Bất ngờ chỉ số tăng trưởng

TRỊNH DŨNG 04/12/2018 02:34

Tăng trưởng GRDP của Quảng Nam năm 2018 là 8,11%, theo công bố của Tổng cục Thống kê, đã khiến nhiều người bất ngờ. Bởi, con số tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm chỉ là 5,66%; và theo đó, cho đến những tháng cuối cùng của năm nay, dự báo của các cơ quan chuyên môn và UBND tỉnh về GRDP cả năm cũng chỉ ở mức hơn 6%!

Dự án đầu tư hiệu quả hay sự đầu tư, gia tăng phát triển của doanh nghiệp sẽ là những yếu tố quan trọng để thể hiện GRDP tăng thấp hay cao.  Ảnh: T.D
Dự án đầu tư hiệu quả hay sự đầu tư, gia tăng phát triển của doanh nghiệp sẽ là những yếu tố quan trọng để thể hiện GRDP tăng thấp hay cao. Ảnh: T.D

Bứt phá ngoạn mục

Có thể khẳng định, đạt được con số tăng trưởng GRDP cả năm 8,11% là nhờ sự bứt phá ngoạn mục của các lĩnh vực kinh tế trong 6 tháng cuối năm. Theo báo cáo của Sở KH&ĐT ngày 27.11.2018, tất cả ngành, lĩnh vực đóng góp vào chỉ số tăng trưởng chung của nền kinh tế đều có sự tăng trưởng ngoạn mục trong 6 tháng cuối năm, nhất là công nghiệp - xây dựng, dịch vụ, thu thuế. Trong đó, công nghiệp - xây dựng năm 2018 chiếm 36,2% GRDP và đạt mức tăng trưởng 4% (riêng công nghiệp tăng 3%); dịch vụ chiếm 33,9% GRDP và tăng hơn 8,8%; riêng khu vực nông nghiệp cũng có mức tăng trưởng khá với con số 4,1%. Như vậy, tăng trưởng về giá trị sản xuất của ngành công nghiệp ô tô, bia và một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo khác, cùng với sự phát triển của dịch vụ, du lịch là những nhân tố quyết định cho sự bứt phá của kinh tế Quảng Nam trong 6 tháng cuối năm, góp phần đưa con số tăng trưởng đạt mục tiêu kế hoạch đề ra (kế hoạch tăng GRDP từ 8 - 8,5%).

Tăng trưởng kinh tế cũng giúp cho tình hình thu ngân sách của Quảng Nam năm 2018 “dễ thở” hơn nhiều so với năm 2017. Sở Kế hoạch & Đầu tư cho biết, tổng thu ngân sách trên địa bàn năm nay ước đạt 21.745 tỷ đồng, tăng 11,6%. Trong đó, thu nội địa ước đạt 17.274 tỷ đồng và thu xuất nhập khẩu  hơn 4.470 tỷ đồng, đều vượt chỉ tiêu kế hoạch. Tổng vốn đầu tư phát triển năm 2018 xấp xỉ đạt kế hoạch đề ra với con số 26.000 tỷ đồng, tăng hơn 8% và chiếm 29% GRDP.

Chuyển dịch kinh tế nông nghiệp còn lúng túng, đầu tư thiếu hiệu quả dễ gây lãng phí. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Chuyển dịch kinh tế nông nghiệp còn lúng túng, đầu tư thiếu hiệu quả dễ gây lãng phí. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Trong năm, cả tỉnh đã cấp phép 26 dự án FDI với tổng vốn đăng ký gần 300,8 triệu USD, 64 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn hơn 6.000 tỷ đồng và có 1.200 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới.  Ông  Lê Quý Đạt - Cục trưởng Cục Thống kê cho hay, tăng trưởng kinh tế địa phương phụ thuộc nhiều vào giá trị đầu tư, tăng trưởng của các doanh nghiệp lớn như Thaco hay các doanh nghiệp công nghiệp khác… Một khi các doanh nghiệp này phục hồi, gia tăng sản xuất, đầu tư thì GRDP sẽ tăng theo.

Băn khoăn về tính bền vững

Bất ngờ về chỉ số tăng trưởng GRDP như đã nêu trên là minh chứng rõ nét về sự thiếu bền vững và khó lường trong bức tranh kinh tế Quảng Nam hiện nay. Cũng chính vì điều này mà tại Hội nghị Tỉnh ủy cuối tuần qua, khi chỉ tiêu tăng trưởng GRDP năm 2019 đặt ra ở mức 7 - 7,5%, được xem là thách thức rất lớn. Hiện nay, quy mô nền kinh tế  đã đạt 66.780 tỷ đồng (tính theo giá so sánh 2010), vì vậy, đạt 1% tăng trưởng, phải có sự nỗ lực rất lớn của cả tỉnh. Cũng theo ông Lê Quý Đạt,  giá trị sản xuất công nghiệp hiện chiếm 1/3 tỷ trọng sản xuất của Quảng Nam, nên một khi các ngành công nghiệp không có sự đầu tư và tăng trưởng ổn định (nhất là ngành tô tô), thì lập tức sẽ ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng chung của cả tỉnh. Cạnh đó, những năm gần đây, số doanh nghiệp thành lập mới khá lớn, nhưng hầu hết là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, nên mức đóng góp vào nền kinh tế cũng chưa nhiều.  Nếu không có những yếu tố đột biến, phải cần có thêm nhiều năng lực doanh nghiệp lớn mới có thể có thêm động lực tăng trưởng.

Ông Đặng Tấn Phương - Phó Trưởng ban Kinh tế - ngân sách  HĐND tỉnh nói, đáng lo nhất là chuyển dịch kinh tế nông nghiệp lúng túng, không biết cái gì là lợi thế phát triển, đầu tư thiếu hiệu quả, chỗ nào cũng phân bổ vốn nhưng không đầu tư trọng điểm, sẽ gây lãng phí. Còn ông Nguyễn Tri Ấn - Bí thư Huyện ủy Núi Thành cho rằng cần nhìn nhận, đánh giá cụ thể về tình trạng hiệu quả đầu tư thấp. Tại sao vòng đời của một công trình dự án quá ngắn? Không ít công trình mới làm vài ba năm lại đã phải đầu tư thêm kinh phí để tu bổ, sửa chữa! Đồng quan diểm, bà Đặng Thị Minh Nguyệt - Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh đề nghị cần có đánh giá toàn diện, tổng thể về hiệu quả đầu tư từ các nguồn lực cụ thể, tác động đến đời sống như thế nào? “Liệu có hợp lý không khi có khá nhiều dự án đầu tư dở dang, không thể phát huy tác dụng khiến không ai sử dụng, hoặc đầu tư rồi bỏ, thay một cơ sở hạ tầng khác…” - bà Nguyệt nói.

TRỊNH DŨNG

TRỊNH DŨNG