Hội nhập quốc tế: Nhiều cơ hội nhưng đầy thách thức
Ngày 12.11 vừa qua, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CTPPP) cùng các văn kiện liên quan. Cùng với thuận lợi, nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam sẽ đối mặt với rất nhiều thách thức.
Dệt may được cho là sẽ hưởng lợi nhiều từ các FTA.Ảnh: T.D |
Có thể khẳng định khi tham gia 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), Việt Nam sẽ có cơ hội đa dạng hóa, mở rộng thị trường xuất khẩu, tiếp cận nhiều cơ hội kinh doanh, kết nối, chia sẻ thông tin và gắn liền với những cải cách. Suy cho cùng FTA chính là để bán được hàng và hàng hóa Việt Nam cũng sẽ trở nên cạnh tranh hơn so với những nước không có các FTA. Dù muốn hay không, chính quyền và doanh nghiệp sẽ cùng đi trên con đường tiến gần đến một sân chơi chung, trong đó các quy luật kinh tế thị trường được tuân thủ một cách nghiêm ngặt hơn.
Xu hướng thúc đẩy tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại đã mở ra nhiều cơ hội lớn cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Bất cứ doanh nghiệp nào cũng có thể tiến hành các hợp tác thương mại xuyên biên giới. Cơ hội hội nhập là vô tận, nhưng những lợi ích mang lại cũng chỉ dự đoán, còn thách thức và “thiệt hại” luôn hiện hữu. Sức ép toàn cầu buộc phải thích nghi. Nhưng làm gì và làm như thế nào để tận dụng tối đa cơ hội này, phải thay đổi như thế nào để không bị phạm luật trong môi trường toàn cầu hóa… là điều thực sự không phải dễ dàng!
Nông nghiệp sẽ gặp nhiều sức ép từ các FTA.Ảnh: T.D |
Liệu có thể vượt thách thức của hội nhập hay không khi sau 11 năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới - WTO, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp vẫn chưa được cải thiện bao nhiêu. Nguồn lực hạn hẹp (thiếu vốn, thiếu cả đầu tư công nghệ, phụ thuộc vào nguyên liệu nước ngoài, thiếu tầm nhìn quản lý) nhưng sức ép ngày càng gia tăng, nên doanh nghiệp có thể bó tay và cơ hội dành cho họ ngày càng ít đi trên sân nhà trước các FTA đã mở hay không? Một bàn tròn với các chuyên gia kinh tế để có thêm góc nhìn đa diện...
Ông Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: "Cơ hội cho doanh nghiệp biết thay đổi"
Môi trường kinh doanh của Việt Nam đã cải thiện vượt bậc (tăng 14 bậc so năm 2016, đứng 68/190). Dư địa cải thiện còn lớn khi 6/10 chỉ số tăng bậc, trong đó nộp thuế và bảo hiểm xã hội tăng 86 bậc (từ cuối bảng 167 lên 81), tiếp cận điện năng tăng 32 bậc (64), bảo vệ nhà đầu tư tăng 6 bậc, cấp phép xăng dầu tăng 4 bậc. Năng lực canh tranh quốc gia cải thiện cả điểm số và thứ hạng. Việt Nam đã được xem là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn sau APEC.
Việt Nam có gì? Các “bảo bối” đó là các FTA như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA), Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), có nền kinh tế ổn định, thế tăng trưởng tốt và khả năng giữ ổn định vĩ mô (kiềm chế lạm phát tốt), sức hấp dẫn đầu tư nước ngoài gia tăng. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận cho dù cải cách đã bước vào nhịp mới, nhưng vẫn chậm trễ, vẫn còn nhiều thủ tục và trói buộc. Tái cơ cấu quá chậm. Tăng trưởng lệ thuộc vào nước ngoài về đầu tư, thương mại. Doanh nghiệp Việt yếu. Các đầu tàu tăng trưởng thiếu động lực (các trung tâm tăng trưởng và các tập đoàn kinh tế tư nhân). Kinh tế tốt lên nhưng lòng tin chưa thật sự vững vàng.
