"Đầu ra" của cánh rừng gỗ lớn

TRẦN HỮU 18/08/2017 08:39

Giữa vùng đồi núi Hiệp Đức nhấp nhô, tọa lạc một nhà máy chế biến gỗ công nghiệp quy mô lớn. Sự xuất hiện của nhà máy này đã mở ra cơ hội phát triển kinh tế bản địa, dần hiện thực hóa giấc mơ cánh rừng gỗ lớn.

Dây chuyền công nghệ sản xuất của nhà máy chế biến gỗ MDF Quảng Nam rất hiện đại.
Dây chuyền công nghệ sản xuất của nhà máy chế biến gỗ MDF Quảng Nam rất hiện đại.

Nhà máy giữa vùng  nguyên liệu

Chủ trương của tỉnh nhiều năm nay là “trải thảm đỏ” mời gọi doanh nghiệp lên miền núi đầu tư, giúp người dân tổ chức lại hình thức sản xuất. Song thực tế lại không như kỳ vọng bởi thời điểm này nhà đầu tư vẫn còn dè dặt, số doanh nghiệp thì cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vượt qua rào cản đó, Công ty CP Gỗ công nghiệp Quảng Nam mạnh dạn thuê gần 20ha đất, đầu tư dây chuyền, công nghệ sản xuất hiện đại, xây dựng nhà máy chế biến gỗ MDF tại thôn Nam An Sơn (xã Quế Thọ, Hiệp Đức) với tổng vốn đầu tư tính đến nay hơn 150 tỷ đồng. Nhà máy có diện tích hơn 10ha gồm bãi tập kết nguyên vật liệu, hệ thống nhà xưởng chế biến và bước vào giai đoạn đầu hoạt động với công suất đạt 30%, tương đương mỗi năm sản xuất, chế biến 75.000m3 sản phẩm gỗ các loại.

Quy trình sản xuất, chế biến gỗ của nhà máy MDF hoàn toàn khép kín, máy móc đều tự động hóa. Công nhân lao động ở các phân xưởng chủ yếu đưa gỗ vào máy móc rồi nhận sản phẩm chuyển đến quy trình chế biến tiếp theo. Công ty có 3 nhà máy sản xuất liên hoàn là ra thành phẩm ván ép, ván ghép thanh và sản xuất ván MDF. Sản phẩm gỗ đa dạng, hiện nay chủ yếu phục vụ cho thị trường trang trí nội thất, gia dụng, đồ gỗ mỹ nghệ trong nước. Ông Phan Văn Thiếp - Giám đốc điều hành Công ty CP Gỗ công nghiệp Quảng Nam cho biết, nhà máy chính thức vận hành từ tháng 5.2017. Sản phẩm gỗ của công ty đa dạng từ vật liệu như ván ép, ván ép phủ phim, ván neneer, ván ghép thanh, ván MDF đến bộ sưu tập các màu sắc từ vân gỗ khác nhau, giúp khách hàng thoải mái lựa chọn và sáng tạo trong những ý tưởng thiết kế đa dạng. “Nguồn nguyên liệu chủ yếu mua từ gỗ rừng trồng trong nhân dân với giá cao hơn thị trường. Thông thường nếu người dân bán gỗ keo cho các nhà máy sản xuất băm gỗ thô chỉ mức 900 nghìn đồng/tấn, thì công ty mua hơn 1,3 triệu đồng/tấn, do gỗ có đường kính to hơn, thời gian trồng đến thu hoạch dài gấp đôi. Sau khi làm phép tính đơn giản, nếu có gỗ lớn để chế biến thì cả doanh nghiệp và người trồng rừng đều được lợi nhiều hơn” - ông Thiếp so sánh cái lợi khi có nguồn gỗ lớn chế biến.

Gỗ keo được ép thành phẩm ván ép tại nhà máy. Ảnh: T.H
Gỗ keo được ép thành phẩm ván ép tại nhà máy. Ảnh: T.H

Sản phẩm gỗ của công ty phân phối khu vực miền Trung, ký kết hợp đồng với một số đối tác miền Nam. Theo ông Thiếp, gỗ sau khi chế biến sẽ “bền bỉ với thời gian”, bề mặt không bị cong vênh, bay màu hay nứt nẻ; gỗ dòng cao cấp còn sử dụng ngoài trời. Mới đi vào hoạt động nhưng công ty có nhiều chính sách thông thoáng trong thu hút nguồn lao động tại chỗ. Chị Nguyễn Thị Hiền (thôn Mỹ Hạnh, xã Quế Thọ) từng làm công nhân may cho một doanh nghiệp tại thị trấn Tân An (Hiệp Đức) nhưng đã về đây làm việc nhiều tháng nay. Chị bảo, thời gian đầu lao động không thường xuyên nhưng với mức lương 3,5 triệu đồng/tháng là chấp nhận được. Làm việc lâu dài, công ty sẽ đóng bảo hiểm và cam kết chi trả các chế độ cho người lao động. Ông Thiếp thông tin thêm, thời điểm này các nhà máy sử dụng hơn 100 lao động phổ thông, lương bình quân của công nhân 3,5 triệu đồng/tháng. Khi nhà máy khai thác hết công suất hoạt động sẽ thu hút ít nhất 300 lao động.

