Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận công nghệ
Chủ trì buổi làm việc của Ban điều hành đề án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012-2020” (gọi tắt là Đề án hỗ trợ doanh nghiệp), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân yêu cầu các sở, ngành phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để tạo đột phá thời gian đến.
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: V.N |
Đề án hỗ trợ doanh nghiệp thực chất được UBND tỉnh triển khai từ năm 2015 sau hơn 2 năm xây dựng quy chế hoạt động. Đến nay, một số mục tiêu đã được triển khai tốt và dự báo hoàn thành vào năm 2020. Như phấn đấu mỗi năm Quảng Nam có 2 - 3 doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia giải thưởng chất lượng quốc gia. Hay xây dựng tối thiểu 2 phòng thử nghiệm trọng điểm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực thử nghiệm chất lượng sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh. Đó được xem là tiền đề để Quảng Nam có thể xếp tốp 5 về chỉ số năng lực cạnh tranh vào năm 2020. Theo ông Phạm Ngọc Sinh - Phó Giám đốc Sở KH-CN, nhìn chung các chương trình của đề án đều được triển khai, ngoại trừ chương trình thứ 4 là hỗ trợ phát triển tài sản sở hữu trí tuệ. Nguyên nhân là chương trình này nằm trong chương trình chung của sở, còn phần hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng sở hữu trí tuệ được triển khai tại quy định về hỗ trợ xác lập sở hữu công nghiệp và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến theo quyết định của UBND tỉnh. So với kế hoạch từng năm, các chương trình được thực hiện đạt nhưng so với tổng thể đề án thì chưa đảm bảo tiến độ, chưa đạt mục tiêu đề ra. Đến nay, trung bình các chương trình chỉ mới đạt 22,3%.
Thành quả quan trọng nhất mà đề án hỗ trợ doanh nghiệp đạt được vào thời điểm này là giúp doanh nghiệp đổi mới công nghệ, qua đó nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Ví như, từ mức hỗ trợ 250 triệu đồng, Công ty CP Cẩm Hà (phường Thanh Hà, TP.Hội An) đã đổi mới công nghệ, chuyển sang hàn tự động bằng rô bốt khắc phục các hạn chế của công nghệ cũ như tốc độ chậm, khói hàn ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động, sản phẩm thiếu bắt mắt, không đều. Thực tế đã cho thấy năng suất làm việc của rô bốt hơn lao động thủ công trước đây gấp 2,4 lần. Giảm chi phí sản xuất, thời gian hoàn thành công việc nhanh, sản phẩm chất lượng hơn, giá cả hợp lý đã khiến cho sức cạnh tranh của doanh nghiệp tăng cao trên thương trường. Ông Lê Minh Tâm - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Đào tạo nghiệp vụ tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ KH-CN) cho rằng, trong bối cảnh cạnh tranh hàng hóa, sản phẩm ngày một gay gắt thì đổi mới công nghệ là nhu cầu bức thiết của doanh nghiệp. Đáng mừng là tại Quảng Nam, nhận thức về tăng năng suất, chất lượng sản phẩm của cộng đồng doanh nghiệp đã có chuyển biến tích cực. Điều đó được thể hiện trong bảng danh sách các doanh nghiệp đăng ký tham gia triển khai đề án và tham gia tập huấn ngày càng gia tăng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân cho rằng, mặc dù còn hạn chế ở một số nội dung nhưng thành công bước đầu trong triển khai đề án hỗ trợ doanh nghiệp sẽ tạo đà để triển khai nhiều nội dung mang tính đột phá từ nay cho đến năm 2020. Trước mắt, Quảng Nam sẽ chọn khoảng 30 doanh nghiệp tiêu biểu tham gia, qua đó kỳ vọng là điển hình để toàn thể cộng đồng doanh nghiệp học tập. Sở KH-CN phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, các doanh nghiệp tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm theo nhiều nội dung và hình thức đa dạng, hiệu quả hơn. Tỉnh tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận cơ chế hỗ trợ xây dựng hệ thống quản lý chất lượng, công cụ nâng cao năng suất chất lượng, đánh giá hợp chuẩn, hợp quy và đổi mới công nghệ.
VIỆT NGUYỄN