Phấn đấu tăng dư nợ nguồn vốn chính sách xã hội
(QNO) - Chủ trì buổi làm việc vào sáng 13.10 với Ban đại diện HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Quảng Nam về kết quả hoạt động trong 9 tháng qua, triển khai nhiệm vụ 3 tháng còn lại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh yêu cầu các sở, ngành tập trung triển khai hiệu quả chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ đạt 8% trong năm này.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh chủ trì buổi buổi làm việc. Ảnh: N.Q.Việt |
Thực hiện tốt các chỉ tiêu
Tổng nguồn vốn huy động của Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Quảng Nam đến hết tháng 9 đạt 3.898.042 triệu đồng, tăng 196.658 triệu đồng so với năm 2016, tốc độ tăng trưởng đạt 5,2%. Theo đó, vốn huy động theo lãi suất thị trường là 355.077 triệu đồng, tăng 143.755 so với đầu năm, đạt 159,7%. Vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương là 135.503 triệu đồng, tăng so với đầu năm là 23.615 triệu đồng, đạt 118% kế hoạch, gồm vốn ngân sách tỉnh là 110.712 triệu đồng (tăng 20.527 triệu đồng so với đầu năm), vốn ngân sách cấp huyện là 24.791 triệu đồng (tăng so với đầu năm là 3.088 triệu đồng).
“Thực hiện Chỉ thị 48-CT/TU của Tỉnh ủy, tranh thủ nguồn vốn phân bổ của Trung ương, vốn ủy thác từ ngân sách của địa phương, tăng cường huy động vốn của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn, chúng tôi đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng ưu đãi của các hộ nghèo, các đối tượng chính sách. Đồng thời, để nâng cao chất lượng tín dụng ổn định, bền vững công tác kiểm tra, giám sát đã được tăng cường”, ông Nguyễn Quang Dinh - Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Quảng Nam nói.
Tổng dư nợ tín dụng chính sách xã hội của tỉnh đến ngày 30.9 đạt 3.884.130 triệu đồng, tăng 200.296 triệu đồng so với đầu năm, đạt 98% kế hoạch, tốc độ tăng đạt 5,4%. Đáng kể, 7 chương trình tín dụng có dư nợ tăng 399.151 triệu đồng so với đầu năm, gồm cho vay hộ mới thoát nghèo (tăng 164.037 triệu đồng), cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn (tăng 76.832 triệu đồng), cho vay hộ cận nghèo (tăng 63.422 triệu đồng), cho vay đầu tư nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (tăng 46.285 triệu đồng), cho vay xây dựng nhà ở (tăng 15.331 triệu đồng), cho vay xuất khẩu lao động (tăng 2.474 triệu đồng) và cho vay phát triển kinh tế từ ngân sách địa phương (tăng 30.770 triệu đồng).
Ông Lê Hùng Lam - Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Quảng Nam cho biết, nhiều đơn vị có tốc độ tăng trưởng dư nợ khá là huyện Bắc Trà My (6,6%), Duy Xuyên (7%), Phước Sơn (10%), Đông Giang (15%), Nam Giang (17%). “Trong 9 tháng qua, có 30.283 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn ưu đãi, qua đó góp phần hỗ trợ hàng chục nghìn lao động có việc làm, 64 lao động đi xuất khẩu lao động, 395 học sinh, sinh viên được vay vốn phục vụ học tập, xây dựng 16.553 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường. Ngoài ra, tổng dư nợ cho vay ở các xã xây dựng nông thôn mới là 3.358.708 triệu đồng, qua đó góp phần thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia, tạo chuyển biến ở khu vực nông thôn, miền núi”.
Đồng bộ giải pháp
Theo ông Hồ Thanh Tân - Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh, qua kiểm tra, giám sát cho thấy, từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, có rất nhiều mô hình trồng trọt và chăn nuôi được thực hiện thành công ở khu vực miền núi không chỉ tăng thu nhập cho riêng gia đình triển khai mà còn lan tỏa đến nhiều hộ gia đình khác. Bởi vậy, từ bài học rút ra, rất cần nhân rộng các mô hình này ở các địa phương miền núi khác qua cách đầu tư, chăm sóc...
Tuy nhiên, bất cập nằm ở chỗ, nhóm hộ hay cộng đồng được khoán bảo vệ rừng thì không tiếp cận được nguồn tín dụng này. Việc cấp quyền sử dụng đất cho các hộ dân người miền núi rất khó khăn khiến việc vay vốn ách tắc. “Theo quy định tại Nghị định 75/2015/NĐ-CP, người dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn được ưu đãi vay vốn trồng rừng, chăn nuôi. Quảng Nam đã dành 10 tỷ đồng cho vay theo nghị định này nhưng vẫn chưa giải ngân được vốn là vì không có hộ dân riêng lẻ nào được giao bảo vệ rừng. Bất cập này cần được kiến nghị với Trung ương để khơi thông vốn vay. Ngoài ra, cũng nên chuyển giao gói vay vốn này cho mục tiêu khác, để có thể tăng dư nợ cho vay trong thời gian đến”, - ông Hồ Thanh Tân nói.
