Ứng xử nợ công

Thực hiện chuyên đề: TRỊNH DŨNG 04/11/2018 00:39

Câu chuyện nợ công đã vẽ ra một vòng luẩn quẩn: doanh nghiệp nợ thuế; chủ đầu tư, nhà thầu dư nợ tạm ứng không thể hoàn trả. Còn chính quyền – chủ đầu tư các dự án đầu tư xây dựng cơ bản có vốn từ ngân sách nợ tiền doanh nghiệp, đến lượt doanh nghiệp nợ lương người lao động, nợ ngân hàng, nợ doanh nghiệp cung cấp vật liệu và không ít doanh nghiệp đã phải “chết yểu” vì nợ đọng. Việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến các loại nợ này là một vấn đề cần được đặt lên hàng đầu!

Nhiều công trình xây dựng cơ bản lâm nợ khối lượng nhà thầu chưa trả được.Ảnh: T.D
Nhiều công trình xây dựng cơ bản lâm nợ khối lượng nhà thầu chưa trả được.Ảnh: T.D

KHÓ THU HỒI NỢ TẠM ỨNG

Khoảng 15,4 tỷ đồng dư nợ tạm ứng từ 2010 trở về trước không thể thu hồi. Như vậy, vốn ngân sách bị mất đã được dự báo!

Nợ lưu cữu

Hơn 46 dự án dư nợ tạm ứng quá hạn (28 dự án trước 2010 và 18 dự án từ 2011 đến nay) đã khiến rất nhiều công trình dang dở. Những chiếc cọc đóng trên mặt sông Trường Giang kéo dài không có thêm khối lượng đầu tư, con đường Thanh niên ven biển chạy từ bến cá An Lương (Duy Hải) đến Tam Kỳ hay một bến số 3 cảng Kỳ Hà đã ngừng thi công, khu dân cư Tam Quang vắng hạ tầng… Không ít đơn vị tư vấn, nhà thầu đã bỏ đi, để lại không ít số dư tạm ứng không đủ hồ sơ, thiếu thủ tục để hoàn ứng cho ngân sách. Không thiếu dư nợ tạm ứng không thể thu hồi, có nguy cơ mất trắng!

Lời biện giải của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án suốt nhiều năm nay vẫn là số nợ đọng không thể thu hồi này thuộc về các dự án, gói thầu đã ngừng thi công, một số đơn vị tư vấn, nhà thầu đã giải thể… không thể tìm ra địa chỉ. Ngay những bản án đã được tuyên thì khi thi hành vẫn không thể xác định được tài sản và không biết kêu ai tới tòa. Nhiều chủ đầu tư đã gửi đơn xin xóa nợ các nhà thầu, tư vấn đã giải thể, nhưng không ai đủ thẩm quyền để xử lý. Ông Phạm Văn Phong - Phó Giám đốc Kho bạc Nhà nước Quảng Nam cho hay kể từ khi UBND tỉnh quyết định thành lập một tổ công tác xử lý nợ, số nợ tạm ứng khoảng 34 tỷ đồng, kéo dài từ năm 2010 trở về trước đã có chút thay đổi. Hiện số dư nợ tạm ứng tồn đọng từ năm 2004 - 2010 (tính đến ngày 15.10.2018) còn lại 15,411 tỷ đồng và dư nợ tạm ứng quá hạn từ 2011 đến nay khoảng 28,565 tỷ đồng.

Tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất là cách tốt nhất để doanh nghiệp không bị nợ thuế.Ảnh: T.D
Tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất là cách tốt nhất để doanh nghiệp không bị nợ thuế.Ảnh: T.D

Danh sách dự án dư nợ tạm ứng quá hạn từ 2010 trở về trước nhiều nhất thuộc về Ban quản lý Khu KTM Chu Lai, khi có đến 9/11 dự án ngân sách cấp tỉnh với số nợ hơn 9 tỷ đồng. Trưởng ban quản lý Khu KTM Chu Lai Đỗ Xuân Diện đã từng giải thích trước HĐND tỉnh về số nợ đọng không thể thu hồi được, không thể quy trách nhiệm cho ai vì số nợ này đã xảy ra từ 2004, 2005 về trước khi các đơn vị đã giải thể, không còn địa chỉ và nhân sự đã chuyển công tác hoặc nghỉ việc.

