UBND tỉnh tiếp xúc doanh nghiệp định kỳ tháng 9: Doanh nghiệp kiến nghị giải quyết quyền lợi

TRỊNH DŨNG 06/09/2019 10:01

Các kiến nghị của doanh nghiệp tại cuộc tiếp xúc ngày 5.9 do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng chủ trì đã không thể giải quyết rốt ráo. Hai doanh nghiệp (DN) cho rằng cơ quan chức năng và địa phương đã gây khó khăn, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của DN.

Quang cảnh buổi tiếp xúc doanh nghiệp định kỳ ngày 5.9.2019. Ảnh: T.D
Quang cảnh buổi tiếp xúc doanh nghiệp định kỳ ngày 5.9.2019. Ảnh: T.D

“Có kết luận vẫn không ai thực hiện”

Ông Vũ Quốc Thoại - Giám đốc Công ty CP Cơ điện và xây dựng Quảng Nam lại tìm đến phiên tiếp xúc doanh nghiệp định kỳ tháng 9 bởi không thể “chấp nhận” những câu trả lời của chính quyền lẫn cơ quan quản lý kể từ cuộc gặp hồi tháng 6.2019. Ông Thoại nói ngay cuộc tiếp xúc hồi tháng 6.2019, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh đã yêu cầu kiến nghị của DN phải được xem xét, giải quyết thấu đáo. DN đã bỏ vốn thi công, không lẽ chịu thiệt khi cái sai thuộc về Nhà nước. Chính quyền Núi Thành phải tính toán, tìm cách giải quyết ổn thỏa quyền lợi cho DN. Thế nhưng, yêu cầu thanh toán nợ từ dự án vùng nuôi tôm Vũng Lắm (Núi Thành) và thanh toán nợ công trình Tam Trà – Tam Sơn đã không được chấp thuận.

Theo thông báo ngày 16.7.2019, UBND tỉnh cho biết không có cơ sở để xem xét, giải quyết đề nghị của DN, buộc DN phải nộp vào ngân sách nhà nước số tiền hơn 593 triệu đồng. Không chỉ vậy, kiến nghị được thanh toán số tiền chủ đầu tư (Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai) còn nợ công ty thi công xây lắp khu dân cư phía tây đường An Hà - Quảng Phú hơn 951 triệu đồng trong nhiều năm qua và xã Quế Trung (Nông Sơn) còn nợ thi công trụ sở dù đã có kết luận đến ngày 30.6.2019 phải đề xuất phương án thanh toán các khoản nợ cho DN, nhưng tất cả chưa được thực hiện. DN một lần nữa buộc phải cầu cứu chính quyền.

Không “đòi nợ”, không yêu cầu chấp thuận chủ trương hoàn chỉnh hồ sơ thanh quyết toán, Công ty CP Xuất nhập khẩu gỗ Bình Nguyên chỉ mong muốn chính quyền Điện Bàn áp dụng đủ ưu đãi theo đúng như giấy phép đầu tư, giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư cho DN. Không thể để DN gặp bất lợi, không hề nhận được ưu đãi nào trong chuyện thuê đất suốt 12 năm qua.

Không để doanh nghiệp chờ đợi lâu

Không một kiến nghị nào của 2 DN được giải quyết ngay tại phiên gặp gỡ này. Song, ngoài chuyện không thể xem xét “miễn thu hồi” số tiền hơn 593 triệu đồng như kiến nghị của Công ty CP Cơ điện và xây dựng Quảng Nam, 2 vấn đề kiến nghị khác của DN này dường như đã có lối mở. Ông Trần Đình Quang - Phó ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai cho hay, ngày 23.8.2019 đã trình Sở Tài chính hồ sơ quyết toán. Ngay trong tháng 9 này, khi có quyết định phê duyệt quyết toán hoàn thành thì sẽ hoàn trả tiền cho DN. Ông Nguyễn Chí Tùng – Phó chủ tịch UBND huyện Nông Sơn cam kết sẽ chịu trách nhiệm làm việc với UBND xã Quế Trung xem xét lại công nợ và trả lời cho DN. Trong một diễn biến khác, ông Trần Quốc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Nam, người đã từng dự phiên tiếp xúc hồi tháng 6.2019 cho rằng cần có một kết luận về thời gian cụ thể giải quyết hoàn tất cho Công ty CP Cơ điện và xây dựng Quảng Nam. Không thể để DN mãi chờ vì kết luận ngày 30.6.2019 là sẽ có câu trả lời chính thức, nhưng hơn hai tháng qua vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Phải sòng phẳng với DN: nợ tiền phải trả!

Trước kiến nghị của DN và thông qua những ý kiến của cơ quan quản lý, Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng cho biết, dự án ở Vũng Lắm không thể giải quyết được khi DN không đủ hồ sơ pháp lý. Tuy nhiên, ông Tùng cũng cho rằng, nếu như DN chứng minh được mình làm đúng (có thi công, có hồ sơ…) sau khi làm việc với chính quyền Núi Thành thì sẽ được giải quyết. “Không có cơ sở pháp lý thì không thể thanh toán cho DN được. DN buộc phải thực hiện việc hoàn trả số tiền đã nhận. Nếu thấy không thỏa đáng thì có thể kiện ra tòa. Không còn cách nào khác” - ông Tùng nói. Hai kiến nghị còn lại của Công ty CP Cơ điện và xây dựng Quảng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng quyết định khi quyết toán xong, Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai tham mưu cơ quan chức năng bố trí vốn hoàn trả. Nếu không thể được duyệt, ban quản lý này phải tự bỏ vốn ra hoàn trả cho DN. Không thể để DN chờ đợi lâu hơn. UBND Nông Sơn phải nhanh chóng xác nhận công nợ. Đến ngày 31.10.2019 phải giải quyết dứt điểm vụ việc này.

Kiến nghị của Công ty CP Xuất nhập khẩu gỗ Bình Nguyên lại là một câu chuyện khác. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng cho biết khó có thể truy hồi ưu đãi cho DN một khi các quyết định ưu đãi đã chấm dứt và quyết định ưu đãi của chính quyền Điện Bàn là sai. “Cấp phép không đúng, không tiến hành đúng tiến độ đầu tư, các quyết định không còn hiệu lực... thì lấy gì hồi tố. Không thể chấp nhận kiến nghị của DN ” - ông Tùng nói. Tuy nhiên, ông Tùng cũng thừa nhận ngoài sai sót của DN thì chính quyền cũng thiếu sót trong việc hướng dẫn cụ thể cho DN về ưu đãi đầu tư. Và bất ngờ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng thay mặt chính quyền xin lỗi vì đã để DN rơi vào sự bất lợi này!

Ông Vũ Quốc Thoại - Giám đốc Công ty CP Cơ điện và xây dựng Quảng Nam cho rằng đã chờ đến 10 năm thì chờ thêm một thời gian nữa cũng không khó lắm. Chỉ tiếc là vụ việc không được giải quyết sẽ tiếp tục gây khó khăn cho DN trong việc đánh mất các cơ hội tham dự vào các cuộc đấu thầu các dự án. Riêng Công ty CP Xuất nhập khẩu gỗ Bình Nguyên, ông Nguyễn Văn Quảng - tư vấn pháp lý công ty cho rằng sẽ tiếp tục thực hiện những bước đi khác. Có thể, sẽ nhờ đến một phiên tòa để giải quyết đúng, sai!

TRỊNH DŨNG