Ước vọng của doanh nghiệp

TRỊNH DŨNG 30/06/2019 20:32

Theo nhận định của nhiều cơ quan quản lý lẫn doanh nghiệp, làn sóng cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh... đã có độ lan tỏa nhất định trên cả nước. Với Quảng Nam, sự vận động hiệu quả của chính quyền trong việc thực thi công khai, minh bạch và chịu sự giám sát của doanh nghiệp… đã trở thành một trong những điểm sáng về cải cách.

Cải cách hành chính, cơ chế, chính sách, sự năng động của chính quyền đã tạo khá nhiều cơ hội cho doanh nghiệp phát triển.Ảnh: T.D
Cải cách hành chính, cơ chế, chính sách, sự năng động của chính quyền đã tạo khá nhiều cơ hội cho doanh nghiệp phát triển.Ảnh: T.D

Những nghị quyết Chính phủ, kế hoạch hành động và năng lực điều hành của chính quyền đã giải quyết đa số nguyện vọng và là tín hiệu vui cho doanh nghiệp. Quyết tâm thay đổi để trở thành địa chỉ hấp dẫn nhà đầu tư đã được các cơ quan công quyền thực thi một cách quyết liệt và trở thành điểm cộng của Quảng Nam. Các sáng kiến cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh từ nhiều năm qua như: một cửa liên thông, tiếp doanh nghiệp định kỳ, cổng thông tin điện tử hỗ trợ doanh nghiệp hay cà phê doanh nhân… vẫn đang được vận hành. Chính quyền Quảng Nam đã đưa ra một kế hoạch cụ thể để cải thiện, nâng chất từng chỉ số về hành chính cho thấy quyết tâm thay đổi để thu hút đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, mở rộng đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Không chỉ dừng lại việc công khai niêm yết đồng bộ 100% thủ tục hành chính, thống nhất tại nơi tiếp nhận, giải quyết thủ tục mà trên trang thông tin điện tử các đơn vị và cổng thông tin điện tử của tỉnh, các quy trình và các thủ tục hành chính đã dần hoàn thiện. Toàn bộ thủ tục liên quan đến đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp đều đã được rút ngắn thời gian. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường đối thoại doanh nghiệp bằng nhiều hình thức, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị hợp lý của các nhà đầu tư… là những hoạt động được doanh nghiệp đánh giá cao. Doanh nghiệp đã cho điểm về năng lực điều hành của chính quyền Quảng Nam thông qua các kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Vị thứ PCI thuộc nhóm điều hành tốt liên tục 4 năm qua của Quảng Nam đã chứng minh thành công của công cuộc cải thiện!

Doanh nghiệp tự tin với cuộc chơi mới bên cạnh sự đồng hành của Chính phủ, chính quyền hành động và kiến tạo, nhưng vẫn đi kèm một chữ “nếu”. Nếu từng công chức chưa thay đổi, thì những cam kết, quyết tâm hay các kế hoạch tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng dù hay ho thế nào cũng không có ý nghĩa. Nếu từng công chức có được tư duy vì sự phát triển của doanh nghiệp như vậy, họ sẽ thay đổi cách làm, tìm cách thay đổi quy trình, quy định để thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Chỉ khi đó các nghị quyết, kế hoạch mới thực sự tác động vào đời sống của doanh nghiệp. Mọi sự thay đổi đều rất khó khăn, nhưng Quảng Nam đã bắt đầu suy nghĩ theo hướng này, và đang hy vọng sẽ tạo thành xu hướng, tư duy chung.

