Chuỗi giá trị sản phẩm cho vùng dược liệu

TRẦN HỮU - NGUYỄN DƯƠNG (ghi) 27/01/2018 07:25

Cây sâm Ngọc Linh có thể di thực xuống vùng thấp được không? Cách nào để nguồn gen giống đáp ứng cho vùng dược liệu quy mô lớn? Bao giờ thì cơ chế, chính sách đi vào cuộc sống để giúp Quảng Nam sớm trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu của cả nước?… Đó là những trăn trở được nêu ra tại buổi tọa đàm với chủ đề “Giải pháp xúc tiến đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh, cây dược liệu và công nghiệp dược liệu tỉnh Quảng Nam”, do UBND huyện Nam Trà My phối hợp với Báo Quảng Nam tổ chức giữa tuần này. Chúng tôi lược ghi ý kiến của các doanh nghiệp, nhà khoa học, cơ quan quản lý Nhà nước.

Tin liên quan

  • SÂM NGỌC LINH
Khách hàng chọn mua sâm Ngọc Linh tại phiên chợ sâm ở Nam Trà My. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Khách hàng chọn mua sâm Ngọc Linh tại phiên chợ sâm ở Nam Trà My. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

TS. Vũ Ngọc Hoàng - nguyên Bí thư Tỉnh ủy: Cần thiết có một nền nông nghiệp  dược liệu và thực phẩm

Theo tôi, nông nghiệp của Quảng Nam cần chuyển đổi mạnh từ nền nông nghiệp nông lương sang hướng nền nông nghiệp dược liệu và thực phẩm. Nên mạnh dạn chuyển đổi các vùng cây trồng giá trị thấp sang trồng cây dược liệu. Vì dược liệu có giá trị cao hơn rất nhiều cây lương thực, sử dụng lao động cũng sẽ nhiều hơn. Thêm nữa, nhu cầu hiện nay của thị trường về cây dược liệu rất lớn. Từ các lợi thế về địa hình, thời tiết, thổ nhưỡng, việc phát triển vùng cây dược liệu là rất cần thiết và đúng đắn.

Muốn làm ra sản phẩm dược liệu thì chỉ có doanh nghiệp mới đủ khả năng. Khi doanh nghiệp đến đây đầu tư thì phải dựa vào dân, giúp dân, nhờ dân thì mới thành công; đồng thời xử lý mối quan hệ thế nào để cả doanh nghiệp, dân, Nhà nước cùng có lợi thì mới phát triển bền vững. Về di thực cây sâm Ngọc Linh, theo tôi cần cân nhắc cẩn trọng. Trước đây, Quảng Nam đã từng sai lầm khi di thực cây quế từ nơi khác về nên không thể giữ được gen gốc. Sau này trên địa bàn có thể có nhiều loại sâm, nhưng phải làm thế nào để giữ cho được nguồn sâm gốc. Không nên thị trường hóa mà phải giữ được thương hiệu sâm Ngọc Linh của mình. Phải làm cách nào đó để người tiêu dùng hiểu được rằng, trên địa bàn có nhiều loại sâm, và muốn tìm được sâm Ngọc Linh chính gốc, chất lượng thì nên tới đâu để tìm.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh: Liên kết phát triển ngành dược liệu

Quảng Nam có lợi thế để phát triển ngành công nghiệp dược liệu trong tương lai. Để làm được điều này, phải phát triển cả một chuỗi giá trị, từ khâu nghiên cứu sản xuất giống, đưa vào trồng trên thực địa ở những vùng đã quy hoạch, rồi nghiên cứu ở quy mô nguyên liệu cho sản xuất hàng hóa. Hiện nay, sâm Ngọc Linh mới chỉ dừng lại ở sản phẩm sâm củ, còn sản phẩm sơ chế rải rác ở một một số doanh nghiệp nhưng không đáng kể. Vì vậy, để phát triển một nền công nghiệp dược liệu thì ngay bây giờ chúng ta phải chuẩn bị vùng nguyên liệu. Chúng ta đặt vấn đề nghiên cứu phát triển ra các vùng khác để đảm bảo nguyên liệu cho ngành công nghiệp này, nhưng cũng phải bảo tồn nguồn gen gốc, không để mất đi trong quá trình di thực, không làm thay đổi, biến chất trong quá trình nghiên cứu nhân giống vô tính. Các nhà khoa học cần nghiên cứu giúp sao đó vừa đảm bảo được nguồn gen gốc, vừa đảm bảo được khối lượng cho công nghiệp chế biến.

