Khó thu hút đầu tư cấp nước sạch

VIỆT NGUYỄN 17/09/2018 01:44

Toàn tỉnh đang gặp khó về thu hút đầu tư cấp nước sạch do rào cản về cơ chế, chính sách khiến doanh nghiệp không mặn mà...

Người dân miền núi gặp khó về nước sạch. Ảnh: Quang Việt
Người dân miền núi gặp khó về nước sạch. Ảnh: Quang Việt

Triển khai Nghị quyết 180 của HĐND tỉnh áp dụng giai đoạn 2016 - 2020, UBND tỉnh đã ban hành 13 danh mục công trình cấp nước sạch tập trung, tuy nhiên đến nay, mới chỉ có 4/13 dự án đã được phê duyệt. Ngoài ra, còn có 1 dự án khác nằm ngoài danh mục nhưng đã đầu tư cơ bản nên được hỗ trợ theo cơ chế. Tất cả 5 dự án này đều thuộc Công ty CP Cấp thoát nước Quảng Nam. Dự án nằm ngoài danh mục là công trình cấp nước sạch cho khu tái định cư Duy Hải (Duy Xuyên). Đến nay đã cơ bản hoàn thành, nghiệm thu 70% khối lượng với phần vốn ngân sách dự kiến hỗ trợ là 4,4 tỷ đồng. Các dự án còn lại cấp nước sạch cho thị trấn Núi Thành và vùng lân cận (huyện Núi Thành), cấp nước sạch tại thị xã Điện Bàn, mở rộng nhà máy cấp nước sạch Hà Lam (Thăng Bình), mở rộng cấp nước sạch tại xã Duy Phước (Duy Xuyên). Ông Nguyễn Phú - Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng, đến nay chỉ có Công ty CP Cấp thoát nước Quảng Nam hưởng lợi là do yếu tố lịch sử. “Công ty này được UBND tỉnh phân cấp, ủy quyền vay vốn, thiết kế công trình, đầu tư, quản lý, vận hành cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh xuyên suốt từ trước đến nay. Từ khi có chủ trương cổ phần, công ty này cũng đã thâu tóm hết thị phần cấp nước ở Quảng Nam. Do phân vùng, các công ty khác không cạnh tranh nổi với công ty này” - ông Nguyễn Phú nói. Thời gian qua, Sở Xây dựng phối hợp với Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam khai thác, vận hành 5 công trình cấp nước sạch thuộc tài sản nhà nước ở huyện Đại Lộc, Tiên Phước, Quế Sơn, Hiệp Đức và Nam Trà My nhưng gặp khó khi kêu gọi doanh nghiệp đầu tư nâng công suất, mở rộng phạm vi cấp nước... “Thời gian phân bổ vốn hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư công trình cấp nước sạch quá dài. Có địa phương dù muốn doanh nghiệp đầu tư cấp nước sạch nhưng lại không có nguồn lực đối ứng để hỗ trợ” - ông Thái Hoàng Vũ - Phó Giám đốc Sở Xây dựng nói.

Theo Nghị quyết 180, địa phương tự cân đối ngân sách hỗ trợ hoàn toàn cho doanh nghiệp đầu tư cấp nước sạch. Địa phương không tự cân đối ngân sách ở khu vực đồng bằng thì huyện hỗ trợ 50%, tỉnh hỗ trợ 50%. Địa phương không tự cân đối ngân sách ở khu vực miền núi thì huyện hỗ trợ 30%, tỉnh hỗ trợ 70%. Ông Nguyễn Phú cho rằng, cơ chế mặc dù đã xem xét đến khả năng cân đối ngân sách của các địa phương trong hỗ trợ vốn giúp doanh nghiệp đầu tư cấp nước sạch tuy nhiên, thực tế đã cho thấy nhiều địa phương đã không thể huy động vốn để hỗ trợ như trên. Vậy nên, rất cần sửa đổi một số nội dung của Nghị quyết 180. Theo đó, đối với địa phương tự cân đối ngân sách, tỉnh hỗ trợ 10%, huyện hỗ trợ 90%; địa phương không tự cân đối ngân sách ở đồng bằng thì tỉnh và huyện cùng hỗ trợ 50%; địa phương không thể tự cân đối ngân sách ở miền núi, tỉnh hỗ trợ 90%, huyện hỗ trợ 10%.

Theo ông Thái Hoàng Vũ, nên điều chỉnh mức hỗ trợ cụ thể cho doanh nghiệp khi đầu tư cấp nước sạch. Cụ thể, hỗ trợ 30% vốn đối với dự án ở các phường, thị trấn, các khu, cụm công nghiệp thuộc TP.Tam Kỳ, TP.Hội An, huyện Duy Xuyên, Núi Thành và thị xã Điện Bàn. Tương tự, hỗ trợ với các mức 45%, 60%, 75%, 90% vốn khi doanh nghiệp đầu tư cấp nước sạch đối với các dự án ở các vùng 2, 3, 4, 5 theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Ông Nguyễn Đức - Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh cho rằng, Sở Xây dựng cần hoàn thiện lại các đề xuất sửa đổi, điều chỉnh cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư cấp nước sạch để trình Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa IX thảo luận, thông qua.

VIỆT NGUYỄN

VIỆT NGUYỄN