Phấn đấu có trên 80% số sản phẩm đã đăng ký tham gia OCOP đạt hạng 3 sao trở lên

CHÂU NỮ 06/06/2019 14:52

UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm của tỉnh năm 2019 (OCOP) tại Quyết định số 1626/QĐ-UBND. 

Theo kế hoạch, năm 2019, Quảng Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ nâng cấp, củng cố, phát triển các sản phẩm đã tham gia phương án thí điểm phát triển sản phẩm OCOP năm 2018; phấn đấu có trên 80% số sản phẩm đã đăng ký tham gia đạt hạng 3 sao trở lên; hỗ trợ phát triển/nâng cấp khoảng 120 sản phẩm mới/sản phẩm đã có. Trong đó, Đại Lộc có 3 sản phẩm, Hội An: 9; Điện Bàn: 6, Duy Xuyên: 12, Quế Sơn: 7, Thăng Bình: 8, Tam Kỳ: 10, Phú Ninh: 6; Núi Thành: 5, Tiên Phước: 15, Nông Sơn: 3, Hiệp Đức: 5, Nam Trà My: 7, Bắc Trà My: 5; Đông Giang: 4; Tây Giang: 5; Nam Giang: 4 và Phước Sơn: 5 sản phẩm.

Theo kế hoạch, tỉnh sẽ hỗ trợ củng cố, nâng cấp/thành lập mới ít nhất 20 tổ chức kinh tế tham gia OCOP; 100% chủ thể đăng ký tham gia có cam kết sản xuất sản phẩm theo quy định về an toàn thực phẩm, bao bì, nhãn mác...; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng trong quá trình sản xuất, lưu thông, cũng như truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Năm 2019, Quảng Nam sẽ hỗ trợ xây dựng/nâng cấp được 4 - 6 điểm bán hàng OCOP, 2 - 3 trung tâm OCOP cấp huyện; tổ chức 1- 2 cuộc hội chợ quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm đã được đánh giá, xếp hạng cấp tỉnh.

Từ năm 2019 - 2020, với vai trò là tỉnh điểm được Bộ NN&PTNT lựa chọn, Quảng Nam xây dựng 3 mô hình OCOP vùng đồng bào dân tộc thiểu số, gồm liên kết chuỗi sản xuất, gắn với chế biến từ củ đảng sâm huyện Tây Giang; liên kết chuỗi sản xuất, gắn với chế biến từ cây quế huyện Bắc Trà My và huyện Nam Trà My; làng du lịch cộng đồng gắn với phát triển sản phẩm thổ cẩm xã Tà Bhing, huyện Nam Giang. Cùng với đó, xây dựng 1 mô hình làng du lịch cộng đồng tại làng cổ Lộc Yên, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước; xây dựng 1 mô hình trung tâm OCOP cấp vùng tại Hội An và một số gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP tại các khách sạn lớn trên địa bàn Hội An…

CHÂU NỮ