Động lực từ kinh tế

NGUYỄN SỰ 07/06/2018 09:26

Hôm nay 7.6, huyện Nông Sơn kỷ niệm 10 năm thành lập (9.6.2008 - 9.6.2018). Trong 10 năm qua, nhờ sự tiếp sức từ nhiều phía, đặc biệt là phát huy tối đa nội lực, lĩnh vực kinh tế của huyện có bước phát triển mạnh mẽ, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả…

Thời gian qua, nhờ sự tiếp sức từ nhiều phía, nông dân huyện Nông Sơn có điều kiện đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp. Ảnh: N.S
Thời gian qua, nhờ sự tiếp sức từ nhiều phía, nông dân huyện Nông Sơn có điều kiện đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp. Ảnh: N.S

Nông nghiệp khởi sắc

Ông Lê Ngọc Trung - Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn cho biết, nhờ các lĩnh vực kinh tế có bước phát triển mạnh mẽ nên những năm qua đời sống của người dân trên địa bàn huyện không ngừng nâng cao. “Nếu năm 2008 thu nhập bình quân đầu người của huyện chỉ đạt 2,8 triệu đồng thì hiện nay đã tăng lên hơn 20 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo hiện còn 18,24%, giảm 48,64% so với năm mới thành lập huyện. Đây thực sự là tín hiệu hết sức lạc quan, tạo động lực lớn cho cán bộ và nhân dân địa phương tiếp tục nỗ lực phấn đấu trên chặng đường mới” - ông Trung nói.

Ông Lê Văn Phương - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Viên cho biết, vụ đông xuân 2017 - 2018 nông dân địa phương sản xuất hơn 171ha lúa. Nhờ nước tưới không thiếu hụt, ứng dụng bài bản các gói kỹ thuật canh tác tiên tiến, quản lý tốt dịch hại tổng hợp trên đồng ruộng nên hầu hết ruộng lúa ở 5 thôn của xã đều được mùa. “Vụ đông xuân vừa qua năng suất lúa bình quân của xã Sơn Viên đạt 62,5 tạ/ha. Trong khi đó, cách đây 10 năm chỉ đạt chừng 44 tạ/ha” - ông Phương nói.

Theo ông Trần Thiện Thắng - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nông Sơn, hiện nay mỗi vụ nông dân trên địa bàn huyện canh tác 1.112ha lúa. Nhằm giúp nhà nông nâng cao năng suất, những năm qua chính quyền các địa phương cùng một số đơn vị liên quan ở huyện tập trung đẩy mạnh việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và lựa chọn những giống lúa mới ít bị nhiễm sâu bệnh, có tiềm năng cho sản lượng cao đưa vào gieo sạ đại trà. Đồng thời chú trọng đến việc thi công kết cấu hạ tầng thủy lợi và hỗ trợ một phần kinh phí cho các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ cá thể để có điều kiện đầu tư cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.

“Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều khâu, thời gian qua năng suất lúa của Nông Sơn liên tục tăng mạnh. Riêng vụ đông xuân vừa qua năng suất lúa bình quân toàn huyện đạt 56,1 tạ/ha, tăng 37,5 tạ/ha so với vụ đông xuân 2007-2008” - ông Thắng cho hay.

Từ ngày thành lập huyện đến nay các cơ quan ở Nông Sơn tích cực thực hiện chủ trương giao đất, giao rừng nhằm tạo thuận lợi cho người dân phát triển mạnh lĩnh vực kinh tế lâm nghiệp.

Ông Phạm Phú Thanh - chuyên viên UBND xã Quế Lộc cho hay, đến nay toàn bộ 1.500ha đất rừng sản xuất của địa phương đã được trồng keo nguyên liệu.

Theo ông Thanh, hằng năm nông dân trên địa bàn xã khai thác và bán ra thị trường khoảng 80ha rừng sản xuất với mức giá 35 - 60 triệu đồng/ha.

Tương tự, tại các xã khác của huyện, mô hình trồng keo nguyên liệu cũng được xem là hướng chủ lực giúp nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo và làm giàu nhanh chóng.

