Nuôi biển
Nuôi biển (seaculture) là một thuật ngữ mới xuất hiện ở Việt Nam thời gian gần đây, nhưng trên thế giới thì seaculture không chỉ là khái niệm phổ biến, mà đã trở thành một ngành công nghiệp, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế biển một cách bền vững và góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên biển, vốn đang bị khai thác quá mức.
Đánh bắt trên sông. Ảnh: Hữu Khiêm |
Theo một báo cáo của Liên hiệp quốc, trong 40 năm qua, hệ sinh vật biển trên toàn cầu chỉ còn một nửa. Nhân loại đã và đang lấy đi từ biển cả nguồn thủy sản nhiều hơn khả năng tự tái tạo của các giống loài này. Ở Việt Nam, nguồn thủy sản khai thác từ biển, đặc biệt là các vùng biển cận duyên gần như cạn kiệt, năng suất khai thác biển Việt Nam chỉ còn khoảng 1/4 so với 20 năm trước. Chính vì thế, vấn đề nuôi biển ở Việt Nam đã được đặt ra và trở thành chương trình hành động của Chính phủ, của chính quyền một số địa phương ven biển cùng các hội nghề nghiệp liên quan đến nuôi trồng và khai thác thủy sản.
Xu hướng nuôi biển
Nuôi trồng thủy sản trên biển đang là xu hướng phát triển mạnh trên toàn cầu trong bối cảnh cần phải đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho dân số thế giới đang tăng lên và có thể đạt 9 tỷ người vào năm 2050.
Việt Nam là nước có tiềm năng lớn về nuôi biển. Với hơn 3.260km bờ biển, hơn 3.000 hòn đảo, nhiều vùng vịnh kín và các bãi triều ven biển…, là môi trường thuận lợi để phát triển nuôi biển. Hoạt động nuôi biển ở Việt Nam diễn ra ở hầu hết 28 tỉnh thành ven biển, nhưng quy mô còn nhỏ lẻ, manh mún và chưa có sự kết nối quốc gia.
Theo Tổng cục Thủy sản, diện tích nuôi biển ở Việt Nam chỉ khoảng 40.100ha trên tổng số 244.190ha tiềm năng. Năm 2015, sản lượng nuôi biển đạt 308.587 tấn, chủ yếu là cá biển, tôm hùm, nhuyễn thể và cua ghẹ. Trong khi rong biển - một sản phẩm nuôi biển chủ đạo ở các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia,… thì lại có sản lượng rất khiêm tốn ở Việt Nam, chỉ đạt 101.000 tấn vào năm 2016.
Trong khi đó, thị trường sản phẩm nuôi biển ở trên thế giới lại đang mở ra tiềm năng lớn cho ngành nuôi biển xuất khẩu của Việt Nam. Theo số liệu của VASEP, trong năm 2015, Việt Nam đã xuất khẩu cá biển nuôi đến các thị trường lớn như: Mỹ, Úc, Hồng Kông, Đức, Nhật Bản, Hà Lan, Trung Quốc…, với tổng giá trị hơn 35 triệu USD. Cũng theo VASEP, sản phẩm nuôi biển là nhuyễn thể hai mảnh vỏ (nghêu, sò điệp) của Việt Nam có tổng giá trị xuất khẩu là 80 triệu USD năm 2017 và cua ghẹ nuôi đạt giá trị 130 triệu USD cùng năm.
Việc tiêu thụ sản phẩm từ nuôi biển đang gia tăng trên thế giới do các nước phát triển tập trung bảo vệ nguồn sinh vật biển tự nhiên, đồng thời do nguồn cung sản phẩm nuôi trồng từ biển ổn định hơn so với nguồn cung từ đánh bắt tự nhiên, vốn bất thường do tác động của mùa vụ, thời tiết và biến đổi khí hậu.
Đây chính là những điều kiện thuận lợi để Việt Nam phát triển mạnh nghề nuôi biển, với mục tiêu mà Chính phủ đặt ra là phải đạt 5 triệu tấn sản phẩm nuôi biển vào năm 2030. Và đến năm 2050, công nghiệp nuôi biển phải trở thành bộ phận chính của kinh tế biển, đóng góp 2-3% GDP của quốc gia.
Tiềm năng của Quảng Nam
Quảng Nam có bờ biển trải dài hơn 125km, với hai cửa biển lớn là Cửa Đại (Hội An) và cửa An Hòa (Núi Thành). Gắn liền với hai cửa biển này là hệ thống sông ngòi và vũng đầm nước lợ cận kề. Đây là môi trường thuận lợi để phát triển nuôi biển nước lợ. Bên ngoài Cửa Đại là cụm đảo Cù Lao Chàm, đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Đây là vùng biển/đảo đang bảo tồn nhiều loại sinh vật biển quý hiếm, là vùng biển tĩnh, không chỉ thuận lợi cho việc phát triển du lịch biển đảo mà còn thuận tiện để phát triển nuôi biển.
