Phân chia nguồn thu cấp quyền khai thác tài nguyên nước: Chọn phương án nào?

TRỊNH DŨNG 17/07/2018 09:15

Quy định tỷ lệ phân chia nguồn thu cấp quyền khai thác tài nguyên nước cho các cấp ngân sách trên địa bàn tỉnh đã được đặt lên bàn nghị sự với nhiều phương án. Tuy nhiên, chọn phương án nào cho hợp lý là câu chuyện sẽ được quyết định ngay tại Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa IX sẽ diễn ra từ ngày 17 đến 19.7.

Phân cấp nguồn thu cấp quyền khai thác tài nguyên nước như thế nào sẽ được quyết định tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa IX.Ảnh: T.D
Phân cấp nguồn thu cấp quyền khai thác tài nguyên nước như thế nào sẽ được quyết định tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa IX.Ảnh: T.D

Cần một nghị quyết

Không thể xác định được trữ lượng khai thác tài nguyên nước tại Quảng Nam là bao nhiêu, nhưng Bộ Tài chính đã quy định tỷ lệ phân chia nguồn thu cấp quyền khai thác tài nguyên nước với các giấy phép do cơ quan trung ương cấp là 70% cho ngân sách trung ương, 30% cho ngân sách địa phương và UBND tỉnh cấp phép được quyền thu 100% cho ngân sách địa phương.

Theo thống kê của UBND tỉnh, tính đến tháng 5.2018, tổng nguồn thu cấp quyền khai thác tài nguyên nước ở 8 huyện, thị (Phước Sơn, Đông Giang, Nam Giang, Đại Lộc, Thăng Bình, Điện Bàn, Núi Thành và Phú Ninh) phải nộp ngân sách nhà nước từ năm 2017 đến 2029 hơn 129,8 tỷ đồng. Số thu từ giấy phép do trung ương cấp chiếm đến hơn 126,8 tỷ đồng và số thu từ UBND tỉnh cấp phép chỉ gần 3 tỷ đồng.

Theo số liệu trên thì nguồn thu cấp quyền khai thác tài nguyên nước nộp ngân sách hàng năm không lớn. Chủ yếu nguồn thu từ giấy phép trung ương cấp. Số thu điều tiết cho ngân sách địa phương hàng năm khoảng gần 4 tỷ đồng, còn nguồn thu từ giấy phép do UBND tỉnh cấp không đáng kể (dưới 1 tỷ đồng/năm). Dự kiến số thu nộp ngân sách hàng năm sẽ còn tăng thêm trong thời gian tới bởi hiện vẫn còn một số dự án chưa được Bộ TN-MT, UBND tỉnh phê duyệt mức thu.

Ông Phan Văn Chín - Giám đốc Sở Tài chính cho hay dù số thu tăng thêm không lớn do không thể thu hết một lần tiền, mà phải nộp trong nhiều năm, nhưng để bảo đảm đúng thẩm quyền theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, đúng trình tự thủ tục xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và cũng làm căn cứ để thực hiện phân chia nguồn lực, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về quy định tỷ lệ phân chia nguồn thu này.

Theo ông Chín, căn cứ hướng dẫn của Bộ Tài chính, dự kiến số thu cấp quyền khai thác tài nguyên nước nộp ngân sách hàng năm trên địa bàn Quảng Nam và lấy ý kiến góp ý của các đơn vị, địa phương, UBND tỉnh đề xuất 2 phương án.

Phương án 1 quy định tỷ lệ phân chia nguồn thu chỉ dành cho ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh, còn ngân sách huyện không được đồng nào.

Phương án 2 nghiêng về 30% ngân sách trung ương điều tiết sẽ dành cho ngân sách tỉnh 21%, ngân sách huyện 9% và các giấy phép UBND tỉnh cấp phép sẽ dành 70% cho ngân sách tỉnh và điều tiết 30% cho ngân sách huyện.

Hai phương án

Theo phân tích của UBND tỉnh, mỗi phương án đều có ưu và nhược điểm khác nhau. Theo phương án 1, ưu điểm được tính đến là kể từ năm 2017, Quảng Nam tự cân đối ngân sách và điều tiết về trung ương. Ngân sách tỉnh phải tự bảo đảm nguồn kinh phí thực hiện các chế độ, chính sách do trung ương ban hành. Không chỉ vậy, hàng năm ngân sách tỉnh phải cân đối, bố trí nguồn kinh phí rất lớn để thực hiện các đề án HĐND tỉnh ban hành.

Nếu chọn phương án này, ngân sách tỉnh sẽ có thêm nguồn lực để thực thi các chế độ, chính sách. Chính quyền sẽ không phải điều chỉnh lại nguồn thu của ngân sách các cấp khi đã thống nhất về quy định tạm thời tỷ lệ phân chia nguồn thu này như tỷ lệ phân chia nêu trên. Ngoài ra, cũng thống nhất bảo đảm một nguyên tắc “hạn chế phân cấp nhiều cấp ngân sách đối với các nguồn thu có quy mô nhỏ”. Tuy nhiên, UBND tỉnh cũng thừa nhận nhược điểm của phương án này là các huyện, thị xã không được phân chia nguồn thu này dù thực tế có phát sinh tại địa phương.

Ưu điểm của phương án 2 là nguồn thu sẽ được phân chia cho cả 3 cấp ngân sách. Các huyện, thị xã, thành phố có nguồn thu phát sinh tăng thêm so với năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách (2017). Nhưng nhược điểm được đề cập chính là nguồn thu này có quy mô nhỏ, phân chia cho nhiều cấp ngân sách sẽ không bảo đảm nguyên tắc phân cấp nguồn thu. Việc phân chia sẽ gặp khó khăn từ các địa phương có hồ thủy điện bởi một số thủy điện có lưu vực lòng hồ nằm chung trên địa bàn 2 huyện nhưng quy định chỉ nộp tiền tại 1 huyện có nhà máy. Đó là chưa kể đến, nguồn thu từ các dự án thủy điện chủ yếu là thuế tài nguyên đã điều tiết 100% ngân sách cấp huyện.

Ông Phan Văn Chín – Giám đốc Sở Tài chính nói tổng hợp ý kiến góp ý dự thảo nghị quyết, có đến 14/18 huyện, thị xã, thành phố thống nhất phương án 1. Chính vậy, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh quy định tỷ lệ phân chia nguồn thu cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo phương án 1. Nếu được phê chuẩn, kế hoạch thực hiện quy định này sẽ bắt đầu từ ngày 1.1.2018.

Không có ý kiến tranh biện gì nhiều tại cuộc giám sát của Thường trực HĐND tỉnh với Sở Tài chính vừa qua. Tất cả đều thống nhất đưa vấn đề này ra luận bàn giữa kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa IX để đi đến việc lựa chọn một phương án hữu hiệu cuối cùng để có thể thực hiện.

Ông Đặng Tấn Phương - Phó Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh cho biết chọn phương án 1 là hợp lý theo như những phân tích. Tổng nguồn thu không lớn, tuy nhiên, trong chỉ đạo điều hành, Sở Tài chính cần tham mưu cho UBND tỉnh quan tâm hỗ trợ thêm cho các địa phương có phát sinh nguồn thu này. Bởi lẽ, các địa phương đã chịu tác động trực tiếp từ các chương trình, dự án đầu tư, đặc biệt như thủy điện. Chắc chắn khi đưa vấn đề này ra, các địa phương miền núi sẽ có ý kiến.

TRỊNH DŨNG

TRỊNH DŨNG