Thủy điện cần phát triển bền vững
Các dự án thủy điện dự phần vào vùng tây, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, giải quyết nhu cầu đảm bảo an ninh năng lượng. Song do một thời gian dài “mạnh ai nấy làm” thủy điện nên đã phát sinh nhiều hệ lụy cho môi trường, xã hội.
Cuộc hội thảo khoa học với chủ đề “Phát triển thủy điện bền vững” do UBND tỉnh phối hợp với Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) diễn ra cuối tuần qua, lại tiếp tục “nội soi tổng quát sức khỏe” của các dự án thủy điện; chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia có uy tín trong và ngoài nước.
Với mong muốn có thêm nhiều góc nhìn về vấn đề thủy điện, Báo Quảng Nam lược ghi các ý kiến tại cuộc hội thảo này .
Cần những giải pháp quản lý tổng hợp để phát triển thủy điện bền vững. Ảnh: T.T.THƯ |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh: Bước đầu tìm được “tiếng nói chung”
Quảng Nam và Đà Nẵng đã bước đầu tìm được “tiếng nói chung” trong quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ biển, từng bước nâng cao chất lượng quy hoạch, quản lý, vận hành các thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn. Nhờ giám sát chặt bằng cơ chế phối hợp rạch ròi nên đã hạn chế thấp nhất rủi ro, tác động tiềm ẩn do thủy điện gây ra. Sông Vu Gia - Thu Bồn là hệ thống sông phức tạp nhất ở miền Trung vì vậy cần phải đưa vào quản lý toàn diện các mặt như vận hành nguồn nước, tài nguyên khoáng sản, giao thông vận tải, môi trường, xói lở... Chính quyền 2 địa phương đang phối hợp tổ chức đánh giá hiện trạng, xác định và dự báo các nguy cơ rủi ro xảy ra trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn tác động đến phát triển đô thị ở lưu vực sông và vùng bờ. Tăng cường phối hợp liên ngành, liên vùng trong công tác giám sát để quản lý, sử dụng và khai thác nguồn tài nguyên nước hiệu quả. Mặt khác, xây dựng bộ cơ sở dữ liệu chung của lưu vực sông và vùng bờ, chia sẻ khai thác thông tin, dữ liệu phục vụ công tác quản lý tài nguyên, ứng phó biến đổi khí hậu
TP.Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đang đối mặt với không ít khó khăn liên quan đến phát triển bền vững vùng bờ biển trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Đó là sự gia tăng ngập lụt vùng ven biển, lũ bùn đá và gia tăng tác động ô nhiễm biển - ven biển từ nguồn đất liền, bao gồm chất thải đô thị và sinh hoạt. Việc khai thác, sử dụng không hợp lý nguồn tài nguyên ở vùng bờ biển cũng làm mất dần và suy thoái các hệ sinh thái. Quản lý tổng hợp vùng bờ nhằm tăng cường khả năng chia sẻ tài nguyên nước ngọt và tài nguyên biển. Giải pháp cứng rắn của chính quyền tỉnh thời gian qua là đóng cửa rừng tự nhiên, tiếp tục nâng cao độ che phủ rừng và cấm hút cát ở nhiều khu vực nhạy cảm.
