Thu hút doanh nghiệp Hàn Quốc vào Quảng Nam: Gửi niềm tin kinh doanh
Sau nhiều cuộc xúc tiến đầu tư, Quảng Nam thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc. Hiện Hàn Quốc là quốc gia đứng hàng đầu về số lượng dự án đầu tư FDI tại Quảng Nam.
“Cứ điểm” của doanh nghiệp Hàn Quốc
Sau một thời gian tìm hiểu, Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc) đã quyết định khởi công xây dựng giai đoạn 1 dự án sản xuất sợi vải mành, sợi ny lon và sợi thép với tổng giá trị đầu tư 210 triệu USD trên 13ha trong tổng giá trị đầu tư dự án hơn 1,3 tỷ USD trên diện tích 100ha ngay trong tháng 12.2018 tại Khu công nghiệp Tam Thăng. Tốc độ xây dựng dự án nhanh đến bất ngờ, chỉ sau 10 tháng xây dựng. Hiện gần như toàn bộ nhà máy của dự án này đã xây dựng xong. Ông Nguyễn Văn Chúng – Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Chu Lai cho biết, dự án này sẽ chính thức đi vào sản xuất vào tháng 2.2020.
Hyosung góp thêm phần sinh động cho môi trường đầu tư tại khu công nghiệp “chuyên đề” dệt may Tam Thăng. Trong khi nhiều khu công nghiệp mở ra “đợi” nhà đầu tư thì Khu công nghiệp Tam Thăng đạt rất nhiều kỷ lục, từ số lượng dự án đến nhà máy xử lý nước thải (28.000m3/ngày đêm), nước tái chế (26.000m3/ngày đêm) cũng do các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư xây dựng. Ngày 24.3.2015 khởi động dự án Khu công nghiệp Tam Thăng thì 4 tháng sau, Hiệp hội Dệt may Hàn Quốc với hơn 6.000 doanh nghiệp thành viên đã chọn khu công nghiệp này để đầu tư dự án. Nhà máy dệt may Panko (70 triệu USD của Tập đoàn Panko), nhà máy dệt, phụ liệu Ducksan Vina (10 triệu USD của Công ty Ducksan Enterprise) đã “mở hàng” cho khu công nghiệp này.
Chủ tịch Panko Choi young Joo cho biết, Panko là tập đoàn dệt may khép kín khởi nghiệp từ năm 1984, đã đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam, Trung Quốc và Myanmar, chọn Quảng Nam sau khi đầu tư tại Bình Dương. “Panko đã xem xét rất nhiều vùng đất đầy tiềm năng khác, nhưng Quảng Nam hội tụ đầy đủ các điều kiện, tiềm năng để phát triển nền công nghiệp vững mạnh, lâu dài nên đã quyết định đầu tư. Không chỉ nhà máy dệt may, Panko còn có kế hoạch xây dựng khu phức hợp dịch vụ thương mại, giáo dục – đào tạo, thể thao, các dự án khác tại khu dân cư lân cận Khu công nghiệp Tam Thăng và cả nông nghiệp công nghệ cao” – ông Choi young Joo nói.
Sự xuất hiện của “con sếu đầu đàn” Panko đã kéo theo sự “đổ bộ” ồ ạt của các doanh nghiệp dệt may Hàn Quốc, đến nỗi chủ đầu tư Khu công nghiệp Tam Thăng buộc phải từ chối, chỉ tiếp nhận các dự án nguyên phụ liệu ngành may. Các doanh nghiệp Hàn Quốc đã đưa Khu công nghiệp Tam Thăng trở thành thương hiệu quốc tế, hấp dẫn cả những nhà đầu tư được cho là khó tính đến đặt nhà máy. Theo ông Nguyễn Văn Chúng, hiện Khu công nghiệp Tam Thăng có 23 dự án đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 510 triệu USD và 338,6 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 10.000 lao động (130 người nước ngoài), nhưng chỉ có 2 dự án của Đức, 2 dự án của Việt Nam, còn lại tất cả là của doanh nghiệp Hàn Quốc. Khu công nghiệp Tam Thăng trở thành “cứ điểm” về công nghiệp dệt may của doanh nghiệp Hàn Quốc.
