Hội An cần cơ chế đặc thù

VĨNH LỘC 17/10/2019 11:53

Là thành phố di sản; một trung tâm du lịch của Quảng Nam và khu vực, tuy nhiên chỉ là đơn vị hành chính cấp huyện, TP.Hội An gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình điều hành quản lý.

Hội An cần cơ chế đặc thù để phát triển. Ảnh: V.L
Hội An cần cơ chế đặc thù để phát triển. Ảnh: V.L

Bó buộc

Theo ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, hiện địa phương đối diện với 3 thách thức. Thứ nhất, áp lực khách tăng quá “nóng” dẫn tới những ách tắc về giao thông do lượng xe cộ nhiều. Thứ hai, áp lực về môi trường, rác thải phát sinh quá nhanh, trong khi việc xử lý tại chỗ không đáp ứng nhu cầu. Thứ ba, cơ sở hạ tầng xuống cấp và biến đổi về chủ sở hữu trong khu phố cổ. “Trước đây, để quản lý phố cổ, Hội An đã ban hành rất nhiều quy chế nhưng từ ngày Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới ra đời thì cấp huyện, cấp thành phố không còn được ban hành văn bản quy phạm nên các văn bản đương nhiên hết hiệu lực. Chưa kể, một số văn bản của trung ương quy định khiến mình bị bó buộc, nên bây giờ, thành phố phải tập hợp hết văn bản lại, từ quản lý trùng tu di sản đến xử lý tình trạng kinh doanh thương mại trong khu phố cổ trình tỉnh để có quy chế mới, nhưng hiện tại tỉnh chưa ban hành nên thành phố rất khó quản lý” - ông Sơn cho biết.

Ông Võ Đăng Phong – Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An thừa nhận, một trong những cái vướng của việc quản lý bảo tồn di sản hiện nay chính là những quy định về thẩm định hồ sơ tu bổ di tích của Bộ Xây dựng và Bộ VH-TT&DL. Theo đó, một số di tích cấp 1 hoặc đặc biệt khi xuống cấp, muốn tu bổ sửa chữa phải mang hồ sơ ra Hà Nội thẩm định, thủ tục trình tự phức tạp, dẫn đến tình trạng nhiều nhà cửa xuống cấp nhưng phải chờ đợi ý kiến của các bộ ngành liên quan, chưa kể không phải người dân nào cũng có điều kiện ra Hà Nội xin phép. Khu phố cổ Hội An hiện có hơn 1.130 di tích kiến trúc, bình quân mỗi năm có khoảng 20 tỷ đồng được chi cho công tác trùng tu. “Đã đến lúc Hội An cần có một cơ chế đặc thù trong quản lý di tích, nhất là trong công tác trùng tu kiến trúc nhà cổ. Bởi, nhiều công trình quy mô nhỏ không cần thiết phải ra Hà Nội để thẩm định hồ sơ, nhưng theo quy định mình phải làm. Chưa kể, nguồn vật liệu thay thế như gỗ cũng bị vướng do những quy định về định mức giá gỗ khác xa với thị trường. Vì vậy việc tạo cho Hội An cơ chế đặc thù sẽ giúp công tác tu bổ di tích được chủ động hơn về nguồn kinh phí, vật tư, vật liệu, như hiện nay mình đang vướng rất nhiều” - ông Phong chia sẻ.

Triển vọng cơ chế đặc thù

Thực tế, thời gian qua TP.Hội An đã xây dựng xong nội dung cơ chế đặc thù trình UBND tỉnh gửi Bộ KH&ĐT thẩm định, hiện Bộ KH&ĐT đã gửi sang Văn phòng Chính phủ chờ phê duyệt. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Sơn, do một số nội dung thẩm định vẫn chưa đạt yêu cầu nên Trung ương đề nghị thành phố giải trình thêm và thành phố đang tiếp tục bổ sung hoàn chỉnh để trình lại. “Sắp đến Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam sẽ chủ trì một hội nghị làm việc với các bộ, ngành có liên quan cùng UBND tỉnh và TP.Hội An xem xét hoàn chỉnh lại cơ chế đặc thù. Nếu như không ban hành được cơ chế đặc thù như Đà Lạt thì sẽ có một quyết định cao hơn thẩm quyền của cấp huyện để địa phương giải quyết những vấn đề mà Hội An đang đối diện nhằm tạo điều kiện cho Hội An phát triển” - ông Sơn nói.

Cũng theo ông Sơn, trong cơ chế đặc thù, Hội An chỉ xin 2 vấn đề là ngân sách và cơ chế thẩm quyền ký các hồ sơ trùng tu di sản nhằm tăng cho Hội An một số thẩm quyền về sửa chữa trùng tu, thẩm quyền về ngân sách, thẩm quyền về tổ chức các dịch vụ… “Trong vấn đề ngân sách, vướng nhất hiện nay là vé tham quan, nhưng vừa rồi đã được Bộ Tài chính và các bộ ngành của Chính phủ tháo gỡ, trong đó có văn bản của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao UBND tỉnh xem xét cho Hội An được dành toàn bộ nguồn thu từ vé tham quan để lại thực hiện trùng tu di tích, quản lý tổ chức các hoạt động lễ hội, đầu tư cơ sở hạ tầng. Đây là sự thay đổi lớn vì theo quy định trước đây của tỉnh, ngoài để lại 30% tiền bán vé tham quan cho Trung tâm VH–TT&TT-TH TP.Hội An, phải nộp 50% cho tỉnh cải cách tiền lương (khoảng 100 tỷ đồng), còn lại dùng cho hỗ trợ trùng tu di tích, đầu tư cơ sở hạ tầng, chi cho nhiệm vụ quản lý di tích… Bây giờ theo văn bản của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thì Hội An được dành toàn bộ số tiền bán vé. Tuy nhiên, hiện nay, Phó Thủ tướng mới giao cho UBND tỉnh quyết định, phải chờ đến hết biên độ tài chính năm nay nên phải năm sau mới thực hiện” - ông Sơn cho biết.

VĨNH LỘC