Xuất khẩu và hội nhập
LTS: Kim ngạch xuất nhập khẩu được xem là một chỉ dấu quan trọng, đo lường sự phát triển, hội nhập kinh tế. Với Quảng Nam, chỉ dấu này ngày càng rõ ràng hơn. Nhiều mặt hàng từ Quảng Nam đã thâm nhập thị trường thế giới, đem lại giá trị kinh tế cao và giải quyết nhiều lao động địa phương. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, tạo ra sức cạnh tranh, nhiều doanh nghiệp đã tăng mức đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất..., góp thêm những nét sinh động cho bức tranh kinh tế của tỉnh trên con đường hội nhập.
Các doanh nghiệp đang nỗ lực vận động để sản phẩm may mặc đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. TRONG ẢNH: Sản xuất sợi ở Công ty CP Sợi Hòa Thọ Thăng Bình.Ảnh: ĐĂNG CAO |
THÁO GỠ RÀO CẢN
Xuất khẩu Quảng Nam năm 2017 tiếp tục thu được những thành quả quan trọng, tạo đà phát triển trong năm 2018. Cùng với việc xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, ngành chức năng cũng triển khai biện pháp tháo gỡ những rào cản, để hàng hóa từ Quảng Nam tiếp tục xâm nhập thị trường thế giới.
Trong báo cáo mới đây, Bộ Công Thương đã đưa ra thông tin rất lạc quan là kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2017 đạt mức tăng trưởng kỷ lục, cao nhất kể từ năm 2011 đến nay với mức tăng trưởng gần 20%, chạm ngưỡng 210 tỷ USD. Mức tăng trưởng này sẽ tạo tiền đề phát triển trong năm 2018 với bối cảnh hoạt động thương mại toàn cầu tiếp tục được cải thiện. Đây là yếu tố tác động tích cực đến sản xuất trong nước cũng như xuất khẩu của Việt Nam. Sự phục hồi kinh tế và gia tăng nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường lớn như EU, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản sẽ tạo điều kiện mới để các ngành sản xuất trong nước tiếp tục mở rộng thị trường chủ lực và tìm kiếm các thị trường mới trong năm 2018.
Theo số liệu thống kê của Cục Hải quan Quảng Nam, đến cuối năm 2017, đã giải quyết thủ tục hải quan cho hơn 400 doanh nghiệp, thực hiện thông quan hàng hóa cho khoảng 51 nghìn tờ khai (tăng 16,1% so với năm 2016). Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm nay đạt hơn 2,157 tỷ USD (tăng 15,5% so với năm 2016), trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 700 triệu USD (tăng 49,8% so với năm 2016). Tính chung tổng thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt hơn 5.000 tỷ đồng (vượt hơn 200 tỷ đồng so với chỉ tiêu). Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là dệt may, dăm gỗ, quặng titan, sản phẩm giày dép, chíp điện tử. Ông Lê Thành Khang - Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Nam cho biết, trong năm qua, ngành đã đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan. Đa số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu khi thực hiện các thủ tục hải quan đều đáp ứng nhanh các quy định quản lý nhà nước...
