Chấm dứt đầu tư dự án thủy điện Đăk Di 4: Cần thiết và đúng luật
Sau khi UBND tỉnh quyết định và công bố chấm dứt nghiên cứu đầu tư dự án thủy điện Đăk Di 4 (xã Trà Mai, Nam Trà My), Công ty CP Thủy điện Đăk Di 4 (chủ đầu tư dự án) đã khiếu nại và mong muốn được tạo điều kiện để tiếp tục thực hiện dự án. Tại cuộc đối thoại giữa UBND tỉnh và doanh nghiệp này hôm qua 13.6, chính quyền tỉnh đã bác bỏ nội dung khiếu nại này.
13 năm... nghiên cứu!
Tại buổi đối thoại, các cơ quan chức năng đã dẫn ra nhiều văn bản, hồ sơ pháp lý có liên quan về dự án thủy điện Đăk Di 4 từ năm 2003 đến khi UBND tỉnh ban hành Công văn số 1218 ngày 17.3.2017 thông báo chấm dứt nghiên cứu dự án.
Theo Thanh tra tỉnh, thời điểm này, về thủ tục hồ sơ pháp lý có liên quan, chủ đầu tư chỉ có Công văn số 1748 ngày 24.9.2003 của UBND tỉnh về việc cho phép Công ty CP Cung ứng đầu tư và xây lắp, sau này là Công ty CP SIC và nay chuyển cho Công ty CP Thủy điện Đăk Di 4 nghiên cứu đầu tư dự án thủy điện Đăk Di 4; báo cáo đánh giá tác động môi trường công trình được UBND tỉnh phê duyệt; biên bản vi phạm tiến độ đã cam kết.
Còn Sở Công Thương khẳng định, từ ngày 6.10.2015 đến khi có công văn thông báo chấm dứt nghiên cứu đầu tư dự án, sở đã có nhiều văn bản yêu cầu chủ đầu tư thực hiện các thủ tục về đầu tư dự án theo đúng quy định, trong đó yêu cầu phải thực hiện các thủ tục để được cấp quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy phép xây dựng, ký quỹ thực hiện dự án nhưng công ty vẫn không thực hiện.
Chánh Thanh tra tỉnh – ông Trần Minh Thái cho rằng, dự án này lập “kỷ lục” về thời gian nghiên cứu bởi kéo dài hơn 13 năm. Dự án chỉ mới dừng lại ở mức độ nghiên cứu đầu tư, chưa có thủ tục hồ sơ pháp lý đầy đủ theo quy định để triển khai thì không thể nói cam kết tiến độ thực hiện.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn cho rằng, lẽ ra chỉ cần một năm, nếu doanh nghiệp không đáp ứng các thủ tục hồ sơ pháp lý có liên quan thì các cơ quan chức năng có thể tham mưu UBND tỉnh chấm dứt nghiên cứu dự án. Trách nhiệm này có phần thuộc về Sở Công Thương, Sở Kế hoạch - đầu tư không sâu sát trong tiền kiểm và hậu kiểm. Sau khi có văn bản thông báo chấm dứt nghiên cứu dự án với Công ty CP Thủy điện Đăk Di 4, ngày 26.4.2019, HĐND huyện Nam Trà My ra nghị quyết mở rộng không gian đô thị thị trấn Tắc Pỏ, trong đó vị trí nghiên cứu thủy điện Đăk Di 4 nằm trong điều chỉnh mở rộng đô thị. Với nghị quyết này của HĐND huyện Nam Trà My, cùng với việc loại bỏ thủy điện Đắk Di 4 ra khỏi quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ của UBND tỉnh trước đó, thì việc tiếp tục nghiên cứu đầu tư dự án không còn khả thi. Đó là chưa kể theo quy định pháp luật hiện hành, việc tác động vào rừng tự nhiên phải được sự chấp thuận của Trung ương.
Chấm dứt dự án là cần thiết và đúng luật
Đại diện pháp lý của Công ty CP Thủy điện Đăk Di 4 cho rằng, lý do chính quyền tỉnh đưa ra để chấm dứt nghiên cứu dự án không khách quan và mong muốn được tạo điều kiện để tiếp tục thực hiện dự án. Doanh nghiệp đưa ra lý do: dù chỉ mới ở giai đoạn nghiên cứu đầu tư, nhưng thực tế công ty đã mượn đất của người dân trong vùng lòng hồ để xây dựng nhà tạm phục vụ công trình chính (gồm 2 nhà cấp 4) với tổng diện tích 800m2. Khi xây dựng các hạng mục nhà tạm, người dân và chính quyền địa phương đều biết nhưng không có bất kỳ phản đối nào. Ngoài ra, UBND huyện Nam Trà My còn có thông báo về thu hồi đất để thực hiện dự án.
