Bắc Trà My thúc đẩy xúc tiến đầu tư

DIỄM LỆ 29/06/2019 15:31

Là huyện miền núi, việc kêu gọi các nhà đầu tư đến phát triển công nghiệp tại Bắc Trà My không hề dễ dàng, cần chiến lược lâu dài, cơ sở hạ tầng bài bản..

Lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 được xem là nguồn tài nguyên để phát triển du lịch của địa phương trong tương lai. Ảnh: H.PHÚC
Lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 được xem là nguồn tài nguyên để phát triển du lịch của địa phương trong tương lai. Ảnh: H.PHÚC

Nhà đầu tư tìm đến

Đầu tháng 6.2019, huyện Bắc Trà My đã có những cuộc làm việc với một số nhà đầu tư đến tìm hiểu tại huyện. Có trụ sở công ty chính ở huyện Phú Ninh, nay Công ty TNHH MTV Vast Apparel Việt Nam muốn xây dựng nhà máy tại huyện Bắc Trà My. Sau khi tìm hiểu, lãnh đạo công ty có cuộc làm việc với UBND huyện Bắc Trà My để thúc đẩy việc xây dựng nhà máy. Ông Chou Kuo-I - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Vast Apparel Việt Nam cho biết: “Công ty chúng tôi mong muốn đầu tư đến Bắc Trà My vì tại đây có nhiều lao động đang làm việc tại công ty ở Phú Ninh. Lao động của huyện làm việc rất chăm chỉ, chịu khó nên chúng tôi ấn tượng. Chúng tôi mong muốn đầu tư tại Bắc Trà My nhằm tận dụng thế mạnh nguồn lao động dồi dào cũng như tạo điều kiện cho lao động tại chỗ có thu nhập ổn định. Công ty đảm bảo lương theo quy định và các chế độ phúc lợi xã hội khác. Hiện tại, nhiều lao động đang làm việc tại công ty có nguồn thu nhập từ 6 - 10 triệu đồng/tháng”. Được biết, Công ty Vast Apparel Việt Nam đã chọn được địa điểm để xây dựng nhà máy. Nhà máy thiết kế với quy mô giải quyết việc làm cho 3.000 lao động, giai đoạn đầu là 1.200 lao động.

Cùng thời điểm này, Công ty TNHH Lâm sản An Phú Trà My cũng đến làm việc với huyện Bắc Trà My, mong muốn được đầu tư nhà máy băm dăm gỗ và sản xuất các sản phẩm từ dăm gỗ. Ông Võ Hoàng - Giám đốc Công ty TNHH Lâm sản An Phú Trà My, cho biết, muốn đầu tư tại Cụm công nghiệp Tinh dầu quế Bắc Trà My một nhà máy băm dăm gỗ trong giai đoạn đầu, sau đó tiếp tục đầu tư hệ thống máy móc sản xuất các sản phẩm từ dăm gỗ. Chọn đầu tư ở Bắc Trà My vì nguồn nguyên liệu dồi dào, tạo điều kiện cho bà con bán gỗ gần hơn, tận dụng tối đa nguồn gỗ từ gỗ keo đến gỗ vườn. Hiện nay Bắc Trà My đã có 2 nhà máy, công ty vẫn quyết định đầu tư thêm để khai thác thế mạnh nêu trên. Công ty cam kết đảm bảo về mặt môi trường, có phương pháp xử lý tiên tiến để khỏi ô nhiễm môi trường về bụi và nước thải.

Cam kết từ chính quyền

Theo UBND huyện Bắc Trà My, huyện đã thành lập một tổ xúc tiến đầu tư, nhằm kêu gọi doanh nghiệp đến với Bắc Trà My nhiều hơn. Tổ xúc tiến đầu tư sẽ có nhiệm vụ giúp huyện tư vấn, giúp đỡ nhà đầu tư về thủ tục đầu tư, thủ tục đất đai, cơ chế chính sách dành cho nhà đầu tư. Ông Thái Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My thông tin: “Hiện nay, đã có 6 doanh nghiệp đến tìm hiểu về môi trường đầu tư, đất đai, lao động để xây dựng nhà máy. Các lĩnh vực chủ yếu là trồng rừng gỗ lớn, sản xuất các sản phẩm từ gỗ, trồng cây dược liệu, dược liệu, may mặc. Huyện sẽ tạo mọi điều kiện cho nhà đầu tư đến tìm hiểu, xây dựng nhà máy sản xuất, nhất là thủ tục về đất đai, mặt bằng xây dựng nhà máy, thủ tục hành chính...”.

Cũng theo ông Vũ, là huyện miền núi nên việc kêu gọi đầu tư rất khó, nhưng không phải vì thế mà huyện kêu gọi đầu tư bằng mọi giá. Với các doanh nghiệp đầu tư ở những lĩnh vực liên quan đến môi trường, huyện quan tâm đến công nghệ sản xuất, xử lý môi trường đảm bảo, không gây ô nhiễm. Đối với doanh nghiệp đã có nhà máy tại Việt Nam, nhất định huyện phải đi xem tại các nhà máy mà công ty đã đầu tư rồi mới quyết định thu hút đầu tư hay không. Đặc biệt, công ty băm dăm gỗ phải có sản phẩm đầu ra sau băm dăm gỗ, như viên nén hay gỗ thanh, chứ không chỉ băm dăm gỗ rồi chở đi thì hiệu quả không cao. Đối với doanh nghiệp có thể giải quyết được nhiều lao động như may mặc phải xem về chế độ, lợi ích mà doanh nghiệp có thể mang lại cho người lao động gồm lương, thưởng, phúc lợi xã hội, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của chính doanh nghiệp và cho huyện.

DIỄM LỆ