Vướng mắc thủ tục thông quan hàng hóa Cục Hải quan Quảng Nam cho rằng, công tác kiểm tra chuyên ngành của các cơ quan chức năng tốn rất nhiều thời gian, làm chậm thời gian giải phóng hàng hóa xuất khẩu. Trong khi thủ tục hải quan chỉ chiếm 28% thời gian thông quan hàng hóa thì thủ tục kiểm tra chuyên ngành chiếm tới 72% và còn làm tăng chi phí kinh doanh của doanh nghiệp. Căn cứ kết quả đo thời gian giải phóng hàng hóa tại đơn vị lấy mẫu phân tích với 547 tờ khai trong thời gian qua thì thời gian trung bình từ khi doanh nghiệp đăng ký tờ khai trên hệ thống đến khi thông quan giải phóng hàng xuất khẩu chỉ là 2 giờ 58 phút 42 giây. Trong khi đó, thời gian trung bình từ khi doanh nghiệp đưa hàng về kho bảo quản đến khi doanh nghiệp xuất trình giấy chứng nhận kiểm tra cho cơ quan hải quan để thông quan lại mất đến 332 giờ 6 phút 29 giây (gần 14 ngày), tốn quá nhiều thời gian. |
Ông Lê Thành Khang cho rằng, cái khó trong quản lý xuất khẩu là địa bàn quá rộng, bao gồm khu vực cửa khẩu Nam Giang, cửa khẩu phụ Tây Giang, cảng biển Kỳ Hà, cảng Chu Lai và Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc trong khi biên chế đơn vị quá thiếu, cán bộ công chức phải kiêm nhiệm nhiều việc, gây ảnh hưởng không nhỏ trong việc đẩy mạnh tiến độ giải quyết thủ tục, giúp doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa thuận tiện. Theo Cục Hải quan Quảng Nam, hàng hóa xuất khẩu muốn được thông quan nhanh thì kết quả kiểm tra của cơ quan chuyên ngành phải kịp thời. Do đó, các cơ quan chức năng cần rút ngắn hơn nữa thời gian kiểm tra chuyên ngành để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, qua đó rút ngắn thời gian giải phóng hàng hóa. Về phía doanh nghiệp xuất khẩu, cần chủ động phối hợp, cung cấp thông tin cụ thể, rõ ràng, nhanh chóng cho cơ quan hải quan, giúp cho hàng của doanh nghiệp được thông quan nhanh chóng. “Cơ quan hải quan sẽ đánh giá đúng mức độ tuân thủ, từ đó áp dụng các biện pháp kiểm tra hoặc các biện pháp ưu đãi. Nếu doanh nghiệp không tự nguyện cung cấp thông tin cho cơ quan hải quan hoặc cung cấp không đầy đủ, chính xác thì sẽ ảnh hưởng đến kết quả đánh giá, xếp hạng rủi ro của doanh nghiệp” - ông Lê Thành Khang nói.
Theo Sở Công Thương, xuất khẩu Quảng Nam đạt được nhiều thành quả quan trọng trong năm 2017, tuy nhiên còn tồn tại một số khó khăn. Đó là các doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh chưa tự chủ được nguồn nguyên, phụ liệu trong nước nên không khai thác hết các ưu đãi thuế quan do việc thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại. Dịch vụ logistics chưa phát triển mạnh cũng ảnh hưởng xấu đến xuất khẩu. Bởi vậy, ngành đang tham mưu UBND tỉnh tăng cường ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối, liên kết vùng, dịch vụ logistics, tạo điều kiện cần để doanh nghiệp tăng quy mô đầu tư, cải tiến công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng yêu cầu hội nhập. Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công Thương cho biết, trong thời gian đến sẽ chủ động phối hợp cùng các ngành liên quan, đẩy nhanh tiến độ kiểm tra năng lực của doanh nghiệp, đề nghị Bộ Công Thương cấp mã số nhà sản xuất (MID), qua đó tạo điều kiện để xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường Mỹ được dễ dàng hơn. Ngành công thương sẽ thường xuyên tổ chức hội thảo đánh giá tác động của các hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương mà Việt Nam tham gia để tạo cú hích mới cho xuất nhập khẩu Quảng Nam. “Sở Công Thương sẽ nghiên cứu kỹ các quy định, điều kiện được hưởng ưu đãi của các hiệp định thương mại tự do, hỗ trợ, giúp doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội mới, mở rộng thị trường xuất khẩu” - ông Nguyễn Quang Thử nói.
NGUYỄN ĐĂNG CAO
XUẤT KHẨU QUA CON ĐƯỜNG DU LỊCH
Xuất khẩu qua con đường du lịch, hay còn gọi là xuất khẩu trực tiếp, đang là phương thức mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các cá nhân, doanh nghiệp ở Hội An.