“Mở cửa hội nhập là năng lực phát triển tự thân và nhu cầu tự nhiên của một đất nước hay vùng. Không còn là thách thức, hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng 4.0 sẽ là mối đe dọa hủy diệt thật sự với các doanh nghiệp không có khả năng tiếp cận, thay đổi mô hình để phát triển”. (Ông Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam) |
Hiện bối cảnh kinh tế thay đổi nhanh và bất thường như “chiến tranh thương mại Mỹ - Trung”, cách mạng 4.0 sẽ tác động không lường hết được. Việt Nam sẽ rơi vào thế lưỡng nan khi mức độ lệ thuộc vào hai thị trường này cao, trong khi thực lực doanh nghiệp chưa đủ. Việt Nam có thể trở thành bãi rác công nghệ lạc hậu, ô nhiễm môi trường, nguy cơ sẽ trở thành sân sau tiếp tay cho doanh nghiệp Trung Quốc tránh thuế nhập khẩu vào Mỹ. Tuy nhiên, tác động này cũng sẽ mang lại cơ hội mua hàng hóa tiêu dùng giá rẻ, tăng sức cạnh tranh, thu hút đầu tư ngoài Trung Quốc. Xu hướng này có khả năng tạo đột phá rất lớn cho Việt Nam, giảm dần về lệ thuộc thương mại, sẽ tạo khả năng thay đổi chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài bằng việc đủ khả năng lựa chọn “đại bàng”, chuyển hướng thương mại đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ và các thị trường ngoài Trung Quốc.
Đây là thời cơ lịch sử, cơ hội để “ta thoát ta”. Daniel Wong - nguyên CEO của Longview Fibere nói chiến tranh thương mại Trung - Mỹ sẽ có lợi cho Việt Nam, nhưng ngay cả không có chiến tranh thương mại này, Việt Nam vẫn sẽ tiến lên vì bản thân đất nước này đang phát triển với tốc độ nhanh. Tận dụng thời cơ lịch sử này thì không gì khác là ta phải mạnh, nhanh hơn bằng việc gia tăng cải cách thể chế kinh tế, tạo động lực mới chuyển sang cơ chế ngân sách cứng và khuyến khích người tạo ra sản phẩm; tập trung cho tam giác công nghệ thông tin ITI - như kinh tế số, du lịch đẳng cấp, nông nghiệp đặc sản, sạch, công nghệ cao, thúc đẩy các trung tâm tăng trưởng đầu tàu và đô thị thông minh. Chiến lược phát triển doanh nghiệp Việt trụ cột là các tập đoan kinh tế tư nhân mạnh và nền tảng là lực lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chiến lược khoa học công nghệ là chiến lược trục với chương trình đổi mới sáng tạo quốc gia đúng nghĩa.
Cơ hội phát triển sẽ dành cho những doanh nghiệp trẻ, tiếp cận công nghệ. Còn doanh nghiệp truyền thống chắc chắn sẽ gặp khó nếu không chịu thay đổi. Sẽ đào thải các doanh nghiệp lạc nhịp công nghệ. Không chỉ miền Trung, hiện phần tầm nhìn mới chỉ dừng lại ở mức đại thể, chưa có một chương trình, chiến lược hành động nào thực sự rõ ràng. Việt Nam đang có kinh tế thị trường, đã mở cửa, hội nhập, có đủ điều kiện tiếp cận thế giới. Đây là áp lực, nhưng cũng là cơ hội. Quan trọng nhất vẫn là lực lượng doanh nghiệp. Ngoài tinh thần khởi nghiệp cần có sự sáng tạo. Mọi thứ đều phải trên nền đổi mới, sáng tạo và có những trung tâm hỗ trợ đổi mới, sáng tạo đi cùng một môi trường khuyến khích người sáng tạo và cạnh tranh bình thường. Tất cả bình đẳng, công khai minh bạch là đủ. Không thể cứ ưu tiên cho một ai đó. Và Nhà nước chỉ cần hỗ trợ chính sách!
Ông Mark Stanizki - Giám đốc quốc gia của Tổ chức Friedrich Naumann (FNF) tại Việt Nam: "Thương mại tự do là một phần của lịch sử phát triển thế giới"
Có thể nhận thấy thế giới ngày càng giàu có, truyền thông, thông tin, sự suy nghiệm cộng đồng ngày càng được cải tiến và sự phát triển tích cực của Việt Nam. Và thương mại tự do là những nhân tố rất quan trọng để góp phần vào sự giao lưu, kết nối giữa các quốc gia.