Chính phủ cũng chưa có chính sách cụ thể ưu đãi riêng cho ngành dược liệu. Tuy nhiên, chính quyền tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu cơ chế chính sách để thu hút doanh nghiệp tham gia, trên cơ sở xác định cái nào doanh nghiệp chủ động được, cái nào doanh nghiệp trực tiếp làm, cái nào cần hợp tác với người dân, chính quyền... Từ đó, có ưu đãi phù hợp với từng khu công nghiệp để phát triển ngành dược liệu. Các doanh nghiệp nhỏ lẻ nên liên kết lại với nhau bởi một doanh nghiệp đơn lẻ không thể giải quyết được việc phát triển vùng dược liệu. Quảng Nam và Kon Tum cũng đang phối hợp về vấn đề vùng dược liệu chung. Những tồn tại, vướng mắc đối với một ngành công nghiệp non trẻ như thế này chắc chắn sẽ xảy ra. Quan trọng là chúng ta tương tác, chia sẻ thông tin để tháo gỡ những vướng mắc đó, tiến đến có được những sản phẩm tốt, xứng tầm với thương hiệu sâm Ngọc Linh.

Ông Lưu Văn Lục - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sâm Sâm: Bổ sung ngành nghề chế biến dược liệu vào danh mục ưu đãi

UBND tỉnh có quy định ưu tiên xây dựng những nhà máy trong những khu công nghiệp, nhưng chưa rõ ưu đãi với ngành nghề về phát triển dược liệu, nên tôi mong chính quyền địa phương có những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp có được những vị trí để phát triển nhà máy. Đặc biệt, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp cần xem xét và bổ sung vào danh mục ưu đãi đối với ngành nghề sản xuất các sản phẩm từ dược liệu như thực phẩm chức năng, sản xuất thuốc, nước uống, kẹo… từ sâm Ngọc Linh và dược liệu khác. Tỉnh cũng cần quy định rõ ngành chức năng nào đứng ra làm đầu mối hướng dẫn để doanh nghiệp hưởng lợi cơ chế đặc thù. Cơ chế của tỉnh cũng đã có quy định ưu đãi về thuế, vốn nhưng vẫn chưa được áp dụng triệt để. Thời gian tới những chính sách này cần cụ thể, kịp thời đến với doanh nghiệp để doanh nghiệp có thể tiếp cận và xây dựng được thương hiệu về sâm Ngọc Linh.

Phó Chủ tịch Hội Dược liệu TP.Đà Nẵng, Thầy thuốc nhân dân Đặng Ngọc Phái: Tập đoàn lớn vào đầu tư là cơ hội tốt

Việc các tập đoàn kinh tế lớn vào đầu tư sâm Ngọc Linh là cơ hội tốt cho địa phương mở rộng quy mô vùng nguyên liệu dược liệu, bởi chỉ có doanh nghiệp lớn mới có đủ tầm vóc phát triển sản xuất hàng hóa, họ sẽ đặt hàng cho dân làm. Tuy nhiên, giống sâm trồng lấy ở đâu, hữu tính hay vô tính vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ. Doanh nghiệp sở dĩ chưa mạnh dạn đầu tư vì nguồn cây giống thiếu trầm trọng. Cần phải bảo tồn được nguồn gen của sâm Ngọc Linh. Các doanh nghiệp có thể đầu tư vào việc trồng cây sâm Ngọc Linh để phát triển vùng nguyên liệu, nhưng vấn đề là giống lấy ở đâu? Nhiều năm theo đuổi vấn đề về cây sâm Ngọc Linh, tôi thấy hiện độ bao phủ của rừng, thổ nhưỡng đã khác, nên việc trồng cây sâm ở độ cao dự tính di thực cần nghiên cứu thận trọng, kỹ lưỡng. Nhà nước phải nghiên cứu, đầu tư làm giống và cung cấp cho các doanh nghiệp trồng những giống đảm bảo gen gốc, như vậy mới có các sản phẩm chất lượng được.

Nguồn lực đất đai trên Nam Trà My còn rất nhiều, đường sá đã vào được tận nơi, nên việc nghiên cứu cấy ghép, lai tạo giống và đặc biệt giữ được vùng sâm gốc cần được ưu tiên. Nếu muốn phát triển một ngành công nghiệp dược liệu thì cần đảm bảo đầy đủ các yếu tố đó để tạo nên thương hiệu cho mình.

Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT: Thiếu giống trầm trọng

Giống sâm Ngọc Linh và các cây dược liệu khác đang thiếu trầm trọng. Ngay khi UBND tỉnh có cơ chế phát triển vùng dược liệu cách đây 3 năm thì đã triển khai những vùng đặc thù nhưng vẫn không đáp ứng kịp. Về quản lý giống,  trên thực tế giữa ngành nông nghiệp và y tế vẫn còn chồng chéo trong chức năng, nhiệm vụ nên chưa thực sự làm tốt khâu này. Theo tôi, cũng cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia khâu giống bởi họ có điều kiện hơn, làm tốt hơn. Cùng với nhân giống hữu tính thì tỉnh cũng cần tính đến chuyện nhân giống sinh khối, để từ đó đủ nguồn nguyên liệu chế biến được các sản phẩm như nước sâm, kẹo sâm hay viên nén từ sâm... Chúng ta sẽ phát triển hai dòng sản phẩm song song với nhau, dòng sản phẩm cao cấp và dòng cấp thấp hơn một chút để đáp ứng nhu cầu thị trường. Kinh nghiệm ở đất nước Hàn Quốc làm cái này rất tốt nhưng mình thì chưa. Với khoa học kỹ thuật hiện nay, ở những nơi tán rừng không đủ thì vẫn có thể khắc phục bằng nhà lưới, nhà kính. Hy vọng trong thời gian tới sẽ có thể nghiên cứu phát triển theo hướng này.

Ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My: Chậm xây dựng nhà máy chế biến dược liệu

Mặc dù tỉnh chủ trương phát triển vùng dược liệu từ rất sớm nhưng vẫn còn khá chậm trong xúc tiến, kêu gọi đầu tư nhà máy chế biến dược liệu. UBND tỉnh cần chỉ đạo một số ngành liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp trồng sâm để hỗ trợ, phục vụ doanh nghiệp, chứ không thể bỏ mặc doanh nghiệp làm hết. Thực tế, các doanh nghiệp muốn xin một giấy phép sản xuất, chế biến thực phẩm chức năng từ sâm Ngọc Linh phải vòng vo qua nhiều cơ quan rất nhiêu khê. Theo tôi nên hỗ trợ về thủ tục đầu tư, có thể cấp bộ thủ tục mẫu, cụ thể cho doanh nghiệp liên quan đến công nghiệp dược liệu, ấn định thời gian giải quyết. Tỉnh cũng cần làm việc với các cơ quan, bộ ngành ở trung ương (nhất là Bộ Y tế) để bớt đi tình trạng nhũng nhiễu đối với doanh nghiệp sâm khi họ cần đưa một sản phẩm ra thị trường. Đồng thời nên chăng trong quy hoạch ở tất cả khu công nghiệp cần dành quỹ đất cho doanh nghiệp chế biến dược liệu. Và một điều nữa, tỉnh cũng nên nghiên cứu lộ trình cho du lịch dược liệu vì hiện nay xu hướng này được rất nhiều người quan tâm.

Ông Trần Văn Thuận - Giám đốc  Công ty TNHH Lâm nghiệp An Bình: Chưa có cánh đồng dược liệu lớn

Trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có một cánh đồng lớn chuyên canh trồng dược liệu khiến cho nguồn cung cấp nguyên liệu còn thiếu hụt. Hiện nay, công ty chúng tôi đang tiến hành xây dựng nhà máy chiết xuất nước uống từ cây dược liệu tại Khu công nghiệp Thuận Yên (Tam Kỳ). Trong đó chủ yếu là các loại như chuối rừng, đẳng sâm, sa nhân tím... Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu vẫn không ổn định. Sắp tới chúng tôi sẽ làm sản phẩm chiết xuất từ cây đinh lăng, cây sả chanh nhưng vẫn chưa có được nguồn cung cấp đảm bảo thường xuyên. Doanh nghiệp sẵn sàng thu mua không giới hạn số lượng sản phẩm dược liệu. Vì vậy, công ty kiến nghị tỉnh cần triển khai nhanh các cơ chế ưu đãi với doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực phát triển công nghiệp dược liệu, trồng cây dược liệu.

Ông Bùi Ngọc Huy - Phó trưởng Phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ: Cần một bộ lọc giống

Về nhân giống cây sâm Ngọc Linh có 2 phương án là vô tính và hữu tính. Trong 20 năm qua, với cây sâm Ngọc Linh đã có nhiều nhà nghiên cứu để lai tạo giống hữu tính nhưng vẫn hạn chế, trong khi công nghệ hiện nay phát triển rất nhanh. Chúng ta có thể tạo ra hạt sâm hữu tính ngay tại bất cứ nơi nào, bằng cách trồng trên những cây bố mẹ giống với những kỹ thuật hiện đại. Còn phương pháp vô tính là cách truyền thống, bằng cách nuôi cấy mô. Các phòng nghiên cứu và các doanh nghiệp cũng đã và đang nghiên cứu cách này để lai tạo giống, nhưng phương pháp này vẫn có nguy cơ đột biến trong quá trình sản xuất. Như vậy, chúng ta phải sớm nghiên cứu một công cụ lọc giống để tất cả cây con sâm Ngọc Linh trước khi đưa vào trồng ở vùng sâm thì phải qua bộ sàng lọc này. Cây nào đạt chất lượng về bộ gen, không có đột biến, di truyền giống bố mẹ thì mới cho phép trồng.