Chính phủ đã đặt doanh nghiệp vào trung tâm đổi mới thể chế kinh tế quốc gia. Những cải cách cho cơ hội kinh doanh bùng nổ đã giúp không ít doanh nghiệp tích lũy được nhiều của cải. Tuy nhiên, mong ước của doanh nghiệp là được nhìn thấy sự thay đổi lớn của một chính quyền đồng hành với doanh nghiệp thực thi trên thực tế tại địa phương ngày càng sâu rộng hơn. Cái cần nhất đối với doanh nghiệp là hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch và sự cạnh tranh bình đẳng, chính quyền trở thành một mắt xích cùng doanh nhân tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm chứ không chỉ làm vai trò “bà đỡ”. Doanh nghiệp cần chính sách tạo thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh, chi phí sản xuất thấp nhất, ít gặp rủi ro về pháp lý. Họ mong những cải cách đừng “trên nóng, dưới lạnh”, không thể chung chung và đi vào thực tế hơn.

Ông Phan Xuân Thanh - Tổng Giám đố Công ty  Emic Hospitality Hội An: “Doanh nghiệp có niềm tin nhiều hơn vào cơ quan công quyền”

Phải nói một cách công bằng chưa có khi nào Chính phủ ban hành nhiều nghị quyết, cơ chế, chính sách,  địa phương đưa ra nhiều kế hoạch hành động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhiều như thời gian gần đây. Chính phủ mong muốn đồng hành với doanh nghiệp đã ít nhiều tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, cụ thể như việc cắt giảm các giấy phép con, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp… Cải cách thủ tục hành chính, tạo cơ chế tốt, cải thiện môi trường đầu tư của Quảng Nam đã chuyển biến tích cực trong những năm gần đây, thực sự đáng ghi nhận. Lãnh đạo tỉnh chủ động lắng nghe doanh nghiệp nhiều hơn thông qua các diễn đàn, đối thoại định kỳ hay ban hành các kế hoạch thực thi, chính sách phát triển, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp… Những nỗ lực này đã mang lại không khí mới, giúp cộng đồng doanh nghiệp phát triển. Sự hiện thực hóa các cơ chế, chính sách đã ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp kinh doanh tử tế hiện nay đã có niềm tin nhiều hơn vào cơ quan công quyền.

Tuy nhiên, so với sự kỳ vọng của doanh nghiệp, những cơ chế, chính sách ấy vẫn chưa nhiều, chưa thực sự hiệu quả. Sự hiện thực hóa đồng bộ các nghị quyết, chủ trương, chính sách, cơ chế có lợi cho doanh nghiệp chưa lan tỏa xuống đến từng địa phương. Thực tế, các doanh nghiệp “tử tế” tồn tại, phát triển trong bối cảnh này còn nhiều khó khăn vì ranh giới giữa kinh doanh tử tế và không tử tế thật khó phân biệt. Ví dụ như không khác nhau nhiều về thủ tục để xin đầu tư một dự án mà sản phẩm tạo ra có thể thu hồi vốn lâu dài, đòi hỏi đầu tư nhiều công sức như các dự án phát triển sản phẩm du lịch bền vững, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, hay dự án của các start-up cần phải hỗ trợ pháp lý nhanh… so với các dự án phân lô bán nền thu hồi vốn nhanh.

Nghị quyết, kế hoạch đi vào đời sống chưa thực sự được rõ ràng. Thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà mất nhiều thời gian, công sức cho nhà đầu tư tâm huyết. Thủ tục hành chính vẫn còn bị tắc nghẽn ở khâu phối hợp, chịu trách nhiệm của các ngành tham mưu. Đâu đó vẫn còn tình trạng “vào một cửa, nhưng phải tác động nhiều cửa”. Chính sách hỗ trợ cho các dự án bền vững chưa rõ ràng, mới chỉ dừng ở chính sách kêu gọi là chính. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến doanh nghiệp e ngại đầu tư vào những dự án có chiều sâu và bền vững.

