Phát triển nông nghiệp thông minh là xu hướng tất yếu

Theo THÀNH CHUNG/VOV 14/10/2017 10:55

(QNO) - Sáng nay (14.10) tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn Nông dân lần thứ 2 với chủ đề “Nông dân sẵn sàng với nông nghiệp 4.0” do Trung ương Hội nông dân Việt Nam tổ chức. Tại diễn đàn này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ khẳng định ứng dụng thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất nông nghiệp của Việt Nam để có nền sản xuất nông nghiệp thông minh là xu hướng tất yếu, Việt Nam không đứng ngoài làn sóng này.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn, đại diện các bộ, ngành Trung ương, các địa phương, các doanh nghiệp, nhà khoa học và đặc biệt là 87 nông dân Việt Nam tiêu biểu của 30 năm đổi mới đã tới dự.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thăm khu nhà sản xuất rau bó xôi công nghệ cao có thời gian từ ươm giống tới thu hoạch chỉ trong 15 ngày của HTX Tân Tiến, Lâm Đồng. Ảnh: VGP/Thành Chung
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thăm khu nhà sản xuất rau bó xôi công nghệ cao có thời gian từ ươm giống tới thu hoạch chỉ trong 15 ngày của HTX Tân Tiến, Lâm Đồng. Ảnh: VGP/Thành Chung

Hiện nay cả nước đang có 13,8 triệu hộ nông dân với 78 triệu mảnh ruộng nhỏ lẻ. Muốn phát triển nông nghiệp thành công, không thể dựa vào thực tế trên mà phải cơ cấu lại nền nông nghiệp và một trong các giải pháp đó là đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Tại phiên khai mạc Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, nỗ lực của người nông dân, doanh nghiệp đã giúp Việt Nam từ một nước nhập khẩu lương thực đã trở thành một trong những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới.

Để phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, Phó Thủ tướng cho biết Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII chỉ rõ định hướng “xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh xuất khẩu”, tạo tiền đề cho việc triển khai cách mạng công nghiệp 4.0 trong nông nghiệp (nông nghiệp 4.0).

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, Phó Thủ tướng cho rằng bản chất của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là áp dụng thành tựu công nghệ, thay đổi phương thức sản xuất, làm việc trên những cánh đồng bằng phương pháp điều khiển từ xa… để tối ưu hoá quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường, cải thiện đời sống và làm giàu cho người nông dân.

Lãnh đạo Chính phủ dẫn chứng trên thế giới, nông nghiệp 4.0 đã giúp nền nông nghiệp của nhiều quốc gia phát triển và đạt những thành tựu quan trọng. Tại Mỹ, Brazil, Argentina, nông nghiệp 4.0 đã giúp nước này giảm tới 50% giá thành sản xuất ngô và đỗ tương. 
Tại Nhật Bản, chỉ với 2 triệu dân làm nông nghiệp (chiếm 1,5%) trong tổng số 127 triệu dân, canh tác trên 1,5 triệu ha đất nông nghiệp nhưngkhông phải nhập khẩu gạo mà còn xuất khẩu thịt bò và một số rau quả. 
Tại Malaysia, quốc gia ở ASEAN, đã ứng dụng nông nghiệp thông minh, có thể giúp nông dân trồng ớt tăng thu nhập hơn gấp đôi (+129%). Philippines, một nước đang phải nhập khẩu hơn 2 triệu tấn ngô mỗi năm từ 5-10 năm trước, thì năm 2017 tuyên bố đạt hơn 8 triệu tấn ngô, trong khi nhu cầu chỉ cần 5,6 triệu tấn, chủ yếu nhờ tăng sử dụng giống ngô lai và công nghệ tưới bằng năng lượng mặt trời...

Do đó, Phó Thủ tướng khẳng định: “Phát triển nông nghiệp 4.0 là  xu hướng tất yếu trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng. Việt Nam không thể đứng ngoài làn sóng này”.

Để thực hiện hiệu quả nền nông nghiệp 4.0, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Diễn đàn tập trung làm rõ thực trạng và xác định vị trí của nông nghiệp Việt Nam trong bức tranh tổng thể toàn cầu, khu vực; phân tích, đánh giá, làm rõ hiệu quả và những khó khăn vướng mắc về cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Bên cạnh đó, các đại biểu xác định rõ những kinh nghiệm quốc tế về phát triển nông nghiệp 4.0 và thực tiễn ở Việt Nam, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Việt Nam cần tầm nhìn tổng thể phát triển nông nghiệp, định hướng ứng dụng công nghệ cao và phát triển nông nghiệp 4.0.

Diễn đàn cần xác định rõ trách nhiệm của các cấp quản lý, cơ quan chức năng, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông, chú trọng những giải pháp thực sự khả thi, bảo đảm hiệu quả tổng thể, bền vững trong thực hiện các chiến lược, chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ giải pháp cụ thể.

Các đại biểu cũng làm rõ các điều kiện cần thiết để phát triển thành công nông nghiệp 4.0, trong đó có các vấn đề như chính sách đất đai, kết cấu hạ tầng, công nghiệp hỗ trợ, chế biến nông sản, nguồn lực tài chính, nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế.

Theo THÀNH CHUNG/VOV

Theo THÀNH CHUNG/VOV