Chọn đất gửi niềm tin kinh doanh
Không chỉ ở Tam Thăng, số lượng doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Quảng Nam được cho là nhiều nhất trong số hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án FDI tại địa phương. Các nhà đầu tư Hàn Quốc trải rộng trên bản đồ đầu tư địa phương, từ dệt may, túi vải, lều bạt đến hàng nông sản, y tế… Những cái tên như Shin Chang Vina (sản xuất và gia công trang thiết bị y tế), YS VINA (gia công hàng may mặc xuất khẩu, sản xuất trang phục), Sedo Vinako (sản xuất dụng cụ cắm trại, lều và các sản phẩm may mặc), Rio Quảng Nam (sản xuất sợi chỉ), One Woo (sản xuất hàng may mặc), Seo Nam (kinh doanh và điều hành nhà máy chế biến thủy hải sản), Woochang Việt Nam (đầu tư, quản lý và điều hành kinh doanh may xuất khẩu), Hutecs Vina (sản xuất thuốc và thực phẩm chức năng), Gift by Design (in ấn và sản xuất túi giấy), Narae (sản xuất, chế biến nông phẩm và phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch)… không còn xa lạ trên thị trường xuất khẩu hay nội địa. Sản lượng hàng dệt may, túi xách, lều bạt thời trang từ Quảng Nam xuất khẩu ra thế giới chủ yếu từ các doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư tại Quảng Nam.
Một dự án của Công ty TNHH C&N Vina Tam Anh – Hàn Quốc cũng đang có tham vọng đầu tư xây dựng một Khu công nghiệp Tam Anh – Hàn Quốc với tổng vốn đầu tư hơn 525 tỷ đồng, hướng đến một thành phố công nghiệp - đô thị - dịch vụ tổng hợp, công nghiệp dệt, nhuộm, may, thời trang và phụ kiện mang đậm nét văn hóa Hàn Quốc tại vùng nam Quảng Nam. Ông Byung-Tae,Kim – Giám đốc Sedo Vinako ở Đông Yên (xã Duy Trinh, Duy Xuyên) – doanh nghiệp Hàn Quốc, xuất khẩu 100% mặt hàng lều, bạt, túi xách… thu hút khoảng 3.000 công nhân, cho biết sau 6 năm đầu tư, doanh nghiệp đã quyết định mở rộng một dự án khác 3,2ha tại địa phương và một dự án khoảng 7,7ha tại khu vực khác, khi địa phương có nhân lực phong phú và sự hỗ trợ tốt nhất của chính quyền cho công ty trong sản xuất và mở rộng diện tích đầu tư.
Thành công của các doanh nghiệp Hàn Quốc đi trước tại địa phương đã trở thành lực hấp dẫn thu hút các doanh nghiệp từ xứ sở kim chi đến xúc tiến, tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Quảng Nam. Theo thống kê của Sở KH&ĐT, chỉ 2 năm gần đây, sau những cuộc xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc và một cuộc gặp gỡ các nhà đầu tư Hàn Quốc tại Chu Lai hồi tháng 12.2017, từ 31 dự án (tháng 12.2017) với 250 triệu USD vốn đăng ký đầu tư, đến tháng 10.2019 đã có 54 dự án với tổng vốn đăng ký 570 triệu USD, giải quyết hơn 25.000 lao động. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn cho biết, khi các địa phương cạnh tranh thu hút FDI thì việc Quảng Nam được các nhà đầu tư tiềm năng Hàn Quốc lựa chọn là nhờ sự năng động, linh hoạt vận dụng cơ chế chính sách thu hút phù hợp, huy động mọi nguồn lực xây dựng một môi trường đầu tư lành mạnh, cạnh tranh. Quảng Nam sẵn sàng mở cửa đón các nhà đầu tư Hàn Quốc đến làm ăn và hình thành nên một cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc tại địa phương.