Tìm tiếng nói chung để thực hiện dự án PPP

TRỊNH DŨNG (thực hiện) 11/10/2017 08:53

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh hy vọng thông qua diễn đàn đối thoại PPP cấp địa phương đầu tiên tổ chức tại Quảng Nam vào hôm nay (11.10) sẽ  tháo gỡ khó khăn, mở ra một con đường cho các địa phương có đủ cơ sở pháp lý và điều kiện cần thiết để thực hiện các dự án PPP (đầu tư theo hình thức đối tác công - tư).

Đường dẫn cầu Cửa Đại là một trong những dự án PPP đang được triển khai ở Quảng Nam. Ảnh: T.DŨNG
Đường dẫn cầu Cửa Đại là một trong những dự án PPP đang được triển khai ở Quảng Nam. Ảnh: T.DŨNG

P.V: Thưa ông, PPP cần thiết trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp như hiện nay nhưng lý thuyết và hiệu quả thực tế là hai việc khác nhau, ông nhận xét gì về các dự án PPP đã triển khai tại Quảng Nam?

Ông Lê Trí Thanh: Quảng Nam có nhiều thuận lợi để triển khai dự án PPP bởi tiềm năng rất lớn trên lĩnh vực đầu tư hạ tầng và dịch vụ công. Tuy nhiên, hiện Quảng Nam chỉ mới thực hiện chủ yếu là hình thức BT. Đó là xây dựng các trục đường giao thông tại đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, còn nơi khác chưa làm. Đường dẫn cầu Cửa Đại cũng theo hình thức BT thanh toán bằng quỹ đất. Gần đây có dự án BOO về cấp nước Phú Ninh. Chưa thể đa dạng các loại hình (BOT, BOO, BLT, BTL, OM, BT). Các dự án đã thực hiện cho thấy phát huy hiệu quả bởi các khu đô thị và đường dẫn cầu Cửa Đại hoàn thành sẽ khai thác được quỹ đất nằm hai bên trục giao thông, kéo dài từ Điện Nam - Điện Ngọc cho tới Chu Lai. Còn dự án cấp nước Phú Ninh đang triển khai nên chưa thể đánh giá và các hình thức khác chưa thực hiện nên không thể đưa ra nhận xét.

P.V: Vì sao doanh nghiệp không mấy “mặn mà” với loại hình đầu tư này, thưa ông?

Ông Lê Trí Thanh: Quảng Nam đã từng có dự án BOT thực hiện trên một số đoạn, thu phí giao thông và một số dự án BT thanh toán bằng quỹ đất. Những dự án này khả thi từ tính toán trên lưu lượng xe và quỹ đất có khả năng sinh lợi cao (như Điện Bàn giáp Đà Nẵng) nên doanh nghiệp đầu tư. Ngay cả đường dẫn Cửa Đại cũng được thanh toán bằng quỹ đất tại Hội An nên tính sinh lợi cao. Còn những chỗ khác thiếu tính hấp dẫn nên doanh nghiệp ít mặn mà với loại hình đầu tư này. Một nguyên nhân khác là Nghị định 15 và các văn bản hướng dẫn nghị định này chồng chéo, không rõ ràng. Chưa kể nghị định thấp hơn luật, đang bị các luật khác chi phối đến các dự án đầu tư cụ thể mà Nghị định 15 không đủ tầm để  điều chỉnh. Từ đó dẫn đến xung đột pháp lý và trình tự thủ tục đầu tư một dự án PPP theo hướng dẫn của nghị định rất dài. Thông thường phải mất từ một năm rưỡi đến hai năm cho một dự án nhỏ. Thời gian quá dài làm cho nhà đầu tư mệt mỏi. Ngay cả cơ quan chức năng và nhà đầu tư vẫn chưa hiểu rõ hoặc xác định được cụ thể dự án đầu tư này thuộc loại hình nào trong PPP. Hiện không có hướng dẫn nào cụ thể từ các bộ, ngành chủ quản, nên dẫn đến sự lúng túng. Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh mạnh dạn thực hiện, hay Quảng Ninh đã thí điểm các hình thức mới, còn các địa phương khác gần như rất e ngại thực hiện vì sợ không đúng luật. Chính vì vậy số lượng dự án PPP thực hiện tại Quảng Nam thời gian qua rất ít.

P.V: Các dự án thường do doanh nghiệp đề xuất, xin chỉ định thầu hoặc xin cơ chế đặc thù đều viện dẫn lý do là cấp bách, như vậy liệu có bảo đảm cạnh tranh, minh bạch hay không?

Ông Lê Trí Thanh: Đã có quy định về thủ tục triển khai dự án đầu tư qua các bước, ứng với hình thức cơ quan nhà nước hay doanh nghiệp đề xuất dự án. Căn cứ vào đề xuất của nhà đầu tư, cơ quan thẩm quyền sẽ công bố công khai danh mục công trình cần kêu gọi đầu tư trên mạng để tất cả nhà đầu tư có thể tham chiếu đề xuất và nộp hồ sơ đấu thầu thực hiện dự án. Doanh nghiệp đề xuất dự án được chấm điểm ưu tiên khi đấu thầu. Nhưng đấu thầu là bình đẳng. Nếu như nhà đầu tư đề xuất không thắng thầu thì Nhà nước sẽ hoàn trả chi phí cho họ đã bỏ ra để nghiên cứu, lập đề xuất dự án đó. Tuy nhiên, thực tế thì chỉ định thầu vẫn chiếm nhiều hơn. Bởi không ít dự án khi công bố, không có nhà đầu tư nào tham gia, hay quan tâm đến dự án. Nên khi quyết định cũng vẫn là nhà đầu tư đề xuất dự án được thực hiện dự án.

