Các dự án giao thông trọng điểm tại Núi Thành: Vướng mắc mặt bằng

TRẦN HỮU 05/10/2018 06:17

Hai dự án đường trục chính từ Khu công nghiệp (KCN) Tam Thăng đi cảng Kỳ Hà và sân bay Chu Lai và dự án đường nối cảng Tam Hiệp đến đường cao tốc Đà Nẵng - Dung Quất đang gặp nhiều trở ngại trong thu hồi đất, giải phóng mặt bằng (GPMB) và bố trí tái định cư (TĐC) với các trường hợp bị ảnh hưởng.

Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu đi kiểm tra thực địa tại khu cải táng mồ mả xã Tam Tiến. Ảnh: T.H
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu đi kiểm tra thực địa tại khu cải táng mồ mả xã Tam Tiến. Ảnh: T.H

Ách tắc mặt bằng

Từ nhiều tháng trước, chính quyền huyện Núi Thành và xã Tam Tiến, lẫn chủ đầu tư dự án khu cải táng mồ mả và nhân dân trong vùng có mồ mả bị ảnh hưởng đã tổ chức đối thoại nhưng hiện nay 500 ngôi mộ vẫn chưa di dời đến vị trí quy hoạch cải táng ở xã Tam Tiến. Riêng dự án đường nối cảng Tam Hiệp đến đường cao tốc Đà Nẵng - Dung Quất (giai đoạn 4), tiến độ thực hiện chậm, UBND tỉnh buộc phải gia hạn kéo dài GPMB đến cuối năm nay. Hiện nhà thầu đã thi công thảm nhựa đầu tuyến đoạn dài 420km và đoạn cuối tuyến đã thi công xong nền mặt đường dài 270m. Nút thắt nằm ở khu nghĩa địa Núi Đình (xã Tam Hiệp, Núi Thành) còn hàng trăm ngôi mộ chưa di dời.

Tộc họ của gia đình ông Nguyễn Trường Quang (xã Tam Hiệp) còn lại 56 ngôi mộ, các hộ đều chưa nhận tiền, nhận đất TĐC cho người chết và xem ngày di dời. Lý do ông Quang đưa ra là đơn giá bồi thường - hỗ trợ (BT-HT) di dời mồ mả thấp, kiểm kê thiếu khối lượng; hiện cơ quan chức năng huyện Núi Thành đang thẩm định điều chỉnh lại phương án BT-HT. Tộc họ ông Võ Văn Điểu có 30 mộ. Tộc họ này có diện tích 700m2 phần trong vệt GPMB là 240m2 (gồm phần nhà mồ và 8 mộ) và 22 ngôi mộ còn lại nằm ngoài vạch GPMB. Tổng diện tích giao lại tại khu cải táng cho tộc họ ông Điểu là 370m2, dù ông đã nhận tiền BT-HT nhưng không thống nhất nhận đất và di dời mồ mả vì yêu cầu cấp đổi đúng diện tích đang sử dụng.

Dự án đường nối cảng Tam Hiệp đến đường cao tốc Đà Nẵng - Dung Quất, trong tổng số chiều dài dự án hơn 1,1km hiện đã bàn giao 0,69km, đoạn còn vướng do chưa giải tỏa được 222 ngôi mộ của 22 tộc họ ở khu nghĩa địa Núi Đình (xã Tam Hiệp). Trong khi đó, chậm GPMB hiện nay tập trung ở dự án đường trục chính từ KCN Tam Thăng đi cảng Kỳ Hà và sân bay Chu Lai, chủ yếu thu hồi loại đất nuôi trồng thủy sản cả ngoài và trong vệt GPMB. Toàn tuyến quốc lộ 129 chạy dọc sông Trường Giang, sông Trầu và khu vực lân cận chủ yếu qua đất nuôi trồng thủy sản của các hộ dân thuộc các xã Tam Tiến, Tam Hòa, Tam Hiệp, Tam Giang, Tam Nghĩa. Nếu đường đi ngang qua cắt một phần diện tích ao nuôi cũng có thể ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động sản xuất, nuôi trồng của người dân. Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông, bất cập ở các khu TĐC cũng làm cho tiến độ GPMB bị ngưng trệ. Đơn cử, các khu TĐC Tam Quang, Tam Hiệp… chưa đầu tư hoàn thiện điện - nước.