“Nhờ sự hỗ trợ từ nhiều phía, đặc biệt là tiếp cận được một số kênh vốn ưu đãi nên thời gian qua người dân 7 xã của Nông Sơn có điều kiện đầu tư phủ xanh gần 11.166ha đất trống, đồi trọc bằng những rừng keo lai. Trong tổng diện tích rừng nguyên liệu đó, mỗi năm nhân dân khai thác 2.200 - 2.500ha, thu về 110 - 130 tỷ đồng” - ông Trần Thiện Thắng chia sẻ.

Phát huy nội lực

Ông Nguyễn Chí Tùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn nói, với đặc thù địa phương miền núi nên việc phát triển ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đối với Nông Sơn không hề dễ dàng. Tuy nhiên, nhờ tranh thủ sự hỗ trợ từ nhiều phía, phát huy tối đa nội lực và đưa ra hàng loạt quyết sách đúng đắn nên những năm qua Nông Sơn đã tạo được bước chuyển biến tích cực trên lĩnh vực này.

Theo ông Tùng, UBND huyện đã xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện nhiều đề án nhằm giúp các làng nghề, cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn đầu tư mở rộng quy mô hoạt động, đổi mới máy móc và công nghệ theo hướng hiện đại, đặc biệt là tham gia quảng bá giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ ở trong và ngoài tỉnh.

Nhiều lao động ở Nông Sơn có thu nhập cao từ nghề trầm hương truyền thống. Ảnh: N.S
Nhiều lao động ở Nông Sơn có thu nhập cao từ nghề trầm hương truyền thống. Ảnh: N.S

“Ngoài Nhà máy thủy điện Khe Diên và Công ty CP Than - điện Nông Sơn, tính đến thời điểm này toàn huyện có 350 doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể hoạt động trên lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, chủ yếu tập trung vào các ngành nghề như mộc dân dụng, thủ công mỹ nghệ, trầm hương, may gia công, cơ khí, sản xuất, chế biến lương thực - thực phẩm… Qua đó giải quyết việc làm ổn định cho khoảng 600 lao động nông thôn. Nếu năm 2010 tổng giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của huyện chỉ đạt 230 tỷ đồng thì đến năm 2017 đạt hơn 386 tỷ đồng” - ông Tùng thông tin.

Cũng theo ông Nguyễn Chí Tùng, được sự quan tâm giúp đỡ của UBND tỉnh và các ngành liên quan, hiện nay chính quyền huyện Nông Sơn đang tập trung đầu tư xây dựng cụm công nghiệp - thương mại - dịch vụ Nông Sơn thuộc địa bàn xã Quế Trung với tổng diện tích 15,2ha.

Ông Tùng cho hay, ngoài nguồn kinh phí 4 tỷ đồng do UBND tỉnh hỗ trợ, mấy năm gần đây ngân sách địa phương cũng đã chi 2 tỷ đồng để thực hiện công tác bồi thường giải tỏa, san ủi mặt bằng. Trong thời gian tới huyện cũng sẽ ưu tiên nguồn lực tài chính thi công hoàn thiện kết cấu hạ tầng thiết yếu tại cụm công nghiệp - thương mại - dịch vụ này để sớm thu hút doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng những nhà máy, xí nghiệp nhằm nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, đặc biệt là góp phần giải quyết công ăn việc làm cho lao động tại địa phương.

Trong khi đó, bà Phan Thị Bích Phượng - Phó Trưởng phòng Kinh tế & hạ tầng Nông Sơn cho biết, cùng với sự chuyển biến tích cực của lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thời gian qua ngành thương mại - dịch vụ của huyện cũng có bước phát triển mạnh mẽ với 1.308 cơ sở kinh doanh, giải quyết việc làm thường xuyên cho 1.924 lao động. Nhìn chung, số lượng và chủng loại hàng hóa do số cơ sở kinh doanh này cung cấp ngày càng đa dạng, phong phú đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. “Năm 2017 tổng giá trị ngành thương mại - dịch vụ của Nông Sơn đạt 333,5 tỷ đồng, tăng 16,2% so với năm 2016” - bà Phượng nói.

NGUYỄN SỰ

NGUYỄN SỰ