Liên kết phát triển duyên hải miền Trung: Không thể mạnh ai nấy chạy (bài 2)
BÀI 2: CÁC KHU KINH TẾ TÌM “SẾU ĐẦU ĐÀN”
Tìm “sếu đầu đàn” là tìm doanh nghiệp và ngành hàng chủ lực, có khả năng đầu tư lớn, tạo sự lan tỏa và dẫn dắt tăng trưởng. Hầu như rất ít khu kinh tế ven biển làm được điều đó, trong khi lại dàn hàng ngang đầu tư, đánh mất dần lợi thế cạnh tranh của toàn vùng duyên hải miền Trung.
Rất ít khu kinh tế có được “sếu đầu đàn” như Thaco với sản phẩm ô tô. |
Từ ngày 23.9.2008, Chính phủ đã có quyết định (số 1353/QĐ-TTg) phê duyệt Đề án “Quy hoạch phát triển các khu kinh tế ven biển của Việt Nam đến năm 2020”. Theo đó, 15 khu kinh tế ven biển được hình thành từ Quảng Ninh đến Cà Mau, trong đó miền Trung có tới 10 khu, gồm Nghi Sơn (Thanh Hóa), Đông Nam Nghệ An, Vũng Áng (Hà Tĩnh), Hòn La (Quảng Bình), Chân Mây - Lăng Cô (Thừa Thiên Huế), Chu Lai (Quảng Nam), Dung Quất (Quảng Ngãi), Nhơn Hội (Bình Định), Nam Phú Yên và Vân Phong (Khánh Hòa). Hiện nay, duyên hải miền Trung (từ Huế vào nam) có 6 khu kinh tế, tập trung chủ yếu vào các ngành sản xuất vật liệu xây dựng, du lịch, lọc hóa dầu, năng lượng, lắp ráp ô tô, sửa chữa và đóng mới tàu biển, chế biến nông lâm thủy sản, hóa chất, khai khoáng, cơ khí, điện, điện tử, điện lạnh, công nghiệp thông tin, dệt may, da giày... với các sản phẩm chủ lực là hóa dầu, thủy điện, ô tô, hải sản, dệt may, da giày, cao su... ; 1 khu công nghệ cao; 37 khu công nghiệp (trong đó có 22 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, diện tích đất đã cho thuê là 5.588ha).
Thành công ít, hạn chế nhiều
Tổng quan, các khu kinh tế ven biển đã góp phần tạo động lực phát triển của các địa phương, thu hút đầu tư, tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động, tăng nguồn thu ngân sách. Nhiều tỉnh trong vùng đã có tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ chiếm khoảng 70%. Điển hình là Khu kinh tế mở Chu Lai, được đánh giá thành công sau gần 15 năm xây dựng. Nơi đây, hiện có 98 dự án được cấp phép với tổng vốn đầu tư hơn 1,9 tỷ USD, trong đó có 68 dự án đã đi vào hoạt động, tổng vốn thực hiện gần 805 triệu USD (15 dự án FDI đã đi vào hoạt động, tổng vốn thực hiện gần 181 triệu USD). Đáng chú ý, các dự án rất lớn đang được kỳ vọng xúc tiến đầu tư vào đây như: dự án đầu tư phát triển sân bay Chu Lai; dự án khí - điện của Tập đoàn ExxonMobil và Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam... “Sếu đầu đàn” của Chu Lai là Thaco, sản phẩm chủ lực là ô tô, bình quân đóng góp khoảng một nửa nguồn thu của tỉnh mỗi năm.
Tuy nhiên, đánh giá chung toàn vùng thì các khu kinh tế vẫn chưa xứng với tiềm năng, lợi thế (chỉ mới đạt tỷ lệ lấp đầy 42%), vì nhiều nguyên nhân, trong đó đáng chú ý là nhiều khu chưa tìm được “sếu đầu đàn”, còn dàn hàng ngang trong thu hút đầu tư phát triển. Do vậy, không ít khu kinh tế “vắng như chùa Bà Đanh”, ai “chạy” được dự án thì làm cái nấy. Như bình luận của ông Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam là “các tỉnh miền Trung có nhiều thế mạnh, mạnh nhất là mạnh ai nấy chạy” (!).
Bức tranh đầu tư phát triển của cả vùng thấy rõ sự dàn trải dựa trên tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương về tài nguyên (thiên nhiên, nhân văn), nguồn nhân lực dồi dào, lao động rẻ... Đã xuất hiện những xung đột giữa lợi ích địa phương với lợi ích toàn vùng, do các tỉnh đều ưu tiên tập trung phát triển khu kinh tế. Trong khi đó, các ngành kinh tế chủ lực của các tỉnh có cơ cấu ngành, sản phẩm khá trùng lắp, thiếu các ngành công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ. Hầu hết khu kinh tế có tình trạng nguồn vốn đầu tư mới đáp ứng một phần yêu cầu phát triển, nhất là yêu cầu phát triển kết cấu hạ tầng, thiếu các cơ chế, chính sách cho việc huy động vốn cũng như liên kết kinh tế. Doanh nghiệp hoạt động ở các tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh thấp.
Thách thức nảy sinh là việc dung hòa lợi ích giữa các địa phương trong cơ chế ưu đãi áp dụng cho khu kinh tế. Hiện nay, chúng tôi được biết có đề xuất lựa chọn thí điểm mô hình đặc khu kinh tế (SEZ) là Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang), nên khá nhiều tỉnh thành khác như TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, thậm chí cả Hà Nội cũng đang đòi hỏi những chính sách đặc thù cho các khu kinh tế.
