Kinh tế - xã hội 8 tháng đầu năm: Tăng trưởng chậm, song vẫn lạc quan

XUÂN PHÚ 31/08/2017 09:39

Sáng qua 30.8, UBND tỉnh tổ chức họp giao ban tình hình triển khai thực hiện kinh tế - xã hội tháng 8 và tám tháng đầu năm 2017. Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu chủ trì cuộc họp. Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang đến dự.

UBND tỉnh yêu cầu thời gian tới các ngành, địa phương tập trung tăng thu ngân sách.  TRONG ẢNH: Lực lượng chức năng kiểm tra việc chấp hành nghĩa vụ thuế đối với những hộ nộp thuế khoán. Ảnh: VĂN DŨNG
UBND tỉnh yêu cầu thời gian tới các ngành, địa phương tập trung tăng thu ngân sách. TRONG ẢNH: Lực lượng chức năng kiểm tra việc chấp hành nghĩa vụ thuế đối với những hộ nộp thuế khoán. Ảnh: VĂN DŨNG

Tại phiên họp, các vấn đề được đại biểu tiếp tục mổ xẻ, phân tích và đưa ra các giải pháp tháo gỡ là sản xuất công nghiệp khó khăn, thu ngân sách không đạt kế hoạch và khả năng hụt thu năm 2017...

Sản xuất công nghiệp giảm

Theo nhận định của UBND tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh 8 tháng đầu năm có chuyển biến tích cực trên một số mặt. Công tác giải phóng mặt bằng, triển khai các dự án trọng điểm được tập trung; số doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ. Tuy nhiên, còn gặp nhiều khó khăn, đáng quan tâm là chỉ số sản xuất công nghiệp những tháng liên tiếp gần đây sụt giảm, lượng hàng tiêu thụ thấp, tồn kho cao, nhất là ngành ô tô. Dự báo tình hình những tháng còn lại khó có khả năng phục hồi nên tăng trưởng và tỷ lệ đóng góp của ngành công nghiệp vào tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế sẽ thấp hơn kế hoạch đề ra. Vì vậy, mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2017 đạt 11,5% là khó thực hiện.

Phát biểu tại phiên họp, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang đặt vấn đề nên tách nguồn thu ô tô ra, xem dự toán thu tăng bao nhiêu để có giải pháp chủ động trong thu ngân sách trong thời gian tới; bởi hiện nay các ngành khác đều tăng trưởng khá tốt. Đồng chí Nguyễn Ngọc Quang thống nhất với ý kiến cho rằng phải so sánh với thời kỳ đầu ổn định ngân sách để thấy sự tăng trưởng. Cải cách hành chính hiện nay mới “2 trong 1” là tiếp nhận và trả về. Sắp tới phải tập trung làm mạnh hơn, hướng tới “4 trong 1”, cả thẩm định và phê duyệt”.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8 tiếp tục giảm 16% so với tháng trước và giảm 24% so với cùng kỳ, chủ yếu là do ngành chế biến chế tạo chiếm tỷ trọng lớn nhưng giảm mạnh (nhất là sản xuất và tiêu thụ ô tô). Như vậy, ngành sản xuất và lắp ráp ô tô 3 tháng gần đây liên tiếp giảm sản lượng sản xuất cũng như sản lượng tiêu thụ, kéo theo chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành giảm. Cộng dồn 8 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm gần 2,6% so cùng kỳ; trong đó giảm chủ yếu ở ngành chế biến chế tạo, giảm 6,8%. Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 8 giảm 16% so với tháng trước. Ngoài ngành ô tô, một số ngành khác có chỉ số tiêu thụ giảm như sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 30%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 23%. Chỉ số tồn kho đến đầu tháng 8 giảm 2,6% so với tháng trước (một số sản phẩm giảm như sản xuất xe có động cơ giảm 18%, sản xuất trang phục giảm 3,4%) nhưng không phải do mức tiêu thụ tăng mà là do sản xuất ở những mặt hàng này đang giảm.

Cần cắt giảm chi  để bù hụt thu

UBND tỉnh đánh giá, tình hình sản xuất công nghiệp gặp khó khăn khiến cho công tác thu ngân sách không đạt kế hoạch. Đến ngày 31.8, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước khoảng 12.287 tỷ đồng, gần bằng 59% dự toán, giảm 3,5% so với cùng kỳ và đạt thấp so với tiến độ đề ra (8 tháng năm 2016 đạt 90%). Trong đó, thu nội địa 8.770 tỷ đồng, tăng 2,5% so với cùng kỳ, bằng 62% dự toán năm, mặc dù số thu cao hơn nhưng tiến độ thu thấp. Thu xuất nhập khẩu hơn 3.312 tỷ đồng, bằng 51,6% dự toán, thấp hơn 16% so với cùng kỳ năm 2016. Với kết quả thu 8 tháng, trong đó thu ở những ngành, lĩnh vực quan trọng như ô tô đạt thấp nên dự kiến tình hình thu ngân sách sẽ khó khăn so với dự toán đề ra. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư đạt thấp so với kế hoạch được giao. Tính đến giữa tháng 8.2017, tỷ lệ giải ngân đạt 49%, trong đó nguồn vốn ngân sách địa phương 51%; nguồn vốn chương trình mục tiêu đạt 50%, nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia đạt 25%.

