Nhìn lại những chuyển động - Bài cuối: Cần gỡ những nút thắt lớn
Thu hút đầu tư, kể cả các dự án nghìn tỷ đã không còn quá khó. Với Quảng Nam, có thể nói chưa bao giờ, cơ hội cho sự tăng tốc phát triển rộng mở như hiện nay. Thách thức lớn nhất là các giải pháp để biến cơ hội thành hiện thực.
Tin liên quan
|
Chính sách phát triển cây sâm Ngọc Linh đã tạo ra chuyển biến tích cực, hiện có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đăng ký đầu tư vào vùng sâm. TRONG ẢNH: Gieo hạt sâm để tạo nguồn giống. Ảnh: M.Đ |
Đầu năm 2017, trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh, một hội nghị xúc tiến đầu tư quy mô lớn được tổ chức tại Tam Kỳ. Tại sự kiện này, tổng giá trị các dự án được cấp phép và chứng nhận đăng ký đầu tư lên đến 15,8 tỷ USD. Trong khi tổng vốn đầu tư toàn xã hội 20 năm trước (1997 - 2017), chỉ khoảng 7 tỷ USD. Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nói, đại ý, nếu “tiêu hóa” hết số vốn đầu tư theo cam kết của các doanh nghiệp, Quảng Nam sẽ có bước nhảy vọt.
Quản lý sử dụng đất
Để thoát khỏi sự phụ thuộc quá lớn vào sản xuất ô tô, cũng như bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, Quảng Nam đang nỗ lực tạo môi trường thuận lợi cho phát triển sản xuất, kinh doanh; đồng thời tiếp tục thu hút đầu tư, nhất là các dự án quy mô lớn. Hiện nhiều nhà đầu tư cũng sẵn sàng vào cuộc, với số vốn hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng.
Mới đây, một tập đoàn nước ngoài đã được cấp phép đầu tư tại Khu công nghiệp Tam Thăng. Dự án có vốn đầu tư 220 triệu USD, dự kiến khởi công trong tháng 11 tới. Và đây chỉ là dự án đầu tiên trong số nhiều dự án mà tập đoàn này sẽ triển khai trong những năm đến với tổng vốn đăng ký lên đến 1,3 tỷ USD. Hiện, chủ đầu tư Khu công nghiệp Tam Thăng đang lo sốt vó về việc chuẩn bị mặt bằng để giao đất cho dự án; bởi có lúc họ đã “không dám” đón tiếp các doanh nghiệp, vì ngại… mặt bằng!
Gần như trong các cuộc họp của Tỉnh ủy, UBND tỉnh mấy năm qua về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho phát triển sản xuất kinh doanh, câu chuyện về đất đai luôn là chủ đề nóng nhất, và cũng khó nhất. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Quang có lần nhấn mạnh rằng, đất đai hiện là nút thắt lớn nhất trong những nút thắt của Quảng Nam. Từ khâu quy hoạch, đến quản lý hiện trạng, thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng, cơ chế giao đất cho chủ đầu tư, thủ tục hành chính từ xã đến huyện, tỉnh,… đều có vấn đề. Hầu như dự án nào cũng vướng khi triển khai thực hiện. Vì vậy, trong số 9 nhóm giải pháp mà Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 13 mới đây, quyết định bổ sung để thực hiện từ nay đến cuối nhiệm kỳ, đã có 2 nhóm (đầu tiên) trực tiếp liên quan đến đất đai.
Đáng chú ý, ngoài những vướng mắc, bất cập trong các quy định của pháp luật về cơ chế quản lý sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất; thực tiễn cho thấy, có không ít vấn đề phát sinh từ chính quá trình vận dụng và thực hiện các chính sách liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư. Thực hiện Kết luận số 25-KL/TU ngày 27.4.2016 của Tỉnh ủy về tập trung triển khai 6 nhóm dự án trọng điểm vùng Đông Nam, những năm qua, UBND tỉnh đã ưu tiên nguồn lực đáng kể cho việc quản lý hiện trạng, lập hồ sơ địa chính, xác định nguồn gốc đất, hoàn thành dứt điểm việc cấp chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trong khu vực, nhưng đến nay, công việc vẫn còn dang dở.
