Đón "sếu đầu đàn"

LÊ VĂN 22/03/2019 03:20

Ngay sau Tết Kỷ Hợi, Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc) đã rầm rộ triển khai xây dựng nhà máy công nghiệp phụ trợ ngành ô tô, với vốn đầu tư 210 triệu USD, trên diện tích 13ha tại Khu công nghiệp Tam Thăng; mở đầu cho một năm được dự báo đầu tư sôi động tại Quảng Nam, với những con sếu đầu đàn…

Khu công nghiệp Tam Thăng đang thu hút nhiều dự án quy mô lớn. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Khu công nghiệp Tam Thăng đang thu hút nhiều dự án quy mô lớn. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Sự xuất hiện của Huyosung (với tổng vốn đăng ký đầu tư 1,3 tỷ USD), cùng  “những con sếu đầu đàn” khác như Vingroup, FVG... bên cạnh Thaco lâu nay, là chỉ dấu cho một bước ngoặc lớn trong thu hút đầu tư của tỉnh; cũng là những “quả ngọt” sau rất nhiều nỗ lực nhằm hiện thực hóa khát vọng và tầm nhìn chiến lược về con đường phát triển Quảng Nam trong giai đoạn mới.

Từ chiến lược của doanh nghiệp

Gần đây, các cụm từ “sếu đầu đàn”, “nhạn đầu đàn”, “đại bàng”… đã trở nên quen thuộc với các ngành, các địa phương. Những cuộc cạnh tranh để thu hút “sếu đầu đàn” cũng diễn ra quyết liệt, không chỉ giữa các địa phương, quốc gia, khu vực mà trên phạm vi toàn cầu.

Tại Quảng Nam, người đầu tiên nói đến khái niệm “sếu đầu đàn”, có lẽ là TS.Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, từ 20 năm trước - những năm 1999 - 2000, khi Quảng Nam rục rịch chuẩn bị làm “kinh tế mở”. Tôi nhớ, tại một cuộc hội thảo góp ý đề án kinh tế mở diễn ra ở Hội An hồi năm 2000, ông nêu ra quan điểm: một đàn sếu bay, lúc nào cũng có một con sếu đầu đàn dẫn dắt; đại ý rằng, quá trình công nghiệp hóa của các địa phương, các vùng trong cả nước không thể diễn ra đồng đều, mà phải có những khu vực cần được đầu tư để trở thành những đầu tàu, làm nhiệm vụ dẫn dắt, tạo sự phát triển lan tỏa cho những khu vực khác.

Khu công nghiệp Tam Thăng đang thu hút nhiều dự án quy mô lớn. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Khu công nghiệp Tam Thăng đang thu hút nhiều dự án quy mô lớn. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Như thế, “sếu đầu đàn” không đơn giản nói đến các doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế hùng mạnh, quản trị tiên tiến, hiện đại, mà rộng lớn hơn. Trong nhiều tài liệu, thuật ngữ “sếu đầu đàn” nằm trong nội hàm của một học thuyết kinh tế, có tên gọi “mô hình đàn sếu bay”, do giáo sư người Nhật Kaname Akamatsu đưa ra từ những năm 30 của thế kỷ trước, khi ông giải thích quá trình công nghiệp hóa giữa các quốc gia trong khu vực Đông Á. Dựa theo những luận cứ khoa học phân tích kết quả vận động bay của một đàn sếu (bay theo hình chữ V, dưới sự dẫn dắt của một  con sếu đầu đàn; và khi bay theo mô hình này, hiệu quả bay của một con sếu trung bình cao hơn 71% so với bay khi bay riêng lẻ - PV), Kaname Akamatsu mô tả và đề xuất lý thuyết phát triển kinh tế theo sự phân công lao động quốc tế và sự hỗ trợ lẫn nhau giữa các nước phát triển và đang phát triển. Ban đầu, mô hình này chỉ được giới hạn trong sự phát triển của một ngành công nghiệp, nhưng sau này được mở rộng dần thành quy luật phát triển của cả nền kinh tế.

