Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) 2018: Quảng Nam mất điểm, tụt hạng
Chỉ số PAPI (đo lường sự hài lòng của người dân trong việc hiệu quả quản trị của chính quyền) năm 2018 của Quảng Nam mất điểm và tụt hạng. Rất cần những phân tích, đánh giá về năng lực quản trị, điều hành của cơ quan công quyền!
Sự vận hành suôn sẻ của Trung tâm Hành chính công được đánh giá là mô hình kiểu mẫu vẫn không thể giúp chỉ số PAPI 2018 Quảng Nam tăng điểm và thăng hạng. Ảnh: T.D |
Những dấu hiệu quan ngại
Theo báo cáo, 8 chỉ số đánh giá PAPI năm 2018 của Quảng Nam có nhiều sự khác biệt. Chỉ số “tham gia của người dân ở cấp cơ sở” vẫn chỉ ở mức độ trung bình (4,41 – 6,16), cho thấy việc huy động người dân tham gia vào đời sống chính trị phát triển hạ tầng cấp cơ sở còn ít. Tỷ lệ người dân tìm kiếm thông tin, chính sách, pháp luật của Nhà nước rất thấp, chỉ đạt 14% (12% tìm được thông tin họ cần và 12,5% cho rằng thông tin nhận được hữu ích), nên “công khai, minh bạch trong việc ra quyết định” cấp tỉnh vẫn ở mức trung bình (4,55 - 6 điểm). “Trách nhiệm giải trình với người dân” ở mức thấp (4,31 - 5,6). Báo cáo ghi nhận không có nhiều khác biệt trong việc thực hiện trách nhiệm giải trình với người dân. Những người dân được hỏi cho biết không tin vào chính quyền và tòa án. Họ sẽ dùng cơ chế phi tòa án để giải quyết mọi sự việc. Tỷ lệ cao nhất toàn quốc là 10,5% và số này lại thuộc về Quảng Nam. “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” đạt trên mức trung bình (5,52 - 7,61).
Chỉ số được ghi nhận nhiều nhất là “Thủ tục hành chính công” (6,9 - 7,95) và “cung ứng dịch vụ công” (6,58 - 7,68) đạt điểm khá, thể hiện hiệu quả thực hiện dịch vụ làm thủ tục hành chính công của các cấp chính quyền. Các chỉ số này tăng dần qua thời gian và đã được cải thiện nhiều; riêng 2 chỉ số mới lần đầu tiên được đem ra đánh giá cho thấy chỉ số “quản trị môi trường” ở dưới mức trung bình (3,54 - 6,74), “quản trị điện tử” vẫn ở mức rất thấp (1,93 - 4,24 điểm).
Kết quả phân tích các chỉ số PAPI 2018 cho thấy chính quyền còn rất nhiều điều phải làm để cải thiện hiệu quả quản trị cho người dân. Những điểm số thấp cũng đồng nghĩa chính quyền các cấp còn nhiều cơ hội để tương tác rộng rãi với người dân. Tuy nhiên, điều này cũng đẩy áp lực cải cách điều hành, quản lý nhà nước, cung ứng các dịch vụ công tại mỗi địa phương để có thể nhận lấy sự hài lòng của người dân về hiệu quả quản trị và hành chính công ở những lĩnh vực nội dung PAPI đo lường.
Tự soi mình để cải cách
Kết quả công bố cho thấy PAPI 2018 của Quảng Nam đạt 43,14 điểm, xếp vị thứ 33/63 tỉnh, thành, tụt 6 bậc. Nếu nhìn vào số điểm hiện tại so với điểm số năm 2017 (37,08) tăng 6,06 điểm (dành cho 6 chỉ số), nhưng loại trừ 2 chỉ số mới được đưa vào đánh giá (tổng điểm 7,15) thì PAPI Quảng Nam mất đến 1,09 điểm. Điểm số cao nhất của 8 chỉ số thành phần PAPI 2018 thuộc về “thủ tục hành chính công” (7,02) và “cung ứng dịch vụ công” (7,02). Tiếp theo là “kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” (6,64), “tham gia của người dân cấp cơ sở” (5,27), “công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương” (5,05), “trách nhiệm giải trình với người dân” (4,99), “quản trị môi trường” (4,68) và “quản trị điện tử” (2,47). Những điểm số này so với điểm số bình quân chung của 63 tỉnh, thành trên cả nước là những thống kê không thể lạc quan về hiệu quả quản trị của chính quyền trước đánh giá của người dân khi chỉ số “quản trị môi trường” và “trách nhiệm giải trình với người dân” (dù chỉ tăng 0,01 điểm), “kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” đạt nhóm điểm trung bình cao. Các chỉ số còn lại đều rơi vào nhóm đạt điểm trung bình thấp và thấp nhất. Ngay cả chỉ số “thủ tục hành chính công” dù có tăng điểm, nhưng đã rơi vào nhóm đạt điểm thấp nhất cùng với “quản trị điện tử”.
Những thống kê trên so với PAPI 2017 cho thấy không có sự chuyển biến nào đáng kể. Không tính đến 2 chỉ số mới (quản trị điện tử và quản trị môi trường), 3/6 chỉ số mất điểm khá nhiều, bao gồm: chỉ số “tham gia của người dân cấp cơ sở” mất 0,7 điểm (5,27/5,97), “công khai minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương” mất 0,41 điểm (5,05/5,46), “kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” mất 0,09 điểm (6,64/6,73). Ba chỉ số còn lại tăng điểm như “thủ tục hành chính công” (7,02/6,98), “cung ứng dịch vụ công” (7,02/6,96) và “trách nhiệm giải trình với người dân” (4,99/4,98). Tuy nhiên, cả 2 chỉ số “thủ tục hành chính công” và “cung ứng dịch vụ công” lại rơi vào nhóm có điểm số thấp nhất, cho thấy nỗ lực của địa phương vẫn chưa theo kịp các tỉnh, thành khác trong việc cải thiện các chỉ số này một cách thực sự hiệu quả.
Kết quả này thực sự là một bất ngờ lớn. Chắc chắn sẽ có không ít câu hỏi đặt ra tại sao nỗ lực cải cách hành chính, hiện thực hóa các nghị quyết, chỉ thị, kiên trì mục tiêu một “chính quyền phục vụ” làm hài lòng người dân, hướng đến xây dựng một nền hành chính minh bạch, hiệu quả…. lại không thể phát huy tác dụng. Những chỉ thị, chủ trương đúng hướng, sẽ rất cần đến những con người thừa hành toàn tâm và có đủ năng lực, nhưng năng lực thừa hành của đội ngũ cán bộ cần bao nhiêu thời gian để thay đổi và chuyển hóa một cách năng động hơn? Ông Trương Hồng Giang – Trưởng phòng Cải cách hành chính Sở Nội vụ cho hay, khá bất ngờ và ngạc nhiên vì kế hoạch cải cách hành chính của Quảng Nam đang được đánh giá khá tốt. Tuy nhiên, PAPI liên quan đến nhiều thứ, cần phải có một báo cáo đánh giá, phân tích cụ thể để nhận diện rõ hơn về sự tụt hạng hay các chỉ số thành phần tăng, giảm điểm của PAPI 2018.
TRỊNH DŨNG