Khả quan với mục tiêu tăng trưởng

TRỊNH DŨNG 30/12/2018 00:48

Lượng vốn từ ngân sách và doanh nghiệp đổ ra nền kinh tế ngày càng gia tăng. Kế hoạch tăng trưởng GRDP 7 – 7,5% với tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm 30%, thu ngân sách tăng 7,3% sẽ không phải là chỉ tiêu quá khó trong năm 2019 của Quảng Nam.

Ngân hàng bơm vốn cho doanh nghiệp sẽ giúp tổng vốn đầu tư xã hội gia tăng. Ảnh: T.DŨNG
Ngân hàng bơm vốn cho doanh nghiệp sẽ giúp tổng vốn đầu tư xã hội gia tăng. Ảnh: T.DŨNG

Sau cầu Cửa Đại bắc qua sông Thu Bồn theo đường ven biển 129 kết nối hai đầu nam – bắc, thì dự án đường dẫn phía bắc cầu Cửa Đại với hai cây cầu bắc ngang sông Đế Võng, Sông Đò khu vực Hội An cũng đã khớp nối hoàn tất. Tuyến đường 129 kéo dài từ dốc Diên Hồng (Tam Kỳ) đến Chu Lai đã sẵn sàng nguồn vốn; chỉ giải tỏa xong mặt bằng là sẽ chính thức triển khai theo kế hoạch. Những công trình cầu đường đó góp phần biến vùng đất đông Quảng Nam thành khu vực kinh tế năng động đầy hứa hẹn.

Sức ép hạ tầng từ vốn ngân sách

Sức ép đầu tư phát triển hạ tầng để nguồn lực Nhà nước trở thành nguồn vốn mồi thúc đẩy doanh nghiệp mở rộng đầu tư liên tục được đặt lên bàn nghị sự. Ông Tạ Minh Huy – Tổng hội trưởng Tổng hội thương mại Đài Loan cho rằng, cải thiện môi trường đầu tư, hạ tầng, chính sách không phải là phép cộng đơn giản. Mối quan tâm của các nhà đầu tư chính là giao thông, quy hoạch đường cao tốc, hệ thống giao thông đã có những dự án mới nào chưa? Liệu có được mở rộng hay việc cung ứng điện, nước sạch có đủ cho các nhà đầu tư và vận tải đường biển từ các cảng Quảng Nam có đủ đáp ứng cho việc xuất nhập khẩu hàng hóa sang các nước Âu, Mỹ… Ý kiến của nhà đầu tư Đài Loan cũng là mối quan tâm chung của các doanh nghiệp FDI. Trong những cuộc xúc tiến hay gặp gỡ các nhà đầu tư mới đây, nếu như các nhà đầu tư nội địa mong muốn được hưởng lợi, trông chờ vào những tác động từ ưu đãi thuế, cải thiện môi trường pháp lý, thì doanh nghiệp FDI trông chờ nhiều nhất vào việc cải thiện cơ sở hạ tầng. Yêu cầu này là lý do, đồng thời cũng là sức ép lớn nhất của khối này khi thương thảo, đàm phán với chính quyền Quảng Nam trước khi quyết định xúc tiến hoặc mở rộng đầu tư hay không.

Không thể trì hoãn. Để chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, dịch vụ chiếm 90% cơ cấu kinh tế và duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 10 – 10,5% cho đến năm 2020, Nhà nước phải tiếp tục huy động vốn đầu tư từ 130 – 135 nghìn tỷ đồng. Theo đó, những kế hoạch đã được xác lập như: hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng đồng độ, kết nối giao thông liên vùng đông – tây, giữa đô thị - nông thôn, đường ven biển, nạo vét cảng Kỳ Hà cho tàu 30.000 tấn hoạt động, nạo vét sông Cổ Cò, Trường Giang, hoàn thành đường Đông Trường Sơn, phát triển cảng hàng không Chu Lai… Bên cạnh đó, các trục giao thông miền núi như Tam Trà – Trà Kót, Trà My – Phước Thành, cầu Nông Sơn… cần sớm được thực hiện.

Không chỉ vậy, kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế, quy hoạch Khu kinh tế mở Chu Lai, cảng biển, sân bay, giao thông nông thôn, phát triển nông nghiệp (âu thuyền, đê biển, kè sông, biển…) nông thôn mới, hạ tầng xã hội thiết yếu như hệ thống trường học các cấp, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo cơ sở khám chữa bệnh cho lao động tại các khu công nghiệp trong Khu kinh tế mở Chu Lai, Khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc và các khu công nghiệp hiện có… cũng không nằm ngoài các lĩnh vực ưu tiên. Tất cả dự án đầu tư này đều cấp thiết, có khả năng tạo dựng nền tảng tăng trưởng kinh tế dài hạn hay phúc lợi xã hội.

Tăng trưởng kinh tế khá, nguồn thu ngân sách dồi dào, vượt đến hơn 3.469 tỷ đồng năm 2018 đã “cho phép” Quảng Nam đẩy tốc độ và nguồn vốn đầu tư tăng mạnh trong năm 2019. Tổng nguồn vốn đầu tư công năm 2019 dự kiến hơn 7.515 tỷ đồng (tăng 78%) so với kế hoạch và tăng 22% so với thực hiện năm 2018. Ông Nguyễn Đức, Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh cho hay cơ quan này đã thống nhất yêu cầu bổ sung thêm 8 dự án đầu tư trong kế hoạch trung hạn và 74 dự án ngoài kế hoạch đầu tư trung hạn (2018 – 2020) từ nguồn ngân sách tỉnh (ngoài danh mục dự án khởi công mới đã được HĐND tỉnh phê duyệt). HĐND chấp thuận tổng mức đầu tư các dự án phát sinh là 3.277,8 tỷ đồng với yêu cầu UBND tỉnh tính toán kỹ về khả năng cân đối nguồn lực ngân sách tỉnh thực hiện các dự án này trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016 – 2020 và sau năm 2020, giảm áp lực trong việc cân đối ngân sách cho giai đoạn tiếp theo.