Doanh nghiệp mong Chính phủ sớm có công cụ, thước đo cho hệ sinh thái phát triển bền vững tại Việt Nam để doanh nghiệp có cơ sở pháp lý vững chắc, hướng đến đầu tư, kinh doanh một cách bền vững, thuận lợi hơn. Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng được nhìn thấy các nghị quyết, kế hoạch, cơ chế, chính sách được thực thi một cách rõ ràng, tích cực hơn trong đời sống kinh doanh ngay tại địa phương. Một trong những điều quan trọng đầu tiên là phải sớm có chính sách nâng cao đời sống, lấy lại niềm tự hào cho người được làm việc trong cơ quan công quyền. Khi đời sống được bảo đảm, tự hào là một công chức nhà nước thì sẽ có nhiều người có tâm, tầm, tài làm việc cho cơ quan công quyền. Người đủ đức, đủ tài thực thi công vụ càng nhiều thì ắt hẳn mọi việc sẽ được hanh thông, doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi!

Ông Phạm Quốc Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Nam: “Xác lập vai trò cộng đồng doanh nghiệp”

Chính phủ đã có nhiều cố gắng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia gắn với cải cách, kiểm soát thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian khởi sự kinh doanh, cấp phép xây dựng, đổi mới đối thoại chính quyền - doanh nghiệp, tăng khả năng tiếp cận nguồn lực, giảm chi phí cho doanh nghiệp… Quảng Nam đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách của Chính phủ về miễn, giảm, gia hạn nộp thuế cho doanh nghiệp, ban hành nhiều kế hoạch hành động, đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Không chỉ hướng dẫn rõ ràng các chính sách pháp luật, địa phương còn rà soát, sửa đổi, cắt giảm thủ tục hành chính đồng bộ, thống nhất ở các cấp. Các chính sách, thủ tục hành chính được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử tỉnh, các trang thông tin điện tử và được niêm yết tại trụ sở các cơ quan, đơn vị để người dân, doanh nghiệp nghiên cứu, thực hiện. Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đi vào hoạt động tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính công khai, minh bạch và đúng quy định… Đó là những chỉ dấu thể hiện quyết tâm của chính quyền trong việc tạo bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển và thu hút đầu tư.

Vai trò của cộng đồng doanh nghiệp đã được xác lập. Nhưng có thể dễ dàng liệt kê những khó khăn chính, những ràng buộc mà doanh nghiệp tư nhân đang phải chấp nhận. Đó là khó có cơ hội tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, lãi suất thấp. Không kể đến năng lực nội tại của doanh nghiệp yếu, nhỏ bé, thiếu tiềm lực, công nghệ, thiếu sức cạnh tranh thì nguyên nhân gián tiếp cũng tác động đáng kể đến sự phát triển của doanh nghiệp. Những ưu đãi về sử dụng đất đai, giảm thuế hay tạo điều kiện pháp lý, thủ tục giấy tờ cho việc thành lập và hoạt động doanh nghiệp gần như cực kỳ hạn chế, thiếu những điều kiện ưu đãi cần thiết để mở rộng quy mô, sự yếu kém của cơ chế pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Đó là sự thiếu minh bạch của môi trường kinh doanh. Tình trạng lợi dụng những quy định, hạn chế kinh doanh, quản lý “ăn chia”; chính sách thuế không cao nhưng chi phí truyền thống rất lớn; những khoản chi phí hành chính lớn... đã gây trở ngại cho môi trường đầu tư. Ngoài ra, chính sách thay đổi liên tục, khó lường, dễ tạo rủi ro, hệ thống quản lý chưa minh bạch, nhiều khi thiên về ủng hộ doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp FDI, chưa thực sự quan tâm đầy đủ đến doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh... cũng là cản lực.

