Vốn đầu tư toàn xã hội sẽ gia tăng

TRỊNH DŨNG 13/03/2018 13:50

Chỉ tiêu năm 2018 Quảng Nam tăng trưởng khoảng 8 - 8,5% GRDP với tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm khoảng 31 - 32% sẽ không là chuyện khó khi lượng vốn từ ngân sách và doanh nghiệp đổ ra ngày càng gia tăng.

Nhiều dự án được triển khai tại vùng đông, góp nguồn vốn tạo động lực phát triển cho Quảng Nam.Ảnh: T.DŨNG
Nhiều dự án được triển khai tại vùng đông, góp nguồn vốn tạo động lực phát triển cho Quảng Nam.Ảnh: T.DŨNG

Đầu tư công sụt giảm

Sau sự kiện thông tuyến cầu Cửa Đại bắc ngang sông Thu Bồn theo đường 129 kết nối hai đầu nam - bắc, hứa hẹn biến vùng đông Quảng Nam trở thành khu vực kinh tế năng động thì đầu tư hạ tầng Quảng Nam không có gì đáng kể. Tất cả dự án, từ các công trình trọng điểm đến công trình thiết yếu hay dân sinh chỉ mới hoàn chỉnh thủ tục đầu tư, thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và một số ít vừa mới được khởi công...

Sức ép đầu tư phát triển để nguồn lực nhà nước trở thành những nguồn vốn mồi thúc đẩy doanh nghiệp mở rộng đầu tư đã được đặt lên bàn nghị sự. Theo kế hoạch, năm 2018, Quảng Nam sẽ  tiếp tục phát triển mạng lưới giao thông, kết cấu hạ tầng trọng điểm chiến lược, mở rộng liên kết giao thông giữa vùng đông - tây, đô thị - nông thôn. Hiện dự án đường dẫn phía bắc cầu Cửa Đại vẫn đang tiếp tục được đầu tư vốn khớp nối đường ven biển và đường 129 kéo dài từ dốc Diên Hồng (Tam Kỳ) đến Chu Lai. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu, đã sẵn sàng nguồn vốn cho dự án này, xong phần giải tỏa mặt bằng là đã có thể đầu tư triển khai theo đúng kế hoạch năm 2018. UBND tỉnh dự kiến tổng vốn đầu tư công năm 2018 sẽ khoảng 4.520 tỷ đồng, bằng 85% so với kế hoạch năm 2017 (vốn cân đối ngân sách địa phương 2.325 tỷ đồng, vốn ngân sách trung ương hỗ trợ 1.832 tỷ đồng, vốn trái phiếu chính phủ 363 tỷ đồng). Theo ông Nguyễn Đức - Trưởng ban Kinh tế & ngân sách HĐND tỉnh, kết quả những cuộc thẩm tra cho thấy nguồn vốn đầu tư công từ ngân sách tỉnh năm 2018 không có nguồn vượt thu, tăng thu lớn như các năm trước sẽ dẫn đến nhiều công trình chuyển tiếp được dự kiến không đảm bảo cân đối so với nhu cầu và tiến độ thực hiện.

Có thể thấy, tổng nhu cầu ngân sách tỉnh cho các dự án đã triển khai 2.700 tỷ đồng nhưng chỉ mới bố trí đến hết kế hoạch 2017 khoảng 1.323 tỷ đồng, trong khi đó, kế hoạch năm 2018 chỉ cân đối được 150 tỷ đồng. Số vốn cân đối cho các dự án sử dụng ngân sách từ năm 2018 trở về trước khoảng 279 tỷ đồng/125 dự án và vốn cho các dự án trọng điểm, liên kết vùng hết sức hạn chế, chưa đáp ứng được tiến độ triển khai thực hiện. Trong khi đó, dự kiến danh mục dự án thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư và bố trí kế hoạch vốn thực hiện đầu tư gồm 9 danh mục dự án nhưng tổng mức đầu tư tương đối lớn với 1.310 tỷ đồng (1.156 tỷ đồng vốn ngân sách tỉnh), chưa biết tìm đâu ra để hiện thực hóa đầu tư. Những con số này cho thấy nguồn vốn đầu tư phát triển năm 2018 bị giảm mạnh.