Trong những năm qua, cư dân ven biển Quảng Nam đã phát triển mô hình nuôi cá lồng bè ở trên sông Trường Giang và ở vũng An Hòa, nuôi cua biển ở Hội An, nuôi hàu ở khu vực Cửa Lở và vũng An Hòa (Núi Thành)… Đây là những mô hình nuôi biển quy mô nhỏ ở địa phương, nhưng lại tạo ra những thương phẩm có giá trị kinh tế, bước đầu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ở địa phương, thị trường trong nước và có tiềm năng xuất khẩu. Quảng Nam có giống rong biển “đặc sản”, gọi là mứt, là loại thực phẩm biển sạch, an toàn, giàu dinh dưỡng, có giá trị kinh tế cao và hoàn toàn có thể nuôi trồng với quy mô lớn để xuất khẩu. Vùng đất bồi ven các cửa sông ở Quảng Nam hoàn toàn có thể trở thành những “cánh đồng” nuôi nhuyễn thể hai mảnh (ngao, sò lụa, sò điệp…) như các địa phương ven biển ở đồng bằng sông Cửu Long. Những vũng, vịnh kín có diện tích khiêm tốn chạy dọc bờ biển Quảng Nam chính là những nơi thích hợp để phát triển mô hình nuôi cá biển quy mô trang trại/ công ty. Đây chính là những lợi thế mà Quảng Nam cần quan tâm quy hoạch, đầu tư và phát triển ngành nuôi biển, góp phần vào phát triển bền vững kinh tế biển ở địa phương.
Tuy nhiên, ngành nuôi biển ở Quảng Nam cũng đối mặt với một số khó khăn. Đó là: vùng biển thường xuyên đối mặt với mưa bão trong mùa đông, gây trở ngại cho nghề nuôi cá lồng/bè trên biển; vùng nuôi cá nước lợ trong sông và ven cửa biển hay bị ô nhiễm, dẫn đến sinh vật nuôi dễ bị nhiễm bệnh, làm giảm năng suất, dẫn đến kinh doanh thua lỗ; nguồn cung về con giống chưa đảm bảo ổn định; sự kết nối giữa cung và cầu trên thị trường, nhất là với thị trường trong nước và nước ngoài chưa thông suốt như ở các tỉnh bạn...
Cơ hội
Hiện tại đã có 116 quốc gia trên thế giới có hoạt động nuôi biển, với 526 loài sinh vật biển được nuôi. Trong vòng 30 năm từ 1985 - 2014, hoạt động nuôi biển trên toàn cầu đã tăng 44 %. Theo số liệu của Tổ chức Nông lương thuộc Liên hiệp quốc (FAO), năm 2014, sản lượng nuôi biển (tôm, cá, nhuyễn thể…) của thế giới đạt khoảng 26,7 triệu tấn, còn sản lượng rong biển là 27,2 triệu tấn. Đến năm 2015, diện tích biển đã được sử dụng để nuôi biển trên thế giới chỉ chiếm 0,04 % tổng diện tích bề mặt đại dương toàn cầu. Do vậy, tiềm năng phát triển nuôi biển còn rất lớn, kể cả khi nuôi biển mở rộng diện tích gấp 20 lần so với hiện nay, thì vẫn chưa chiếm tới 1 % tổng diện tích đại dương. |
Để phát triển bền vững ngành nuôi biển ở Quảng Nam, chính quyền địa phương cần phải có những chủ trương, chính sách trung hạn và dài hạn trong quy hoạch phát triển ngành này.
Trước mắt, cần ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản ở trên sông Trường Giang và ở các vũng, đầm nước lợ sát cửa biển; tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế ở trong tỉnh và bên ngoài đầu tư vào lĩnh vực nuôi trồng thủy sản trên vùng biển cận duyên của tỉnh và xung quanh các đảo trong quần thể Cù Lao Chàm; mạnh dạn giao và cho các doanh nghiệp thuê mặt nước biển để nuôi trồng; đầu tư và hỗ trợ đầu tư cho công tác quy hoạch, nhập khẩu giống, đào tạo cán bộ chuyên môn và ưu tiên bố trí kinh phí khuyến ngư cho hoạt động nuôi trồng thủy sản trên biển và hải đảo.
Về lâu dài, cần phải kết nối với chính sách phát triển nuôi biển quốc gia để lập quy hoạch vùng nuôi biển; thực hiện chương trình kiểm soát và giám sát môi trường biển; xây dựng hệ thống chính sách bảo hiểm nuôi biển; xây dựng thương hiệu nuôi biển cho Quảng Nam và phát triển thị trường, nối thông thị trường trong tỉnh với thị trường quốc gia và quốc tế.
Làm được những điều trên, Quảng Nam sẽ có cơ hội biến hoạt động nuôi biển, vốn đang manh nha ở địa phương, trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn trong tương lai, tận dụng mọi tiềm năng sẵn có của địa phương để góp phần vào phát triển kinh tế biển một cách bền vững.
TRẦN ĐỨC ANH SƠN