Cách mạng công nghiệp lần thứ 4: Đừng sợ!

TRỊNH DŨNG (thực hiện) 16/10/2017 09:37

Cuộc cách mạng công nghệ mới này sẽ tác động trực tiếp đến các nền sản xuất, hệ thống chính trị của toàn thế giới. Lo lắng là điều cần thiết nhưng không phải sợ nó. Đó là nhận định của PGS-TS.Đinh Việt Hòa - Chủ tịch Học viện Quản lý và lãnh đạo châu Á - Thái Bình Dương trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Quảng Nam. Diễn giả này vừa đến Quảng Nam trình bày trước hàng trăm doanh nhân về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và những tác động của nó.

Quảng Nam có tiềm năng du lịch, cần tạo ra những chính sách ưu đãi để thu hút các nguồn lực đầu tư, đón đầu cơ hội phát triển. Trong ảnh: Du khách tham quan Cù Lao Chàm. Ảnh: M.Đ
Quảng Nam có tiềm năng du lịch, cần tạo ra những chính sách ưu đãi để thu hút các nguồn lực đầu tư, đón đầu cơ hội phát triển. Trong ảnh: Du khách tham quan Cù Lao Chàm. Ảnh: M.Đ

P.V:Ảnh hưởng của cuộc cách mạng 4.0 đến đâu, sao gần đây trong các diễn ngôn của nhà kinh tế lẫn chính trị gia đều nói đến “cơn bão” này, thưa ông?

PGS-TS. Đinh Việt Hòa: Thế giới đang bắt đầu bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Một cuộc cách mạng sản xuất chưa từng có trong lịch sử nhân loại, gắn liền với những đột phá về công nghệ liên quan đến kết nối internet, điện toán đám mây, in 3D, công nghệ cảm biến... Bản chất cuộc cách mạng này dựa trên nền công nghệ số và tích hợp công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất. Năng suất và mức sống gia tăng đều sẽ nhờ vào sự sáng tạo của con người, còn doanh nghiệp sẽ giảm được chi phí giao thông, thông tin, thương mại… bởi cùng sống trong thị trường rộng mở. Người tiêu dùng có được quyền lợi khi sự minh bạch ngày càng rõ hơn, buộc các doanh nghiệp phải thích nghi bằng cách thiết kế, tiếp thị, cung cấp sản phẩm, dịch vụ.

P.V: Có nghĩa là không việc gì phải lo lắng về cuộc cách mạng này?

PGS-TS. Đinh Việt Hòa: Khẳng định cuộc cách mạng này cũng sẽ là một thách thức rất lớn. Khi công nghệ phát triển mạnh mẽ, hiện đại bao nhiêu thì con người cũng sẽ bị phân cấp bấy nhiêu. Người giỏi sẽ càng giỏi và người “lười” sẽ ngày càng tụt hậu. Lý do là tất cả chúng ta ngồi ở nhà đều có thể mua được sản phẩm, tìm kiếm được thông tin…, sẽ làm người ta thụ động hơn dẫn đến thách thức sức khỏe trong tương lai vì ít vận động hơn. Công nghệ số sẽ tạo nên nhiều công cụ tiện ích như trí thông minh nhân tạo, sản sinh ra robot sản xuất sẽ khiến nhiều người mất việc hơn trong khi kinh tế cấp vĩ mô hay địa phương Việt Nam đang luôn lo lắng kiếm tìm việc làm cho người dân. Chính điều này sẽ ít nhiều dẫn tới sự nhiễu loạn của xã hội.

Cách mạng công nghiệp 4.0 được dự đoán sẽ tác động mạnh mẽ đến mọi quốc gia, chính phủ, doanh nghiệp và người dân khắp toàn cầu, thay đổi cả cách sống, làm việc, sản xuất của con người. Nó sẽ gây nguy cơ phá vỡ thị trường lao động. Người lao động sẽ bị dư thừa trước tự động hóa. Người lao động tại các nhà máy trong thời kỳ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ có những việc làm mới với các yêu cầu khác và trong một môi trường làm việc hay cách tổ chức không còn giống như hiện nay. Chính phủ phải thay đổi cách tiếp cận để hoạch định và thực hiện chính sách, nâng cao vai trò người dân trong quá trình này…

P.V: Doanh nghiệp Quảng Nam vốn “yếu ớt”, liệu có đủ khả năng để trụ vững trước cuộc cách mạng mởi mẻ này không?