PGS-TS. Nguyễn Chu Hồi, Đại học Quốc gia Hà Nội, Chủ tịch Hội Thiên nhiên và môi trường biển Việt Nam: Đối thoại bàn tròn “mở” giữa 4 nhà
Sự phát triển kinh tế mạnh mẽ, thiếu bền vững và thiếu cách tiếp cận quản lý tổng hợp tài nguyên nước phù hợp đối với lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ biển Đà Nẵng - Quảng Nam là nguyên nhân cốt lõi làm suy giảm chức năng duy trì sự sống của lưu vực và là yếu tố trở ngại cho phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng, Quảng Nam hiện nay cũng như tương lai. Lưu vực sông và vùng bờ hội tụ các đặc trưng cơ bản, được các chuyên gia của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) và Chương trình rừng ngập mặn cho tương lai (MFF) chọn làm trường hợp nghiên cứu điển hình ở Việt Nam và thử nghiệm cơ chế phối hợp liên tỉnh trong quản lý tổng hợp lưu vực sông và vùng bờ. Việc thành lập Ban điều phối quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn và vùng biển Quảng Nam - Đà Nẵng được cho là động thái tích cực trong quản lý lưu vực. Quyền lực của cơ quan này sẽ tham gia giải quyết các tranh chấp trong sử dụng nước giữa các ngành dùng nước. Hai địa phương sẽ luân phiên nhau tổ chức đối thoại bàn tròn “mở” giữa 4 nhà (quản lý, khoa học, doanh nghiệp, người dân), qua đó sẽ cam kết phối hợp thực hiện và tuân thủ bắt buộc đối với các vấn đề lưu vực sông và vùng bờ biển. Quan điểm của tôi là dừng việc xây dựng mới thủy điện để đánh giá toàn diện lợi - hại. Nếu không đủ nguồn lực thì tốt hơn đừng đầu tư, giữ lại tài nguyên mai sau cháu con xây dựng; còn nếu đầu tư ồ ạt, thiếu kiểm soát như hiện nay hậu họa sẽ khó lường.
TS. Chu Mạnh Trinh - Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm: Quản lý tổng hợp lưu vực sông và vùng bờ biển
Phương pháp quản lý tổng hợp lưu vực sông và vùng bờ biển, các nước trên thế giới đã vận dụng lâu nay, nhưng lại mới mẻ ở trong nước. Cho dù có các chuyên gia giỏi đến mấy mà không ngồi lại với nhau thì khó giải quyết bài toán phát triển thủy điện bền vững. Nếu ở vùng triều cửa sông - bãi đẻ cho các loài thủy sinh bị ô nhiễm thì chắc chắn vùng biển sẽ bị đe dọa. Sử dụng tài nguyên kém hiệu quả là con đường dẫn đến cạn kiệt nguồn lợi biển, chứ không phải nằm ở nguyên nhân khai thác như nhiều người quan niệm. Quảng Nam và Đà Nẵng đang áp dụng mô hình quản lý tổng hợp tài nguyên nước. Vì vậy, điều quan trọng phải kiểm soát tải lượng thải từ đất liền ra vùng biển. Phát triển thủy điện bền vững phải xem xét thận trọng báo cáo đánh giá môi trường chiến lược và báo cáo đánh giá môi trường.
TS. Đào Trọng Tứ, thành viên Mạng lưới sông ngòi Việt Nam: Xử phạt nặng là cần thiết
Xây dựng công trình thủy điện đã làm cho chế độ dòng chảy trên sông có thể tạo ra một hình thái xói lở và bồi lấp mới ở hạ lưu. Việc giữ phù sa và thay đổi cơ cấu dòng chảy tự nhiên cũng sẽ làm một số vùng ven biển như rừng ngập mặn thiếu trầm tích bổ sung, bị xói lở và bị “chìm xuống”, kết hợp với tác động nước biển dâng, nhiều vùng đồng bằng sẽ bị “chìm xuống” hoặc ngập vĩnh viễn. Bộ Công Thương và chính quyền tỉnh cần khẩn trương rà soát quy hoạch thật bài bản, khoa học, cân nhắc ngừng xây dựng các dự án thủy điện mới, nhất là các dự án ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân, vi phạm Luật Đa dạng sinh học, Luật Tài nguyên nước. Rà soát các dự án thủy điện đang có, xem vận hành, thực hành có đúng các quy trình khi được phê duyệt hay không. Giám sát thường xuyên nhà máy xả/ giữ nước để xử lý nghiêm khắc trường hợp giữ nước lại ở mùa khô cho mục đích kinh tế cục bộ trong khi quy định phải điều tiết cho hạ du.