Những bất cập này đã khiến cho khu vực kinh tế tư nhân đã nhỏ lại kém phát triển. Cái doanh nghiệp tư nhân cần không phải là sự hỗ trợ, ưu đãi đặc biệt mà là một hệ thống pháp luật về kinh doanh minh bạch, công bằng, lành mạnh, hệ thống thủ tục hành chính đơn giản, thuận tiện và sớm đi vào thực tiễn. Không chỉ khó khăn về thể chế kinh tế, bộ máy hành chính vẫn chưa hiệu quả, thủ tục hành chính thiếu minh bạch và thiếu cơ chế trách nhiệm giải trình. Nhiều doanh nghiệp phải trả các chi phí “không chính thức” để giải quyết công việc. Cần giải quyết vấn đề bình đẳng thật sự giữa các chủ thể kinh doanh, thiết lập chế độ ưu đãi thuế, tiếp cận vốn vay, đất đai, cơ sở vật chất… cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhà nước cần tạo ra một sự bùng nổ trong cải cách thủ tục hành chính. Công bố rõ ràng cho người dân được quyền kinh doanh những gì, được tự do đăng ký kinh doanh, thủ tục đăng ký chỉ một cửa, không cần phải phân biệt là có giấy phép mới được kinh doanh. Việc áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý, sử dụng kết quả kiểm tra có tính chất liên thông, công bố rõ ràng kết quả kiểm tra phải theo tiêu chuẩn chung.

Chính sách phải ổn định, đặc biệt là chính sách thuế, tín dụng, hỗ trợ về thông tin đào tạo, giúp doanh nghiệp có đầy đủ thông tin về nghề nghiệp kinh doanh và những thông tin liên quan đến lĩnh vực của họ, khuyến khích chuyển giao công nghệ, khoa học - kỹ thuật, xây dựng mô hình liên kết theo chuỗi doanh nghiệp nhỏ và vừa với các doanh nghiệp lớn, tập đoàn. Khuyến khích sản xuất, Nhà nước cần nghiên cứu cơ chế đặt hàng cho các doanh nghiệp nội địa sản xuất và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ, thay thế cho việc mua của nước ngoài, nhất là các sản phẩm mới có tính cạnh tranh cao và sản phẩm, dịch vụ công nghệ cao...

Ông Nguyễn Sơn Thủy - Giám đốc Công ty du lịch Duy Nhất Đông Dương: “Vận hành hệ thống chính quyền thông minh”

Kể từ sau Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII), lần đầu tiên kinh tế tư nhân được xác định rõ ràng là một động lực quan trọng phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, Chính phủ đã rất nỗ lực để thực hiện “khẩu hiệu” Chính phủ hành động, kiến tạo, liêm chính. Tinh thần quản lý của Nhà nước bắt đầu có sự cởi mở hơn, các cấp chính quyền địa phương cơ bản cũng đã ghi nhận sự đóng góp tích cực của doanh nghiệp tư nhân. Nhiều cơ chế chính sách được triển khai tích cực hơn. Bỏ gỡ bớt nhiều giấy phép con, thành lập các trung tâm hành chính “một cửa” giải quyết nhanh chóng các giấy tờ xin phép từ doanh nghiệp. Môi trường đầu tư kinh doanh tại Quảng Nam đã được cải thiện. Mọi chính sách về thủ tục hành chính tương đối thuận lợi hơn rất nhiều. Tuy nhiên, chúng tôi không phải là nhà đầu tư lớn tại Quảng Nam nên doanh nghiệp vẫn “tự bơi” là chính!

Hiện Chính phủ đã tạo điều kiện tốt cho doanh nghiệp phát triển, cho phép kinh doanh những gì pháp luật không cấm. Tuy nhiên, để phát triển mạnh mẽ, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng thì cần phải minh bạch hơn các cơ hội đầu tư, phá vỡ các nhóm lợi ích, thân hữu…. Cần tạo điều kiện cho tất cả doanh nghiệp được tiếp cận thông tin quy hoạch phát triển tại các địa phương. Giảm mạnh lãi suất vay ngân hàng, thuế thu nhập doanh nghiệp cho khối doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Quyết tâm của Chính phủ là đưa kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Việc định hướng phát triển doanh nghiệp đúng với tinh thần trên. Song, doanh nghiệp cần rất nhiều từ các cấp quản lý chính quyền. Để có thể phát triển tốt hơn nữa, chính quyền cần vận hành hệ thống hành chính thông minh hơn. Áp dụng công nghiệp 4.0 triệt để vào việc cấp phép, quản lý hành chính, dữ liệu thông tin. Chủ động minh bạch các dự án kêu gọi đầu tư, cơ hội kinh doanh bình đẳng trên thị trường. Doanh nghiệp chờ đợi sự thực thi, kỳ vọng về các quyết định tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vừa được ban hành. Nếu được quyền “yêu cầu”, doanh nghiệp  mong muốn chính quyền cần có chính sách ưu đãi hơn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần đối xử công bằng về cơ hội đầu tư và cấp phép đầu tư cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần minh bạch các dự án đầu tư tại Quảng Nam để tất cả doanh nghiệp đều có điều kiện tiếp cận thông tin về quy hoạch đầu tư. Yêu cầu tất cả hệ thống hành chính, quản lý, thống kê, dự báo phải được số hóa theo công nghệ 4.0. Công khai dữ liệu cho tất cả doanh nghiệp mong muốn tham khảo, kiếm tìm cơ hội!