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng cho biết “đã đọc Báo Quảng Nam số ra ngày 29.8 đề cập những tồn tại, bất cập của ngành giáo dục” và cho biết: vấn đề mua sắm tập trung, UBND tỉnh đã họp với Sở Y tế, Sở GD-ĐT, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh và chỉ đạo 30 hồ sơ đang đọng tại ban tiếp tục thực hiện, còn sắp tới giải thể việc tập trung đấu thầu, giao quyền chủ động cho các đơn vị mua sắm. Đồng thời giao cho Sở Tài chính phối hợp với Sở Y tế và Sở GD-ĐT nghiên cứu, xem xét với tinh thần dưới 200 triệu đồng thì cơ sở tự mua.

Liên quan đến vấn đề phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS, theo ông Trần Đình Tùng, cái gì mới ra đời thì dư luận khó chấp nhận nhưng phải từng bước và cho biết “sắp tới còn phân luồng mạnh mẽ hơn nữa chứ không phải dừng 90% như hiện nay”. Do đó, cần tuyên truyền, định hướng cho con em đi học nghề, vừa có nghề, vừa vẫn được học văn hóa.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Lê Phước Hoài Bảo, tính toán của ngành thì dự báo mức tăng trưởng cả năm sẽ vào khoảng 6,4 - 6,9% nên có thể nói chỉ tiêu 11,5% là không thể. Vì vậy, trong những tháng còn lại, các cấp, các ngành và địa phương trong tỉnh cần rà soát, cắt giảm các khoản chi chưa bức thiết để bù hụt thu; triển khai quyết liệt các giải pháp chống thất thu ngân sách, nhất là các khoản thu liên quan đến các doanh nghiệp vãng lai, xăng dầu, lĩnh vực đất đai, tài nguyên khoáng sản. Rà soát tăng thu từ các doanh nghiệp, dự án có khả năng thu trong những tháng cuối năm như thu từ sử dụng đất, bia, nước giải khát, thủy điện và một số nhà máy sắp đi vào hoạt động.

Giám đốc Sở Tài chính Phan Văn Chín cho biết thêm, thông tin mới nhất tính đến ngày 28.8 thì tổng thu ngân sách cả tỉnh là 12.660 tỷ đồng, đạt 60,4% dự toán, trong đó thu nội địa 9.196 tỷ đồng, đạt 65% dự toán, thu xuất khẩu 3.253 tỷ đồng, 50,7% dự toán. Với tiến độ thu như thế này, trừ ô tô và bia, ngành tài chính dự kiến thu năm 2017 là 13.500 tỷ đồng/dự toán 14.150 tỷ đồng.

Tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp

Trước băn khoăn của Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu về việc hiện 108 doanh nghiệp nợ từ 1 tỷ đồng tiền thuế trở lên với tổng số nợ hơn 500 tỷ đồng trong khi tỉnh phải giải quyết từng tỷ đồng cho các chủ đầu tư, ông Ngô Bốn - Cục trưởng Cục Thuế cho rằng, số thu 8 tháng của năm 2017 bằng cả năm 2015 và từ hơn 1.000 tỷ đồng tiền nợ hồi đầu năm, đến nay các doanh nghiệp còn nợ hơn 500 tỷ đồng là một nỗ lực lớn của ngành thuế.

Nói về tình hình thu ngân sách năm 2017 không đạt kế hoạch, theo ông Bốn, không nên “ảo tưởng” vì năm 2016 tỉnh ta vượt thu quá lớn. Do đó phải so với thời kỳ đầu ổn định ngân sách để thấy tốc độ tăng trưởng. Theo dự kiến thì tỉnh tăng trưởng hơn 50% so với chỉ tiêu (6,9% so với hơn 11%) thì ngành thuế lấy đâu ra được nguồn để thu? Thế nên, nếu điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng thì cần điều chỉnh chỉ tiêu thu để “ngành thuế không phải là đơn vị duy nhất của tỉnh không hoàn thành kế hoạch năm”. Nhắc lại tình trạng nhiều doanh nghiệp vãng lai không nộp thuế tại Quảng Nam, ông Bốn đề nghị tỉnh nghiên cứu giải pháp khắc phục, làm thế nào để doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh ở Quảng Nam thì phải đóng thuế trên địa bàn.

Kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu khẳng định, nhìn chung các chỉ tiêu tăng trưởng trong 8 tháng qua tương đối tốt, chỉ có công nghiệp ô tô không đạt kế hoạch do cơ chế chính sách thay đổi, tâm lý tiêu dùng của người dân và vì vậy mục tiêu tăng trưởng 11,5% của năm nay chắc chắn sẽ không đạt được. Tuy nhiên, vẫn có thể lạc quan khi thời gian qua và sắp tới đây một số nhà máy sản xuất lớn trên lĩnh vực thủy điện, bia, nước giải khát đi vào hoạt động, góp phần tăng trưởng cho 4 tháng cuối năm 2017 và năm 2018. Về nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu yêu cầu các ngành, địa phương quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh; đồng thời tiếp tục tập trung thu ngân sách, chống gian lận, trốn thuế, thất thu nợ đọng thuế; quản lý chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm. Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn năm 2017, nhất là chương trình mục tiêu. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, từ ngày 1.1.2018 phải thực hiện “4 trong 1”. Cán bộ của các sở cử đến trung tâm hành chính công tiếp nhận cũng là người thẩm định hồ sơ, tạo thuận lợi, nhanh chóng cho người dân và doanh nghiệp.

XUÂN PHÚ

XUÂN PHÚ