Quỹ đầu tư phát triển Quảng Nam: Tồn tại hay giải thể?

TRỊNH DŨNG 16/07/2018 09:09

Câu chuyện tồn tại hay giải thể Quỹ đầu tư phát triển Quảng Nam tiếp tục được đặt lên bàn nghị sự khi doanh thu, lợi nhuận của quỹ này chủ yếu từ việc gửi ngân hàng thương mại lấy lãi, doanh nghiệp không thể tiếp cận vốn… Vấn đề này sẽ được giải quyết trong kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa IX sắp tới (diễn ra từ ngày 17 đến 19.7).

Khu phố chợ Nam Phước là một trong số những dự án được Quỹ đầu tư phát triển Quảng Nam cho vay vốn.Ảnh: T.DŨNG
Khu phố chợ Nam Phước là một trong số những dự án được Quỹ đầu tư phát triển Quảng Nam cho vay vốn.Ảnh: T.DŨNG

Tăng quy mô vốn

Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức, Khu phố chợ Nam Phước, Bệnh viện Đa khoa Thăng Hoa, Khu phố chợ Điện Nam Trung… được xem là những điển hình hiệu quả của đồng vốn đầu tư từ Quỹ đầu tư phát triển Quảng Nam từ 9 năm qua. Không chỉ cho vay từ các dự án bệnh viện, khu phố chợ, khu tái định cư, các trường học, Quỹ đầu tư phát triển Quảng Nam còn đầu tư trực tiếp vào các dự án bất động sản, góp vốn thành lập doanh nghiệp, nhận ủy thác quản lý các quỹ tài chính khác… để đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

 Ông Nguyễn Tiên Thạch - Giám đốc Quỹ đầu tư phát triển Quảng Nam cho hay, nguồn vốn hoạt động của quỹ đã tăng trưởng vượt bậc, bình quân 38%/năm. Vốn huy động và vốn bổ sung từ hoạt động chiếm 73%/tổng nguồn vốn. Quy mô vốn của quỹ đã tăng hơn 5 lần so với năm đầu thành lập. Từ nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp, quỹ đã huy động được thêm các nguồn vốn như Ngân hàng Thế giới (WB) và các nguồn vốn khác. Toàn bộ vốn của quỹ chủ yếu đầu tư trực tiếp, góp vốn và cho vay dài hạn với các dự án phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo tính toán của quỹ này, cứ 10 đồng vốn ngân sách cấp đã mang lại 4 đồng lợi nhuận để bổ sung vốn điều lệ, thu hút hơn 70 đồng vốn của các nhà đầu tư tư nhân tham gia đầu tư phát triển hạ tầng tại địa phương. Quỹ hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, nhưng các chỉ tiêu chính như tổng doanh thu, chênh lệch thu - chi đều có tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Theo thống kê, tổng nguồn vốn hoạt động của quỹ đến cuối năm 2017 đạt khoảng 620 tỷ đồng, trong đó 178,4 tỷ đồng vốn ngân sách cấp; lợi nhuận bổ sung 97 tỷ đồng (trong đó có lãi vay ngân hàng) và vốn quỹ huy động ngoài ngân sách 344,6 tỷ đồng, chiếm 71,2%/tổng vốn hoạt động. Chiếm nhiều nhất là vốn huy động từ Ngân hàng Thế giới (gần 260,7 tỷ đồng) và các nguồn vốn ký quỹ các dự án đầu tư, các nguồn vốn khác trên địa bàn.

Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng gần 10 năm chỉ cho vay và đầu tư 49 dự án (giải ngân 556 tỷ đồng) là quá ít. Danh mục đầu tư, cho vay của quỹ hiện đa số là hạ tầng giáo dục, giao thông, dân cư. Rất ít dự án lĩnh vực nông – lâm – ngư và phát triển nông thôn, dù nhu cầu đầu tư vào lĩnh vực này rất lớn nhưng khả năng tiếp cận vốn rất khó. Doanh thu, lợi nhuận không đến từ các hoạt động đầu tư cho vay mà chủ yếu là tiền gửi lấy lãi từ các ngân hàng thương mại thì không thể nói là việc sử dụng vốn hiệu quả.