Thực tế đầu năm 2016, Nhà máy thủy điện Đắk Mi 4 (huyện Phước Sơn) qua kiểm tra đột xuất của Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN-MT) đã bị lập biên bản vì vi phạm các lỗi như không xây dựng phương án để đối phó với tình huống vỡ đập và các tình huống đe dọa nghiêm trọng đến an toàn công trình, không vận hành hồ đảm bảo dòng chảy tối thiểu ở hạ du sông Vu Gia theo quy trình, không xây dựng kế hoạch điều tiết nước hàng năm của hồ. Nhà máy này sau đó đã bị xử phạt hành chính hàng trăm triệu đồng. Xử lý như vậy là kịp thời, cần thiết.
Ông Peter Funegard - Cố vấn cấp cao cơ quan quản lý nước và đại dương Thụy Điển (SwAM): Coi trọng chức năng “sống” của một lưu vực sông
Lũ lụt vùng ven biển vẫn là chuyện bức xúc và có liên quan rất lớn đến quản lý nguồn nước từ lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn. Ở Đà Nẵng, vào mùa lũ, huyện Hòa Vang bị ngập nhiều nhất, nội thành ngập ít hơn do thành phố đã chỉnh trang làm cống, khai sông. Thủy điện vận hành không hợp lý dẫn đến mâu thuẫn giữa khai thác nước cho thủy điện và sử dụng nước cho các hoạt động khác như sinh hoạt, thủy lợi. Vì vậy, giữa các địa phương chịu tác động trực tiếp lẫn gián tiếp của dự án thủy điện phải xây dựng cơ chế quản lý tổng hợp liên vùng tránh tình trạng thượng nguồn xây dựng nhưng hạ lưu (kể cả vùng biển) gánh chịu hậu quả.
Bà InPoveda Bjorklunds - chuyên gia của Liên đoàn Thủy điện quốc tế thuộc SwAM (Thụy Điển): Đối thoại và chia sẻ lợi ích
Kinh nghiệm phát triển thủy điện trên thế giới là phải rất coi trọng giai đoạn tiền đầu tư, cập nhập thu thập dữ liệu thông tin nền. Phần lớn các dự án thủy điện đều có sự tham gia của các tổ chức tín dụng ngân hàng và Chính phủ. Khâu tham vấn cộng đồng, lấy ý kiến của người dân trong vùng được thực hiện rất nghiêm túc. Nhà đầu tư, chính quyền, người dân đàm thoại/đối thoại một cách sòng phẳng; đong đếm rõ ràng lợi - hại, quyền lợi lẫn trách nhiệm giữa các bên liên quan. Các rủi ro ảnh hưởng đến sinh kế cộng đồng các bên đều chia sẻ, không đùn đẩy cho nhau. Đặc biệt từ công tác quy hoạch, quá trình vận hành công trình thủy điện đến tác động với đa dạng sinh học, ô nhiễm môi trường đều được đánh giá rất chi li. Nói chung, dự án thủy điện đưa vào danh mục giám sát chặt chẽ qua nhiều công đoạn khác nhau.
XÂY DỰNG CƠ CHẾ QUẢN LÝ TỔNG HỢP
Đã xuất hiện những biểu hiện phát triển thủy điện thiếu bền vững do lỗ hổng quản lý. Cách nào để “bít các khoảng trống” mà thủy điện để lại trở thành mối quan tâm hàng đầu của chính quyền địa phương các cấp, nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học.
