Hỗ trợ miền núi phát triển sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch

ALĂNG NGƯỚC 19/04/2018 08:41

Hôm qua 18.4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh có buổi kiểm tra, khảo sát thực tế và làm việc với lãnh đạo huyện Nam Giang về các dự án “Cải thiện an ninh lương thực cho các hộ nông dân sản xuất quy mô nhỏ tại miền Trung Việt Nam” và “Hỗ trợ phát triển tiềm lực dựa vào nông thôn” do Tổ chức Cứu trợ phát triển quốc tế (FIDR) tài trợ tại Nam Giang.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh tham quan cửa hàng trưng bày sản phẩm nông nghiệp miền núi ở Nam Giang. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh tham quan cửa hàng trưng bày sản phẩm nông nghiệp miền núi ở Nam Giang. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Theo báo cáo, mô hình thâm canh lúa cải tiến SRI nằm trong dự án “Cải thiện an ninh lương thực cho các hộ nông dân sản xuất quy mô nhỏ tại miền Trung Việt Nam” được thực hiện từ tháng 4.2012, ở 14 xã của 3 huyện miền núi Nam Giang, Đông Giang và Tây Giang. Qua khảo sát đánh giá, mô hình này đang cho năng suất lúa tăng 63%, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi tập quán canh tác nông nghiệp của người dân các vùng hưởng lợi, đặc biệt là việc không sử dụng phân bón hóa học trong sản xuất, tiến tới xây dựng thương hiệu nông sản sạch. Cùng với đó, những năm gần đây, Tổ chức FIDR cũng đang lồng ghép triển khai thực hiện dự án “Hỗ trợ phát triển tiềm lực dựa vào nông thôn” tại làng dệt thổ cẩm Za Ra (xã Ta Bhing), nhằm hỗ trợ huyện Nam Giang trong việc thiết lập đối tác, liên kết với các tour du lịch, quảng bá và tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm dệt thổ cẩm, các sản phẩm thủ công truyền thống khác, với hiệu quả bước đầu khá khả quan. Tại buổi làm việc, đại diện Tổ chức FIDR mong muốn Quảng Nam tạo điều kiện để mở rộng quy mô các dự án sang những huyện miền núi còn lại để đảm bảo nguồn cung cấp hàng hóa. Hiện các mặt hàng nông sản sạch của Nam Giang như gạo SRI, mè, mật ong rừng cũng như các sản phẩm dệt thổ cẩm, hàng thủ công truyền thống… đang được thị trường ưa chuộng nhưng sản phẩm cung cấp vẫn chưa thể đáp ứng cả về số lượng và chất lượng.

Sau khi trực tiếp kiểm tra cánh đồng sản xuất theo phương pháp canh tác thâm canh lúa cải tiến SRI do Tổ chức FIDR hỗ trợ, thực hiện tại thôn Pà Rồng (xã Ta Bhing, Nam Giang), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đánh giá cao hiệu quả mang lại từ dự án này; đồng thời mong muốn người dân tiếp tục áp dụng mô hình nhằm đảm bảo nguồn lương thực tại chỗ, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống. Từ hiệu quả bước đầu của dự án, UBND tỉnh sẵn sàng hỗ trợ chính sách để các đơn vị, địa phương mở rộng quy mô thực hiện, hướng đến xây dựng phát triển khu vực nông nghiệp sạch tại khu vực miền núi Quảng Nam, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Trước đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đến gặp gỡ, trao đổi với các nhóm hộ nhận khoán bảo vệ rừng tại thôn Cần Đôn (xã Chà Vàl) liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn. Tại đây, đồng chí Lê Trí Thanh ghi nhận và lắng nghe những chia sẻ, kiến nghị và đề xuất của bà con để tìm hướng nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng trong thời gian tới.

ALĂNG NGƯỚC

ALĂNG NGƯỚC