Hoạt động không hiệu quả

Tại cuộc giám sát của Thường trực HĐND tỉnh mới đây, ông Phan Văn Chín - Giám đốc Sở Tài chính cho hay, nếu thời gian đến, giới hạn các lĩnh vực đầu tư và cho vay bị thu hẹp sẽ làm hạn chế đến việc thực hiện xã hội hóa đầu tư, khiến quỹ này gặp khó khăn hơn trong việc lựa chọn, thẩm định các dự án có nhu cầu vay vốn. Vì vậy đề nghị HĐND tỉnh ban hành một nghị quyết về danh mục các lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ưu tiên phát triển để quỹ đầu tư trực tiếp và cho vay giai đoạn 2018 - 2020.

Mặc dù đề nghị, nhưng ông Chín cũng thừa nhận, nhiều năm qua, không giới hạn lĩnh vực cho vay và đầu tư nhưng Quỹ đầu tư phát triển Quảng Nam chỉ thẩm định được 49 dự án đủ điều kiện cho vay và đầu tư theo quy định là quá ít. Vốn nhàn rỗi của quỹ gửi tại các ngân hàng thương mại càng lớn, không đúng như mục tiêu hoạt động. “Không thể cho vay được thì chỉ có giải thể thôi. Cả nước chỉ có khoảng 20 quỹ chứ không phải 63 tỉnh, thành nào cũng có. Quỹ này cũng giống như một ngân hàng chính sách của tỉnh. Nếu không mở rộng lĩnh vực cho vay, giới hạn dự án đầu tư thì chỉ “ngồi chơi xơi nước”, lấy tiền lãi ngân hàng, chắc chắn quỹ này sẽ phải đóng cửa” - ông Chín nói

Chuyện Quỹ đầu tư phát triển Quảng Nam hoạt động chủ yếu lấy lãi từ tiền gửi ngân hàng đã được chất vấn tại kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa IX, nhưng không chuyển biến gì đáng kể. Việc tồn tại hay giải thể của quỹ này một lần nữa lại đặt lên bàn nghị sự. Ông Nguyễn Đức - Trưởng ban Kinh tế & ngân sách HĐND tỉnh cho rằng sự ra đời của Quỹ đầu tư phát triển Quảng Nam được cụ thể hóa từ 2 nghị quyết của HĐND tỉnh. HĐND đã có nhiều công văn, thông báo, gần như đầy đủ, mở rộng cho việc đầu tư, cho vay của quỹ, nhưng 9 năm qua không thể làm được thì phải tính cách khác. “Sử dụng tài chính, tiền, tài sản nhà nước cần tính đến hiệu quả chứ cứ để như vậy là không được. Nếu như quỹ tiếp tục thực hiện theo những yêu cầu của HĐND trong các thông báo thì có thể hàng năm Thường trực kiến nghị HĐND tỉnh bổ sung một số lĩnh vực nếu xét thấy ở đó có nhu cầu mà doanh nghiệp không đầu tư được thì quỹ nhảy vào có khó gì đâu. Không cần phải ra một nghị quyết về danh mục các lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ưu tiên phát triển để Quỹ đầu tư phát triển Quảng Nam đầu tư trực tiếp và cho vay giai đoạn 2018 - 2020. Quỹ được xem là “con đẻ” của HĐND, nhưng tại sao HĐND không bảo vệ, không khuyến khích, bởi lẽ, thực tiễn thiếu hiệu quả, nên cũng cần phải gom lại, từng bước đánh giá. Nếu hoạt động tốt thì duy trì sự tồn tại của nó và nếu không thì cần đặt câu hỏi có cần sự có mặt của quỹ này hay không, hay là chuyển sang mô hình khác” - ông Đức nói.

Ông Đặng Tấn Phương - Phó Trưởng ban Kinh tế & ngân sách HĐND tỉnh nói Quỹ đầu tư phát triển Quảng Nam thực hiện cho vay mang tính dàn trải, thiếu hiệu quả. Tiền lãi chủ yếu là từ tiền gửi ngân hàng như đã từng chất vấn nhưng không hề có sự thay đổi nào đáng kể. Chất lượng làm vốn mồi và cú hích của công cụ tài chính nhà nước làm động lực phát triển tại địa phương đã không thành hiện thực. Tại sao lại phải ban hành nghị quyết danh mục ưu tiên khi gần như trước đây không giới hạn lĩnh vực cho vay và đầu tư mà quỹ này vẫn không thực hiện hiệu quả? Còn theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng, sẽ phải tổng hợp và đánh giá lại hiệu quả đầu tư của Quỹ đầu tư phát triển Quảng Nam, mới có thể đưa ra quyết định cuối cùng.

TRỊNH DŨNG

TRỊNH DŨNG