Trong một thời gian nhất định, thế giới dường như đã phát triển theo một trật tự mới. Những cuộc cách mạng khoa học diễn ra đã mang lại cho con người hy vọng đẩy lùi bệnh tật, đổi mới công nghệ, thúc đẩy sự phát triển và mang lại nhiều cơ hội hơn. Thương mại tự do chính là một phần của lịch sử phát triển trong giai đoạn này. Tuy nhiên, sự phát triển này cũng đã diễn ra sự đụng độ không mong muốn với các phong trào phản đối kỹ thuật mới, khủng bố và xung đột giữa các nền kinh tế đã tạo ra những làn sóng mới...
Hiện Việt Nam đã tham gia 17 hiệp định thương mại tự do (10 FTA đã ký kết, có hiệu lực, 2 FTA đã ký kết nhưng chưa có hiệu lực, 2 FTA đã kết thúc đàm phán và 3 FTA đang trong quá trình đàm phán. Với số lượng FTA ấy, Việt Nam là một trong những quốc gia tham gia FTA nhiều nhất thế giới |
Những thách thức về hội nhập quốc tế chỉ có thể được giải quyết thông qua những hợp tác của các dự án quốc tế về hòa bình, giải quyết biến đổi khí hậu và di cư toàn cầu hóa, số hóa… Nhưng không thể chỉ được giải quyết bằng nỗ lực quốc gia hay cộng đồng doanh nghiệp đơn lẻ. Tự do hơn, giao lưu hơn, tham gia hội nhập quốc tế nhiều hơn và đẩy mạnh thương mại tự do hơn là câu trả lời chính xác nhất cho một thế giới nhân đạo.
Hội nhập quốc tế sẽ đem lại cả cơ hội và thách thức. Những cuộc thảo luận về những vấn đề này và sự phát triển của Việt Nam trong thời gian qua, đã mang lại sự tin tưởng về hợp tác, trao đổi giao lưu giữa các quốc gia sẽ đem lại tình hữu nghị gắn kết, bền chặt hơn!
Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương: "Chủ động tiếp cận để hội nhập"
Quyết định tham gia ký kết nhiều FTA sẽ có thêm nhiều cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam bởi sẽ đón nhiều ưu đãi về các dòng thuế. Không thể phủ nhận giá trị mà các FTA đem lại cho Việt Nam. Điển hình như dệt may, nếu Việt Nam không phải thành viên của WTO thì thuế quan áp dụng lên hàng may mặc thành phẩm khi xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ bằng 150% so với thành viên WTO. Nếu là thành viên, thuế quan áp dụng trung bình là 25% và nếu có FTA, mức thuế sẽ giảm chỉ còn 0 - 5%.
Các FTA còn bảo đảm khả năng tiếp cận bình đẳng (nhất là các FTA thế hệ mới). Chính điều này sẽ đặt ra yêu cầu Nhà nước tạo ra bình đẳng trong nội địa, giữa doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân… Từ đó, sẽ giúp các doanh nghiệp tư nhân tiếp cận các nguồn lực bình đẳng hơn. Không chỉ vậy, các FTA còn giúp Việt Nam hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thu hút vốn đầu tư, thúc đẩy cải cách thể chế, thủ tục hành chính, xóa bỏ rào cản gia nhập thị trường, tạo sức bật và nâng tầm nền kinh tế… Song cũng sẽ có không ít thách thức về nhập siêu, nới rộng khoảng cách giàu, nghèo, cạnh tranh gia tăng, có thể giảm thu ngân sách, do đó cần tăng cường khả năng thực thi các cam kết, khả năng tận dụng cơ hội và nhất là phải nhất quán trong tư duy và hành động.
