Nhà máy sản xuất sô đa Chu Lai nợ nần: Chưa có phương án giải quyết cuối cùng

TRẦN HỮU 06/04/2018 09:30

Nhà máy sản xuất sô đa Chu Lai (Núi Thành) của chủ đầu tư là Công ty CP Sản xuất sô đa Chu Lai nợ hàng nghìn tỷ đồng và đang đối diện với một vụ kiện dân sự kinh tế. Chung quanh vụ việc này, Chủ tịch UBND tỉnh vừa ký báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng hồi đầu tháng 1.2018.

Lúc còn hoạt động, nhà máy sản xuất sô đa gây bức xúc cho người dân địa phương do hệ lụy ô nhiễm môi trường chung quanh. Ảnh: T.H
Lúc còn hoạt động, nhà máy sản xuất sô đa gây bức xúc cho người dân địa phương do hệ lụy ô nhiễm môi trường chung quanh. Ảnh: T.H

Theo báo cáo của UBND tỉnh, đến thời điểm này, Công ty CP Sản xuất sô đa Chu Lai mới thực hiện nộp phạt 292 triệu đồng trong tổng số 960 triệu đồng trong 2 lần xử phạt hành chính về hành vi gây ô nhiễm môi trường. Đáng chú ý, trong số 54 tỷ đồng tiền thuê đất 50 năm, công ty chỉ mới trả được 8 tỷ đồng nên chưa được cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chưa có quyền sử dụng đất theo quy định. Mặt khác công ty này đang lưu trữ một lượng lớn amoniac tiềm ẩn nguy cơ rò rỉ ra bên ngoài. Tính đến ngày 30.9.2017, công ty này nợ các ngân hàng tạm tính hơn 2.856 tỷ đồng. Trong đó, nợ Agribank 2.000 tỷ đồng, nợ PVcombank hơn 856 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty phải có trách nhiệm khấu trừ và nộp thay cho nhà thầu Trung Quốc là Công ty TNHH Công trình Thiên Thần hơn 34 tỷ đồng, nợ Điện lực huyện Núi Thành hơn 7,8 tỷ đồng và nợ lương người lao động 6,4 tỷ đồng. Tổng cộng công ty này nợ các đối tác ngân hàng, đơn vị, cá nhân đến thời điểm hiện tại hơn 3.000 tỷ đồng.

Đề cập nguyên nhân Công ty CP Sản xuất sô đa Chu Lai nợ nần chất chồng, theo UBND tỉnh do nhà máy không đi vào hoạt động, chủ yếu chi phí đầu tư tăng, chủ đầu tư không huy động được nguồn vốn bổ sung để khắc phục những hạn chế về mặt kỹ thuật. Từ tháng 6.2017, công ty nỗ lực tìm kiếm thêm các cổ đông mới góp vốn khôi phục dự án nhưng không khả thi. Do việc khôi phục dự án cần nguồn vốn lớn lên đến 600 tỷ đồng để xử lý các hạn chế về kỹ thuật, trong đó ưu tiên hệ thống xử lý nước thải, hoàn thành tất cả nghĩa vụ tài chính và vốn để nhà máy đi vào hoạt động. Cũng theo báo cáo của UBND tỉnh, hiện tại có nhiều đối tác quan tâm muốn đầu tư vào dự án dưới nhiều hình thức như chuyển đổi cổ đông; tăng vốn điều lệ; bán dự án; cho thuê tài sản dự án. Tuy nhiên tất cả phương án tái cơ cấu này đang được các ngân hàng là chủ nợ và Công ty CP Sản xuất Chu Lai thương lượng, xem xét để lựa chọn phương án tối ưu, hiệu quả để thực hiện.

Được biết, sau khi nhà máy dừng hoạt động, Agribank Việt Nam đã thành lập tổ thu hồi nợ, xử lý tài sản thế chấp trong tình huống doanh nghiệp không tái hoạt động sản xuất, kinh doanh; đồng thời giám sát thường xuyên mọi động tĩnh của nhà máy này. Trong khi đó, Phó Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai Phạm Ân cho rằng, trong một năm qua, gần 400 công nhân, chủ yếu là người địa phương mất việc làm. Mỗi công nhân bị nhà máy sản xuất sô đa Chu Lai nợ ít nhất 1 - 2 tháng lương. Hàng nghìn tỷ đồng doanh nghiệp này vay của các ngân hàng trở thành nợ khó đòi. Năm 2016, nhà máy tuy mới đưa vào sản xuất nhưng đã ngưng hoạt động đến nay gần 3 năm, để lại nhiều tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội. Các đợt kiểm tra của lực lượng chức năng cấp Trung ương và địa phương trước đây đều phát hiện nhà máy của công ty hoạt động nhưng không tuân thủ nghiêm ngặt nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt. Thậm chí cơ quan chức năng yêu cầu công ty khắc phục ô nhiễm môi trường nhưng đến nay hầu như nhà máy “án binh bất động”.

TRẦN HỮU

TRẦN HỮU