Sôi động FDI và kinh tế tư nhân

Thông thường chỉ có thể dự báo chính xác nguồn vốn ngân sách địa phương hoặc từ trung ương mà không dễ dàng để tính toán cho việc thu hút các nguồn lực từ khu vực FDI hay kinh tế tư nhân cụ thể là bao nhiêu. Nhưng, những diễn biến mới nhất về đầu tư của doanh nghiệp cho thấy vốn FDI chiếm khoảng 5.000 tỷ đồng (16,7%) và nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp ngoài nhà nước và tư nhân khoảng 15.700 tỷ đồng (52,3%) trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2019 (khoảng 30.000 tỷ đồng). Xu hướng đầu tư của 2 khu vực này ngày càng lớn. Trong đó phải kể đến Amann (Đức) đầu tư 14 triệu USD hay dự án sản xuất sợi vải mành, sợi ny lon, sợi thép của Tập đoàn Hyosung khởi công xây dựng giai đoạn 1, với tổng giá trị đầu tư 210 triệu USD trên diện tích 13ha trong tổng giá trị đầu tư cả dự án hơn 1,3 tỷ USD trên diện tích 100ha. Dự án xử lý chất thải, nước thải môi trường đô thị Chu Lai Núi Thành 25 triệu USD từ nguồn vốn ODA Đức cũng sẽ triển khai xây dựng vào đầu năm 2019.

Tuyến đường ven biển từ Hội An đi Đà Nẵng vừa được hoàn thiện.
Tuyến đường ven biển từ Hội An đi Đà Nẵng vừa được hoàn thiện.

Nhiều nhà đầu tư FDI khác cũng cam kết mở rộng quy mô sản xuất hay đầu tư thêm nhiều dự án. Công ty Dae Young E&C, nhóm các nhà đầu tư Đài Loan hay Nagasaki (Nhật Bản) về lĩnh vực môi trường, Công ty  VBP Accounting, Công ty Brainworks, Công ty DD Diamond - Hàn Quốc về dự án sản xuất máy cắt kim cương, dự án sản xuất rượu Rum của nhà đầu tư Pháp, Công ty TNHH Hasegawa Việt Nam... sẵn sàng đổ vốn đầu tư. Theo Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, những nhà đầu tư bị vướng quy hoạch hay các thủ tục pháp lý trước đây như BRG, TBS, An Thịnh, Đất Xanh miền Trung, TUI – Thiên Minh... đứng bánh thời gian qua đã sẵn sàng cho một giai đoạn đầu tư mới.

Khu vực tư nhân gia tăng đầu tư mạnh nhất phải kể đến là Trường Hải – Thaco. Tập đoàn này sẽ đầu tư hơn 25.000 tỷ đồng mở rộng khu phức hợp cơ khí ô tô, xây dựng trung tâm nghiên cứu phát triển, khu công nghiệp chuyên nông lâm nghiệp… Ngay trong năm 2019, sẽ triển khai xây dựng, đưa vào hoạt động các nhà máy sản xuất vật tư nông nghiệp, tổng kho bảo quản, các nhà máy sản xuất chế biến trái cây với chi phí đầu tư khoảng 3.425 tỷ đồng và đầu tư bến cảng nước sâu có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 50.000 tấn với tổng vốn đầu tư 1.400 tỷ đồng.

Trong một góc nhìn khác, con số 26 dự án FDI (300,8 triệu USD), 64 dự án đầu tư nội địa (hơn 6.000 tỷ đồng) được cấp, 1.200 doanh nghiệp gia nhập thị trường và dự kiến sẽ có thêm 1.000 doanh nghiệp khác ra đời năm 2019, đồng nghĩa sẽ có thêm lượng vốn lớn đầu tư từ khu vực này được đưa vào thị trường. Những nhà đầu tư hay doanh nghiệp mới này không lo thiếu vốn khi Ngân hàng Nhà nước Quảng Nam cho biết sẽ tăng thêm nhiều vốn tương ứng với đà tăng trưởng GRDP. Chỉ cần doanh nghiệp có dự án tốt là sẽ được “bơm tiền”. Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho hay, cơ hội thu hút dòng vốn từ khu vực FDI và tư nhân đầy triển vọng. Khả năng huy động vốn của Quảng Nam sẽ không gặp khó khăn. Sẽ đủ khả năng để gia tăng đầu tư công, có đủ điều kiện phát triển từ việc huy động vốn từ FDI, doanh nghiệp.

Sức nóng của tăng trưởng kinh tế, tăng tốc đầu tư của Nhà nước lẫn khối FDI và tư nhân, tổng vốn đầu tư toàn xã hội dự kiến 30.000 tỷ đồng, chiếm 30% GRDP, thu nội địa tăng 7,3% để góp  GRDP năm 2019 tăng khoảng 7 - 7,5% so với năm 2018, không phải là chuyện quá khó khăn với Quảng Nam.

TRỊNH DŨNG

TRỊNH DŨNG