Quyết liệt hành động
Chuyển biến tích cực từ chủ trương phát triển sâm Ngọc Linh, cây dược liệu ở Nam Trà My và một số huyện miền núi Quảng Nam là điều dễ thấy. Đặc biệt, sâm Ngọc Linh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là sản phẩm và bảo vật quốc gia. Một vài tập đoàn kinh tế lớn như TH, cũng rục rịch đầu tư vào việc trồng và chế biến sâm Ngọc Linh. Tuy nhiên, ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My vẫn rất tâm tư: “Doanh nghiệp hồ hởi với chương trình phát triển sâm Ngọc Linh và cây dược liệu ở Quảng Nam là điều có thật. Họ rất quyết tâm. Triển vọng làm giàu từ cây sâm cũng không phải là điều viển vông. Chỉ có điều là còn vướng nhiều thứ, mà chỉ ở cấp huyện không thể giải được”.
Nhân chia sẻ của ông Bửu, tôi nhớ lại, tại cuộc tọa đàm về phát triển sâm Ngọc Linh, cây dược liệu và công nghiệp dược liệu, do Báo Quảng Nam tổ chức đầu năm nay, chủ một công ty sắp đầu tư (hiện đã khởi công) nhà máy chế biến dược liệu tại Cụm công nghiệp Trường Xuân (Tam Kỳ), nói sẵn sàng thu mua tất cả sản phẩm cây sả tại Quảng Nam để đưa vào chế biến tại nhà máy. Sả là cây dễ trồng, không tốn nhiều công chăm sóc, lại rất phù hợp với các vùng trung du, miền núi trong tỉnh. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ, cách nào để hình thành những vùng chuyên canh cây sả, là điều chưa thấy ai bàn đến, sau tuyên bố của ông chủ doanh nghiệp kia.
Trong những năm qua, ta nói nhiều đến tích tụ, tập trung ruộng đất. Thực tế cũng đã hình thành những cánh đồng mẫu có diện tích khá lớn, sau khi dồn điền đổi thửa. Song phương thức sản xuất vẫn là kiểu truyền thống với quy mô kinh tế hộ là chủ yếu. Quảng Nam chưa có mô hình sản xuất do doanh nghiệp đầu tư (ngoài dự án nông nghiệp công nghệ cao của Vingroup); hay doanh nghiệp liên kết với nông dân, hợp tác xã đầu tư một cách chuyên nghiệp, bài bản, ứng dụng công nghệ cao và khép kín theo chuỗi giá trị. Một số mô hình trồng rau sạch, rau an toàn, rau thủy canh, rau hữu cơ rải rác đây đó, cũng là tự phát. Thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp chưa thực sự hiệu quả. Nguyên nhân không hẳn từ chính sách, pháp luật, hay Quảng Nam không có tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên. Bởi, hiện không ít địa phương trong cả nước, sự chuyển động nhanh chóng về tổ chức sản xuất nông nghiệp là điều rất rõ.
Với 370 nghìn lao động đang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp (trong tổng số 902 nghìn lao động cả tỉnh), song giá trị tổng sản phẩm do nông nghiệp tạo ra chỉ đạt 10.220 tỷ đồng, trong tổng số tổng giá trị sản phẩm 90.300 tỷ đồng của nền kinh tế (ước đạt năm 2018, tính theo giá hiện hành), đã chứng tỏ năng suất lao động nông nghiệp Quảng Nam còn quá thấp; và tiềm năng vẫn còn rất lớn.
Khai phóng tiềm năng nông nghiệp, chuyển từ nền nông nghiệp manh mún, lạc hậu, kinh tế hộ là chủ yếu sang sản xuất quy mô lớn, chuyên nghiệp, ứng dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật và sản xuất theo chuỗi giá trị; từ nền nông nghiệp chú trọng sản xuất lương thực là chủ yếu, sang nông nghiệp thực phẩm và cây dược liệu, phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, phát triển kinh tế rừng, đòi hỏi sự thay đổi về tư duy, nhất là những hành động quyết liệt, đồng bộ, tâm huyết của các cấp, các ngành và các địa phương.
LÊ VĂN