Các thủy điện làm xảy ra hiện tượng “dòng sông chết”, nhiều đoạn sông biến dạng. Trong ảnh: Thủy điện Sông Tranh. Ảnh: T.T.Thư |
Cái giá của phát triển “nóng”
Dưới góc nhìn kinh tế, các nhà đầu tư thủy điện cho rằng, đây là loại hình siêu lợi nhuận, mang tính rủi ro rất thấp. Họ thuyết phục cơ quan quản lý chuyên ngành và chính quyền các cấp rằng đây là nguồn năng lượng sạch, rẻ, lại ít tác động đến môi trường. Tuy nhiên, TS. Đào Trọng Tứ - chuyên gia của Mạng lưới sông ngòi Việt Nam quả quyết, nhận định như vậy là sai lầm. Bởi thủy điện góp phần làm tăng phát thải khí nhà kính - khí mê tan (CH4) - một loại khí nhà kính rất mạnh. Đã có những công trình nghiên cứu cho thấy, nếu xét ở khía cạnh phát thải khí mêtan, đôi khi thủy điện lại ô nhiễm hơn nhiệt điện. Hàng chục thủy điện lớn nhỏ hình thành trên lưu vực các sông, đồng nghĩa với việc nhấn chìm hàng nghìn héc ta đất, rừng xuống lòng hồ. Ở Quảng Nam gần 2.000ha đất đã được trồng rừng thay thế từ các dự án thủy điện nhưng phải mất cả trăm năm thì mới khôi phục đa dạng sinh học.
Thủy điện hình thành kéo theo cuộc di dân lớn, làm đảo lộn cuộc sống của cư dân bản địa. Có chỗ an cư mới nhưng lại thiếu đất sản xuất đã đẩy người dân tái định cư (TĐC) vào vòng luẩn quẩn của nghèo khó. Cuộc khảo sát gần đây cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo tập trung khá lớn ở khu TĐC thủy điện Sông Tranh với 60,3%, hộ cận nghèo 8,5%; khu TĐC thủy điện A Vương hộ nghèo 80,5%, cận nghèo 6%; khu TĐC thủy điện Đắk Mi hộ nghèo 93,3%, cận nghèo 6,7%...
Sự cố vỡ dòng dẫn ống nhà máy thủy điện Sông Bung 2 hồi tháng 10.2016 là cái giá phải trả của phát triển nóng. “Bom nước… nổ” cuốn chết 2 công nhân và tàn phá nhiều bản làng của đồng bào dân tộc thiểu số.
Những dòng sông vốn nguyên vẹn đã bị chặt khúc, vỡ vụn và biến dạng. Thủy điện ngăn dòng làm giảm đáng kể lượng phù sa chảy về đồng bằng, gây thiệt hại đời sống sản xuất, sinh kế cho người dân vùng hạ lưu. Vì cục bộ lợi ích mà từng xảy ra “cuộc chiến” tranh giành nguồn nước giữa các nhà máy thủy điện với các lĩnh vực khác. Tình trạng các công trình thủy điện, nhất là thủy điện nhỏ phát triển tràn lan trong khoảng hơn 10 năm qua đã ảnh hưởng nặng nề môi trường, gây bức xúc đối với xã hội. Phần lớn công trình thủy điện sử dụng gần hết lượng dòng chảy tự nhiên của sông hoặc chuyển gần hết lượng dòng chảy mùa cạn của sông sang lưu vực sông khác để thu được hiệu quả kinh tế cao cho phát điện. Điều này sẽ gây mâu thuẫn và xung khắc trong sử dụng nước của công trình với sử dụng nước của các ngành khác ở hạ du đập. Theo TS. Đào Trọng Tứ, với mật độ thủy điện dày đặc như Quảng Nam đã làm vỡ vụn các dòng sông (hơn 30% bị chặn và biến thành “hồ” với dòng chảy thay đổi), làm mất cân bằng sinh thái và động lực dòng sông và vùng cửa sông. Điều này gây ra những thay đổi theo chiều hướng tăng khả năng đe dọa lũ lụt vào mùa mưa, thiếu nước mùa khô, tăng nguy cơ xói lở bờ biển, nghẽn bùn ở cửa sông, cửa biển.
