Ách tắc quản lý hiện trạng, giải phóng mặt bằng
Công tác quản lý quy hoạch, hiện trạng và giải phóng mặt bằng, dành đất sạch cho nhà đầu tư vẫn đang bị vướng mắc.
Dự án Nam Hội An đang được đẩy nhanh tiến độ thi công sau khi đã nhận được mặt bằng sạch.Ảnh: T.DŨNG |
Khó quản lý hiện trạng
Dọc theo con đường 129 hay ở miệt biển Duy Hải (Duy Xuyên), các nhà đầu tư đã triển khai dự án, nhưng khu vực này vẫn còn không ít khó khăn, rắc rối trong việc giải tỏa, quản lý quy hoạch, hiện trạng. Tại những khu TĐC Nồi Rang, Lệ Sơn, Duy Hải, Sơn Viên, Bình Dương đầy những ngôi nhà cũ, mới phơi mình trên mặt cát, trơ trọi bóng cây. Một số hạ tầng thiết yếu như đường, điện, nước sạch, cây xanh chưa thể hoàn tất như dự án được duyệt. Ông Nguyễn Bốn - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên nói đã liên tục vận động, hỗ trợ thêm kinh phí, nhưng cũng không thể nào kiểm soát nổi hiện trạng. Hiện có 196/227 hộ giải tỏa đã nhận bồi thường, còn 31 hộ chưa chịu nhận tiền vì cho rằng giá bồi thường. Người dân so bì giá mới chênh lệch với giá cũ đến 3 lần (đất khai hoang). Chính quyền giải thích chưa thông. Địa phương đã tiến hành cưỡng chế, thu hồi đất của nhiều hộ không chịu bàn giao; tình hình cơi nới, xây dựng trái phép vẫn chưa chấm dứt.
Theo các cuộc khảo sát của HĐND tỉnh, tổng diện tích đất thu hồi hiện tại khoảng 13.792ha, phục vụ cho 1.215 dự án. Tổng giá trị bồi thường, hỗ trợ tái định cư khoảng 5.724 tỷ đồng với khoảng 68.612 hộ bị ảnh hưởng (khoảng 2.434 hộ bị giải tỏa trắng) và diện tích bố trí tái định cư hơn 55ha. Ông Võ Hồng - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho hay mặc dù UBND tỉnh đã linh hoạt mở rộng cơ chế hỗ trợ bồi thường giải tỏa, tái định cư, nhưng thực tế vẫn gặp không ít khó khăn. Đó là chính sách pháp luật về công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư thiếu ổn định. Tính ra đã có đến 4 lần ban hành luật đất đai, 4 lần sửa đổi. Kể từ năm 2010 đến nay, tại Quảng Nam cứ một năm lại điều chỉnh, bổ sung hoặc thay đổi cơ chế, chính sách bồi thường giải tỏa. Sự thay đổi nhiều lần này đã gây khó khăn, bị động, lúng túng trong công tác giải thích, tuyên truyền, vận động và áp dụng thực hiện bởi sự mâu thuẫn giữa chính sách trước, sau. Đó là chưa kể đến việc thiếu hồ sơ pháp lý về đất đai, quản lý hiện trạng chưa chặt chẽ, thực thi chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư một số nơi thiếu công khai, minh bạch. Khả năng truyền đạt cơ chế, chính sách của cán bộ chuyên môn chưa sâu rộng, ít chi tiết dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện kéo dài, khó giải quyết. Một số địa phương khả năng dự báo, dự lường nhu cầu tái định cư, thu hút, xúc tiến đầu tư còn thiếu chính xác. Việc xây dựng kế hoạch, chuẩn bị đầu tư còn bị động. Hầu hết đều không có sẵn nguồn quỹ đất để phục vụ nhu cầu tái định cư. Ngoài ra, từ phía người dân vẫn còn trông chờ, ỷ lại hoặc cố ý chây ì, cơi nới, xây dựng lấn chiếm trái phép để trục lợi vẫn xảy ra.
