Chủ động bám sát các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội
Sáng qua 30.7, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng chủ trì phiên họp thường kỳ, đánh giá kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng, bàn kế hoạch, giải pháp thực hiện tháng 8 và những tháng còn lại của năm 2018.
Theo báo cáo, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 7 tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 24,5% so với tháng cùng kỳ, tăng 7,5% trong 7 tháng qua; chỉ số tồn kho ngành chế biến, chế tạo đã giảm gần 1,8% so với tháng trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,6% (tăng hầu hết ở các ngành kinh tế). Hơn 43.000ha lúa hè thu đã được gieo cấy và tổng sản lượng khai thác thủy sản tăng 4,5% (đạt 58.900 tấn). Tổng dư nợ hơn 55.584 tỷ đồng, tăng gần 8,4% so với đầu năm. Tổng thu ngân sách nhà nước gần bằng 66% dự toán, tăng 17,4% so cùng kỳ (thu nội địa 10.120 tỷ đồng, bằng 65,4% dự toán) và tổng chi ngân sách bằng 40,7% dự toán (9.353 tỷ đồng). Vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý hơn 2.925 tỷ đồng (tăng 32,6%). Tỷ lệ tốt nghiệp THPT của Quảng Nam đạt 95,5% (15.840 thí sinh); 1.122 người được đào tạo nghề lao động nông thôn và 418 người được đào tạo nghề (lao động cho doanh nghiệp). Lực lượng công an, quân sự đã giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, kịp thời điều tra xử lý các vụ vi phạm pháp luật, tấn công trấn áp tội phạm. Đáng nói nhất là tai nạn giao thông tăng cả số vụ và số người chết. Tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 123 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 97 người, bị thương 81 người. So với cùng kỳ năm trước tăng 2 vụ, tăng 18 người chết và giảm 6 người bị thương. Tai nạn đường sắt xảy ra 4 vụ, làm 3 người chết và 1 người bị thương.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng, để đạt cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, các ngành, các cấp, địa phương cần bám sát kế hoạch, tập trung thực hiện tốt các giải pháp bổ sung đã đề ra tại Nghị quyết của HĐND tỉnh tại Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh (khóa IX). Ngoài ra, cần tập trung tháp gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư nhằm phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tiến độ thi công các công trình, thu hồi các nguồn tạm ứng, giải ngân 100% vốn đầu tư xây dựng cơ bản.
T.D