Khai thác tổng hợp kinh tế lòng hồ thủy điện
Làm thế nào để các lưu vực lòng hồ thủy điện được khai thác hiệu quả là vấn đề đặt ra tại hội nghị bàn cách phát triển kinh tế lòng hồ thủy điện và ổn định đời sống sản xuất cho người dân tái định cư (TĐC) thủy điện, do UBND tỉnh tổ chức cuối tuần qua.
Sinh kế trên lòng hồ
Lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 là nơi từ nhiều năm nay người dân trên địa bàn huyện Bắc Trà My mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi cá diêu hồng, thác lác, cá lăng, cá chình, cá trắm. Hiện nay, địa phương này có 16 hộ nuôi cá với số lượng 210 lồng bè, dẫn đầu các địa phương có lòng hồ thủy điện về quy mô nuôi thả.
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bắc Trà My - ông Huỳnh Ngọc Thiệu đánh giá, nuôi cá những năm đầu, người dân đạt lợi nhuận tương đối cao. Các loại cá như chình, thác lác,... được nuôi ở lòng hồ cho giá trị kinh tế cao, hầu như cung không đủ cầu; hoàn toàn khác xa với nuôi cá diêu hồng đang gặp khó khăn về đầu ra. Tương tự, người dân ở cá xã Tà Pơơ, Zuôih (Nam Giang) cũng đang tự phát nuôi cá lồng bè nhỏ lẻ ở lòng hồ thủy điện Sông Bung 4. Theo chủ hồ đập thủy điện Sông Bung 4, đến nay có 3 hộ nuôi với 18 lồng bè.
Thời gian qua, một số người dân địa phương đã dùng ghe thuyền, khai thác các loài thủy sinh bằng xung điện nhưng lại khó quản lý, xử lý. Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang - ông A Viết Sơn cho rằng, các ngành nghề đào tạo trước đây của dự án cho dân vùng TĐC như đào tạo lái ô tô, sửa chữa máy móc cơ khí, điện dân dụng… không thể giải quyết việc làm tại chỗ được.
Ngoài các hộ nuôi cá lồng bè, hiện có nhiều hộ dân cải thiện sinh kế với nghề đánh bắt cá trong lòng hồ. Trong khi đó, loại hình du lịch với sản phẩm du thuyền ngắm cảnh, tham quan thác nước, các đảo nổi, câu cá, du lịch cộng đồng… mới ở giai đoạn khảo sát, tiếp cận đầu tư, thông qua một số nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, du lịch miền núi. Theo đánh giá, chuỗi lòng hồ thủy điện và văn hóa vật thể, phi vật thể miền núi được bảo tồn tốt; cùng với đó là khí hậu quanh năm mát mẻ, nhiều thung lũng bị chia cắt bởi các sông suối, ghềnh thác, lòng hồ lại đa dạng sinh học hoàn toàn có khả năng để phát triển du lịch.
Tại huyện Đông Giang, doanh nghiệp đã bắt đầu hiện thực hóa dự án phát triển du lịch sinh thái kết hợp tham quan lòng hồ. Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang - ông Hồ Quang Minh cho rằng, phát triển du lịch kết nối với lòng hồ các thủy điện được địa phương quan tâm từ lâu. Riêng lòng hồ thủy điện Sông Bung 5 hiện nay Công ty CP Hang Gợp thuộc Tập đoàn FVG đang triển khai các thủ tục hồ sơ pháp lý để đầu tư dự án khu du lịch sinh thái Trường Sơn - Sông Bung.
Cần tháo gỡ vướng mắc
Theo Sở NN&PTNT, đến năm 2030, lòng hồ các thủy điện trên địa bàn tỉnh được quy hoạch đạt 2.800 lồng nuôi cá, với sản lượng 3.600 tấn thủy sản. Tuy nhiên, đến nay chỉ có 23 hộ dân đang thả nuôi cá lồng bè thương phẩm với tổng số 240 lồng nuôi, chủ yếu tập trung ở hồ thủy điện Sông Tranh 2. Trong khi đó, cả tỉnh có 3.163 hộ dân bị ảnh hưởng bởi các dự án thủy điện; trong đó 1.749 hộ dân đã di dời, TĐC bằng nhiều hình thức như tập trung, xen ghép, tự do. Đời sống của người dân sau TĐC còn gặp nhiều khó khăn do mất rừng, mất đất sản xuất, không gian sinh kế bị thu hẹp.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - ông Lê Minh Hưng cho biết, trên địa bàn tỉnh có 6 hồ thủy điện lớn đưa vào vận hành với tổng diện tích mặt nước hơn 6.000ha được phép khai thác, nuôi cá lồng bè trong lòng hồ, gồm A Vương, Sông Côn 2 (Đông Giang), Sông Bung 4 (Nam Giang), Đắk Mi 4 (Phước Sơn), Sông Tranh 2 (Bắc Trà My) và Khe Diên (Nông Sơn).