PGS-TS. Đinh Việt Hòa: Đừng sợ cuộc cách mạng này. Hãy quên nó đi. Quan trọng nhất là chúng ta hãy tiếp cận nó bằng năng lực của chính địa phương. Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… cũng đã phải mất hàng chục năm để học, áp dụng tri thức phương Tây vào sản xuất mới có được thành công như hiện tại. Con đường chúng ta đi không có gì là muộn và tất nhiên không có gì sớm cả! Một khi đã chọn con đường này, trước tiên phải nhìn nhận được mình đang ở đâu, đứng ở vị trí nào. Khi đó sẽ biết để tìm kiếm những người, quốc gia có năng lực cao hơn để học hỏi. Quảng Nam không ngoại lệ. Cần một phân tích cụ thể năng lực hiện tại của địa phương. Công bằng và khách quan, Quảng Nam hiện vẫn là một tỉnh nghèo khi nhận diện từ việc phát triển doanh nghiệp. Một tỉnh có gần 1,5 triệu dân, nhưng chỉ có hơn 5.000 doanh nghiệp, bình quân 300 người mới có 1 doanh nghiệp là quá ít (trong khi trung bình của một tỉnh hay quốc gia phát triển là khoảng 40 - 60 người có 1 doanh nghiệp). Khích lệ tinh thần khởi nghiệp, áp dụng công nghệ sẽ có những bước phát triển mới.

Không chỉ Quảng Nam, mà cả Việt Nam đang đứng trước thách thức tụt hậu xa hơn, lao động chi phí thấp mất dần lợi thế. Khoảng cách công nghệ và tri thức nới rộng hơn, dẫn đến sự phân hóa xã hội sẽ sâu sắc hơn. Doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện là thành phần kinh tế quan trọng của Việt Nam, chiếm tới 96%, đóng góp 43% tổng thu nhập quốc dân. Họ đang đứng trước áp lực hội nhập. Bài toán đầu tư công nghệ sao cho hiệu quả? Khả năng tài chính của doanh nghiệp có đáp ứng được nhu cầu tiếp cận công nghệ mới hay không? Sẽ đầu tư ở mức nào phù hợp để không lãng phí, mang lại hiệu quả mà không thay đổi cấp độ quá nhiều? Đây chính là vấn đề các doanh nghiệp cần cân nhắc. Chưa kể đến nguồn nhân lực hiện có vấn đề khi chuyên môn hóa không nhiều!

Tuy nhiên, không có gì đáng lo ngại cả. Chính phủ đã xác định sự phát triển của doanh nghiệp là xương sống nền kinh tế nên đã có những chính sách cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp, từ chuyện cắt giảm thủ tục hành chính, hỗ trợ vốn đến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng thông thoáng hơn. Quảng Nam có rất nhiều tiềm năng như năng lượng sạch, có đủ quỹ đất để xây dựng một nền nông nghiệp sạch mà thế giới đang rất cần và hiếm có địa phương nào có tiềm năng du lịch như Quảng Nam. Chỉ cần phát triển 3 yếu tố ấy thành mũi nhọn, còn các yếu tố khác chỉ phục vụ cho 3 ngành ấy phát triển thì chắc chắn sẽ thành công. Có thể chọn 2 phương thức. Đó là gầy dựng từ tiềm năng ban đầu hoặc tạo ra những chính sách ưu đãi thu hút đầu tư để mời những tập đoàn lớn ở Việt Nam hay nước ngoài về đầu tư tại Quảng Nam. Điều này trông chờ vào việc thể hiện năng lực điều hành của chính quyền!

P.V:Xin cảm ơn ông!

TRỊNH DŨNG (thực hiện)

TRỊNH DŨNG (thực hiện)