P.V: Các dự án BT dùng quỹ đất - cũng chính là nguồn lực công, tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thì ai có thể đủ lực để kiểm soát nhằm không bị thất thoát. Trong khi doanh nghiệp luôn “một mình, một sân”, có cơ hội “giành” được những khu đất đắc địa, nâng giá đầu tư công trình, hạ giá quỹ đất đối ứng?

Ông Lê Trí Thanh: Các văn bản của Bộ Tài chính quy định chặt chẽ, rõ phương pháp xây dựng giá đất đối ứng cho các dự án BT. Có điều, cơ quan chuyên môn phải thực hiện theo đúng quy định là đảm bảo tính minh bạch. Các khu đất thanh toán cho nhà đầu tư phải phù hợp với thực tế vốn mà nhà đầu tư đã bỏ ra. Trước đây, một dự án BT khi nhà đầu tư xây dựng xong, chuyển giao thì mới được thanh toán bằng quỹ đất khác. Nhưng thực tế vận dụng thấy bất cập bởi nếu làm xong thì nhà đầu tư phải bỏ ra một lượng vốn lớn, sẽ gặp khó khăn trong huy động vốn. Vì vậy, nhà đầu tư được quyền giải phóng, xây dựng xong từng phần dự án sẽ nhận lại các quỹ đất tương ứng. Nhà đầu tư được khai thác các quỹ đất đó đồng thời với việc tiếp tục thi công dự án.

Quảng Nam đang hướng đến việc Nhà nước sẽ chịu trách nhiệm giải tỏa mặt bằng của quỹ đất tương ứng và định giá tại thời điểm đó để thanh toán lại cho nhà đầu tư. Một khi nhà đầu tư thi công công trình, Nhà nước bỏ tiền ra giải phóng mặt bằng quỹ đất đối ứng cho nhà đầu tư và đấu giá công khai. Mọi người đều có thể tham gia đấu giá để mua và cho ra giá trị tiền. Tiền đó thanh toán cho nhà đầu tư. Nếu còn thiếu thì đi làm tiếp chỗ khác. Nếu làm được như vậy thì đó là phương án tốt nhất, minh bạch nhất. Nhưng hiện Nhà nước không đủ tiền hay con người để thực hiện điều này, nên chỉ còn cách là cố kiểm soát từ việc tính toán đầy đủ chi phí thi công dự án, thẩm định, kiểm soát chặt tổng mức đầu tư và khu đất đối ứng phải được tính về vị trí, đặc điểm quy hoạch để xây dựng giá đất cho phù hợp. Việc này thuộc trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn.

P.V: Quảng Nam kỳ vọng gì vào diễn đàn này?

Ông Lê Trí Thanh: Quảng Nam quan tâm đến đầu tư PPP, nhưng khi đi vào cụ thể thì lúng túng. Khảo sát hay hỏi các địa phương khác cũng đều thấy lúng túng. Chính phủ chỉ quan tâm tới dự án PPP cho những công trình mang tầm quốc gia như sân bay, cao tốc, nhà máy điện lớn. Còn những dự án PPP nhỏ được quy định địa phương phải ưu tiên kêu gọi nhưng thực tế vướng, khó thực hiện. Từ thực tế ấy, Quảng Nam đã đề xuất Ban Chỉ đạo PPP Chính phủ cho phép Quảng Nam đăng cai một diễn đàn PPP cấp địa phương. Tại diễn đàn đối thoại cấp địa phương đầu tiên này, sẽ chỉ nói, bàn về những dự án PPP cụ thể ở cấp địa phương. Không nói những dự án của trung ương. Những địa phương, doanh nghiệp quan tâm đến PPP sẽ đến cùng Quảng Nam để đối thoại với các cơ quan của Chính phủ. Hai bên đối thoại cùng nhau để làm sáng tỏ bản chất của PPP đối với từng loại hình dự án cụ thể mà hiện nay đang vướng, tập trung vào các dự án văn hóa, giáo dục, y tế, môi trường và hạ tầng đô thị… Từ những ý kiến của địa phương, doanh nghiệp, bộ, ngành trung ương thông qua thảo luận sẽ đưa ra hình thức lựa chọn tốt nhất. Thông qua diễn đàn này, các địa phương có thể về triển khai đồng loạt dự án ở địa phương và hoàn toàn có thể yên tâm vì đã thảo luận công khai, minh bạch với các cơ quan quản lý cấp cao. Như thế sẽ tạo sự phù hợp, tạo sự yên tâm của địa phương trong quá trình triển khai các dự án PPP.

P.V: Xin cảm ơn ông!

TRỊNH DŨNG (thực hiện)

TRỊNH DŨNG (thực hiện)