Ông Lê Thái Vũ - Tổng Giám đốc Làng lụa Hội An: “Giúp doanh nghiệp vượt qua các rào cản”

Chính phủ đã ban hành nghị quyết phát triển kinh tế tư nhân, hỗ trợ doanh nghiệp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đề cao chính phủ kiến tạo… là những thay đổi hoàn toàn đúng đắn trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện tại và tương lai. Tuy nhiên, mọi cơ chế, chính sách từ trung ương đến địa phương (đặc biệt tại địa phương) đều có độ trễ, phải có lộ trình để hiện thực hóa. Thực tế gần đây, những cơ chế, chính sách, các kế hoạch hành động cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính của Quảng Nam đã tác động tích cực đến sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Chính quyền, cơ quan quản lý luôn đặt vị thế của mình là doanh nghiệp để có thể tháo gỡ những vướng mắc trên nền tảng của một nền hành chính phục vụ. Việc xây dựng và công bố thường niên bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, huyện và thành phố (DDCI) từ năm 2018 cho phép tỉnh giám sát hiệu quả và nâng cao được trách nhiệm giải trình của lãnh đạo các sở ngành, huyện thị đối với công cuộc cải cách hiện đang được xem là một trong những “sáng kiến” mới nhất để đưa kế hoạch, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của Quảng Nam ngày càng thực chất và hiệu quả hơn trên thực tế

Trong bối cảnh hiện tại, không thể có mẫu số chung cho tất cả doanh nghiệp. Không một chính sách hay cơ chế nào có thể thỏa mãn tất cả doanh nghiệp. Có thể khó với doanh nghiệp này, nhưng lại dễ với doanh nghiệp khác. Nhưng mong muốn nhất của doanh nghiệp chính là cần tạo ra một sân chơi công bằng hơn. Họ cần hành lang pháp lý và không gian kinh doanh đủ rộng. Những khó khăn đến từ chính sách, quy định của cấp quốc gia thì khó lòng cơ quan quản lý cấp tỉnh có thể hỗ trợ được cho doanh nghiệp. Nhưng doanh nghiệp vẫn mong muốn có những chính sách cụ thể, đơn giản hơn để hỗ trợ doanh nghiệp có thể tham gia thị trường thế giới một cách đơn giản và nhanh chóng. Doanh nghiệp luôn kỳ vọng vào sự thay đổi của cơ chế, chính sách, ước sao không nghe thêm những chính sách ưu đãi nhưng ít hiện thực hóa.

Hiện tại, sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân đang theo đúng tinh thần nghị quyết Chính phủ. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng phải cố gắng rất nhiều để vượt qua các rào cản. Doanh nghiệp cần có thêm một hệ thống đánh giá, theo dõi giám sát kết quả thực thi, để chính quyền hiểu những chương trình, kế hoạch của chính mình đưa ra có thực sự lan tỏa đến hết địa phương hay sở, ban, ngành hay không, mới là điều quyết định cho sự thành công của nỗ lực cải thiện!

TRỊNH DŨNG