Nhà máy sản xuất sô đa Chu Lai: Chủ đầu tư sẽ nỗ lực đưa nhà máy vào hoạt động

TRẦN NGUYỄN 13/04/2018 09:29

Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, chủ đầu tư Nhà máy sản xuất sô đa Chu Lai đã có văn bản báo cáo các ngành chức năng, chủ nợ về hướng khôi phục nhà máy này.

Bên trong nhà máy sản xuất sô đa Chu Lai.
Bên trong nhà máy sản xuất sô đa Chu Lai.

Ngày 26.3.2018, ông Nguyễn Thái Dũng - Tổng Giám đốc Công ty CP Sản xuất sô đa Chu Lai (có nhà máy tại xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành) ký báo cáo về phương án tổng thể dự án Nhà máy sản xuất sô đa Chu Lai gửi đến Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam (Agribank Việt Nam) và Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVCombank). Công ty cho rằng, nhà máy lâm cảnh nợ nần và dừng hoạt động do gặp nhiều khó khăn về tài chính. Đồng thời các chuyên gia Trung Quốc gián đoạn chuyển giao công nghệ, nên công ty không thể tiếp tục vận hành nhà máy ổn định, gây thiệt hại khoảng 200 tỷ đồng. Với số tiền nợ Agribank hơn 2.000 tỷ và PVCombank hơn 856 tỷ đồng, ông Nguyễn Thái Dũng kiến nghị 2 ngân hàng miễn toàn bộ nợ lãi vay tồn đọng; cơ cấu kéo dài thời gian trả nợ đối với tất cả khoản vay là 20 năm để công ty tìm nguồn trả nợ; thời gian ân hạn 18 tháng; áp dụng lãi suất cho vay bằng USD là 2,5%/năm và lãi suất cho vay VNĐ đối với toàn bộ dư nợ tính đến thời điểm hiện tại.

Thực tế, công ty và Agribank Việt Nam đã mời Công ty Liên Vận Cảng (một nhà sản xuất sô đa hàng đầu Trung Quốc với sản lượng sản xuất sô đa 3,2 triệu tấn/năm) đến khảo sát đánh giá nhà máy. Qua khảo sát, Công ty Liên Vận Cảng đánh giá thiết kế nhà máy là phù hợp, các thiết bị chủ yếu đều xuất xứ từ các nhà sản xuất thiết bị ngành hóa chất hàng đầu Trung Quốc và trên thế giới. Có thể cải tạo, sửa chữa nâng công suất tăng 30% so với công suất thiết kế. Cũng theo ông Nguyễn Thái Dũng, để đưa nhà máy vào hoạt động trở lại cần phải đầu tư thêm một số thiết bị cụ thể như xây dựng hệ thống tường rào và mương thoát nước; kho thành phẩm 2; hệ thống làm mát; kho than lò hơi… với kinh phí 342 tỷ đồng. Riêng chi phí xử lý nguồn nước thải của nhà máy là 24 tỷ đồng, công ty đã chọn được đơn vị nhà thầu là Công ty Á Đông. Sau khi công tác sửa chữa, nâng cấp được hoàn thành, nhà máy sẽ đủ điều kiện để sản xuất kinh doanh ổn định và hiệu quả theo công suất 600 tấn/ngày.

Công ty CP Sản xuất sô đa Chu Lai cam kết với các chủ nợ là sẽ tiếp tục bổ sung vốn điều lệ, đáp ứng đầy đủ các nội dung theo phương án trên nhằm cải tạo những khiếm khuyết của nhà máy; đầu tư mới hệ thống bảo vệ môi trường; đúc kết rút kinh nghiệm thực tiễn thông qua phương án vận hành thử nghiệm để đề ra những giải pháp hữu hiệu nhằm hạn chế thấp nhất chi phí phát sinh trong quá trình sản xuất, tăng hiệu quả sản phẩm, thực hiện tốt các công việc của công ty với mục tiêu cao nhất là đưa nhà máy vào hoạt động trở lại có hiệu quả, có dòng tiền trả nợ cho ngân hàng tài trợ...

TRẦN NGUYỄN

TRẦN NGUYỄN