Nhân viên Công ty CP Thời trang Yaly lấy số đo để may nhanh quần áo cho khách du lịch. Ảnh: XUÂN THỌ |
Linh hoạt phục vụ
Bà Trần Thị Hà - Giám đốc chi nhánh Công ty TNHH Tân Phú Giao tại Hội An, một đơn vị chuyên sản xuất hàng lưu niệm cho biết, nguồn thu chủ yếu của doanh nghiệp là thông qua xuất khẩu trực tiếp khi du khách đến tham quan Hội An. Khách hàng thường xuyên của công ty bà Hà chủ yếu đến từ các nước châu Âu. Với đặc thù là hàng tương đối cồng kềnh (chủ yếu là các mô hình thuyền buồm), công ty của bà Hà cung cấp thêm giải pháp vận chuyển hàng đến tận nơi theo địa chỉ mà du khách cung cấp. “Đặc điểm của người phương Tây là khi qua Việt Nam du lịch, họ đi rất nhiều nơi nên ngại mang những món đồ cồng kềnh. Do đó, chúng tôi cung cấp giải pháp vận chuyển món hàng họ mua đến tận đất nước của họ. Công việc của chúng tôi là tháo các chi tiết của mô hình ra rồi xếp lại, đóng gói cẩn thận trước khi gửi đi” - bà Hà cho biết. Cũng theo bà Hà, ngoài đến mua trực tiếp, cũng có không ít người tìm kiếm thông tin trên mạng, rồi kiểm chứng qua nhiều kênh trước khi gọi điện xác nhận để thực hiện việc mua hàng. Bên cạnh đó, cũng có khá nhiều du khách sau khi mua hàng trực tiếp, trở về nước, thỉnh thoảng đặt mua hàng, hoặc giới thiệu cho bạn bè, người thân.
Bà Nguyễn Thị Kiều Vương - Quản lý kinh doanh Công ty CP Thời trang Yaly (gọi tắt là Yaly) cho rằng, không có phương thức quảng cáo nào hiệu quả bằng chính khách hàng của mình chia sẻ với người thân, bạn bè của họ sau khi sử dụng sản phẩm. “Kênh quảng cáo” này đã mang lại lượng khách không nhỏ cho Yaly trong nhiều năm qua. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Yaly đáp ứng tốt yêu cầu của khách về loại vải, kiểu mẫu. Nắm bắt được nhu cầu may quần áo của khách nhưng không có nhiều thời gian do phải đi du lịch, Yaly cũng cung cấp dịch vụ may áo quần nhanh cho khách (chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ). “Khi khách đến, nhân viên bán hàng sẽ tư vấn loại vải, kiểu mẫu, đo đạc…, rồi chuyển giao những thông số đó cho công nhân may. Nhân viên này sẽ là đầu mối tương tác giữa khách với đội ngũ may từ khâu đầu tiên cho đến khi khách nhận sản phẩm” - bà Vương cho hay. Theo bà Vương, những thông số về thước đo của khách khi đến đo may trực tiếp sẽ được lưu trữ vào hệ thống của công ty trong vòng 2 năm. Vì sau khi về nước, có khá nhiều người liên lạc để đặt may những sản phẩm tiếp theo. Lúc này, nhân viên của Yaly sẽ hỏi khách về sự thay đổi của các số đo để có những điều chỉnh cho phù hợp. May xong, Yaly sẽ chuyển hàng theo địa chỉ của khách. Bên cạnh đó, theo bà Vương, cũng có khá nhiều khách trước khi trở lại Hội An, cũng đặt may trước, đúng hẹn họ đến lấy đồ (hoặc nhân viên chuyển đồ đến khách sạn họ lưu trú) để kịp mặc du lịch Hội An.