Có thể nói việc tham gia vào các FTA sẽ mang lại cơ hội rất lớn, nhưng thách thức còn lớn hơn nếu Việt Nam hay các địa phương không có thương hiệu mạnh. Điểm yếu nhất của doanh nghiệp Việt khi tham gia vào thị trường quốc tế chính là không có tư duy chủ động, thiếu sự liên kết hợp tác và ít hiểu biết về các cam kết quốc tế. Thực tế, một số doanh nghiệp xây dựng thương hiệu bài bản ngay từ đầu đã có thể cạnh tranh khá tốt. Nhưng con số ấy còn quá ít. Trước làn sóng hội nhập mạnh mẽ này, không ít doanh nghiệp lại đang có vẻ khá thờ ơ. Doanh nghiệp Việt dường như đang có tâm lý sợ cạnh tranh. Không ít doanh nghiệp đã băn khoăn rằng tại sao phải ký nhiều FTA, trong khi bản thân doanh nghiệp chưa thực sự cảm nhận được sự hưởng lợi từ các hiệp định này. Mục đích tham gia nhiều FTA là chống thâm hụt thương mại. FTA mang lại nhiều lợi ích tổng thể, lợi ích chiến lược cân bằng cả nền kinh tế. Không thể loại trừ một khi đi vào từng FTA và từng mặt hàng cụ thể, sẽ có những doanh nghiệp và lĩnh vực chịu “đau đớn”, nhưng đất nước sẽ tiến lên.
Có thể hiểu, khi xuất phát điểm thấp, các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối diện với sự sàng lọc nghiệt ngã từ các FTA, trong đó có CPTPP. Điều cần làm lúc này là các doanh nghiệp phải thay đổi để thích nghi, phải chủ động tiếp cận để thực thi cho tốt. Một giải pháp cần làm ngay là khuyến nghị khi tham gia các FTA, nhất là CPTPP cần thay đổi tư duy quản lý và kinh doanh, tiếp tục thúc đẩy cải cách kinh tế, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi. Chính quyền và doanh nghiệp nên có tầm nhìn dài hạn về triển vọng của các FTA, nhất là CPTPP vì hiệp định này sẽ còn mở rộng. Sớm chuẩn bị ngay các điều kiện cần thiết để đón nhận và thực thi CPTPP. Chính quyền, cơ quan quản lý cần tìm hiểu kỹ về cam kết của Việt Nam để thực thi chính xác, hiệu quả. Doanh nghiệp cần hiểu rõ cam kết của các nước để tiếp cận thị trường thuận lợi hơn.
CPTPP có hiệu lực đã rất gần nên cộng đồng doanh nghiệp, các cơ quan cấp phép đầu tư và những cơ quan thực thi cam kết CPTPP cần phải chuẩn bị sẵn sàng. Nếu không có sự chuẩn bị, thì cơ hội đến sẽ không nắm bắt được và thách thức đến cũng không thể xử lý kịp.
TS. Đặng Kim Khôi – Giám đốc Trung tâm tư vấn chính sách nông nghiệp, Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn: "Không để trở thành nền nông nghiệp "gia công""
Kinh tế mở cửa, mọi giao dịch xuất nhập khẩu hay thương mại nói chung đều dựa trên lợi thế so sánh và cạnh tranh. Nếu vùng Nam Trung bộ làm tốt những sản phẩm có lợi thế như gạo, thủy sản, gỗ… thì hoàn toàn có thể sử dụng thặng dư từ việc xuất khẩu để bù đắp lại phần nhập khẩu. Nguyên tắc để có được thị trường nông sản xuất khẩu ổn định là các sản phẩm này phải có giá trị sản xuất thấp hơn các đối thủ cạnh tranh và chất lượng đặc thù.