Mất vốn ngân sách?

Không có cơ chế nào xóa nợ. Không để ngân sách mất đi. Chính quyền Quảng Nam kiên quyết sẽ tìm mọi cách để thu hồi. Nam Trà My đã làm việc với tòa án để phân định rõ về mặt pháp lý số dư nợ hơn 2,3 tỷ đồng của dự án đường ô tô đến trung tâm xã Trà Tập. Tổ thu nợ (có cả công an, thi hành án) tiến hành tìm kiếm nhà thầu… nợ. Nhưng sẽ rất khó. Ông Phạm Văn Phong – Phó Giám đốc Kho bạc Nhà nước Quảng Nam cho hay dư nợ tạm ứng còn lại trước 2010 khó có khả năng thu hồi, “đóng băng” trên các báo cáo. Khó nhất là các dự án này đã trải qua nhiều nhà thầu khác nhau. Một số giải thể. Các nhà thầu không hợp tác để đối chiếu công nợ với chủ đầu tư hoặc không thực hiện lệnh thi hành án khi có quyết định của tòa án.

Không để nợ tạm ứng gia tăng, Kho bạc Nhà nước Quảng Nam chỉ còn cách quản lý, giám sát chặt số dư tạm ứng các hợp đồng còn hiệu lực, buộc các chủ đầu tư, nhà thầu nhanh chóng thi công, nghiệm thu công trình và hoàn ứng đúng hạn. Hạn chế thấp nhất việc phát sinh số dư tạm ứng tồn đọng khi hợp đồng đã hết hiệu lực trong thời gian đến. Riêng số dư tạm ứng kế hoạch từ 2011 đến nay, cơ quan này đã yêu cầu thực hiện hoàn ứng ngay trong quý IV.2018. Ông Phong nói đã đề nghị UBND tỉnh cho phép Kho bạc Nhà nước tỉnh thực hiện một trong các biện pháp như tạm dừng giải ngân vốn đầu tư đã bố trí trong năm đó hoặc tiếp theo cho đến khi thu hồi hết số dư tạm ứng quá hạn, tạm dừng thanh toán chi phí quản lý dự án (trừ tiền lương và chi phí theo lương). Sẽ công khai danh sách các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu có số dư tạm ứng quá hạn trên các phương tiện thông tin đại chúng.

KÉO NỢ THUẾ VỀ DƯỚI 5%

Cục Thuế tuyên bố sẽ kéo nợ thuế về dưới 5% vào cuối năm nay, nhưng liệu có dễ dàng hay không khi mà mọi biện pháp đều có vẻ miễn nhiễm với đà gia tăng của nợ?

Đường thanh niên ven biển là một trong số những dự án không thể thu hồi nợ tạm ứng.Ảnh: T.D
Đường thanh niên ven biển là một trong số những dự án không thể thu hồi nợ tạm ứng.Ảnh: T.D

Nợ thuế lại tăng

Chuyện Tập đoàn Besra nợ thuế tốn không biết bao nhiêu giấy mực tưởng đã nguội lạnh khi Ngân hàng Việt Á ra tay chịu trách nhiệm khoản nợ này, nhưng bất ngờ số nợ thuế lưu cữu vẫn “chễm chệ” trên các bảng báo cáo của cơ quan thuế.  Nỗ lực của ngành thuế đã đưa tổng nợ đến cuối năm 2017 chỉ còn 780,76 tỷ đồng, giảm đến 123,98 tỷ đồng so cuối năm 2016. Tuy nhiên, số nợ thuế có khả năng tăng trở lại trong vòng 10 tháng qua. Theo thống kê sơ bộ, hiện nợ đọng thuế đã hơn 880 tỷ đồng và số nợ khó thu chiếm hơn 50%.

Một bảng danh sách nợ khó thu và nợ trên 1 tỷ đồng đã được chuyển đến UBND tỉnh. Trong danh sách này vẫn có những doanh nghiệp lớn như vàng Bông Miêu nợ hơn 110 tỷ đồng hay Soda hơn 70 tỷ đồng khi không sản xuất, kinh doanh. Số nợ thuế của các doanh nghiệp cưỡng chế, rút luôn giấy phép kinh doanh đã chiếm hơn 490 tỷ đồng. Số nợ thuế có khả năng thu, nợ hơn 90 ngày cưỡng chế và nợ đang chờ điều chỉnh phần nhiều ở các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, chưa giải phóng mặt bằng nhưng đã ra quyết định thu.