Ông Hường Văn Minh - Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước: Địa phương có khả năng phát triển một số loài dược liệu

UBND tỉnh cần chỉ đạo Sở NN&PTNT nghiên cứu di thực cây sâm Ngọc Linh xuống nơi thấp hơn được không? Độ cao, khí hậu như thế nào để chúng tôi có cơ sở phát triển loại cây này. Từ đó biến thành một loại cây hàng hóa, có thể chất lượng không bằng nhưng sẽ bán với giá thành thấp hơn. Chứ với cái giá hiện tại của sâm núi Ngọc Linh thì không thể biến thành hàng hóa phổ biến được. Còn về các loại cây dược liệu khác thì địa phương rất quan tâm, cũng đã nghiên cứu từ khắp nơi để gắn kết với doanh nghiệp để phát triển vùng dược liệu. Về cơ chế, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để hỗ trợ, nhưng còn rất ít doanh nghiệp đến với địa phương để đặt vấn đề phát triển vùng dược liệu. Tiên Phước có thể phát triển những cây như đinh lăng, sa nhân tím... đủ để cung cấp cho các doanh nghiệp cần. Vì vậy, đề nghị các ngành chức năng làm đầu mối giúp địa phương có thể tiếp cận với các doanh nghiệp, từ đó triển khai phát triển cây dược liệu, tạo công ăn việc làm cho người dân.

Ông  Phạm Ngọc Sinh - Phó Giám đốc Sở Khoa học - công nghệ: Cần tôn trọng chỉ dẫn địa lý

Sâm Ngọc Linh theo chỉ dẫn địa lý là một dạng sở hữu trí tuệ đã được đăng ký nên minh định rằng những củ sâm ở nơi đó, vùng địa lý đó mới chính là sâm Ngọc Linh. Còn những giống cây sâm đó, được trồng ở vùng khác thì không thể được gọi là sâm Ngọc Linh. Và nếu đánh tráo khái niệm này thì vi phạm luật sở hữu trí tuệ. Hiện Bộ KH-CN rất quan tâm đến vùng dược liệu Quảng Nam và Kon Tum. Chúng tôi đang cố gắng tiếp cận các cơ quan chức năng để có sự nghiên cứu rõ ràng và chiến lược phát triển cụ thể cho mỗi sản phẩm dược liệu nói chung và sâm Ngọc Linh nói riêng. Chỉ những cơ quan có nguồn lực rất mạnh mới có thể đảm bảo nghiên cứu chuyên sâu, chính xác hơn.

Ông Nguyễn Đình Triệu - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại Dược Sâm Ngọc Linh: Lo chất lượng nguồn giống

Chúng tôi được hỗ trợ 14,8ha ở xã Trà Cang (Nam Trà My) để phát triển vùng nguyên liệu sâm Ngọc Linh. Về giống phải chọn giống thuần. Như những cây con chúng tôi nhận từ Trung tâm sâm Ngọc Linh là giống cây 5 lá, tuy nhiên cũng xuất hiện những cây có 6 lá nên chúng tôi khá lo lắng về giống. Chúng tôi băn khoăn, liệu những cây giống sau này có đảm bảo chất lượng của sâm gốc hay không? Vì vậy, tôi đề nghị các cơ quan ban ngành cần có một trung tâm nghiên cứu để chọn được giống đảm bảo, thống nhất, vì sâm Ngọc Linh bây giờ đã là sản phẩm quốc gia.

Hiện nay còn hiếm sản phẩm được chiết xuất từ sâm củ. Chính vì vậy, cần phải tính đến việc sản xuất các sản phẩm chế biến từ sâm, nhưng với giá thành vừa phải. Có như vậy mới đưa được thương hiệu sâm ra cả nước và thế giới. Theo tôi, UBND tỉnh cần tập trung hỗ trợ vào đầu mối một số doanh nghiệp nổi trội, làm được nhiều sản phẩm đảm bảo chất lượng để hỗ trợ đưa những sản phẩm đó ra thị trường, đến tay người tiêu dùng.

TRẦN HỮU - NGUYỄN DƯƠNG (ghi)

TRẦN HỮU - NGUYỄN DƯƠNG (ghi)