Hội nhập sẽ mở ra nhiều cơ hội cho nông sản, thủy sản Việt Nam hay của Nam Trung bộ tiến sâu hơn vào các thị trường. Tuy nhiên, có tận dụng được cơ hội, lợi thế hay không phụ thuộc rất lớn vào năng lực của các doanh nghiệp địa phương. Khi thuế quan không còn đáng ngại thì chắc chắn các nước cũng sẽ dựng lên những hàng rào phi thuế quan như kiểm soát chặt nguồn gốc xuất xứ sản phẩm hay chất lượng an toàn thực phẩm… Không còn cách nào khác, sản xuất cần nâng chất lượng, cố gắng hình thành các thương hiệu quốc gia với các sản phẩm xuất khẩu chủ lực, thế mạnh như lúa gạo, thủy sản, đồ gỗ…
Tuy nhiên, điểm yếu của khu vực này là hiện hầu hết sản phẩm xuất khẩu là sản phẩm thô, giá trị và khả năng cạnh tranh thấp. Thách thức chính là những rào cản kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm, dư lượng kháng sinh… của thủy sản, quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, chất lượng thấp, thừa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật… như lúa, rau quả và trái cây. Chăn nuôi cũng không ngoại lệ khi vùng chăn nuôi nhỏ lẻ, khí hậu khắc nghiệt, dịch bệnh nhiều. Nguyên liệu thức ăn công nghiệp và thuốc thú y phụ thuộc vào nhập khẩu, công nghệ thấp, không lợi thế, chịu sự cạnh tranh mạnh với các sản phẩm nhập khẩu từ các nước lớn và doanh nghiệp FDI chiếm lợi thế trong nước… Điểm yếu lớn nhất chính là hiện nhiều người sản xuất không biết được thông tin cũng như khả năng tiếp nhận các nguồn gốc giống tốt, yếu kém về công nghệ chế biến, thiếu vốn, thiếu vùng quy hoạch và thiếu doanh nghiệp “đầu đàn”.
Hội nhập là một xu thế tất yếu. Địa phương, doanh nghiệp và nông dân phải chủ động hội nhập. Hiện cơ hội, thách thức đan xen phức tạp. Cơ hội mở cửa thị trường xuất khẩu lớn, tiếp cận công nghệ và phương pháp quản lý hiện đại nhưng chỉ là tiềm năng. Vì vậy, cần biến nông nghiệp Việt Nam thành “bếp ăn của thế giới”. Thách thức hiện hữu cần phải vượt qua được rào cản của vệ sinh an toàn thực phẩm và kỹ thuật để xuất khẩu vào các thị trường giá trị cao, ổn định thị trường trong nước, kiểm soát được sự phát triển các doanh nghiệp FDI, mạng lưới phân phối của thương nhân nước ngoài.
Giải pháp không ngoài việc cung cấp dịch vụ hỗ trợ hội nhập cho các đối tượng sản xuất, kinh doanh. Đó là xây dựng thông tin thị trường, hội nhập (tiêu chuẩn, kỹ thuật, nhu cầu, thị hiếu…); hỗ trợ kỹ thuật đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn; phát triển chuỗi giá trị; quản lý chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Các địa phương cần rà soát, hoàn thiện quy hoạch và chính sách trong quản lý sản xuất, xác định sản phẩm lợi thế của vùng, từng tỉnh phù hợp với thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển các hình thức liên kết theo chuỗi giá trị, thu hút đầu tư tư nhân, thúc đẩy hợp tác công - tư (PPP). Quan trọng hơn là tăng cường khoa học công nghệ, tập trung vào cán bộ trẻ, giống, quy trình sản xuất, chế biến, quản lý chuỗi giá trị. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, xanh, sạch, hữu cơ. Xây dựng và hoàn thiện, áp dụng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật. Huy động nguồn lực xã hội, tập trung đầu tư vào kết cấu hạ tầng theo hướng hiện đại, tăng cường năng lực phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu và xây dựng nông thôn mới, bảo hiểm nông nghiệp!
Một giải pháp tổng thể là phải tổ chức được sản xuất theo chuỗi trên quy mô lớn, hiện đại, tạo điều kiện hỗ trợ tối đa hình thành các doanh nghiệp “đầu đàn” để dẫn dắt toàn ngành đi lên. Doanh nghiệp phải tạo ra được chuỗi giá trị và hợp đồng nông sản thông minh với hộ nông dân, thương lái, doanh nghiệp nhỏ. Đó là tổ chức lại nông dân, hợp đồng nông sản, kỹ thuật sản xuất (cảm ứng theo dõi đồng ruộng, số liệu lớn, máy móc…), tiêu chuẩn theo yêu cầu thị trường, truy nguyên, nguồn gốc, minh bạch, chia sẻ, có trách nhiệm.
Muốn phát triển nông nghiệp vững mạnh, bền vững, từng bước tăng sức cạnh tranh cho nông sản, không chỉ riêng ngành nông nghiệp mà phải có sự chung tay góp sức của các ngành khác như công nghiệp, dịch vụ, hạ tầng, khoa học công nghệ và giáo dục...
TRỊNH DŨNG (thực hiện)