Cùng với may mặc, lồng đèn là sản phẩm có khối lượng xuất khẩu trực tiếp nhiều ở Hội An. Ông Huỳnh Văn Ba - chủ cơ sở lồng đèn Hội Ba cho biết, sản phẩm của cơ sở ông xuất khẩu theo đường trực tiếp rất ổn định. Thị trường chủ yếu là các nước châu Âu, thời điểm mạnh nhất là trước Giáng sinh và Tết Dương lịch. Có tháng, cơ sở của ông gửi đi 400 - 500 chiếc lồng đèn. Do lồng đèn hơi cồng kềnh, nên trước khi đóng gói cho khách mang về nước phải xếp lại cho gọn; khi khách đến mua, cơ sở của ông sẽ hướng dẫn cách bung lồng đèn, lợp vải, gắn đèn… trước khi về nước.
Nhiều cái lợi
Theo Phòng Kinh tế Hội An, giá trị xuất khẩu công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của Hội An 6 tháng đầu năm 2017 khoảng 112 tỷ đồng, ước tính cả năm khoảng 216 tỷ đồng, tương đương so với năm 2016. Còn theo Phòng Thương mại - du lịch Hội An, hoạt động kinh doanh đối với các hộ cá thể về các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp trong năm 2017 ước đạt doanh thu 4,13 triệu USD. Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết, với đặc thù của thành phố du lịch, nguồn lợi từ xuất khẩu trực tiếp mang lại hiệu quả lớn hơn nhiều so với xuất khẩu truyền thống. Tại Hội An, kim ngạch xuất khẩu chủ yếu là yến sào Cù Lao Chàm.
Hầu hết hộ cá thể, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp cho rằng xuất khẩu trực tiếp có ít nhất 2 cái lợi cho họ. Thứ nhất là giúp chủ cơ sở sản xuất giảm chi phí thuế liên quan đến xuất khẩu do chỉ việc bán cho khách, rồi khách mang về nước. Từ đó, kéo theo cái lợi thứ hai là tiết kiệm được nhân sự cho các công việc làm thủ tục xuất khẩu. Trong khi đó, ở góc độ nhà quản lý, ông Hùng cho rằng xuất khẩu trực tiếp, tức là khách đến mua trực tiếp ở Hội An còn giúp quảng bá được giá trị văn hóa ở Hội An mà các nghệ nhân đã cất công làm ra sản phẩm, từ đó gắn liền với thương hiệu Hội An. “Đến bây giờ Hội An chưa có siêu thị, và đó cũng là một điều hay. Nhìn tổng thể, ở khu phố cổ, mọi người tham gia bán sản phẩm hàng hóa và cùng hưởng lợi. Do đó, đã tạo nên các tuyến, các điểm mua sắm hấp dẫn du khách, giúp du khách có nhiều lựa chọn. Tuy vậy, điều này ít nhiều làm nổi lên các mặt trái của tình hình an ninh trật tự, văn hóa kinh doanh… Hội An đã và vẫn đang kìm chế mặt trái này, cố gắng duy trì sự hài hòa nhất, tránh bị thương mại hóa ở khu phố cổ” - ông Hùng chia sẻ.
XUÂN THỌ
THACO “LỘI NGƯỢC DÒNG”
Nhiều thỏa thuận thương mại đã được ký kết. Lô hàng xe bus đầu tiên sẽ chính thức xuất khẩu vào năm 2018. AFTA đã không còn xa với Thaco.