Cơ quan thuế cho hay kinh tế tăng trưởng, phát sinh thuế nhiều nhưng doanh nghiệp chưa nộp. Nợ chưa quá 90 ngày thì không thể cưỡng chế doanh nghiệp được. Nợ thuế tăng trở lại chính là các loại nợ thuế thông thường (thời hạn 90 ngày). Tuy nhiên, số nợ này cũng là điều đáng để lo lắng một khi doanh nghiệp để nợ nhiều, không khả năng chi trả sẽ dẫn đến nguy cơ nợ kéo dài, không thể xử lý được. Theo ông Ngô Bốn - Cục trưởng Cục Thuế, hiện cả nước thu hơn 1 triệu tỷ đồng thuế, nhưng nợ thuế đã hơn 80.000 tỷ đồng. Quốc hội đã đồng ý xóa nợ được 14.000 tỷ đồng cho số doanh nghiệp bỏ địa chỉ, hộ dân. Thực trạng Quảng Nam tốt hơn nhiều khi nợ chỉ chiếm khoảng 5,71% so với 8% của toàn quốc. Thông thường số nợ này là do doanh nghiệp dành vốn cho sản xuất, đợi đến cuối năm mới trả.

Nằm trong tầm kiểm soát

Nhiều người lo lắng, những doanh nghiệp tới mức bị cưỡng chế thuế mà họ không nộp nổi phần nhiều thuộc loại đang thực sự khó khăn thì không dễ thu hồi thuế. Còn nợ khó thu sẽ vẫn bị treo trên sổ sách thì làm sao kéo nợ về ngưỡng an toàn? Nhưng ông Ngô Bốn không nghĩ vậy. Việc quản lý nợ vẫn là việc làm thường xuyên. “Trong số nợ thuế có đến 50% nợ chờ phá sản, dừng hoạt động. Số còn lại chưa đến 400 tỷ không có gì lớn. Đó là chưa kể khi Quốc hội cho phép xóa nợ những doanh nghiệp đã bị cưỡng chế rút giấy phép thì ngành thuế có cơ sở dọn sạch sẽ trên báo cáo và số nợ sẽ giảm đi rất nhiều. Khả năng thu ngân sách năm nay sẽ đạt hơn 17.500 tỷ đồng. Nếu giữ được số nợ thuế hiện tại thì số nợ sẽ được kéo về dưới 5%. Tất cả đang nằm trong tầm kiểm soát” - ông Bốn nói.

Theo cơ quan thuế, không phải đợi đến khi Bộ Tài chính hoặc Chính phủ yêu cầu tăng cường công tác thu hồi nợ đọng mà công việc này đã được tiến hành nhiều năm qua để bù đắp sự thiếu hụt ngân sách. Yêu cầu giảm nợ thuế dưới 5% đã trở thành mệnh lệnh, là nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan thuế các cấp. Cục Thuế đã yêu cầu các đơn vị xây dựng phương án xử lý, phân loại nợ đúng quy định, tính chất để làm cơ sở đôn đốc thu tiền nợ thuế; ban hành đầy đủ thông báo nộp tiền nợ thuế, tiền phạt chậm nộp số thuế nợ đến từng doanh nghiệp, người nộp thuế; cưỡng chế những doanh nghiệp, người nộp thuế chây ỳ, cố tình chiếm dụng. “Xử lý dứt điểm tất cả khoản nợ còn tồn đọng, không để nợ thuế kéo dài sang năm sau mà không có lý do. Lập thủ tục, hồ sơ xử lý nợ các trường hợp xóa nợ theo quy định, kể cả hồ sơ không còn khả năng thu hồi nhưng chưa được xóa nợ. Những ai còn giữ đất thuê Nhà nước, được cấp quyền khai thác tài nguyên, khoáng sản tùy tình hình cụ thể kiến nghị các cấp có thẩm quyền thu hồi lại đất, quyền khai thác, giấy phép…” - ông Bốn nói.