Ngành nông nghiệp huyện Bắc Trà My cho rằng, hầu hết người dân đều nuôi manh mún, nhỏ lẻ, chưa nắm kỹ thuật nuôi bài bản. Vì vậy, cần thu hút doanh nghiệp nuôi cá lồng bè quy mô lớn, kết nối rộng rãi với các hộ nuôi nhỏ lẻ. “Hiện nay, các chính sách hỗ trợ vẫn chậm triển khai đến người dân, nên chính quyền tỉnh cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ người dân phát triển mô hình nuôi cá lồng bè, qua đó hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, tạo ra những vùng nuôi quy mô lớn” - ông Thiệu đề xuất.
Nói về cản lực trong phát triển du lịch, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang - ông Hồ Quang Minh cho rằng, mực nước trong một số hồ thủy điện thường xuyên chênh lệch lớn, khiến nhà đầu tư phải thay đổi ý định đầu tư. Vướng mắc ở chỗ, dự án đang triển khai quy hoạch 1/500 buộc phải quay lại làm từ đầu, từ khâu rà soát lại quy hoạch chi tiết 3 loại rừng. Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng ì ạch, nguồn địện tại địa phương chưa đảm bảo, khó khăn kéo dài làm nhà đầu tư mệt mỏi.
Nhiều doanh nghiệp thừa nhận, khó có thể khai thác tổng hợp kinh tế lòng hồ nếu chưa xây dựng quy chế phối hợp quản lý giữa chính quyền địa phương, các đơn vị nuôi trồng thủy sản, khai thác du lịch với chủ đập. Ông Trần Văn Tư - Phó Ban phát triển dự án Khu du lịch Cổng Trời Đông Giang thuộc Tập đoàn FVG cho rằng, theo một nghị định của Chính phủ, cần phải có sự đồng ý của chủ đầu tư thủy điện về khai thác và hoạt động trên phạm vi lòng hồ, điều này nếu không có một cơ chế hành lang pháp lý nào cụ thể hơn sẽ khó chia sẻ lợi ích, giá trị kinh tế lòng hồ thủy điện đem lại.
“Ngoài ra, các văn bản hiện nay chưa nêu rõ vấn đề là tiền thuê để hoạt động trên lòng hồ sẽ trả cho ai và nếu có trả cho chủ đập thì điều này có dẫn đến việc mất đi nguồn thu của Nhà nước hay không? Tuy tỉnh có đến 10 nhà máy điện bậc thang và 36 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ, nhưng thực tế tình hình điện ở huyện Đông Giang - nơi chúng tôi đầu tư, đang thiếu cả số lượng lẫn chất lượng điện nên không thể đảm bảo tiến độ thực hiện dự án” - ông Tư băn khoăn. Nhà đầu tư này cũng mong muốn tháo gỡ khó khăn trong hợp đồng mua bán điện, cũng như hỗ trợ về đấu nối đường dây dẫn điện vào dự án đảm bảo đúng tiến độ vận hành đã cam kết với tỉnh. Hiện nay, chính quyền tỉnh đề xuất các bộ, ngành trung ương tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về cơ chế ràng buộc chủ đầu tư các dự án thủy điện trong giải quyết việc làm, ổn định đời sống người dân sau TĐC theo hướng lâu dài.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết, sau cuộc hội thảo, chính quyền sẽ tổng hợp các ý kiến, tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương và nhà đầu tư, để đạt mục đích khai thác tổng hợp, hiệu quả kinh tế lòng hồ. Việc khai thác hài hòa sẽ góp phần mở ra không gian sinh kế bền vững, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân vùng TĐC. “Tất nhiên, khai thác gì thì nguyên tắc phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hồ đập và có đánh giá tác động môi trường trước khi triển khai các dự án về nuôi trồng thủy sản và phát triển du lịch” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh lưu ý.