Cần thu hồi đất ngoài vệt giải tỏa

Dự án đường trục chính từ KCN Tam Thăng đi cảng Kỳ Hà và sân bay Chu Lai có tổng mức đầu tư 1.479 tỷ đồng (gồm vốn ngân sách và vốn trái phiếu chính phủ). Trong đó, nguồn vốn trái phiếu chính phủ đã bố trí 810 tỷ đồng đến nay đã giải ngân hơn 333 tỷ đồng. Còn dự án đường nối cảng Tam Hiệp đến đường cao tốc Đà Nẵng - Dung Quất giai đoạn 4 có tổng mức đầu tư được duyệt là 80 tỷ đồng.

Hiện nay các cơ quan chức năng của huyện Núi Thành đã rà soát các nhóm đối tượng thu hồi diện tích đất nuôi trồng thủy sản. Theo đó, tổng diện tích đất nuôi trồng thủy sản ngoài vạch GPMB là hơn 17,4ha và gần 17,5ha trong vệt GPMB. Theo ông Trương Văn Trung - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành, phần lớn thửa đất bị ảnh hưởng một phần của dự án và phần diện tích còn lại nằm ngoài vạch GPMB không thể tiếp tục sản xuất, nuôi trồng thủy sản do mất nguồn cung cấp nước để sản xuất, hoặc bị chia cắt thành những thửa đất nhỏ không phù hợp với điều kiện để tiếp tục nuôi trồng. Nếu BT không thu hồi đất thì phần diện tích còn lại ngoài vạch GPMB, người dân vẫn tiếp tục sản xuất vào mục đích khác nên khó cho công tác quản lý hiện trạng. Chính quyền huyện Núi Thành kiến nghị tỉnh cho phép thu hồi đất và thực hiện BT-HT với nhóm thửa đất có diện tích dưới 1.500m2 (gồm 93 thửa, diện tích hơn 5,1ha), loại đất nuôi trồng thủy sản ngoài vạch GPMB với kinh phí gần 11 tỷ đồng. Còn với nhóm thửa đất có diện tích từ 1.500m2 trở lên (gồm 43 thửa, diện tích hơn 12ha, loại đất nuôi trồng thủy sản, với kinh phí 23,5 tỷ đồng), việc thu hồi đất và thực hiện BT-HT theo quy hoạch là có cơ sở và phù hợp với điều kiện thực tế nuôi trồng thủy sản.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông đề xuất 3 phương án BT-HT. Đó là đề xuất tỉnh thống nhất cho phép thu hồi đất để BT-HT với toàn bộ diện tích ngoài vệt 17,4ha; cho phép thu hồi đất để thực hiện BT-HT đối với các thửa đất có diện tích dưới 1.500m2 ngoài vạch GPMB và chỉ thu hồi đất với phần diện tích trong vệt quản lý quy hoạch 38m.  Để quản lý chặt chẽ hiện trạng đất đai, quan điểm của tỉnh là Nhà nước nên thu hồi đất thực hiện BT-HT với phần diện tích nuôi trồng thủy sản nằm ngoài vệt GPMB. Riêng việc vướng mồ mả, địa phương cần huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, tiếp tục vận động, tuyên truyền cung cấp thông tin để nhân dân ủng hộ chủ trương chung. Sau khi khảo sát, nắm tình hình, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu yêu cầu chủ đầu tư, các ngành liên quan và địa phương gấp rút xử lý dứt điểm các khu vực ách tắc mặt bằng; chọn lựa phương án thu hồi đất khả thi, theo quy hoạch; phân loại nhóm đối tượng để vận động bàn giao mặt bằng đúng tiến độ.

TRẦN HỮU

TRẦN HỮU