Nói về “điểm nghẽn” cơ chế đặc thù của khu kinh tế, không đâu rõ hơn là Chu Lai. Kỳ vọng khi Chu Lai hình thành là thí điểm các cơ chế, chính sách ưu đãi vượt trội, nhắm đến năng lực cạnh tranh quốc tế. Tuy nhiên, khát vọng đó không thành, như ông Đỗ Xuân Diện - Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Chu Lai từng bộc bạch, thời gian qua chủ yếu Quảng Nam “tự làm, tự đi xin cơ chế, tự tổ chức quy hoạch, tự đào tạo và tổ chức tuyển dụng cán bộ cho khu kinh tế này”. Và nay Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai cũng mong muốn có luật về khu kinh tế để tạo hành lang pháp lý cho cơ chế hoạt động thuận lợi, đồng thời Chính phủ xác lập cho Chu Lai được hưởng cơ chế như mô hình đặc khu kinh tế. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đặt ra vấn đề thảo luận tại Diễn đàn kinh tế miền Trung là cần nhận thức thế nào để khu Chu Lai là “hạt nhân của vùng”.
Cần cú hích mạnh
Một khảo sát của TS.Võ Trí Thành tại Diễn đàn kinh tế miền Trung cho thấy vùng duyên hải miền Trung yếu liên kết bởi do rào cản lớn nhất là thiếu hệ thống động lực chung. Muốn có động lực ấy thì phải có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của trung ương mà trước hết là cần rà soát các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, quy hoạch các khu kinh tế của vùng để phân bố lại lực lượng sản xuất theo hướng ưu tiên khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương; liên kết để phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ, tăng cường các hình thức doanh nghiệp vệ tinh, thuê ngoài; từng bước hạn chế sự trùng lắp về cơ cấu ngành, sản phẩm, giảm thiểu chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Theo đề xuất của Nhóm tư vấn phát triển vùng, Chính phủ cần giao cho Bộ Kế hoạch và đầu tư cùng với Ban Điều phối vùng duyên hải miền Trung chủ trì, phối hợp với các tỉnh trong vùng rà soát quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế tại vùng duyên hải miền Trung trình Chính phủ phê duyệt điều chỉnh. Trên cơ sở đó, tiến hành điều chỉnh cơ bản về mục tiêu phát triển, quy mô diện tích và quy hoạch các phân khu chức năng của từng khu kinh tế cho phù hợp với khả năng thu hút đầu tư cũng như không trùng lắp với chức năng của các khu kinh tế khác, giúp cho việc tập trung nguồn lực vào các mục tiêu mũi nhọn của từng khu kinh tế và giảm bớt tình trạng cạnh tranh lẫn nhau giữa các khu kinh tế trong vùng. Cần đổi mới mô hình quản lý các khu kinh tế, mở rộng phân cấp, phân quyền và ủy quyền cho các ban quản lý, bảo đảm cơ chế hành chính “một cửa”.
Cần liên kết phát triển công nghiệp hỗ trợ để khai thác tiềm năng, thế mạnh về vùng nguyên liệu, lao động, vốn… của các địa phương trong khu vực nhằm phục vụ phát triển các ngành công nghiệp chủ lực ở các khu kinh tế, khu công nghệ cao trong vùng. Cần nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế có ý nghĩa động lực gồm Chân Mây - Lăng Cô, Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội, Nam Phú Yên và Vân Phong. Xây dựng quy chế đặc thù phát triển vùng kinh tế Chu Lai - Dung Quất, làm trung tâm công nghiệp - cảng biển (logistics) - đô thị biển của vùng duyên hải miền Trung. Cần gắn kết hai khu kinh tế này trong tổng thể phát triển, không bị chia cắt bởi hành chính địa phương.
Trong vấn đề thu hút đầu tư (nhất là đầu tư nước ngoài, FDI) vào các khu kinh tế cần có định hướng chọn lọc vào các lĩnh vực quan trọng: công nghệ cao; công nghiệp phụ trợ công nghệ cao; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao (du lịch, thương mại, logistics, khám chữa bệnh,...); công nghiệp môi trường; công nghiệp quốc phòng... tạo ra các sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao để tham gia mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Trong đó, có một giải pháp cụ thể là phải xây dựng hoàn thiện thông tin chi tiết về dự án (project profile) đối với danh mục đầu tư trọng điểm của cả vùng để kêu gọi đầu tư nước ngoài, đồng thời có chính sách vận động, thu hút đầu tư đối với các tập đoàn đa quốc gia cũng như có chính sách riêng đối với từng tập đoàn, các đối tác trọng điểm ở Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Hoa Kỳ... Ngay trong thu hút đầu tư cũng cần tính đến vai trò “sếu đầu đàn”. Kinh nghiệm từ Quảng Nam, Quảng Ngãi cho thấy mỗi khu kinh tế chỉ cần có dự án hay doanh nghiệp lớn là mọi chuyện có thể thay đổi, nhất là về khía cạnh ngân sách, như nhận xét của TS.Huỳnh Thế Du, chuyên gia Đại học Fulbright.
---------------
Bài 3: Mạng lưới cảng, đừng để “mắt nhắm mắt mở”
Mạng lưới cửa cảng được xem là những “con mắt” để nhìn ra bầu trời và biển cả. Liệu với tiềm năng hiện có, những “con mắt” ấy đã mở thông thoáng chưa?
ĐĂNG QUANG