Để "quốc bảo" thành "quốc kế dân sinh"

TRẦN HỮU 07/02/2019 06:18

Để biến sâm Ngọc Linh - một “quốc bảo” thành “quốc kế dân sinh”, như lời Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Quảng Nam và Kon Tum cần phải gỡ ngay rào cản trong khâu trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và khẩn trương hội nhập thị trường quốc tế.

Đồng bào Xê Đăng xã Trà Linh chăm sóc sâm dưới tán rừng.
Đồng bào Xê Đăng xã Trà Linh chăm sóc sâm dưới tán rừng.

Cần đa dạng sản phẩm

Là hàng hóa mang thương hiệu quốc gia, nhưng sâm Ngọc Linh và các sản phẩm chiết xuất từ loại cây này giao dịch ở thị trường Quảng Nam và cả nước gần như ở dạng củ, lá, hay thực phẩm chức năng từ viên nén bổ dưỡng, nước uống, hoặc ngâm rượu. Vì sao sản phẩm sâm Ngọc Linh còn nghèo nàn trên thị trường? Mấu chốt nằm ở đây: nguồn sâm giống nhiều năm rất khan hiếm. Tại Nam Trà My ước có 1.500 hộ trồng sâm theo đăng ký diện tích 2.500ha, nhưng nông dân tham gia trồng chủ yếu theo thói quen truyền thống.

UBND tỉnh đã đồng ý cho 6 doanh nghiệp và một tập đoàn được tham gia trồng sâm Ngọc Linh. Ông Nguyễn Đình Triệu - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại dược sâm Ngọc Linh cho biết, lo lắng nhất vẫn là chất lượng nguồn giống. Công ty thuê 14,8ha dịch vụ môi trường rừng ở xã Trà Cang (Nam Trà My), đã ký quỹ và cam kết đầu tư. Từ năm 2016 đến nay công ty này mới trồng 6ha sâm Ngọc Linh (khoảng hơn 150 nghìn cây). “Liệu những cây giống sau này có đảm bảo chất lượng của sâm gốc hay không? Hiện sâm của công ty chỉ đảm bảo cho chế biến rất ít, đến năm 2022 mới có nguyên liệu nhiều” – ông Triệu băn khoăn. Cũng theo ông Triệu, công ty đang hoàn thiện xây dựng nhà máy chế biến sâm Ngọc Linh, dự kiến sẽ tung ra thị trường 10 sản phẩm các loại.

Củ sâm thường bán thô ra thị trường. Ảnh: Trần Hữu
Củ sâm thường bán thô ra thị trường. Ảnh: Trần Hữu

Phiên chợ hàng tháng ở vùng cao Nam Trà My, tuy thu về tiền bán sâm 4 - 5 tỷ đồng mỗi đợt nhưng hầu như là bán thô thân cây, củ, lá. Trong khi các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Mỹ, Canada… phát triển từ rất sớm ngành công nghiệp sâm thì hiện nay trong nước mới ở giai đoạn chập chững bước đi.

Một tín hiệu vui là cuối tháng 11.2018, Chính phủ đồng ý cho Quảng Nam số hóa dữ liệu giám sát và truy xuất nguồn gốc sâm Ngọc Linh nhằm chống sự xâm nhập của các giống sâm giả và ngoại lai. Theo đó, vùng trồng sâm sẽ số hóa toàn bộ dữ liệu quan trắc, giám sát chuỗi chất lượng hàng hóa và truy xuất nguồn gốc giám sát (từ người trồng đến tuyến đường và chất lượng vận chuyển đến tay người dùng), cấp chứng chỉ bảo chứng điện tử, giúp sản phẩm sâm Ngọc Linh đạt được giá trị thương phẩm cao nhất.