Xuất xưởng xe Mazda CX-5 mới của Thaco tại Chu Lai. |
Giảm giá để cạnh tranh, bình ổn thị trường
Năm 2017, thị trường ô tô đã chứng kiến một cuộc đua giảm giá “vô tiền khoáng hậu”. Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) dự báo giá xe ô tô sẽ còn giảm mạnh vào đầu năm 2018 khi thuế suất nhập khẩu ô tô khu vực ASEAN về 0%. Thaco được cho là dẫn đầu cuộc giảm giá này. Thaco đã đặt mục tiêu giảm giá xe 5% mỗi năm. Tất cả mẫu xe của Thaco, từ Kia, Peugeot và một số mẫu xe Mazda đều giảm. Có mẫu xe giảm cả trăm triệu đồng/xe. Sở dĩ Thaco “nổ phát súng đầu tiên” trong việc hạ giá ô tô bởi các sản phẩm của doanh nghiệp này đang phân phối có mặt ở hầu hết phân khúc trên thị trường. Thị phần tiếp tục được mở rộng, bỏ xa các đối thủ trực tiếp, duy trì vị thế 4 năm liên tục dẫn đầu thị trường ô tô Việt Nam, chiếm 41,5% thị phần trong VAMA. Tập đoàn này đã tác động mạnh mẽ lên cục diện thị trường. Nhiều mẫu xe liên tục giảm giá khiến các hãng phải hạ giá theo, nếu không muốn bị mất thị phần. Ngay cả Toyota (Nhật Bản), nhiều năm không khuyến mãi, giảm giá cũng bắt đấu thay đổi.
Ngày 18.11.2017, Thaco công bố mẫu xe Mazda CX5 mới (nhãn hiệu xe Tập đoàn Mazda Nhật Bản) lắp ráp tại Việt Nam có giá bán dưới 1 tỷ đồng – một điều chưa từng xảy ra trên thị trường kinh doanh ô tô. Vài ngày sau, mẫu xe Peugeot mới cũng đã được giới thiệu… Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Thaco cho biết nhờ vận hành theo các tiêu chuẩn sản xuất tự động, tiết giảm nhân công, chi phí đầu tư, nên mẫu xe Mazda CX 5 mới từ Chu Lai rẻ hơn. Thaco đã tiên phong giảm giá theo lộ trình hội nhập khi thuế nhập khẩu về bằng 0% năm 2018. Giá bán Thaco công bố chính là đã giảm giá theo thuế nhập khẩu linh kiện bằng 0%, sẽ tiếp tục giảm giá dòng xe 2.0 khi giá thuế tiêu thụ đặc biệt giảm kể từ ngày 1.1.2018. “Thaco sẽ chỉ điều chỉnh khi có sự thay đổi về tỷ giá ngoại tệ hoặc có chính sách thuế mới tác động đến sản xuất kinh doanh và nỗ lực giảm giá khi được khách hàng tin dùng và có doanh số cao. Sản xuất trong nước sẽ khó khăn với xe nhập khẩu nhưng sẽ giảm giá bán để cạnh tranh, giành thị phần. Cách thức duy nhất là tái cơ cấu, nâng cao năng lực quản trị, tiết giảm chi phí và giảm giá thành sản phẩm. Càng nội địa hóa, xe của Thaco càng có tính cạnh tranh hơn. Công việc này sẽ liên tục tiến hành, chắc chắn đủ năng lực để cạnh tranh với xe nhập khẩu. Với vai trò doanh nghiệp ô tô lớn tại Việt Nam, Thaco tự nhận trách nhiệm tham gia bình ổn thị trường” - ông Dương nói.
AFTA trong tầm tay
Thaco đã trở thành nhà sản xuất xe bus hàng đầu với sản phẩm được tin dùng nhất Việt Nam. Các phân khúc sản phẩm nội địa hóa hơn 50% như Thaco TB 75, TB 82, TB 120… chiếm đến 54% thị phần. Xe khách giường nằm Thaco Mobihome dẫn đầu thị trường với 86% thị phần. Ngày 8.12.2017, một sự kiện được “mong đợi” của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã diễn ra tại Chu Lai, đó là khánh thành nhà máy Bus Thaco - nhà máy có quy mô lớn nhất và hiện đại nhất Đông Nam Á với công suất thiết kế 20.000 xe/năm (bao gồm 8.000 xe bus và 12.000 xe mini-bus). Thaco cũng đã chính thức ký kết các thỏa thuận thương mại xuất khẩu Bus Thaco bước đầu sang Thái Lan, Đài Loan, Philippines, Campuchia với tổng doanh số 1.150 xe. Lô hàng 550 xe đầu tiên sẽ được xuất khẩu ngay trong năm 2018.
