Không thể khởi nghiệp theo phong trào
Không sáng tạo không thể khởi nghiệp và khởi nghiệp là một hành trình, không phải phong trào. Một doanh nghiệp khởi nghiệp thành công hay phát triển đều phải dấn thân, biết chấp nhận thất bại và cần một hành lang pháp lý an toàn, thông thoáng, minh bạch về cơ chế, chính sách của Nhà nước. Đó là một trong nhiều nội dung chủ yếu của cuộc trò chuyện giữa phóng viên Báo Quảng Nam và PGS-TS.Đinh Việt Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp quốc gia.
Theo PGS-TS.Đinh Việt Hòa, các mô hình khởi nghiệp đang cần hỗ trợ về thông tin thị trường, tư vấn tài chính... Trong ảnh: Mô hình khởi nghiệp của anh Nguyễn Thanh Tuấn (xã Tam Hiệp, Núi Thành). Ảnh: V.Phin |
P.V: Khởi nghiệp được nhắc đến nhiều trong các diễn đàn, các cuộc trao đổi về kinh tế, phát triển, ông nghĩ sao về điều này?
PGS-TS. Đinh Việt Hòa: Một vùng đất hay đất nước phát triển được hiểu là có nhiều doanh nghiệp. Nhận ra được vai trò của doanh nghiệp, Chính phủ đã phát động năm 2016 là năm quốc gia khởi nghiệp để hướng đến mục tiêu đến năm 2020 có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả trong nền kinh tế. Có thể nói đây là một quyết định “đột phá”, mang tính chất tạo dựng cho nền kinh tế tương lai. Thực tế, Chính phủ đã thúc đẩy phong trào khởi nghiệp bằng cách đưa ra các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp như tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, hỗ trợ thông tin… là điều trước đây không có. Chính điều này đã tạo ra cú hích khởi nghiệp với hơn 110 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và hàng loạt quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ tín dụng ra đời; ngân hàng cũng đã bắt đầu có những chương trình kết nối tín dụng cụ thể cho doanh nghiệp khởi nghiệp.
Tinh thần khởi nghiệp trong giới trẻ đang gia tăng. Đây là tín hiệu tốt. Nếu thành công, xã hội sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp mới, tạo ra những giá trị mới. Chỉ sợ là nhiều người hô hào hình thức nhưng không làm đúng, làm thật.
P.V:Khởi nghiệp dễ hay khó, thưa ông?
PGS-TS. Đinh Việt Hòa: Hiểu theo nghĩa nào đi nữa thì nhân vật trung tâm của khởi nghiệp cũng là doanh nhân với tinh thần sáng tạo và dấn thân. Khởi nghiệp của doanh nghiệp hay cá nhân là một hành trình chứ không phải là phong trào, một quá trình của doanh nhân. Vì vậy, tố chất đầu tiên cần có là khát vọng làm giàu, khát vọng tạo dựng xã hội, có tư duy đổi mới, sáng tạo, ham học hỏi, luôn tìm kiếm, thức nhận sản phẩm của mình tới đâu và họ phải có khả năng thu hút, quản lý nguồn lực tốt. Có không ít doanh nghiệp, tập đoàn ngày nay đi lên từ số 0. Nhưng không có nghĩa là họ không có nguồn lực gì cả mà có nhiều nguồn lực xã hội xung quanh. Đó là gia đình, xã hội, bè bạn và đặc biệt là có đủ khả năng để thu hút, quản lý các nguồn lực khác và gia tăng các giá trị trên.
Điều cần thiết của một doanh nhân khởi nghiệp là phải dũng cảm, chấp nhận đương đầu với thử thách của thị trường lẫn cơ chế, chính sách. Điều này được ví như một con đại bàng dám lao vào mắt bão. Khi khó khăn, họ phải đương đầu, lao vào và chấp nhận cả sự nghiệt ngã của thương trường. Và điều cuối cùng của một doanh nhân khởi nghiệp là luôn mong tạo giá trị cho xã hội. Thành quả của doanh nhân là sự thành công của một cá nhân, nhưng cũng là thành quả cho xã hội, đất nước và tạo nên giá trị cho nhân viên. Nếu họ làm được những điều như thế thì họ chính là doanh nhân đúng nghĩa.
P.V:Những con số thống kê cho thấy chỉ khoảng 20 - 30% ý tưởng khởi nghiệp thành công. Liệu có con đường nào hạn chế thấp nhất sự thất bại không?