Gieo hạt sâm tại Trạm dược liệu Trà Linh. Ảnh: M.Đức
Gieo hạt sâm tại Trạm dược liệu Trà Linh. Ảnh: M.Đức

Tăng khả năng cạnh tranh

Bảo tồn và phát triển nguồn sâm giống Ngọc Linh
Theo Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam, nhu cầu nguồn sâm giống của người dân tăng cao nhưng việc nhân giống hiện vẫn còn nhiều khó khăn. Phương pháp nhân giống hiện nay chủ yếu là hữu tính (gieo hạt), trong khi giá bán hạt giống trên thị trường còn cao, cây con dễ bị dịch bệnh...
Thời gian qua, Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam đặc biệt chú trọng công tác bảo tồn và phát triển cây giống sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh. Đến nay, việc bảo tồn nguồn gen quý hiếm này cơ bản đã được đảm bảo, số cây giống được sản xuất hàng năm tăng; cùng với đó công tác chăm sóc cây giống, phòng trừ sinh vật hại, bảo vệ, bảo quản hạt giống...  đang được triển khai với nhiều biện pháp đồng bộ.
Hiện trung tâm quản lý, bảo vệ diện tích 15ha, trong đó diện tích đã trồng sâm hơn 7ha. Sản xuất giống, phát triển trồng mới, cung ứng cây giống cho doanh nghiệp đạt nhiều kết quả khả quan. Theo thống kê, năm 2015, số lượng cây giống sâm Ngọc Linh trung tâm sản xuất được là 32.400 cây; từ đó đến nay tổng số lượng cây giống đã sản xuất được là hơn 146.000 cây. Từ nguồn giống này, trung tâm đã phát triển trồng mới được hơn 60.300 cây, cung ứng cho doanh nghiệp 32.400 cây, nghiên cứu di thực 2.000 cây.
Nếu như năm 2015, tỷ lệ sống của cây sau nẩy mầm chỉ đạt 18,5% thì năm 2018 đã tăng lên gần 39,4%. Trung tâm đã xây nhà sản xuất cây giống với diện tích khoảng 1.000m2 tại Trạm dược liệu Trà Linh để kiểm soát tốt dịch bệnh trên cây sâm giống.(Hà Quang)

Vài năm nay, vùng cao Nam Trà My thu hút dòng người khắp nơi đổ về mua bán qua phiên chợ sâm Ngọc Linh tổ chức hàng tháng. Qua các phiên chợ, sâm Ngọc Linh được quảng bá rộng rãi trong và ngoài nước. Đồng bào đã thay đổi thói quen trong tư duy làm ăn, giảm được nghèo bền vững. Đơn cử, xã trồng sâm nhiều nhất như Trà Linh hiện còn 56% hộ nghèo, trong khi cách đây 3 năm chiếm hơn 80%.

Tại cuộc làm việc với tỉnh Kon Tum hồi đầu tháng 9.2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, sâm Việt Nam muốn vươn ra thị trường thế giới, không phải là bán thô thân cây lá,  mà phải đột phá mạnh trong ngành chế biến dược liệu và thực phẩm chức năng. Dược phẩm, thực phẩm chức năng từ trước đến nay là sân chơi của các cường quốc kinh tế và khoa học công nghệ. Do vậy Việt Nam chỉ cạnh tranh thành công khi xác định được các lợi thế vượt trội, biến “quốc bảo” thành “quốc kế dân sinh”.

Thực tế Quảng Nam chỉ có 2 công ty sản xuất chế biến sâm Ngọc Linh với quy mô nhỏ là Công ty CP Thương mại dược sâm Ngọc Linh và Công ty TNHH Sâm Sâm. Doanh nghiệp đang đối mặt với nhiều khó khăn trong việc tinh chế, chiết xuất từ dược liệu sâm Ngọc Linh. Ông Trần Hoàn – Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum (tỉnh Kon Tum) thừa nhận: “Chúng ta chưa có sản phẩm chế biến sâm Ngọc Linh theo quy mô hàng hóa, cạnh tranh với thị trường quốc tế vì sản xuất quy mô nhỏ, nguồn nguyên liệu còn khiêm tốn”. Một nhà đầu tư khá tiếng tăm trong nước là Công ty CP Dược Hoa Thiên Phú (TP.Hồ Chí Minh) hiện tại vẫn chưa ký được hợp đồng thuê môi trường rừng bởi vướng mắc thủ tục đất đai. Mặt khác, theo công ty này, lý do chậm triển khai trồng sâm Ngọc Linh vì khó tìm ra nguồn sâm giống để đầu tư sản xuất.

Chủ trương của chính quyền tỉnh là cần có doanh nghiệp mạnh để đưa thương hiệu sâm Ngọc Linh có khả năng cạnh tranh sòng phẳng với sản phẩm tương tự của Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản đang chiếm lĩnh trên thị trường sân nhà.

TRẦN HỮU

TRẦN HỮU