Ở góc độ doanh nghiệp, có thể xem Thaco là một trong những điển hình thành công tiêu biểu về sự phát triển theo mô hình “đàn sếu bay”. Từ một doanh nghiệp nhỏ, chuyên nhập khẩu thiết bị, nguyên vật liệu ở các nước phát triển để lắp ráp ô tô phục vụ nhu cầu trong nước, Thaco đã từng bước vươn lên làm chủ công nghệ, tự sản xuất các sản phẩm công nghiệp phụ trợ ngành ô tô để tăng tỷ lệ nội địa hóa, thay thế nhập khẩu và bắt đầu xuất khẩu một số phụ tùng, kể cả sản phẩm ô tô mang thương hiệu Thaco ra nước ngoài. Không những thế, Thaco tiếp tục mở rộng chiến lược đầu tư sang nhiều lĩnh vực khác, và đến nay, đã trở thành doanh nghiệp có vai trò dẫn dắt quá trình phát triển của Quảng Nam; và dẫn dắt cả nước, nếu xét riêng góc độ ngành công nghiệp ô tô. Tại một cuộc tọa đàm về xây dựng trung tâm công nghiệp cơ khí ô tô Chu Lai tổ chức năm ngoái, các chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên, Trần Du Lịch đều khẳng định, Thaco hoàn toàn có thể đảm đương vai trò “sếu đầu đàn” trong quá trình xây dựng và phát triển trung tâm này trong tương lai gần.

Đến triển vọng của Quảng Nam

Với sự đóng góp khoảng 60% số thu ngân sách, tạo hơn 8 nghìn việc làm ổn định tại Khu kinh tế mở Chu Lai và gián tiếp tác động, tạo thêm hàng chục nghìn việc làm khác trong cả nước trong chuỗi giá trị xây dựng, sản xuất, cung ứng sản phẩm, Thaco đang giữ vai trò trung tâm trong bức tranh kinh tế Quảng Nam nhiều năm qua.

Từ thành công của Trường Hải - Chu Lai, Quảng Nam đã và đang tiếp tục nỗ lực cho một tầm nhìn mới về chiến lược phát triển theo hướng nhanh hơn, bền vững và bao trùm, thông qua việc đặt trọng tâm thu hút các nhà đầu tư chiến lược - những “sếu đầu đàn mới”. Nhiều “đại gia” hàng đầu đất nước và những tập đoàn kinh tế quốc tế  lớn như Vingroup, Sungroup, Chu Tài Phát, Panko, Exxon mobil... lần lượt đến Quảng Nam.

Sự xuất hiện của những nhà đầu tư lớn cùng với chiến lược phát triển mới của Thaco, dĩ nhiên sẽ góp phần xoay chuyển bức tranh kinh tế Quảng Nam, khi các ngành nghề và khu vực đầu tư nhanh chóng được mở rộng. Riêng năm 2019 này, sau sự mở đầu bằng dự án của Tập đoàn Hyosung tại Khu công nghiệp Tam Thăng, vào đúng kỷ niệm 44 năm Ngày giải phóng Quảng Nam (24.3), Thaco  chính thức khởi công 4 dự án  quy mô lớn khác, trong đó đáng chú ý nhất là dự án khu công nghiệp nông - lâm nghiệp trên diện tích hơn 400ha tại Khu kinh tế mở Chu Lai. Còn ở miền núi Đông Giang, Tập đoàn FVG đang chuẩn bị mọi thủ tục để động thổ triển khai dự án Khu du lịch  sinh thái Hang Gợp với tổng vốn đầu tư hơn 400 tỷ đồng, dự kiến vào dịp 30.4 sắp đến. Ngoài ra còn có dự án sản xuất, lắp ghép nhà ở thông minh của một tập đoàn New zeland tại xã Tam Hòa (Núi Thành),  vốn đầu tư 400 triệu USD giai đoạn 1, các dự án khu nông nghiệp công nghệ cao với tổng diện tích hơn 400ha tại xã Bình Dương (Thăng Bình) và xã Điện Hòa (Điện Bàn), với tổng vốn đầu tư trên 4.400 tỷ đồng… Nhiều dự án tầm cỡ khác cũng đã được cấp phép đầu tư; trong đó đặc biệt là dự án Trung tâm điện khí quốc gia tại Khu kinh tế mở Chu Lai.

Trong chặng đường hơn 22 năm sau ngày tái lập tỉnh, từ tầm nhìn về chuyển dịch cơ cấu kinh tế và hội nhập, chỉ với một sếu đầu đàn - Thaco, Quảng Nam đã bức phá ngoạn mục về kinh tế. Và nay, với sự xuất hiện thêm nhiều “sếu đầu đàn” khác, kéo theo “những đàn sếu bay về” thì những kỳ vọng, niềm tin về một giai đoạn mới, với sự phát triển nhanh, đa dạng lĩnh vực và đều khắp các vùng miền là hoàn toàn có cơ sở.

Vấn đề đặt ra lúc này - cũng là thách thức lớn nhất, là sự chuẩn bị mọi điều kiện (nhất là đất đai, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng) và vượt qua những rào cản lớn về bồi thường, giải tỏa, tạo sự đồng thuận trong cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân đồng hành, ủng hộ, góp sức hiện thực hóa những mục tiêu phát triển của tỉnh nhà.

LÊ VĂN

LÊ VĂN