Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang nói riêng và liên kết kinh tế trong khu vực miền Trung, hành lang kinh tế Đông - Tây…, mới có thể phát triển KKTCK được. Vì vậy, cùng với xây dựng hạ tầng, 2 tỉnh cần phối hợp xúc tiến đầu tư phát triển nông - lâm nghiệp, công nghiệp và dịch vụ vùng tây Quảng Nam, đông Sê Kông, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để xúc tiến xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ qua cửa khẩu Nam Giang - Đắc Tà Ọoc.
Một vấn đề lớn đặt ra là tại các huyện vùng biên giới giữa Quảng Nam (Nam Giang, Tây Giang) và Sê Kông (Đắc Chưng, Kà Lừm), hộ nghèo còn chiếm tỷ lệ cao, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo khu vực miền núi của tỉnh Quảng Nam chiếm 30,19%, trong đó hộ nghèo là người dân tộc thiểu số chiếm đến 49,66%. Vì vậy, việc giải quyết giảm nghèo, vươn lên làm giàu của đồng bào dân tộc thiểu số phải song hành với xây dựng, phát triển KKTCK Nam Giang - Đắc Tà Ọoc và cửa khẩu Tây Giang - Kà Lừm trong thời gian đến...