Đầu tư ngoài ngân sách tăng

 Trái với vốn đầu tư công sụt giảm, vốn từ khu vực FDI và tư nhân (hai nguồn bù đắp chính cho sự gia tăng tổng vốn đầu tư xã hội khi nguồn vốn đầu tư từ ngân sách ngày càng hạn hẹp) cho thấy dấu hiệu gia tăng. Hầu hết nhà đầu tư từ FDI đến nội địa đều muốn mở rộng quy mô sản xuất hay đầu tư thêm nhiều dự án khác. Công ty TNHH C&N Vina Tam Anh - Hàn Quốc cũng đang có tham vọng đầu tư xây dựng một khu công nghiệp Tam Anh - Hàn Quốc với tổng vốn đầu tư hơn 525 tỷ đồng, hướng đến một thành phố công nghiệp - đô thị - dịch vụ tổng hợp, công nghiệp dệt, nhuộm, may, thời trang và phụ kiện. Công ty Dae Young E&C, nhóm các nhà đầu tư Đài Loan hay Nagasaki (Nhật Bản) về lĩnh vực môi trường, Công ty  VBP Accounting, Công ty Brainworks, Công ty DD Diamond - Hàn Quốc về dự án sản xuất máy cắt kim cương, dự án sản xuất rượu Rum của nhà đầu tư Pháp, Công ty TNHH Hasegawa Việt Nam, BRG, TBS, An Thịnh, Đất Xanh miền Trung, TUI - Thiên Minh... cũng đã sẵn sàng đổ vốn đầu tư. Chủ tịch Tập đoàn Panko Choi young Joo cho biết không chỉ dừng ở nhà máy dệt may, Panko sẽ bắt đầu xây dựng khu phức hợp dịch vụ thương mại, các công trình cơ sở giáo dục - đào tạo, sân thể thao và các công trình khác tại khu dân cư lân cận Khu công nghiệp Tam Thăng. Ngày 10.3.2018, Thaco đã đầu tư 600 tỷ đồng để xây dựng nút vòng xuyến 2 tầng giữa quốc lộ 1 và đường sắt bắc - nam tại khu vực Tam Hiệp. Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Thaco cho hay tập đoàn này sẽ tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư chiến lược giai đoạn 2017 - 2021 với tổng giá trị giải ngân năm 2018 dự kiến 3.270 tỷ đồng (tăng 13% so với năm 2017) để xây dựng cơ bản, đầu tư máy móc, thiết bị và chuyển giao công nghệ.

Không dễ dàng tính toán được dòng vốn đầu tư từ khu vực FDI hay tư nhân cụ thể đổ vào xã hội bao nhiêu nhưng năng lực từ các dự án đầu tư đang thực sự có triển vọng. Ông Lê Quý Đạt - Cục trưởng Cục Thống kê cho hay nhiều loại hình doanh nghiệp ổn định, dẫn đến quy mô đầu tư không sụt giảm nhiều và còn đủ khả năng mở ra triển vọng. Theo số liệu điều tra mới đây, tổng tỷ trọng đầu tư của doanh nghiệp trên toàn tỉnh chiếm 28% so với 20% như trước đây và khu vực dân cư góp 15% so với 10%, cho thấy xu hướng đầu tư của hai khu vực này ngày càng cao. Con số 87 dự án đầu tư cấp phép năm 2017 đã nhanh chóng thực hiện đầu tư, cộng thêm lượng vốn từ 1.260 doanh nghiệp mới gia nhập thị trường. Khả năng hấp thu nguồn đầu tư này sẽ được cải thiện, góp phần vào khả năng hồi phục và phát triển Quảng Nam.

Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho hay, cơ hội thu hút dòng vốn từ khu vực FDI và tư nhân đầy triển vọng. Những dự án động lực tại vùng đông nam Chu Lai sẽ tiếp tục khởi công, thu hút thêm vài tỷ USD nữa không còn là chuyện khó. Không phải lo lắng lắm về hiệu quả đầu tư hạ tầng giao thông kết nối nam - bắc, đông - tây. Khả năng huy động vốn của Quảng Nam sẽ không gặp khó khăn. Sẽ đủ khả năng để gia tăng đầu tư công, có đủ điều kiện phát triển từ việc huy động vốn từ FDI, doanh nghiệp.

TRỊNH DŨNG

TRỊNH DŨNG