Giấc mơ vươn ra biển lớn

Ngày 19.8, Công ty CP Gỗ công nghiệp Quảng Nam tổ chức khánh thành nhà máy chế biến gỗ MDF Quảng Nam, sau nhiều năm khởi công đầu tư giai đoạn 1 với công suất 75.000m3/năm. Hiện nhà máy chuyển sang đầu tư giai đoạn 2. Theo Công ty CP Gỗ công nghiệp Quảng Nam, kế hoạch đầu tư của doanh nghiệp đạt công suất 130.000m3 sản phẩm/năm, bao gồm các loại sản phẩm ván ép, ván ghép thanh, ván MDF. Theo đó, nhà máy sản xuất ván ép có quy mô 45.000m3 sản phẩm/năm, nhà máy sản xuất ván ghép thanh có quy mô 30.000m3 sản phẩm/năm và nhà máy sản xuất ván MDF quy mô 55.000m3 sản phẩm/năm. Tổng vốn đầu tư của dự án 500 tỷ đồng. Doanh nghiệp đang khảo sát, xin chủ trương của tỉnh cho phép thuê đất, hoặc liên kết trồng rừng với người dân để hình thành vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh vừa ký văn bản yêu cầu các ngành liên quan, các địa phương tạo điều kiện hướng dẫn các thủ tục cần thiết cho công ty thuê đất, liên kết đầu tư để hình thành vùng nguyên liệu tập trung phục vụ cho nhu cầu sản xuất, chế biến ổn định của nhà máy.

Một thời gian khá dài ngành lâm nghiệp, chế biến gỗ của tỉnh lâm vào tình cảnh “thua trên sân nhà”. Mang danh nghĩa là vùng “rốn nguyên liệu” nhưng giá trị gỗ mang lại thấp, khó cạnh tranh trên thị trường. Người trồng rừng chạy theo lợi nhuận mà bán rừng non, trong khi nhiều nhà máy chế biến dăm gỗ đồng loạt ra đời, chủ yếu tiêu thụ gỗ rừng sản xuất với chu kỳ trồng, khai thác ngắn. Hệ lụy là các doanh nghiệp trong tỉnh phải nhập khẩu gỗ từ nước ngoài với chi phí cao để chế biến, gia công thành sản phẩm. Thực tế nguồn gỗ trên địa bàn tỉnh phần lớn khai thác sau 4 - 5 năm trồng và được trồng với mật độ dày, nên phục vụ cho chế biến đồ gỗ, đặc biệt các sản phẩm gỗ xuất khẩu rất ít. Nhiều lô hàng sản phẩm gỗ xuất khẩu buộc phải trả về nước do thiếu minh bạch trong sử dụng nguồn gốc lâm sản.

Sự hình thành nhà máy chế biến gỗ MDF đem lại nhiều lợi ích cho địa phương. Ông Đoàn Văn Hùng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Gỗ công nghiệp Quảng Nam phân tích: người trồng rừng sẽ là đối tượng hưởng lợi trực tiếp, bởi gỗ làm ra không sợ bị các đầu nậu ép giá, thậm chí được công ty mua với giá cao hơn so với mặt bằng chung của thị trường. Có nhà máy tiêu thụ gỗ kéo theo ngành kinh tế lâm nghiệp phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng chỉ số về công nghiệp cho địa phương. Thứ nữa là người dân yên tâm đầu tư trồng rừng gỗ lớn, sẽ tăng giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích canh tác. Hiện tại sản phẩm làm ra của công ty chỉ tiêu thụ ở phạm vi nội địa, bởi nguồn gốc gỗ của nhân dân chưa đảm bảo tính hợp pháp, chất lượng theo các tiêu chuẩn đánh giá của quốc tế. Tuy nhiên, sau này khi hình thành được vùng nguyên liệu đủ lớn, gỗ rừng trồng được cấp chứng chỉ rừng FSC (do Hội đồng quản trị rừng thế giới cấp), công ty sẽ hướng đến xuất khẩu. “Chúng tôi cam kết trong việc bảo vệ môi trường, bảo tồn và gìn gữ rừng thông qua việc chỉ sử dụng những loại keo và nguyên liệu đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn châu Âu và Bắc Mỹ, không gây nguy hại đến môi trường và an toàn cho người sử dụng. Mục tiêu hướng đến của công ty là xây dựng thành công chuỗi sản phẩm và dịch vụ đẳng cấp, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, nâng tầm ngành công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam trên trường quốc tế” - ông Hùng đặt mục tiêu.

Công ty CP Gỗ công nghiệp Quảng Nam kiến nghị, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình trồng rừng gỗ lớn phải nhanh chóng được cụ thể hóa. Theo ông Hùng, sắp tới UBND tỉnh phải mạnh mẽ tích tụ đất rừng từ quỹ đất mà địa phương quản lý để cho doanh nghiệp thuê trồng rừng gỗ lớn. Sớm thành lập hội chủ rừng của tỉnh và của huyện hay hợp tác xã để doanh nghiệp làm việc trực tiếp với người đại diện nhằm ký hợp đồng thuê đất lâu dài. Cạnh đó, Chính phủ cần triển khai chính sách cho vay vốn trồng rừng đối với doanh nghiệp đầu tư trồng rừng gỗ lớn và chính sách bảo hiểm đối với rừng trồng.

TRẦN HỮU

TRẦN HỮU