Vay vốn ưu đãi giúp hộ nghèo đầu tư chăn nuôi ổn định kinh tế. Ảnh: Q.Việt |
Ông Huỳnh Tấn Triều - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho rằng, nhu cầu vay vốn cho mục tiêu thoát nghèo của tỉnh là rất lớn vì thế cần đẩy mạnh cho vay trên lĩnh vực này. Cụ thể, toàn tỉnh có đến 9.960 hộ đăng ký thoát nghèo, nguồn vốn để giải quyết việc làm theo Nghị định 61 năm 2015, vốn cho vay ưu đãi hộ nghèo theo Nghị định 78 năm 2002, vốn vay cho hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167, cho vay hộ nghèo về chòi canh tránh lũ... cần được khơi thông. “Rất mong công tác tuyên truyền được đẩy mạnh để người nghèo được thụ hưởng. Ngoài ra, toàn tỉnh đã có 476 trường hợp xuất khẩu lao động nhưng mới chỉ có 46 trường hợp được vay vốn theo diện này là rất thấp. Quảng Nam còn đến 124 chỉ tiêu xuất khẩu lao động trong năm 2017 nên nhu cầu vay vốn rất lớn, cũng cần khơi thông lĩnh vực này”, ông Huỳnh Tấn Triều nói.
Trong 9 tháng qua, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Quảng Nam đã triển khai nhiều nội dung về kế hoạch tài chính. Tổng thu đạt 220.569 triệu đồng, trong đó thu lãi từ cho vay là 219.850 triệu đồng, tăng 11.529 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước, đạt 101%. Tổng chi là 186.808 triệu đồng, trong đó, chi trả về dịch vụ ủy thác, hoa hồng cho tổ tiết kiệm và vay vốn, chi cho hoạt động của Ban đại diện hội đồng quản trị là 103.611 triệu đồng. |
Ông Nguyễn Quang Dinh cho rằng, để đạt được tăng trưởng dư nợ là 8% thì công việc từ nay đến cuối năm là rất khó khăn bởi tăng trưởng dư nợ mới đạt 5,4% vào thời điểm này. “Mong UBND tỉnh sớm phê duyệt kết quả điều tra hộ nghèo, thoát nghèo năm 2017 để chúng tôi có căn cứ triển khai cho vay phù hợp trong 3 tháng còn lại. Các hội đoàn thể nhận ủy thác cho vay, bên cạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của các đối tượng vay vốn cũng cần đẩy mạnh thi đua từ nay đến cuối năm để cùng ngành ngân hàng tăng chỉ tiêu về tăng trưởng dư nợ trong thời gian đến”, ông Nguyễn Quang Dinh nói.
Đánh giá về hoạt động tín dụng chính sách xã hội trong 9 tháng qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh cho rằng, bên cạnh các kết quả đạt được vẫn còn không ít hạn chế. Công tác kiểm tra, giám sát của 5 thành viên trong ban đại diện hội đồng quản trị cấp tỉnh còn chưa thực hiện; dư nợ của các hộ vay bỏ đi khỏi nơi cư trú còn nhiều; vận động các hộ vay vốn gửi tiết kiệm còn chưa được thường xuyên; một số chương trình cho vay không triển khai được hoặc triển khai không đạt kế hoạch. Tuy nhiên, phải nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ đạt 8% tăng trưởng dư nợ vào cuối năm này. “Có rất nhiều nội dung, giải pháp chúng ta cần triển khai đồng bộ trong thời gian đến. Trong tháng 10 này, các thành viên đại diện HĐQT phải thực hiện xong công tác kiểm tra, giám sát. Các ban, ngành kiểm soát, xử lý nợ đến hạn, nợ quá hạn, nợ rủi ro, nợ của hộ bỏ đi khỏi nơi cư trú, món vay không hoạt động để nâng cao chất lượng tín dụng. Các hội, đoàn thể cần thực hiện tốt nội dung ủy thác, kiện toàn hoạt động của các tổ vay vốn, nâng cao vốn nhận ủy thác. Công tác vận động tiết kiệm của hộ vay vốn cần được tăng cường, đảm bảo trả nợ đúng hạn”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh nói.
NGUYỄN QUANG VIỆT