Dừng cấp mới
Ngoại trừ một số nhà máy thủy điện lớn như A Vương, Sông Tranh 2, Đắk Mi, Sông Bung 4... thì hầu hết nhà máy còn lại có quy mô nhỏ và vừa. Theo tiêu chuẩn đánh giá, thủy điện lớn có công suất 100MW trở lên, thủy điện vừa từ 30MW đến dưới 100MW, còn loại nhỏ dưới 30MW. Bộ Công Thương đánh giá, ưu điểm của thủy điện vừa và nhỏ tại Quảng Nam là tham gia làm giảm lũ, cung cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt của người dân vào mùa khô, không làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên, cũng không làm biến đổi các dòng chảy sau khi nước chạy qua tuabin. Tuy vậy, theo chuyên gia Ngô Thị Thanh Nga (Viện Thủy điện và năng lượng tái tạo), trong lúc đang hoàn thiện khung pháp lý, rà soát quy hoạch thì tốt nhất là chính quyền tỉnh nên dừng việc xây dựng mới thủy điện để đánh giá hiệu quả và tác động (bao gồm cả khu vực dọc sông, vùng ven biển và biển), đồng thời thực hiện các biện pháp giảm thiểu. Cạnh đó, điều chỉnh mục tiêu các công trình bậc thang trong điều kiện cho phép, bảo đảm lợi ích của tất cả bên có nhu cầu dùng nước và quyền lợi phát triển. Cùng với việc ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn trong mùa lũ, phải sớm xây dựng quy trình vận hành liên hồ mùa khô trên lưu vực sông này. Để thực hiện tốt quy trình vận hành liên hồ cho mùa lũ và cho mùa kiệt cần xây dựng cơ chế điều phối liên tỉnh (Quảng Nam và TP.Đà Nẵng) có sự tham gia của các chủ đầu tư thủy điện để đưa ra các quyết định kịp thời và hợp lý cho việc chống lũ (mùa lũ), phân bổ nguồn nước hợp lý cho các nhu cầu/các ngành dùng nước (mùa khô). “Trung ương lẫn địa phương cần xây dựng cơ sở dữ liệu GIS thủy điện quốc gia và nâng cao năng lực trong vận hành, bảo trì cơ sở dữ liệu đã được xây dựng, giúp quản lý phát triển thủy điện. Các quy hoạch về thủy điện cần được phát triển đồng nhất với các quy hoạch của năng lượng tái tạo khác, như điện gió và điện mặt trời tại Việt Nam” - bà Nga kiến nghị.
Hiện có 6 nhà máy thủy điện (gồm A Vương, Sông Tranh 2, Sông Bung 4, Sông Bung 4A và Sông Bung 5) thực hiện theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn theo đúng quy trình của Quyết định số 1537/QĐ-TTg ngày 7.9.2015 của Thủ tướng Chính phủ. Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đang phối hợp với Trung tâm Thông tin dịch vụ công Đà Nẵng xây dựng hệ thống công nghệ modul theo dõi, cập nhật số liệu vận hành, điều tiết lũ của các hồ chứa thủy điện trên.
Đồng quan điểm với các chuyên gia trong nước, ông Peter Funegard, Cố vấn cấp cao Cơ quan quản lý nước và đại dương Thụy Điển (SwAM) thuộc Bộ Tài nguyên nước Thụy Điển cho rằng, việc cần làm là dừng ngay cấp mới các dự án thủy điện, để hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Trước hết phải rà soát, đánh giá tác động tiềm ẩn lên hệ thống sông ngòi từ công tác quy hoạch thủy điện kém hiệu quả, giải quyết hài hòa mục tiêu ở vùng nước ngọt và nước mặn; xây dựng cơ chế quản lý tổng hợp liên vùng tránh tình trạng để hạ lưu (kể cả vùng biển) gánh chịu hậu quả. Nhiều quan điểm tương đồng của các chuyên gia trong nước và quốc tế, là muốn phát triển thủy điện bền vững, cần quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng biển Quảng Nam - Đà Nẵng, bằng cách áp dụng mô hình WEAP. WEAP là một công cụ phần mềm cho quy hoạch tổng hợp tài nguyên nước, xem xét tác động của ngập lụt lên các khu vực, cập nhật dữ liệu về thủy văn chính xác nhất. WEAP cũng chẩn đoán chính xác “sức khỏe” của lưu vực sông, để từ đó giúp các cơ quan chức năng có căn cứ lập quy hoạch, xem xét nên đầu tư thủy điện hay không.
Thực hiện: TRẦN HỮU