2 năm, đường dây nóng về an toàn thực phẩm chỉ nhận được 1 thông tin phán ánh
Từ năm 2016, ngành y tế đã thiết lập đường dây nóng về an toàn thực phẩm (ATTP) với số điện thoại 02353.827.797. Tuy nhiên, đến nay chỉ nhận được 1 thông tin phản ánh vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại huyện Đại Lộc (năm 2017).
Từ tháng 6.2016 đến tháng 6.2018, các ngành chức năng đã thanh tra, kiểm tra ATTP tại 31.410 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Trong đó, tập trung kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, kinh doanh chả, bún, mì, điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, các bếp ăn tập thể và các cơ sở chế biến suất ăn sẵn. Qua đó, phát hiện 3.992 cơ sở vi phạm; phạt vi phạm hành chính 248 cơ sở với tổng số tiền gần 633 triệu đồng. Các cơ sở này chủ yếu vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm ATTP trong bảo quản; bảo quản trong kinh doanh thức ăn đường phố; vi phạm quy định về tiêu chuẩn sức khỏe trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; vi phạm quy định về xác nhận kiến thức ATTP.
Được biết, toàn tỉnh hiện có 18.906 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm; trong đó có 2.400 cơ sở chế biến, 5.807 cơ sở kinh doanh và 10.699 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Tại tuyến xã, chỉ có 10% cơ sở được cấp giấy chứng nhận về ATTP, tỷ lệ này ở tuyến huyện và tuyến tỉnh lần lượt là 40% và 91%.
CHÂU NỮ