Không thực hiện đúng cam kết tiến độ triển khai đầu tư dự án
Năm 2003, dự án thủy điện Đăk Di 4 được UBND tỉnh cho phép Công ty CP Cung ứng đầu tư và xây lắp, sau này là Công ty CP SIC và nay chuyển cho Công ty CP Thủy điện Đăk Di 4 nghiên cứu đầu tư dự án. Năm 2008, theo đề xuất của nhà đầu tư, UBND tỉnh thống nhất cho gia hạn thời gian thực hiện dự án với yêu cầu phải khởi công dự án trong quý IV.2009, nhưng doanh nghiệp vẫn không thực hiện. Năm 2014, sau khi rà soát, Bộ Công Thương thông báo Đăk Di 4 thuộc đối tượng các dự án thủy điện phải tạm dừng. Để tạo điều kiện cho nhà đầu tư, UBND tỉnh đã đề nghị Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ cho phép Công ty CP SIC được phép triển khai dự án trên trong năm 2015 và được bộ này thống nhất. Năm 2016, UBND tỉnh thống nhất cho chuyển chủ đầu tư từ Công ty CP SIC sang Công ty CP Thủy điện Đăk Di 4 và tiếp tục cho gia hạn thời gian thực hiện dự án với yêu cầu doanh nghiệp ký cam kết tiến độ, ký quỹ bảo đảm thực hiện, nhưng doanh nghiệp vẫn vi phạm các tiến độ đã cam kết. Xét thấy doanh nghiệp không đủ năng lực, ngày 17.3.2017, UBND tỉnh ban hành công văn về việc chấm dứt hiệu lực các văn bản liên quan đến dự án thủy điện Đăk Di 4 của Công ty CP Thủy điện Đăk Di 4, chấm dứt nghiên cứu đầu tư và thu hồi dự án trên.
Cũng theo công ty, từ khi cho phép triển khai dự án trở lại đến khi có yêu cầu tạm dừng là khoảng 11 tháng. Trong thời gian này, công ty đã đầu tư các giá trị 47 tỷ đồng nên không đồng ý lý do dự án chậm tiến độ.
Ngoài ra, theo Công ty CP Thủy điện Đăk Di 4, chủ đầu tư không nhận được văn bản nào của các cơ quan chức năng yêu cầu cung cấp báo cáo tài chính có kiểm toán. Trong khi đó, theo Báo cáo số 09 ngày 23.9.2016 của Công ty CP Thủy điện Đăk Di 4 thì Ngân hàng Bưu điện Liên Việt chi nhánh Quảng Nam không cho vay vốn đối với dự án thủy điện Đăk Di 4 do Công ty CP SIC có nợ xấu tại Ngân hàng Techcombank và Ngân hàng Đại chúng Việt Nam với số tiền hơn 529 tỷ đồng.
Bác bỏ lại ý kiến của chủ đầu tư, Sở Công Thương khẳng định, tại các thời điểm kiểm tra, rà soát các hồ sơ liên quan, công ty chưa cung cấp các hồ sơ, tài liệu chứng minh vốn tự có để thực hiện dự án thủy điện như báo cáo tài chính đã kiểm toán, giấy xác nhận số dư tại ngân hàng. Đến thời điểm trước báo cáo (2.11.2016), Sở Công Thương không nhận được bất kỳ hồ sơ nào khác để chứng minh năng lực đảm bảo 30% vốn cho dự án.
Tại buổi đối thoại, các ngành chức năng và Hội Luật gia tỉnh nhấn mạnh, UBND tỉnh chấm dứt nghiên cứu đầu tư dự án thủy điện Đăk Di 4 là cần thiết và đúng luật. Việc chỉ có mỗi văn bản cho phép nghiên cứu đầu tư dự án mà chủ đầu tư tiến hành xây dựng các hạng mục công trình chẳng khác nào “cầm đèn chạy trước ô tô”, làm trái với quy định của Luật Đất đai và Luật Xây dựng. Kết thúc buổi đối thoại, chính quyền tỉnh nêu quan điểm thẳng thắn là không công nhận khiếu nại của Công ty CP Thủy điện Đăk Di 4; đồng thời sau cuộc đối thoại này UBND tỉnh sẽ ban hành quyết định giải quyết khiếu nại.