Việt Nam cam kết hội nhập quốc tế sâu rộng

TR.DŨNG 07/11/2017 17:20

Tin liên quan

  • Hướng đến một APEC cởi mở, đổi mới tạo ra tăng trưởng bền vững và bao quát
  • APEC: cơ hội vàng để quảng bá hình ảnh Việt Nam
  • Quảng bá hình ảnh Quảng Nam tại APEC
  • Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: "Đẩy mạnh đổi mới và hội nhập quốc tế"

(QNO) - Chiều nay 7.11, Hội nghị tổng kết các quan chức cao cấp APEC dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn - Chủ tịch Hội nghị các quan chức cao cấp APEC 2017 (Chủ tịch SOM APEC 2017) đã kết thúc sau 2 ngày nhóm họp.

Quang cảnh cuộc họp.
Quang cảnh cuộc họp.

Hội nghị mở đầu cho Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 với sự tham dự của hơn 200 đại biểu quan chức cao cấp của 21 nền kinh tế thành viên APEC, đại diện Ban thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hội đồng Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC), diễn đàn các đảo Thái Bình Dương (PIF) và ABAC đã rà soát lại các kết quả đã đạt được trong hơn 11 tháng triển khai các hoạt động của Năm APEC 2017 và hoàn tất  các nội dung về chương trình nghị sự, văn kiện và các vấn đề liên quan, chuẩn bị cho Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao – Kinh tế APEC lần thứ 29 và Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 25 sẽ diễn ra trong một vài ngày tới trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017.

Hội nghị đã thống nhất kết quả của đối thoại chính sách cao cấp về du lịch bền vững, y tế - kinh tế, chính sách an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu. Thống nhất 3 văn bản định hướng hợp tác chuyên ngành về khuôn khổ tạo thuận lợi thương mại điện tử qua biên giới, bộ kinh nghiệm về điển hình thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ và khuôn khổ giám sát đối với chương trình hành động xây dựng khung kết nối cung ứng. Thảo luận định hướng dài hạn cho hơp tác APEC trong lĩnh vực doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, kinh tế số/kinh tế mạng. Một nội dung quan trọng nữa là triển khai các mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm và nâng cao năng lực cho các thành viên, nhất là các thành viên đang phát triển, trong việc đàm phán, ký kết và triển khai các hiệp định thương mại khu vực và thương mại tự do…

Tại cuộc họp báo chiều ngày 7.11.2017, Chủ tịch SOM APEC 2017, Phó Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định trong tình hình kinh tế toàn cầu, đặc biệt khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang trên tiến trình phục hồi vững chắc. Các nền kinh tế thành viên đều nỗ lực để đạt nhiều kết quả quan trọng, giữ vững đà hợp tác, đồng thuận, góp phần triển khai chủ đề và 4 ưu tiên hợp tác của năm 2017 (Thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm, Đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng, Nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) trong kỷ nguyên số và Tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu), cũng như các chương trình, kế hoạch hợp tác dài hạn hiện APEC đang triển khai. Các nền kinh tế thành viên APEC đã thực sự đồng hành, đóng góp tích cực thúc đẩy tiến trình hợp tác APEC, phối hợp, hỗ trợ hiệu quả cho chủ nhà Việt Nam trong hơn 200 hoạt động diễn ra trong Năm APEC 2017.

CSOM đã thông qua 4 báo cáo tổng kết của các ủy ban APEC về thương mại và đầu tư, kinh tế, hợp tác kinh tế kỹ thuật và ủy ban ngân sách. Các báo cáo cho thấy tiến triển của các nước thành viên trong việc thực hiện các kế hoạch, chương trình hành động chung của APEC. Nổi bật là trong các lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực và hợp tác giáo dục, thúc đẩy tăng trưởng bao trùm và bền vững, tăng việc tham gia của phụ nữ vào kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa vươn ra thị trường toàn cầu. Khởi nghiệp trong kỷ nguyên số, nâng cao năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực dịch vụ, bảo đảm an ninh lương thực và phát triển công nghiệp bền vững và cải cách cơ cấu nông nghiệp hay thương mại tự do và thuận lợi hóa đầu tư và việc ủng hộ thương mại đa phương cũng được đề cập. Các nền kinh tế thành viên đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam về tạo thuận lợi cho thương mại điện tử xuyên biên giới, tiếp tục nâng cao năng lực cho các thành viên và thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ tại châu Á – Thái Bình Dương.

Các đại biểu chụp hình lưu niệm.
Các đại biểu chụp hình lưu niệm.

Các quan chức cao cấp thành viên APEC đã khẳng định quyết tâm tiếp tục đưa hợp tác của APEC gần và gắn kết hơn với những quan tâm là lợi ích thiết thức của từng nền kinh tế, cộng đồng người dân và doanh nghiệp. 

CSOM đã đánh giá cao kết quả của diễn đàn lần đầu tiên có một hoạt động gắn kết một cách tổng thể các nỗ lực phát triển bao trùm trên cả 3 lĩnh vực kinh tế, tài chính, xã hội, thúc đẩy phối hợp chính sách và hành động giữa các ủy ban, nhóm công tác của APEC. Sáng kiến này của Việt Nam đã góp phần thúc đẩy, phát triển bao trùm ở khu vực, chuẩn bị cho việc xây dựng tầm nhìn cho APEC. Việt Nam tham gia APEC góp phần đa dạng, sâu sắc các mối quan hệ đa phương và song phương, góp phần củng cố môi trường hoàn bình, hợp tác và phát triển. Việt Nam thêm nhiều cơ hội tiếp cận khoa học công nghệ và trình độ quản lý tiên tiến, tranh thủ nguồn lực quốc tế để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu…. thông qua triển khai các cam kết và dự án hợp tác của APEC. Việt Nam tham gia và giải quyết các vấn đề, quan tâm chung của APEC về tăng trưởng và liên kết kinh tế cũng như nâng cao vai trò của Diễn đàn đã khẳng định hình ảnh Việt Nam đổi mới, năng động, gắn kết khu vực, góp phần tạo thêm thế và lực mới cho Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng, coi trọng khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có cơ chế hợp tác khu vực như diễn đàn APEC

TR.DŨNG

TR.DŨNG