Học cách sản xuất, kinh doanh từ người Nhật

XUÂN HIỀN 15/01/2019 03:01

Ngày 14.1, Ban Quản lý dự án tỉnh Quảng Nam, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và đại diện thành phố Minamiboso (Nhật Bản) tổ chức Lễ tổng kết Dự án Hợp tác kỹ thuật cấp cơ sở. Như vậy, sau 9 năm thực hiện, dự án trong khuôn khổ “Chương trình đối tác phát triển NGO - JICA” đã khép lại với nhiều kết quả tích cực.

Cửa hàng trưng bày tinh hoa sản phẩm làng nghề - do JICA tài trợ và đang phát triển tốt tại Quảng Nam.  Ảnh: X.H
Cửa hàng trưng bày tinh hoa sản phẩm làng nghề - do JICA tài trợ và đang phát triển tốt tại Quảng Nam. Ảnh: X.H

Thúc đẩy địa phương phát triển

Trong suốt 9 năm triển khai, các chuyên gia Nhật Bản đã tổ chức nhiều hoạt động tư vấn chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm về các hợp phần của dự án, tổ chức đoàn cán bộ, nông dân Quảng Nam sang tập huấn khảo sát thực tế tại Thái Lan và Nhật Bản; hỗ trợ và tài trợ một phần kinh phí để xây dựng cơ bản, mua sắm thiết bị  máy móc phục vụ các hợp phần của dự án. Ông Hoàng Châu Sinh - Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh, Phó ban Quản lý dự án cho biết, mục tiêu của dự án nhằm hỗ trợ nông dân, thợ thủ công trong vùng hưởng lợi nâng cao thu nhập, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển thông qua xúc tiến triển khai dự án và liên kết hợp tác một cách tự nguyện, có tổ chức.

Dự lễ tổng kết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân đánh giá cao các kết quả dự án đã đạt được, đề nghị các địa phương quan tâm đến những hợp phần còn lại của dự án và mong muốn JICA tiếp tục hỗ trợ các dự án khác tại Quảng Nam. Dịp này, UBND tỉnh trao tặng 4 bằng khen cho các tập thể và cá nhân có nhiều đóng góp trong quá trình thực hiện dự án.

Các hợp phần của dự án từ xây dựng “Cửa hàng nông dân” trong Trạm dừng nghỉ Bình An theo mô hình “Cửa hàng trong cửa hàng” của JICA, hỗ trợ Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Mỹ Hưng (xã Bình Triều, Thăng Bình) hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu dùng, tạo kỹ năng kinh doanh cho người dân; hỗ trợ trang thiết bị phục vụ làng nghề  trầm hương Tiên Phước và các tổ hợp tác sản xuất nông sản, hỗ trợ nhà trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống... đã mang lại hiệu quả thiết thực. “Việc triển khai dự án đã tạo dựng bước đầu mô hình về chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu dùng, cũng như góp phần thay đổi nhận thức, tư duy sản xuất, làm việc của nông dân, nghệ nhân, cán bộ” - ông Hoàng Châu Sinh nói.

Cơ hội cho người dân

Quá trình thực hiện dự án, ngoài việc hỗ trợ một phần kinh phí lên đến hơn 21,5 tỷ đồng cho các hợp phần, JICA cùng những chuyên gia chuyên ngành hàng đầu của Nhật phối hợp tổ chức nhiều buổi tọa đàm chuyên đề, tư vấn trực tiếp cho từng sản phẩm của làng nghề, khuyến nghị định hướng phát triển sản phẩm cho các nghệ nhân. Chia sẻ về tính lan tỏa của chương trình, ông Fumio Kato - Giám đốc dự án JICA cho biết, điều lớn nhất dự án mang lại chính là đã cùng hỗ trợ thay đổi cơ chế và tư duy người sản xuất theo hướng kinh tế thị trường. “Điều chúng tôi thấy mình đã thành công chính là tư vấn và hỗ trợ để bản thân người dân và chính quyền làm nên những cú hích thúc đẩy quá trình chuyển đổi sản xuất, tiếp cận với nền nông nghiệp thân thiện môi trường” - ông Fumio Kato nói.

Là một trong những đối tượng nhận được sự hỗ trợ của dự án, bà Đặng Thị Hương - Tổ trưởng Tổ hợp tác Hương Huệ (xã Bình Trị, Thăng Bình) chia sẻ, từ một hộ sản xuất nhỏ lẻ, gặp rất nhiều khó khăn khi tổ chức sản xuất sản phẩm bánh tráng, bún, phở khô vào mùa mưa, JICA cùng các tổ chức của địa phương đã hỗ trợ bà kết nối cùng các hộ dân trong vùng thành lập tổ hợp tác và tài trợ xưởng sấy bánh, nâng cao năng suất sản xuất và kinh doanh, mở rộng thị trường, góp phần nâng mức thu nhập của các hộ tham gia. Đây cũng chính là mục đích mà dự án của JICA hướng đến.

Văn phòng JICA tại Tokyo đã đánh giá khá tốt quá trình triển khai và các kết quả dự án thực hiện tại Quảng Nam đạt được về các chỉ tiêu như tính phù hợp, tính hiệu quả và tính bền vững. Theo đó, dự án đã hỗ trợ kinh doanh và phát triển kênh bán hàng lồng ghép được các dự án chủ động khác từ địa phương, cũng như hình thành và mở rộng thị trường, mối quan hệ cho các nghệ nhân sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, đưa được chương trình du lịch làng nghề kết nối trong sự phát triển chung. Ngoài những thành tựu đã đạt được, theo nhìn nhận từ phía Ban quản lý, một số hợp phần đã không phát huy hết công năng của mình, như Trạm dừng nghỉ Bình An hay Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Mỹ Hưng vẫn đang loay hoay tìm kiếm đầu ra... Đây sẽ là những phần việc đòi hỏi nỗ lực và sự quan tâm của chính quyền, người dân sau khi  dự án kết thúc. Tuy nhiên, theo chia sẻ của các địa phương trong vùng được dự án hỗ trợ cũng như từ phía các nghệ nhân, trên hết là họ đã học được tư duy, cách nghĩ, cách làm của người Nhật, cách thức liên kết của người Nhật trong thực thi công việc...

XUÂN HIỀN

XUÂN HIỀN