PGS-TS. Đinh Việt Hòa: Bùng nổ khởi nghiệp là điều hay. Nhưng xin đừng xem khởi nghiệp là mốt thời thượng. Hãy nghĩ đến khởi nghiệp như một sự khởi đầu trên con đường nhận thức các thay đổi đang diễn ra xung quanh và xác định lại các ưu tiên trong thiết kế mô hình kinh doanh. Hiện tại, các ý tưởng khởi nghiệp thường trùng lắp, phần nhiều liên quan đến chuyện mua sắm, ăn uống, du lịch, giải trí, chưa thấy gì đột biến. Tồn tại lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam hiện nay nằm ở cả hai khâu: khởi nghiệp và dưỡng nghiệp. Thành lập một doanh nghiệp quả là dễ hơn vạn lần so với công sức và chi phí đầu tư cần bỏ ra để vận hành, hoạt động của nó sao cho thực sự ổn định và hiệu quả.
Những doanh nghiệp trụ lại được trên thị trường 5 năm và tiếp tục phát triển thì mới gọi là khởi nghiệp thành công. Rất cần tinh thần khởi nghiệp mới. Không nên mắc những sai lầm cũ. Làm sao cho những người khởi nghiệp ít trả giá nhất. Quan trọng hơn là để họ không mất đi tinh thần. Những người khởi nghiệp cần được trao truyền kinh nghiệm, được hỗ trợ và được sống trong cộng đồng những người khởi nghiệp thực thụ!
P.V:Khởi nghiệp thành công, thực sự cần gì?
PGS-TS.Định Việt Hòa: Có hai yếu tố cần làm để đạt được số doanh nghiệp mong muốn là khích lệ tinh thần doanh nghiệp và nuôi dưỡng doanh nghiệp. Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam rồi cũng sẽ thành hình với đầy đủ các mảnh ghép từ vườn ươm đến trung tâm tăng tốc khởi nghiệp, từ các nhà đầu tư cá nhân, doanh nghiệp đến các quỹ khởi nghiệp… Thế nhưng, tất cả cũng chỉ như phần cứng, dù mạnh đến đâu nhưng nếu thiếu đi phần mềm về văn hóa chấp nhận thất bại - yếu tố thường đi cùng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo - thì việc trở thành một quốc gia khởi nghiệp vẫn sẽ còn rất xa.
Thực sự để doanh nghiệp phát triển tốt sau khởi nghiệp cần phải tạo một hành lang pháp lý an toàn, thông thoáng và minh bạch. Cần có một đội ngũ cán bộ nhà nước có tâm, đủ trình độ chuyên môn và quan trọng hơn là một khi soạn thảo chính sách hay cơ chế cần hiểu được doanh nhân đang cần cái gì. Bằng cách tổ chức nhiều diễn đàn hơn nữa để tham vấn ý kiến doanh nghiệp. Hay thông qua các hiệp hội doanh nghiệp để nghe tiếng nói, kiến nghị của doanh nghiệp. Ngay cả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp cần cụ thể, đi sâu vào từng hỗ trợ hơn nữa, nhất là thông tin thị trường, ngành nghề kinh doanh, kiến thức về quản trị doanh nghiệp, tư vấn tài chính… Phía ngược lại, doanh nghiệp cần chủ động, dám nghĩ, dám làm, tuyển chọn nhân sự phù hợp. Huy động vốn từ gia đình, bạn bè, người thân, sau đó mới tính đến chuyện vay tiền ngân hàng.
Như Quảng Nam, chỉ có hơn 5.000 doanh nghiệp/1,5 triệu dân là quá ít. Kế hoạch phát triển thêm 1.000 doanh nghiệp năm 2017 cần động lực khích lệ tinh thần khởi nghiệp và áp dụng công nghệ sẽ có những bước tiến mới để thích nghi với hội nhập. Tôi ví dụ, muốn cây có nhiều quả thì cây phải to. Muốn cây to phải hy sinh và nuôi dưỡng. Có thể hy sinh những năm đầu. Cắt cành nhỏ, hoa, quả nhỏ để rồi những năm sau sẽ thu hái được nhiều. Nếu như thu hoạch sớm quá, mang tính chất ép quá thì cây đó sẽ không đủ năng lực để lớn. Doanh nghiệp cũng vậy. Nhiều cây sẽ tạo nên rừng. Nhiều rừng tạo nên đại ngàn. Doanh nghiệp cũng giống như rừng. Nếu chỉ toàn siêu nhỏ (kiểu như toàn cây rau) thì không thể nào tạo ra sự phát triển mạnh mẽ cho địa phương được. Cốt tử là không thể khởi nghiệp theo phong trào, mà phải thật sự sáng tạo, tìm ra lĩnh vực phù hợp nhất cho mình. Khởi nghiệp ở Quảng Nam nên gắn với nông nghiệp sẽ rất tiềm năng. Chuỗi giá trị và dịch vụ xoay quanh sản phẩm nông nghiệp còn rất nhiều dư địa để người trẻ lẫn người có kinh nghiệm tìm cách tạo ra nhiều giá trị hơn cho xã hội.
PV:Xin cảm ơn ông!
TRỊNH DŨNG (thực hiện)