KHÔNG THỂ GIŨ HẾT NỢ XÂY DỰNG CƠ BẢN

Kế hoạch năm 2019 sẽ trả xong nợ đầu tư xây dựng cơ bản, nhưng liệu “ước nguyện” này có khả thi?

Cầu Cửa Đại hay các con đường nối đường 129 lên cao tốc đều lâm nợ khối lượng nhà thầu chưa trả được.Ảnh: T.D
Cầu Cửa Đại hay các con đường nối đường 129 lên cao tốc đều lâm nợ khối lượng nhà thầu chưa trả được.Ảnh: T.D

Khắp nơi nợ

Thống kê của Sở KH&ĐT, tính đến hết quý III.2018, tổng số nợ khối lượng hoàn thành khoảng 1.802,4 tỷ đồng, tăng 20,7 tỷ đồng so với nợ khối lượng hoàn thành đến hết quý II (1781,7 tỷ đồng). Khối ngành giảm 118,6 tỷ đồng, khối huyện tăng 139,3 tỷ đồng. Theo lý giải, nợ khối ngành giảm do ngay trong tháng 7.2018, UBND tỉnh đã ứng trước kế hoạch vốn để thanh toán nợ khối lượng hoàn thành một số dự án, nợ địa phương tăng do một số địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng vượt mưa bão của dự án thuộc chương trình nông thôn mới.

Một phân tích cho thấy, nợ khối lượng hoàn thành của 25 ngành khoảng 912,7 tỷ đồng. Khối lượng nợ lớn nhất thuộc về Ban quản lý Khu KTM Chu Lai 572 tỷ đồng. Chủ yếu là các dự án cầu Cửa Đại (255 tỷ đồng), dự án phòng chống lụt bão, đường cứu hộ, cứu nạn Tam Kỳ, dự án nạo vét luồng vào cảng Kỳ Hà. Ngành GTVT cũng chiếm số nợ 103 tỷ đồng, chủ yếu các dự án nâng cấp, mở rộng các tuyến ĐT 607 đoạn km 14+565,62 - km18+0 , dự án đường vào trung tâm xã A Xan nối Ch’Ơm đến cửa khẩu phụ Tây Giang và các dự án nối từ đường ven biển đến đường cao tốc.

Và gần như 18 huyện, thị, thành phố đều mắc nợ khối lượng đầu tư xây dựng cơ bản. Trong số 889,7 tỷ đồng nợ này, UBND Tây Giang chiếm 101,9 tỷ đồng, Tam Kỳ 96,5 tỷ đồng, Tiên Phước 82,1 tỷ đồng, Thăng Bình 79 tỷ đồng...

Kế hoạch đầu tư năm 2017 và 2018 ngắn gọn trong nhiều chữ “không”. Chính quyền tuyên bố không quyết định chủ trương đầu tư dự án không phù hợp quy hoạch, kế hoạch, không đúng trình tự, không đúng thẩm quyền, không cân đối được nguồn vốn đầu tư và không điều chỉnh tổng vốn đầu tư của dự án trái quy định Luật Đầu tư công. Mọi kế hoạch đều hướng đến việc tập trung nguồn lực bố trí thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản phát sinh trước ngày 31.12.2014, ưu tiên thanh toán dứt điểm đối với các dự án đã có phê duyệt quyết toán vốn đầu tư. Không gia hạn tiến độ thi công đối với các dự án do ảnh hưởng của tiến độ giải phóng mặt bằng hoặc nhà thầu vi phạm các cam kết trong hợp đồng. Tuy nhiên, trong khi chưa thể hoàn tất việc trả nợ cũ thì nợ mới lại phát sinh. Nhìn đâu cũng thấy nợ!

Liệu có khả thi?

Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nói vốn ngân sách đã sẵn sàng để trả nợ. Một khi doanh nghiệp quyết toán thì Nhà nước sẽ chuyển tiền, nhưng doanh nghiệp không chịu quyết toán thì không thể giải ngân được. Ông Đặng Phong - Giám đốc Sở KH&ĐT cho hay đã yêu cầu khẩn trương thực hiện quyết toán các dự án, hạng mục dự án nợ khối lượng hoàn thành trước ngày 31.12.2014 để UBND bố trí kế hoạch vốn thanh toán nợ theo đúng lộ trình quy định. Khối ngành thanh toán dứt điểm trong năm 2018 và địa phương thanh toán dứt điểm trong năm 2019. Các dự án nợ khối lượng thuộc nhiệm vụ chi ngân sách cấp tỉnh gửi về Sở KH&ĐT để có cơ sở tham mưu UBND tỉnh bố trí kế hoạch vốn thanh toán nợ. Dự kiến bố trí khoảng 150 tỷ đồng từ nguồn cải cách tiền lương năm 2017 chuyển sang 2018 để thanh toán nợ trước 31.12.2014. Còn nợ khối lượng hoàn thành sau 31.12.2014 sẽ ưu tiên bố trí kế hoạch vốn thanh toán và bố trí thực hiện các dự án chuyển tiếp. Sau khi bố trí thực hiện các nhiệm vụ trên mà còn thừa kế hoạch vốn mới bố trí khởi công mới các dự án cần thiết. Dự kiến bố trí khoảng 330 tỷ đồng từ nguồn cải cách tiền lương năm 2017 chuyển sang năm 2018 để thanh toán nợ sau 31.12.2014. Một số địa phương có nợ khối lượng hoàn thành lớn từ ngân sách cấp huyện vượt mức phân cấp cân đối ngân sách hàng năm trong khi nguồn thu của huyện thấp như Tiên Phước, Tây Giang, Thăng Bình, Hiệp Đức… thì các huyện kiểm soát nợ khối lượng hoàn thành và không khởi công mới các dự án trừ các dự án cấp thiết.

Đó là kế hoạch, nhưng những con số thống kê trên chưa đầy đủ, chưa kể số nợ đầu tư có nhiều khả năng xảy ra trong năm 2018 vẫn chưa được thống kê, chưa biết bao giờ công bố chính xác và con số vốn bố trí theo kế hoạch chỉ chiếm khoảng 1/3 tổng nợ như đã công bố thì không thể giũ hết được số nợ khối lượng. Hành trình mắc nợ sẽ triền miên xảy ra và không có điểm dừng.

KHÔNG SỢ NỢ, CHỈ SỢ KHÔNG CÓ DÒNG TIỀN

Lịch sử đầu tư, kinh doanh đã để lại những hệ lụy khó giải quyết nhưng cũng cần một hành động cụ thể để dứt khoát xử lý nợ từ hai phía. Không lo nợ, chỉ sợ không có dòng tiền trả nợ mà thôi. Giải quyết được chuyện này, không khó để xử lý được nợ từ hai phía

1. Số nợ tạm ứng tồn đọng dù đã được giảm dần qua các năm nhưng vẫn còn quá nhiều dự án nợ đọng không thể thu hồi. Sự giám sát chặt chẽ của chủ đầu tư, hay sự kiên quyết của cơ quan cấp phát, hoặc tính lãi trên số dư chỉ “tác động” đến những nhà thầu “thiện chí”, còn các đơn vị khác cố tình lảng tránh hay chây ỳ cho đến bây giờ vẫn là rất khó cho các cơ quan quản lý. Ông Phạm Văn Phong - Phó Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh nói nợ tạm ứng là chuyện bình thường, một dạng cho nhà đầu tư, nhà thầu “mượn vốn”. Nhưng nếu không hoàn ứng được thì buộc phải chuyển nguồn liên tục, đến khi thanh toán công trình, khối lượng coi như xong. Nếu không xử lý tốt chuyện này sẽ ảnh hưởng đến năng lực điều hành ngân sách và hiệu quả sử dụng vốn ngân sách. Đây cũng là cốt lõi khi chính quyền, cơ quan quản lý kiên quyết thu hồi nợ ứng, nhưng sẽ là chuyện bất thường khi nhà thầu hay chủ đầu tư không chịu hợp tác, thanh toán, có thể dẫn đến nghi ngờ họ đã chiếm dụng vốn Nhà nước khi không triển khai dự án. Kết cục cụ thể nhiều năm qua không một ai chịu trách nhiệm, cho dù biện luận kiểu gì cũng thực sự là khoảng trống của việc buông lỏng quản lý ngân sách.

