Kiểm soát an toàn thực phẩm dịp tết

VIỆT QUANG 12/02/2018 16:02

(QNO) - Ngành nông nghiệp của tỉnh đang triển khai nhiều đợt cao điểm kiểm tra đột xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm dịp tết.

Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản phối hợp với lực lượng công an xử lý 1 vụ vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: Việt Quang
Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản phối hợp với lực lượng công an xử lý 1 vụ vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: VIỆT QUANG

Báo động đỏ

Những ngày qua, ngành nông nghiệp tỉnh với lực lượng chủ công là Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản đã tổ chức ra quân kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Mới đây, qua test nhanh phát hiện dấu hiệu khả nghi, ngành chức năng đã lấy nhiều mẫu chả trên địa bàn TP.Tam Kỳ nghi chứa hàn the và các mẫu cá nghi chứa nhiều urê và dư lượng kháng sinh vượt mức cho phép để đi kiểm nghiệm. Ông Trần Bốn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản cho biết: “Chúng tôi đang gửi các mẫu thực phẩm đến Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 2 (TP.Đà Nẵng) để kiểm nghiệm. Đến nay chưa có kết quả thì chưa chắc chắn các mẫu đó có hay không đảm bảo an toàn thực phẩm. Nếu xác minh vi phạm, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm để răn đe vì đây là cao điểm đảm bảo an toàn thực phẩm dịp tết”.

Ngày 27.12.2017, Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh) tiến hành tiêu hủy 4,5kg chả chứa hàn the được bà Bạch Thị Thu Phương - chủ cơ sở sản xuất chả ở tổ 2, khối 9 phường An Xuân, TP.Tam Kỳ chế biến trái phép. Trước đó, trong chuyến thanh tra ngày 15.11, ngành chức năng đã tiến hành test nhanh mẫu chả này và niêm phong, lấy mẫu đi kiểm tra đã cho kết quả dương tính với chất cấm hàn the. Một vụ việc tương tự được ngành chức năng xử lý tại cơ sở sản xuất chả Thanh Thảo (xã Hương An, Quế Sơn) do ông Phan Ngọc Thương làm chủ. Theo ngành chuyên môn, hàn the làm chậm lại quá trình phân hủy, giúp thực phẩm tươi lâu hơn, khiến cho bún, phở, bánh, giò, chả trở nên giòn, dai. Khi vào cơ thể người, hàn the lại có tác hại khôn lường, người dùng dễ bị ngộ độc, tổn thương thận, rối loạn chức năng, gây ung thu, vô sinh.

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, trong năm 2017, ngành nông nghiệp tỉnh đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 669 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, phát hiện 49 sai phạm, xử phạt 307,5 triệu đồng. “Thanh tra vốn đã khó trong khi đó công tác kiểm nghiệm các mẫu vật lại được tiến hành tại các phòng thí nghiệm ở ngoại tỉnh, thời gian cho kết quả 7-15 ngày nên rất khó khăn để xử lý nhanh, triệt để” - ông Ngô Tấn nói.

Vì thực phẩm sạch

Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản, trong thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, ngành nông nghiệp tập trung triển khai các biện pháp quyết liệt đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là đối với nhóm sản phẩm tươi sống. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất các đối tượng giết mổ nhỏ lẻ, các nông trại, hộ sản xuất sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y và hóa chất, kháng sinh. “Chúng tôi thay đổi phương thức thanh tra, kiểm tra, tiến hành đột xuất chứ không theo kế hoạch như trước đây vì dễ bị lộ. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, các vi phạm sẽ bị xử lý nặng và đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền, nhắc nhở mọi người cẩn trọng với thực phẩm, loại trừ thực phẩm bẩn” - ông Trần Bốn nói.

Ngành chức năng tiến hành tiêu hủy chả chứa hàn the. Ảnh: Việt Quang
Ngành chức năng tiêu hủy chả chứa hàn the. Ảnh: VIỆT QUANG

Ông Ngô Tấn cho biết, tỉnh đã thành lập được nhiều chuỗi an toàn thực phẩm như thịt heo, gà thịt, trứng gà, nước mắm, rau sạch để cung cấp cho người dân là thành quả rất đáng ghi nhận, qua đó tạo điều kiện để người tiêu dùng tiếp xúc và có dấu ấn với thực phẩm an toàn. Kết quả ban đầu đó sẽ được nhân rộng trong năm 2018, tạo tiền đề, đòn bẩy cho thực phẩm an toàn đi sâu vào thói quen sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng. “Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, trong năm 2018, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm. Chúng tôi chú trọng phát hiện, ngăn chặn kịp thời việc sử dụng chất cấm trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Mục đích là giảm thiểu ô nhiễm sinh học, tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm, đảm bảo cho tiêu dùng nội địa và hướng đến thị trường xuất khẩu” - ông Ngô Tấn nói.

Theo Sở NN&PTNT, ngành phấn đấu đến cuối năm 2018, tỷ lệ mẫu giám sát vi phạm quy định về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, củ quả; tồn dư hóa chất, kháng sinh trong các loại sản phẩm thịt, thủy sản giảm 10% so với năm 2017. Đến cuối năm 2018, tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh nông - lâm - thủy sản được kiểm tra đạt yêu cầu về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm tăng 10% so với năm 2017. 

VIỆT QUANG

VIỆT QUANG