Sự kiện xuất khẩu Bus Thaco này là minh chứng về thành quả của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, khởi phát từ Chu Lai. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho hay Thaco đã tạo được một sản phẩm ô tô thương hiệu Việt, đó là điều Chính phủ mong muốn lâu nay. Ông Trần Bá Dương cho rằng có thể thị trường trong nước còn nhỏ, ngành công nghiệp ô tô non trẻ, nhưng với chính sách đúng đắn của Chính phủ và sự nỗ lực của doanh nghiệp, vẫn có thể cạnh tranh được ở thị trường khu vực. Nếu có tỷ lệ nội địa hóa cao, doanh số xuất khẩu khá, sẽ tự chống được nhập siêu và cân bằng cán cân thương mại trong ngành sản xuất, kinh doanh ô tô tại Việt Nam.
Không thể ngăn được sự ồ ạt nhập khẩu ô tô, nhiều doanh nghiệp ô tô ngừng sản xuất, thu hẹp quy mô, chuyển sang nhập khẩu ô tô nguyên chiếc về phân phối thì Thaco đã đầu tư hơn 3 tỷ USD vào Chu Lai sau gần 15 năm đầu tư; và sẽ tiếp tục đầu tư thêm 3 tỷ USD cho đến năm 2021, liên tục cho những dòng xe mới xuất xưởng và mở rộng đầu tư. Sau nhà máy Bus Thaco, tháng 3.2018, nhà máy Thaco Mazda mới cũng sẽ được khai trương… Câu chuyện sản xuất của Thaco được ví như một cuộc “lội ngược dòng”.
Theo ông Trần Bá Dương, sự đầu tư đó không phải là một quyết định nhất thời mà đã chuẩn bị rất kỹ. Hiện Thaco đã có công nghệ lắp ráp hiện đại, sản xuất tự động hóa. Thaco đã có thị phần cao và thị trường ô tô sẽ gia tăng tất yếu. Thaco đã có chiến lược với chu kỳ đầu tư phát triển mới là xây dựng hầu hết nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô như nhà máy xe du lịch Kia, Mazda, xe du lịch cao cấp, nhà máy xe bus, xe tải và các nhà máy sản xuất linh kiện phụ tùng để gia tăng tỷ lệ nội địa hóa hơn 40%, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sang các nước ASEAN. Nhà máy Thaco Mazda là nhà máy lớn nhất của Mazda tại Đông Nam Á có công nghệ hiện đại nhất, tự động hóa hoàn toàn, đáp ứng yêu cầu sản xuất lắp ráp các dòng xe Mazda thế hệ thứ 7. “Doanh nghiệp có thể chọn lựa cách không tiếp tục sản xuất, chuyển sang nhập khẩu, nhưng hàng nghìn lao động sẽ mất việc làm, Việt Nam không thể phát triển công nghiệp ô tô. Thị trường ô tô đang tăng trưởng mạnh, hoàn toàn có điều kiện để phát triển công nghiệp hỗ trợ, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa. Thaco sẽ phấn đấu đạt tỷ lệ nội địa hóa 40% với dòng xe con, để có thể tiến hành xuất khẩu sang các nước trong khu vực ASEAN vào năm 2018” - ông Dương nói.
Những chiếc xe bus đã chuẩn bị vượt biên giới và dòng xe con Thaco sẽ tiếp tục xâm nhập thị trường Đông Nam Á. AFTA nằm trong tầm tay Thaco!
NHẬT PHONG