Nếu như chuyện nợ tạm ứng khó thu hồi ảnh hưởng đến năng lực điều hành ngân sách thì nợ thuế lại có thể hiểu theo một cách khác. Tại sao cơ quan quản lý nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp thu hồi nợ thuế, nhưng nợ thuế vẫn có dấu hiệu tăng? Tại sao khi hết hạn nộp thuế theo luật định, người nộp thuế không nộp mà cơ quan thuế không cưỡng chế? Luật quản lý thuế với các quy định khá đầy đủ về trách nhiệm của các bên thu, nộp thuế, không dễ gì để các doanh nghiệp có thể chây ỳ. Chắc chắn, người nộp thuế sẽ không thể làm như vậy được nếu như các cơ quan thuế và quản lý nhà nước… làm đúng thẩm quyền. Thậm chí, sẽ có không ít doanh nghiệp nợ thuế được xóa, liệu có công bằng không? Những doanh nghiệp tuân thủ pháp luật muốn có câu trả lời cho vấn đề: không lẽ những người chấp hành tốt lẽ nào lại “thiệt thòi” hơn những đối tượng nợ thuế, cạnh tranh không sòng phẳng trên thương trường nhờ vào số tiền thuế chậm nộp. Suy cho cùng nợ thuế hay chậm nộp cũng là cách chiếm dụng ngân sách để quay vòng vốn? Nếu nợ thuế lan truyền ngày càng nhiều thì liệu ngân sách lấy đâu ra tiền để bù đắp cho sự thiếu hụt của đầu tư phát triển, chi tiêu? Có lẽ ý kiến từ ông Ngô Bốn - Cục trưởng Cục Thuế cũng là điều đáng suy nghĩ khi số doanh nghiệp rời bỏ thị trường 10 tháng qua gấp đôi số doanh nghiệp thành lập, nên cần một cuộc tháo gỡ khó khăn cho họ. Giải cứu doanh nghiệp tức giải cứu nguồn thu để hạn chế nợ đọng thuế gia tăng!

2. Nợ đầu tư xây dựng cơ bản đã được chất vấn khá nhiều tại các cuộc giám sát của HĐND tỉnh. Ông Nguyễn Ngọc Quang – Bí thư Tỉnh ủy nói nếu một nền kinh tế không có nợ là chuyện bất thường. Vấn đề là kiểm soát được dòng tiền. Ngay Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng cũng công nhận hễ có nhu cầu đầu tư là sẽ phát sinh nợ. Nhưng không sợ nợ, chỉ sợ không kiểm soát được nguồn, dòng tiền trả nợ và không xác định rõ ràng số nợ của doanh nghiệp để xử lý. Nếu không thanh toán nợ dứt điểm, có nguy cơ nhiều doanh nghiệp sẽ lâm vào cảnh phá sản khi không có nguồn vốn để tái sản xuất, kinh doanh. Thực tế đã từng có nhiều doanh nghiệp than phiền ngân sách năm nào cũng giải quyết trả nợ nhưng khoản trả ấy chỉ có thể đủ để doanh nghiệp trả lãi ngân hàng. Còn doanh nghiệp nợ ngân hàng buộc phải trả lãi còn ngân sách nợ thì miễn chuyện này. Nếu các cơ quan quản lý nhà nước vẫn không thể tìm được lời giải cho bài toán trả nợ hiệu quả thì nợ công đến thời điểm nào đó sẽ trở thành gánh nặng đối với nền kinh tế Quảng Nam, kéo theo sự “chết oan uổng” của các doanh nghiệp rơi vào vòng xoáy này.

Không quy được trách nhiệm cá nhân, không tạo sức ép cho trách nhiệm giải trình, không bảo đảm tính công khai, minh bạch, ngân sách nhà nước sẽ tiếp tục là bầu sữa cho sự lạm dụng. Không thể để treo mãi trên các báo cáo và cuộc họp nào cũng đem ra mổ xẻ mà không đi đến kết quả cuối cùng. Những lỗ hổng pháp lý hay quản lý cần được khắc phục, bằng không chuyện buông lỏng ngân sách sẽ còn xảy ra!

Thực hiện chuyên đề: TRỊNH DŨNG

Thực hiện chuyên đề: TRỊNH DŨNG