Ách tắc mặt bằng
Làm thế nào gỡ khó cho việc giải phóng mặt bằng, tái định cư luôn nóng tại các cuộc họp. Hầu hết báo cáo của chính quyền địa phương lẫn các chủ đầu tư, đơn vị chịu trách nhiệm bồi thường giải tỏa mặt bằng gần như “bất lực” trong việc kiểm soát quản lý hiện trạng. Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho rằng khá nhiều dự án chững lại vì người dân không chịu hợp tác. Chuyện tái định cư phức tạp nhất trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.
Không kể việc người dân so bì về mức bồi thường, thì việc các khu tái định cư dở dang hoặc chưa có giá đất, quỹ đất để tạo điều kiện cho người bị giải tỏa đến định cư chính là điều khiến cho tình trạng giải phóng mặt bằng ì ạch như lâu nay. Trong một báo cáo mới đây của HĐND tỉnh đã chỉ ra rằng khá nhiều khu tái định cư đã đưa vào sử dụng nhưng hệ thống hạ tầng kỹ thuật dang dở, kéo dài nhiều năm. Một vài khu tái định cư cơ bản hoàn chỉnh về kết cấu hạ tầng nhưng xây dựng ở một vị trí không thuận lợi, thiếu sinh kế, nên không hấp dẫn người dân đến ở. Ông Nguyễn Đức - Trưởng ban Kinh tế và ngân sách HĐND tỉnh cho rằng việc bố trí tái định cư hiện được tiến hành song song với triển khai dự án, thậm chí theo quy trình ngược, nên có nơi người dân đã nhận tiền bồi thường nhiều năm nhưng vẫn chưa được bố trí tái định cư. Điều đáng lo ngại nhất là số lượng, chất lượng phục vụ của Trung tâm Phát triển quỹ đất thuộc Sở Tài nguyên - môi trường (sau khi sáp nhập các trung tâm quỹ đất của cấp huyện) còn nhiều hạn chế. Đó chính là một trong nhiều lý do khiến việc quản lý hiện trạng đất đai, quy hoạch, quản lý hồ sơ địa chính ở địa phương lỏng lẻo, tiến độ triển khai thực hiện dự án quy hoạch, dự án đầu tư còn chậm, kéo dài nhiều năm, thậm chí hàng chục năm. Việc bàn giao dự án từ chủ đầu tư về cho địa phương quản lý chưa kịp thời, gây khó khăn cho công tác quản lý hiện trạng, dẫn đến việc cơi nới, xây dựng trái phép và phát sinh những mâu thuẫn về quyền lợi của người dân khi thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư…
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nói quản lý hiện trạng đất đai có vấn đề. Hàng ngày ông đã phải nhận hàng chục tin nhắn khiếu kiện vì đo đạc đất đai sai. Không thể để tình trạng này tiếp diễn. Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu yêu cầu các chủ đầu tư phải có trách nhiệm giải phóng mặt bằng, kiểm soát quy hoạch từng dự án, nhất là các dự án vùng đông. Khu vực này được giao cho những dự án lớn. Chính quyền chấp nhận nhà đầu tư kêu gọi các nhà đầu tư thứ cấp. Vấn đề còn lại là quản lý tốt quy hoạch, hiện trạng. “Thổi còi” ngay các nhà đầu tư vi phạm quy hoạch. Bế tắc giải phóng mặt bằng chính là quản lý quy hoạch lỏng lẻo. Chính quyền đã quyết định bàn giao 6 chi nhánh trung tâm phát triển quỹ đất (sau 2 năm hợp nhất) về lại các địa phương. Lý do là thiếu sự hợp tác giữa các địa phương với trung tâm và dự án đầu tư quá nhiều nên trung tâm này không thể hoạt động hiệu quả.
TRỊNH DŨNG