Phát triển bền vững các cụm công nghiệp
Quan điểm phát triển cụm công nghiệp (CCN) của Quảng Nam là phát huy, sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhằm tăng trưởng sản xuất công nghiệp với tốc độ nhanh, hiệu quả cao, bền vững.
Thu hút đầu tư
Quảng Nam hiện có 57 CCN được phê duyệt quy hoạch chi tiết, trong đó, có 51 CCN đã hoạt động với diện tích hơn 1.194ha. Trong đó, các CCN trên địa bàn tỉnh đã thu hút 258 dự án đăng ký đầu tư với tổng diện tích đất thuê 595,14ha, tổng vốn đầu tư đăng ký theo dự án hơn 13.279 tỷ đồng. Trong số đó, có 224 dự án đã thực hiện đầu tư với tổng vốn hơn 6.425 tỷ đồng. Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công Thương cho biết, Quảng Nam đã thực hiện đồng bộ các giải pháp về cải cách thủ tục hành chính, sử dụng hiệu quả chính sách hỗ trợ của Trung ương và ban hành nhiều chính sách phù hợp để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các CCN. Tỉnh đã nâng cao chất lượng kiểm định, thẩm định năng lực của nhà đầu tư, đặc biệt là năng lực tài chính trong triển khai dự án. Đặc biệt, nhà đầu tư bắt buộc phải ký quỹ để đảm bảo thực hiện dự án đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư năm 2014. Thậm chí, khi nhà đầu tư đã ký quỹ mà không triển khai theo tiến độ cam kết sẽ phải chấm dứt hoạt động của dự án. Cùng với đó, tỉnh xây dựng hàng loạt chương trình xúc tiến đầu tư để mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực tiềm năng và thế mạnh của tỉnh như công nghiệp hỗ trợ, chế biến nông - lâm - thủy sản, vật liệu xây dựng, trồng và chế biến nông sản... Những dự án được triển khai thực hiện đã góp phần tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, khai phóng tiềm năng, tăng thu nhập cho người lao động - ông Thử nói.
Việc hình thành và phát triển các CCN trong thời gian qua đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho doanh nghiệp và địa phương, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Ông Nguyễn Thanh Quang - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, trong những năm qua, doanh nghiệp đầu tư sản xuất tại các CCN đã có nhiều đóng góp trong phát triển kinh tế - xã hội chung của toàn tỉnh. Giá trị sản xuất, thuế và khoản nộp ngân sách nhà nước tăng đều qua các năm. “Hàng loạt giải pháp thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các CCN đã được đưa ra và thực hiện tốt. Đó là hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, đổi mới phương thức và cơ chế xúc tiến đầu tư, hoàn thiện hạ tầng ở các CCN, tăng cường công tác quản lý và hỗ trợ doanh nghiệp sau khi cấp phép đầu tư” - ông Quang cho hay.
Quy hoạch để phát triển
Quảng Nam nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, cơ cấu kinh tế đang chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ. Theo quy hoạch, Quảng Nam sẽ có 92 CCN với tổng diện tích hơn 2.613ha. Dự kiến đến năm 2025, các CCN đạt tỷ lệ lấp đầy bình quân 75% và lấp đầy bình quân 90% vào năm 2035. Giá trị sản xuất công nghiệp tại các CCN đến năm 2025 có tỷ trọng 25% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, tương ứng với 30 nghìn tỷ đồng và đạt 35 nghìn tỷ đồng vào năm 2035. Các CCN sẽ góp phần giải quyết việc làm khoảng 35 nghìn lao động.
Trong quá trình phát triển, bên cạnh kết quả tích cực, ở các CCN cũng đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục để tiếp tục hoạt động theo đúng định hướng, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao hơn. Cụ thể, cơ sở hạ tầng của phần lớn các CCN gồm giao thông nội bộ, cây xanh, công trình xử lý rác thải, nước thải... hầu hết chưa được đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh. Đặc biệt, chỉ 3 CCN có trạm xử lý nước thải tập trung là CCN Hà Lam - Chợ Được (Thăng Bình), CCN Trảng Tôn (Núi Thành) và CCN Trường Xuân (Tam Kỳ) nhưng chưa hoạt động. Bên cạnh đó, công tác quản lý đầu tư xây dựng hạ tầng ở các CCN còn nhiều bất cập. Việc tồn tại các mô hình chủ đầu tư hạ tầng CCN chưa phù hợp với vận hành CCN đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các CCN. Công tác phối hợp quản lý nhà nước về CCN chưa tốt, nhiều đầu mối, dẫn tới quản lý nhà nước về CCN đạt hiệu quả chưa cao. Trong khi đó, công tác thanh tra, kiểm tra các CCN còn chồng chéo, chưa đạt hiệu quả.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn, quyết định phê duyệt quy hoạch các CCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, có xét đến năm 2035, nhằm giải quyết các tồn tại trước đây, tạo động lực phát triển, sớm đưa Quảng Nam thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Quan điểm của tỉnh là phát triển các CCN có trọng điểm trên cơ sở đảm bảo cân đối, hài hòa giữa các ngành công nghiệp, giữa các địa phương, khai thác tối đa tiềm năng của các huyện, thị xã, thành phố. “Phát triển các CCN tại Quảng Nam phải đi đôi với công tác bảo vệ môi trường. Phát triển các CCN nhanh đi đôi với bền vững” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn nói. Theo đó, Quảng Nam nâng cao chất lượng công tác quy hoạch chi tiết, tăng cường quản lý quy hoạch và đầu tư xây dựng. Tỉnh đảm bảo các điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và thu hút đầu tư lấp đầy các CCN.
Bảo vệ môi trường và ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ là 2 nội dung quan trọng trong triển khai quy hoạch phát triển các CCN trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến. Về bảo vệ môi trường, các nhà đầu tư hạ tầng ở các CCN bắt buộc phải thiết kế và trình thẩm định hệ thống thu gom và xử lý nước thải, xây dựng hệ thống này đồng bộ với kết cấu hạ tầng các CCN, vận hành hệ thống ngay trước khi CCN lấp đầy 30 - 35% diện tích đất công nghiệp. Quảng Nam khuyến khích doanh nghiệp nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật để cải tiến mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng hàng hóa, sản phẩm, tăng năng suất, tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu chất thải, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.