Phát triển cụm công nghiệp: Những tín hiệu vui

CÔNG TÚ 08/11/2018 07:18

Hiệu quả thu hút đầu tư tại các cụm công nghiệp (CCN) ở thị xã Điện Bàn đã mang lại những tín hiệu vui, không hẳn vì số lượng nhà máy mà còn cả chất lượng, hiệu quả thiết thực.  

Công nhân đang lao động tại nhà máy của Công ty CP công nghiệp hỗ trợ miền Trung. Ảnh: C.TÚ
Công nhân đang lao động tại nhà máy của Công ty CP công nghiệp hỗ trợ miền Trung. Ảnh: C.TÚ

Tăng trưởng số lượng

Thị xã Điện Bàn có 9 CCN và 1 làng nghề với tổng diện tích quy hoạch 255,85ha; trong đó tổng diện tích đất công nghiệp theo quy hoạch là 193,44ha. Điểm nổi bật là các CCN phân bố ở nhiều địa phương khác nhau, từ vùng Gò Nổi bao quanh sông nước (CCN Văn Ly, xã Điện Quang), qua vùng tây xã Điện Tiến (CCN Cẩm Sơn) và xã Điện Hòa (CCN Trảng Nhật 2, CCN Bích Bắc), ven quốc lộ 1 nằm cửa ngõ phía bắc thuộc 3 xã Điện Thắng Bắc (CCN Bồ Mưng), Điện Thắng Trung và Điện Thắng Nam (CCN Trảng Nhật 1). Ngoài ra, vùng đông hiện diện CCN An Lưu và CCN Thương Tín (phường Điện Nam Đông), CCN Nam Dương (2 phường Điện Nam Đông, Điện Dương). Ông Nguyễn Đức Tài - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển CCN - thương mại và dịch vụ Điện Bàn cho biết, thị xã có 60 doanh nghiệp (DN) đăng ký đầu tư với tổng vốn hơn 2.862 tỷ đồng, diện tích đất 132,704ha. Tỷ lệ lấp đầy bình quân cho mỗi CCN đạt 68,6%. Trong số đó, 36 địa chỉ đi vào sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho khoảng hơn 5.700 lao động. Cạnh đó, 15 DN đang xúc tiến các thủ tục đầu tư mới, 4 đơn vị khác triển khai xây dựng nhà máy.

Để thu hút được các nhà đầu tư, chính quyền Điện Bàn đã giao cho Trung tâm Phát triển CCN - thương mại và dịch vụ thị xã làm cơ quan trung gian kết nối, cùng đồng hành hướng dẫn mọi thủ tục pháp lý liên quan. Một thuận lợi khác là trình tự thủ tục đầu tư rõ ràng, dễ thực hiện nên không gây khó khăn cho DN khi tiếp cận. Hơn nữa, các nhà đầu tư “chọn mặt gửi vàng” vào các CCN phù hợp với quy hoạch, ít có sự điều chỉnh. Tháng 9.2013, nhà máy sản xuất công nghiệp da giày của Công ty CP Công nghiệp hỗ trợ miền Trung chính thức vận hành tại CCN An Lưu. Nhớ lại buổi ban đầu, Giám đốc Điều hành nhà máy - ông Lê Châu Khương cho biết, CCN lúc đấy thưa vắng, diện mạo khác hẳn như bây giờ. Công ty CP công nghiệp hỗ trợ miền Trung được các bên liên quan hỗ trợ rất tích cực về mặt thủ tục về xin giấy phép xây dựng, giao đất… nên tháng 9.2013, nhà máy xây dựng hoàn tất và đi vào hoạt động. Theo thống kê 9 tháng đầu năm 2018, UBND thị xã tiếp tục thỏa thuận nghiên cứu lập thủ tục cho 3 dự án, tổ chức nghe một số DN khác báo cáo dự án hoặc đang xúc tiến đầu tư ban đầu.  

Trọng tâm chất lượng

Việc thu hút đầu tư vào CCN ở Điện Bàn lúc đầu gặp không ít khó khăn, do chưa có đất sạch trong CCN đã quy hoạch, nhà đầu tư muốn vào xây dựng nhà máy đành phải ứng kinh phí trước để giải phóng mặt bằng, dẫn đến dự án kéo dài. Thủ tục hành chính kết nối giữa tỉnh - thị xã - DN còn chậm. Chưa kể, phần nhiều hạ tầng trong các CCN như hệ thống xử lý nước thải, điện chiếu sáng… chưa hoàn thiện. Trước thực trạng đó, Điện Bàn từng bước tháo gỡ tồn tại, xây dựng một trạm xử lý nước thải tại CCN An Lưu. Ưu tiên đồng hành với DN nhưng cũng không chạy theo số lượng, thị xã khẳng định sẽ tuân thủ nghiêm quy định của UBND tỉnh về hướng dẫn loại hình công nghiệp phải đánh giá tác động môi trường trước mới kêu gọi đầu tư. Coi trọng kêu gọi đầu tư theo quy hoạch; nếu nằm ngoài nhưng xét thấy ngành nghề phù hợp với điều kiện, lợi thế của địa phương thì trình tỉnh xin bổ sung ngành nghề đó. Tại những CCN không có trạm xử lý nước thải, thị xã tập trung mời gọi loại hình không có nước thải sản xuất; hoặc nhà máy có công nghệ xử lý và sử dụng lại nước thải sản xuất vào đầu tư.

Hiệu quả sản xuất kinh doanh khi đầu tư vào các CCN ở Điện Bàn của DN đã được chứng minh với 7 DN đang xúc tiến để hoàn thành các thủ tục đầu tư mở rộng, hoặc đầu tư giai đoạn 2… Nhờ phát triển CCN đã giải quyết được nguồn lao động tại chỗ, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho người dân và tạo nguồn thu ngân sách. Ông Lê Châu Khương cho hay, nhà máy sản xuất của Công ty CP công nghiệp hỗ trợ miền Trung tại CCN An Lưu đang giải quyết việc làm cho 2.800 công nhân (90% tại Quảng Nam); con em là người Điện Bàn chiếm 52%. “Ly nông bất ly hương”, mức lương thấp nhất của một công nhân là 5,2 triệu đồng/tháng. Họ được tham gia các loại bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Với hoạt động của mình, DN này nộp ngân sách hàng năm gần 30 tỷ đồng, hỗ trợ mở 4 lớp đào tạo nghề cho 200 người và họ được tiếp nhận vào làm việc tại nhà máy. Sắp tới, DN dự kiến xây dựng lấp đầy diện tích 3,5ha còn lại (tổng diện tích 10ha). Thuận lợi của đơn vị là không sợ thiếu hàng để sản xuất, mà đầu ra thì ổn định (xuất khẩu giày thể thao sang châu Âu). Tuy nhiên, việc thu hút lao động lại gặp khó khăn do lượng cung không đủ. Nếu có giải pháp cho vấn đề trên, hoạt động của DN sẽ đi vào chiều sâu, giải quyết được nhiều vấn đề an sinh xã hội.

CÔNG TÚ

CÔNG TÚ