Đột phá phát triển doanh nghiệp
Số lượng doanh nghiệp phát triển trong năm 2017 đã vượt mức kế hoạch, nhưng có thể nuôi dưỡng sự phát triển này một cách bền vững hay không vẫn là câu chuyện đáng quan tâm.
Tin liên quan
|
Số lượng doanh nghiệp phát triển ngày càng gia tăng (ảnh minh họa). Ảnh: T.D |
Tăng trưởng vượt mức
Theo thống kê của Sở KH&ĐT, dự kiến có khoảng 1.260 doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2017, tăng hơn kế hoạch đề ra đến 260 doanh nghiệp. Hiện Quảng Nam có gần 6.000 doanh nghiệp hoạt động với số lao động thường xuyên làm việc khoảng 200.000 người. Kết quả những cuộc khảo sát cho thấy có khoảng 80% doanh nghiệp có lãi. Tiền lương bình quân của người lao động tăng 10% so với cùng kỳ năm 2016. Nhiều doanh nghiệp liên tục gia tăng lợi nhuận, mở rộng quy mô, khẳng định vị thế trên thương trường và góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước. Những doanh nghiệp nội địa này đã đóng góp hơn 90% tổng thu ngân sách nhà nước. Khoảng 11% doanh nghiệp cho biết sẽ tăng vốn đầu tư, 12% doanh nghiệp tăng quy mô lao động…
Thông điệp kiến tạo từ Chính phủ và nỗ lực thực thi, hành động tạo lập môi trường kinh doanh cởi mở tại địa phương đã kích thích phong trào lập nghiệp trong toàn xã hội. Theo ông Lê Phước Hoài Bảo – Giám đốc Sở KH&ĐT, nhờ tập trung triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nên số doanh nghiệp thành lập mới tăng cao nhất từ trước đến nay. Số lượng doanh nghiệp thành lập tăng mạnh, vượt kế hoạch cho thấy những cải cách của Quảng Nam đã tạo cơ hội cho sản xuất, kinh doanh bùng nổ, giúp nhiều doanh nghiệp tích lũy của cải, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.
Theo kế hoạch, Quảng Nam sẽ tiếp tục khuyến khích phát triển các thành phần kinh tế và hình thức tổ chức kinh doanh. Năm 2018, phấn đấu phát triển thêm khoảng 1.100 doanh nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp hoạt động lên 6.300 doanh nghiệp. Tiến hành rà soát, phân loại ngành nghề kinh doanh của các hộ cá thể, xây dựng phương án hỗ trợ, khuyến khích hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành doanh nghiệp. Tuy nhiên, sự tăng trưởng phát triển doanh nghiệp vượt bậc ấn tượng ấy vẫn chưa thể san lấp lỗ hổng thiếu bền vững khi có đến 97% doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ. Phân bố tập trung chủ yếu ở các đô thị, các huyện đồng bằng. Các doanh nghiệp hoạt động riêng lẻ, khá độc lập, thiếu vắng tính liên kết, hợp tác để tham gia chuỗi giá trị sản phẩm, dịch vụ… Khó có thể trụ đỡ nổi trước làn sóng doanh nghiệp nước ngoài sẵn sàng đổ bộ vào Việt Nam. Ông Lê Phước Hoài Bảo thừa nhận số lượng doanh nghiệp tăng trưởng mạnh, nhưng đa số đều nhỏ, tiềm lực yếu, khó có khả năng thích ứng với sự thay đổi của thị trường.
Số lượng hay chất lượng?
Chính quyền, cơ quan quản lý Quảng Nam đã “trình bày” một kế hoạch hỗ trợ, truyền lửa doanh nghiệp để phát triển doanh nghiệp đúng như kế hoạch. Số lượng doanh nghiệp gia tăng đột phá như hiện tại được xem là một tín hiệu khá tốt trong đời sống kinh doanh và môi trường đầu tư minh bạch. Song, số lượng doanh nghiệp rời bỏ thị trường gia tăng cũng thể hiện sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Theo thống kê của Sở KH&ĐT, nếu năm 2017 có thêm 1.260 doanh nghiệp thành lập mới thì cũng đã có đến gần 500 doanh nghiệp phải rời bỏ thị trường. Ngay như con số phát triển doanh nghiệp năm 2018 được công bố là 1.100 doanh nghiệp, cộng với số doanh nghiệp tồn tại là 6.000 doanh nghiệp thì chính thức phải là 7.100 doanh nghiệp vào cuối năm 2018, nhưng Sở KH&ĐT chỉ công bố sẽ chỉ khoảng 6.300 doanh nghiệp hoạt động tính đến cuối năm 2018. Như vậy, phát triển doanh nghiệp mới rất đáng mừng, nhưng lượng doanh nghiệp “mất đi” cũng là con số đáng chú ý trên nhiều khía cạnh, có thể cho thấy việc thành lập mới chỉ mới ở dạng phong trào hay “chín ép” thông qua các cuộc vận động…
Quy luật của thị trường có sinh tất có diệt. Nhưng số lượng doanh nghiệp thành lập mới và rời bỏ thị trường tương đương nhau là dấu hiệu cảnh báo về sự bất an của nền kinh tế. Điều này có thể nói rằng môi trường kinh doanh Quảng Nam vẫn còn điều gì đó bất ổn. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, những “cái chết” của doanh nghiệp vì áp lực cạnh tranh của thị trường, sự thiếu năng lực quản trị của mỗi doanh nghiệp là chuyện bình thường, nhưng những “cái chết” của doanh nghiệp bị tác động từ môi trường kinh doanh không minh bạch hay vì không còn năng lực tài chính kinh doanh khi ngân sách “mắc nợ” chưa trả được... thì những cái chết ấy không còn tự nhiên nữa. Từ những phân tích trên cho thấy, chính quyền và cơ quan quản lý Quảng Nam đã thành công với việc kích thích phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp nhưng chưa thể thành công trong việc giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng trụ vững trên thương trường. Có phải là do những nỗ lực cải cách thời gian qua vẫn chưa gỡ bỏ được các rào cản có tính sống còn của mỗi doanh nghiệp?
Ông Phạm Tấn Minh – Phó Giám đốc Sở KH&ĐT nói chưa có điều kiện khảo sát, thu thập đủ thông tin để phân tích, xác định cụ thể nguyên nhân doanh nghiệp rời khỏi thị trường. Quảng Nam có thể mở những cuộc khảo sát ngay tại chính doanh nghiệp phá sản, ngừng kinh doanh và phân tích đến ngọn ngành những nguyên nhân khiến doanh nghiệp giải thể để dần định danh những yếu tố chưa ổn và tìm cách giải quyết. Có thể mang đến thành công trong việc giúp cho nhóm doanh nghiệp có nguy cơ “xóa sổ” cao nhất gia tăng cơ hội để sống sót thì đó sẽ là giải pháp hiệu quả nhất để thổi bùng phong trào khởi nghiệp. Điều đó cũng làm cho mục tiêu mỗi năm tăng hơn 1.000 doanh nghiệp để trong vòng 3 năm tới nâng số lượng doanh nghiệp toàn tỉnh hơn 7.500 doanh nghiệp (năm 2020) trở nên dễ dàng hơn. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Hoàng Minh cho rằng muốn phát triển bao nhiêu doanh nghiệp cũng không khó, nhưng tìm cách gì hỗ trợ, nuôi dưỡng để doanh nghiệp đủ khả năng tồn tại và phát triển mới là chuyện quan trọng cần bàn định.
TRỊNH DŨNG